QUYỂN TÁM
Hán dịch: Bát Thích Mật Đế
Việt Dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
ĐOẠN IV
KẾT-LUẬN VỀ BẢN-NHÂN CỦA
ĐIÊN-ĐẢO ĐỂ KHỞI-MỐI CHO Ý-NGHĨA TIỆM-THỨ TU-TẬP
"A-nan, như thế, chúng-sinh trong mỗi mỗi loài, cũng đều đủ
hết 12 thứ điên-đảo. Cũng như dụi con mắt, thì hoa-đốm đủ thứ phát-sinh ra,
chân-tâm diệu-viên trong-sạch sáng-suốt mà điên-đảo, thì đầy-đủ những tư-tưởng
càn-loạn giả-dối như vậy. Nay, ông tu-chứng Tam-ma-đề của Phật, thì đối với
những tư-tưởng càn-loạn, làm nguyên-nhân cỗi-gốc của các điên-đảo, nên lập ra
ba tiệm-thứ mới trừ-diệt được, cũng như, trong khí-mãnh trong-sạch, trừ-bỏ
mật-độc, dùng nước nóng và các thứ chất tro, chất thơm rửa-sạch khí-mãnh rồi,
về sau, mới đựng nước cam-lộ.
ĐOẠN V
KHAI-THỊ BA TIỆM-THỨ
"Thế nào gọi là ba tiệm-thứ? Một là tu-tập, trừ các
trợ-nhân; hai là chân-tu, nạo-sạch chính-tính; ba là tăng-tiến, trái lại
hiện-nghiệp.
Thế nào là trợ-nhân? A-nan, 12 loài chúng-sinh đó trong
thế-giới, không thể tự-toàn, phải nương theo bốn cách ăn mà an-trụ, nghĩa là,
nương theo đoạn-thực, xúc-thực, tư-thực và thức-thực; vậy nên Phật bảo tất-cả
chúng-sinh, đều nương với cái ăn mà an-trụ. A-nan, tất-cả chúng-sinh, ăn thức
lành thì sống, ăn thức độc thì chết; vậy, các chúng-sinh, cầu Tam-ma-đề, nên
dứt-bỏ năm thứ rau-cay trong thế-gian. Năm thứ rau-cay nầy, ăn chín, thì phát
lòng-dâm, ăn sống, thì thêm lòng-giận. Những người ăn rau-cay đó, trên
thế-giới, dù biết giảng nói 12 bộ kinh, thiên-tiên 10 phương, hiềm vì nó
hôi-nhớp, đều tránh xa cả; các loài ngạ-quỷ, vân vân... nhân trong lúc người
kia ăn rau-cay, liếm môi-mép của người đó; người ấy thường ở với quỷ một chổ,
phúc-đức ngày càng tiêu, hằng-lâu không được lợi-ích. Người ăn rau-cay đó, tu
phép Tam-ma-đề, Bồ-tát, Thiên-tiên, Thiện-thần thập phương không đến giữ-gìn
ủng-hộ; Đại-lực Ma-vương được phương-tiện đó, hiện ra thân Phật, đến
thuyết-pháp cho người kia, chê-phá cấm-giới, tán-thán dâm-dục, nóng-giận,
si-mê; đến khi mệnh-chung, tự mình người ấy làm quyến-thuộc của Ma-vương; khi
hưởng-thụ phúc ma hết rồi, thì đọa vào ngục Vô-gián. A-nan, người tu đạo Bồ-đề,
phải đoạn-hẳn năm thứ rau-cay; ấy gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ nhất.
Thế nào là chính-tính? A-nan, chúng-sinh như vậy vào Tam-ma-đề,
cốt-yếu trước hết, phải nghiêm-chỉnh giữ giới thanh-tịnh, đoạn-hẳn lòng dâm,
không dùng rượu thịt, chỉ ăn đồ-ăn trong-sạch nấu chín, không ăn đồ sống.
A-nan, người tu-hành đó, nếu không đoạn dâm-dục và sát-sinh, mà ra khỏi được ba
cõi, thì thật không có lẽ như vậy. Nên xem sự dâm-dục như là rắn-độc, như thấy
giặc-thù. Trước hết, phải giữ tứ-khí, bát-khí của giới-luật Thanh-văn, nắm-giữ
cái thân không lay-động; về sau, hành-trì luật-nghi thanh-tịnh Bồ-tát, nắm-giữ
cái tâm không móng lên. Cấm-giới đã thành-tựu, thì ở trong thế-gian, hẳn không
còn những nghiệp sinh nhau, giết nhau; đã không làm việc trộm-cướp, thì không
còn mắc nợ nhau và cũng khỏi phải trả các nợ kiếp trước trong thế-gian.
Con người thanh-tịnh ấy, tu phép Tam-ma-đề, chính nơi nhục-thân cha mẹ sinh ra,
không cần thiên-nhãn, tự-nhiên thấy được thập phương thế-giới, thấy Phật nghe
Pháp, chính mình vâng-lĩnh thánh-chỉ của Phật, được phép đại-thần-thông, đi
khắp thập phương thế-giới; túc-mạng được thanh-tịnh, không còn những điều
khó-khăn nguy-hiểm; ấy gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ hai.
Thế nào là hiện-nghiệp? A-nan, người giữ-gìn cấm-giới thanh-tịnh
như vậy, tâm không tham-dâm, không hay giong-ruổi theo lục-trần ở ngoài; nhân
không giong-ruổi, tự xoay lại về tính bản-nguyên; trần đã không duyên, thì căn
không ngẫu-hợp với đâu nữa; trở-ngược dòng về chỗ toàn-nhất, sáu cái dụng không
hiện-hành, cõi-nước mười phương sáng-suốt thanh-tịnh, ví-như ngọc lưu-ly, có
mặt trăng sáng treo ở trong ấy. Thân tâm khoan-khoái, tính diệu-viên bình-đẳng,
được đại-an-ẩn, tất-cả mật-viên tịnh-diệu các đức Như-lai đều hiện trong đó; người
ấy liền được Vô-sinh-pháp-nhẫn. Từ đó, lần-lượt tu-tập, tùy cái hạnh phát ra mà
an-tập các thánh-vị, đó gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ ba.
ĐOẠN VI
AN-LẬP CÁC THÁNH-VỊ
Chi I.
- Càn-tuệ-địa.
"A-nan, thiện-nam tử ấy, lòng dục-ái khô-cạn, căn và cảnh
không ngẫu-hợp, thân-tàn hiện-tiền, không còn tiếp-tục sinh nữa, nắm cái tâm
rỗng-sáng, thuần là trí-tuệ; tính trí-tuệ sáng-suốt cùng khắp, soi-thấu
thập-phương thế-giới; chỉ có cái tuệ khô-khan ấy, nên gọi là Càn-tuệ-địa,
tập-khí ngũ-dục mới khô-cạn, chưa tiếp-giáp với dòng nước Pháp của các đức
Như-lai.
Chi 2.
- Thập-tín.
Tức lấy cái tâm ấy, chính giữa chính giữa lần vào, tính
viên-diệu mở-mang, từ chỗ chân-diệu-viên lại phát ra chân-diệu. Tính diệu-tín
thường-trụ, tất-cả vọng-tưởng diệt hết không còn, trung-đạo được thuần-chân,
gọi là Tín-tâm-trụ.
Chân-tín tỏ-rõ, tất-cả đều viên-thông, ba thứ ấm, giới, nhập
không thể làm ngăn-ngại; như thế, cho đến trong vô-số kiếp quá-khứ, vị-lai,
tất-cả tập-khí xả-thân, thụ-thân đều hiện ra trước mặt, thiện-nam-tử ấy đều có
thể nhớ-nghĩ được, không quên mất gì; gọi là Niệm-tâm-trụ.
Tính diệu-viên thuần-chân, chân-tinh phát-hóa ra, các tập-khí
vô-thủy đều thông vào một tính tinh-minh, chỉ dùng tinh-minh ấy, tiến đến chỗ
chân-tịnh; gọi là Tinh-tiến-tâm.
Tâm-tinh hiện-tiền, thuần-dùng trí-tuệ; gọi là Tuệ-tâm-trụ.
Nắm-giữ trí-tuệ sáng-suốt, lặng-đứng cùng khắp, tính tịch-diệu
thường đứng-lại; gọi là Định-tâm-trụ.
Định-quang phát-minh, đi sâu vào tính sáng-suốt, chỉ có tới, chứ
không lui; gọi là Bất-thối-tâm.
Tâm an-nhiên đi tới, giữ-gìn không mất, giao-tiếp với khí-phần
thập-phương Như-lai; gọi là Hộ-pháp-tâm.
Giữ-gìn tính giác-minh, có thể dùng diệu-lực xoay từ-quang của
Phật về nơi mình và hướng về Phật mà an-trụ, cũng như hai gương sáng đối nhau,
trong đó các bóng nhiệm-mầu lớp-lớp lồng nhau; gọi là Hồi-hướng-tâm.
Tự-tâm thầm xoay Phật-quang trở về, được vô-thượng diệu-tịnh
thường-trụ của Phật, an-trụ nơi vô-vi, được không bỏ mất; gọi là Giới-tâm-trụ.
Tự-tại an-trụ nơi giới, có thể đi khắp mười phương, tùy nguyện
mà đi; gọi là Nguyện-tâm-trụ.
Chi 3.
- Thập-trụ
A-nan, thiện-nam-tử đó, dùng phương-tiện chân-chính phát được
mười cái tâm ấy, tâm-tinh đã phát-huy, mười cái dụng ấy xen-lẫn với nhau,
viên-thành một tâm; gọi là Phát-tâm-trụ.
Trong tâm phát ra sáng-suốt, như ngọc lưu-ly trong-sạch, ở trong
hiện ra vàng-ròng; dùng cái diệu-tâm trước kia, sửa-sang thành chỗ nương-đứng;
gọi là Trị-địa-trụ.
Tâm-địa biết khắp, đều được rõ-ràng, đi cùng mười phương, được
không ngăn-ngại; gọi là Tu-hành-trụ.
Hạnh đồng với Phật, nhận khí-phần của Phật như thân trung-ấm tự
cầu cha mẹ, âm-tín thầm-thông vào giống Như-lai; gọi là Sinh-quý-trụ.
Đã vào đạo-thai, chính mình nhờ được sự nuối-nấng của tính-giác,
như cái thai đã thành, tướng người không thiếu; gọi là Phương-tiện-cụ-túc-trụ.
Hình-dáng như Phật, tâm-tướng cũng vậy; gọi là Chính-tâm-trụ.
Thân tâm hợp-thành, ngày càng tăng-trưởng; gọi là Bất-thối-trụ.
Linh-tướng mười thân, một thời đầy-đủ; gọi là Đồng-chân-trụ.
Hình đã thành, ra khỏi thai, chính mình làm Phật-tử; gọi là
Pháp-vương-tử-trụ.
Nghi-biểu đã thành người lớn, như khi một quốc-vương, phân-công
ủy-nhiệm cho thái-tử các việc nước, thì quốc-vương kia, lúc thái-tử
trưởng-thành, bày ra lễ quán-đỉnh; gọi là Quán-đỉnh-trụ.
Chi 4.
- Thập-hạnh
A-nan, thiện-nam-tử đã thành Phật-tử rồi, đầy-đủ diệu-đức
vô-lượng của Như-lai và tùy-thuận mười phương; gọi là Hoan-hỉ-hạnh.
Khéo biết làm lợi-ích cho tất-cả chúng-sinh; gọi là
Nhiêu-ích-hạnh.
Tự-giác và giác-tha, được không chống trái; gọi là
Vô-sân-hận-hạnh.
Theo các chủng-loại mà hiện ra sắc-thân cùng-tột vị-lai, ba đời
đều bình-đẳng, mười phương được thông-suốt; gọi là Vô-hận-hạnh.
Tất-cả đều hợp về đồng, nơi các thứ pháp-môn, được không
sai-lầm; gọi là Ly-si-loạn-hạnh.
Rồi ở trong đồng, hiện ra các cái khác, nơi mỗi mỗi tướng khác,
mỗi mỗi đều thấy là đồng; gọi là Thiện-hiện-hạnh.
Như vậy, cho đến mười phương hư-không, đầy khắp vi-trần và trong
mỗi mỗi vi-trẩn hiện ra thập phương thế-giới; hiện vi-trần, hiện thế-giới,
không ngăn-ngại nhau; gọi là Vô-trước-hạnh.
Các thứ hiện-tiền, đều là Đệ-nhất-ba-la-mật-đa; gọi là
Tôn-trọng-hạnh.
Viên-dung như vậy, có thể thành-tựu quy-tắc của chư Phật mười
phương; gọi là Thiện-pháp-hạnh.
Mỗi mỗi đều là Nhất-chân-vô-vi Thanh-tịnh-vô-lậu, vì tính
bản-nhiên là như vậy; gọi là Chân-thật-hạnh.
Chi 5.
- Thập-hồi-hướng
A-nan, thiện-nam-tử đó đầy-đủ thần-thông, thành-tựu Phật-sự rồi,
toàn là một tinh-chân thuần-khiết, xa các lỗi-lầm, chính khi hóa-độ chúng-sinh
mà diệt tướng năng-độ, sở-độ, xoay tâm vô-vi hướng về đường Niết-bàn; gọi là
Cứu-hộ nhất-thiết chúng-sinh, Ly-chúng-sinh-tướng hồi-hướng.
Diệt-hoại tất-cả cái gì có thể diệt-hoại, viễn-ly các sự ly; gọi
là Bất-hoại hồi-hướng.
Tính bản-giác đứng-lặng, giác-ngộ bằng Phật; gọi là
Đẳng-nhất-thiết-Phật hồi-hướng.
Tinh-chân phát ra sáng-suốt, tâm-địa như Phật-địa, gọi là
Chí-nhất-thiết-xứ hồi-hướng.
Thế-giới và Như-lai, dung-hợp vào nhau, được không ngăn-ngại;
gọi là Vô-tận-công-đức-tạng hồi-hướng.
Nơi đồng với Phật-địa, trong ấy phát-sinh ra các nhân
thanh-tịnh, nương nhân ấy mà phát-huy, đi đến đạo Niết-bàn; gọi là
Tùy-thuận-bình-đẳng-thiện-căn hồi-hướng.
Chân-căn đã thành-tựu, thập phương chúng-sinh đều là bản-tính
của mình, bản-tính viên-mãn thành-tựu, không bỏ mất chúng-sinh; gọi là
Tùy-thuận-đẳng-quán-nhất-thiết chúng-sinh hồi-hướng.
Tức tất-cả pháp, ly tất-cả tướng, cả tức và ly, hai cái đều
không dính; gọi là Chân-như-tướng hồi-hướng.
Thật được như-như, mười phương không ngăn-ngại; gọi là
Vô-phược-giải-thoát hồi-hướng.
Tính-đức viên-mãn thành-tựu, lượng của pháp-giới diệt; gọi là
Pháp-giới-vô-lượng hồi-hướng.
Chi 6.
- Tứ-gia-hạnh.
A-nan, thiện-nam-tử đó, tu hết 41 tâm thanh-tịnh ấy rồi, thì lại
thành-tựu bốn thứ gia-hạnh diệu-viên:
Tức lấy Phật-giác, dùng làm tâm mình, như ra nhưng chưa ra,
ví-như dùi cây để cho ra lửa mà đốt cái cây; gọi là Noãn-địa.
Lại lấy tâm mình, thành chỗ đứng của Phật, hình-như nương, nhưng
không phải nương, ví-như người lên chóp núi cao, thân đã vào hư-không, nhưng ở
dưới còn chút ngăn-ngại; gọi là Đỉnh-địa.
Tâm và Phật là đồng, khéo được trung-đạo, ví-như người biết
nhịn, không phải ôm vào, nhưng cũng không phải phát ra; gọi là Nhẫn-địa.
Số-lượng đều tiêu-diệt, mê, giác và trung-đạo, cả hai đều không
có gì; gọi là Thế-đệ-nhất-địa.
Chi 7.
- Thập-địa
A-nan, thiện-nam-tử đó thông-suốt đúng-đắn đạo Đại-bồ-đề, chỗ
giác-ngộ thông với Như-lai, cùng-tột cảnh-giới của Phật; gọi là Hoan-hỉ-địa.
Tính khác nhập với đồng, tính đồng cũng diệt; gọi là Ly-cấu-địa.
Thanh-tịnh cùng-tột, sáng-suốt sinh ra; gọi là Phát-quang-địa.
Sáng-suốt tột, giác viên-mãn; gọi là Diệm-tuệ-địa.
Tất-cả cái đồng, cái khác, không thể đến được; gọi là
Nan-thắng-địa.
Bản-tính thanh-tịnh vô-vi, chân-như tỏ-lộ; gọi là Hiện-tiền-địa.
Tột bờ-bến chân-như; gọi là Viễn-hành-địa.
Một tâm chân-như; gọi là Bất-động-địa.
Phát cái dụng chân-như; gọi là Thiện-tuệ-địa.
A-nan, các Bồ-tát đó, từ đây về trước, công-hạnh tu-tập đã xong,
công-đức được viên-mãn, cũng gọi địa nầy là Tu-tập-vị; bóng từ, mây diệu, trùm
bể Niết-bàn; gọi là Pháp-vân-địa.
Chi 8. - Kết-thúc bằng hai quả-vị Đẳng-giác và Diệu-giác.
Như-lai ngược dòng trở lại, vị Bồ-tát đó thuận dòng đi tới,
giác-ngộ vào chỗ giao-tiếp với nhau; gọi là Đẳng-giác.
A-nan, từ tâm Càn-tuệ đến Đẳng-giác rồi, giác đó mới bắt-đầu
được Sơ-càn-tuệ-địa trong tâm Kim-Cương; như vậy lớp-lớp tu đơn, tu kép 12 vị
mới cùng tột Diệu-giác, thành đạo Vô-thượng.
Các thứ địa ấy, đều lấy trí Kim-cương quán-sát mười thứ ví-dụ
như-huyễn sâu-xa, trong Xa-ma-tha, dùng phép Tỳ-bà-xá-na của các đức Như-lai mà
thanh-tịnh tu-chứng, lần-lượt đi sâu vào.
A-nan, như thế, đều dùng ba tiệm-thứ tăng-tiến, nên khéo
thành-tựu 55 vị trong đường Bồ-đề chân-thật. Làm cái quán như vậy, gọi là
chính-quán; nếu quán cách khác, gọi là tà-quán".
MỤC VII - CHỈ-DẠY
TÊN KINH
Khi bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, ở trong đại-chúng,
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Nên
gọi kinh nầy là gì? Tôi và chúng-sinh phải phụng-trì thế nào?"
Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lỵ: "Kinh nầy tên là
"Đại-Phật-đỉnh-tất-đát-đa bát-đát-ra, vô-thượng bảo-ấn, thập phương
Như-lai thanh-tịnh hải-nhãn". Cũng gọi tên là "Cứu-hộ thân-nhân,
độ-thoát A-nan cập thử Hội-trung Tính-tỷ-khưu-ni, đắc Bồ-đề-tâm, nhập
biến-tri-hải". Cũng gọi tên là "Như-lai mật-nhân,
tu-chứng-liễu-nghĩa". Cũng gọi tên là "Đại-phương-quảng diệu-liên-hoa-vương,
thập phương Phật-mẫu đà-la-ni-chú". Cũng gọi tên là "Quán-đỉnh
chương-cú, chư Bồ-tát vạn-hạnh Thủ-lăng-nghiêm". Các ông nên
phụng-trì".
MỤC VIII - NGHE
PHÁP ĐƯỢC TĂNG-TIẾN
Phật nói lời ấy rồi, liền khi đó, ông A-nan và cả đại-chúng được
nhờ đức Như-lai khai-thị ý-nghĩa mật-ấn Bát-đát-ra, lại nghe được những tên gọi
liễu-nghĩa của kinh nầy, liền ngộ được Diệu-lý tăng-thượng để tu-tiến vào các
Thánh-vị trong Thiền-na; tâm-niệm rỗng-trống đứng-lặng, ông đoạn-trừ 6 phẩm
phiền-não vi-tế trong tư-hoặc tam-giới.
CHƯƠNG IV - PHÂN-BIỆT KỸ-CÀNG CÁC NGHIỆP-QUẢ,
PHÂN-TÍCH RẠCH-RÒI VỀ TÀ-MA NGOẠI-ĐẠO
MỤC I - HỎI
VỀ NHỮNG TẬP-KHÍ VỐN CÓ, SINH-KHỞI RA LỤC-ĐẠO
Ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật, chấp tay
cung-kính mà bạch Phật rằng: " Thưa đức Thế-tôn, có uy-đức lớn, phát ra
từ-âm không ngăn-ngại, khéo khai-ngộ những lỗi-lầm sâu-kín nhỏ-nhiệm của
chúng-sinh, khiến cho chúng tôi ngày nay, thân-tâm khoan-khoái, được lợi-ích
lớn. Bạch Thế-tôn, nếu cái chân-tâm diệu-minh trong-sạch nhiệm-mầu, bản-lai
cùng khắp viên-mãn, như thế, cho đến bản-tính chân-như của đất liền, cỏ cây,
các loài máy-động, tức là chân-thể thành Phật của Như-lai. Thể-tính của Phật đã
là chân-thật, làm sao, lại có các đạo địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, tu-la, loài
người và trời. Bạch Thế-tôn, những đạo đó lại là bản-lai tự có, hay là do
tập-khí giả-dối của chúng-sinh sinh-khởi ra?"
CHƯƠNG IV - PHÂN-BIỆT
KỸ-CÀNG CÁC NGHIỆP-QUẢ, PHÂN-TÍCH RẠCH-RÒI VỀ TÀ-MA NGOẠI-ĐẠO
MỤC II - HỎI
VỀ VIỆC BÁC KHÔNG CÓ NHÂN-QUẢ, BỊ SA MÃI VÀO ĐỊA-NGỤC VÀ VỀ NGHIỆP-CHUNG,
NGHIỆP-RIÊNG
"Bạch Thế-tôn, như Tỳ-khưu-ni Bảo-liên-hương giữ
Bồ-tát-giới, lén-lút làm việc dâm-dục, lại nói-càn rằng làm việc dâm-dục không
phải giết người, không phải trộm-cắp, không có nghiệp-báo; phát-ra lời nói ấy
rồi, trước hết nơi nữ-căn sinh ra ngọn lửa-hồng lớn, về sau từng đốt, từng đốt,
bị lửa đốt cháy, sa vào địa ngục Vô-gián.
Như đại-vương Lưu-ly; tỷ-khưu Thiện-tinh; Lưu-ly vì giết họ-hàng
Cù-đàm, Thiện-tinh vì nói-càn tất-cả các pháp đều rỗng-không mà thân sống sa
vào địa-ngục A-tỳ.
Các địa-ngục ấy, lại là có chỗ nhất-định, hay là tự-nhiên khi
các người kia gây nghiệp, thì mỗi người, mỗi người chịu riêng? Xin Phật rủ lòng
đại-từ, khai-ngộ cho kẻ ngây-thơ, khiến cho tất-cả chúng-sinh trì-giới, nghe
nghĩa quyết-định, vui-mừng tôn-trọng kính-cẩn giữ-gìn không phạm".
MỤC III - KHAI-THỊ
VỀ PHẬN-TRONG, PHẬN-NGOÀI CỦA CHÚNG-SINH
ĐOẠN I
NÊU CHUNG
Phật bảo ông A-nan: "Hay thay lời hỏi đó, khiến cho các
chúng-sinh không mắc tà-kiến. Nay ông hãy nghe cho chín, tôi sẽ vì ông mà nói.
A-nan, tất-cả chúng-sinh, thật vốn chân-tính thanh-tịnh, nhân
những vọng-kiến, mà có tập-khí hư-vọng sinh ra; vì thế, chia ra có phận-trong
và phận ngoài.
ĐOẠN II
PHẬN-TRONG
"A-nan, phận-trong, tức là ở trong phận của chúng-sinh.
Nhân các lòng ái-nhiễm phát-khởi ra vọng-tình, tình chứa mãi không thôi, có thể
sinh ra ái-thủy; vậy nên chúng-sinh, tâm nhớ thức-ăn ngon, thì trong miệng nước
chảy ra; tâm nhớ người trước, hoặc thương, hoặc giận, thì trong con mắt lệ
tràn; tham-cầu của báu, thì trong tâm phát-ra ái-diên, cả mình đều trơn-sáng;
tâm dính vào việc dâm-dục, thì hai căn nam nữ tự-nhiên dịch-khí chảy ra. A-nan,
các cái ái đó, tuy khác nhau, nhưng kết-quả chảy nước là đồng; thấm-ướt không
lên được, tự-nhiên theo đó mà sa-đọa, ấy gọi là phận-trong.
ĐOẠN III
PHẬN-NGOÀI
A-nan, phận-ngoài, tức là ngoài phận của chúng-sinh. Nhân các
lòng phát-ngưỡng, phát-minh ra những lý-tưởng; tưởng chứa mãi không thôi, có
thể sinh ra những thắng-khí; vậy nên chúng-sinh, tâm giữ cấm-giới, cả mình
nhẹ-nhàng trong-sạch; tâm trì chú-ấn, con mắt ngó hùng-dũng nghiêm-nghị; tâm
muốn sinh lên cõi trời, chiêm-bao thấy bay lên; để tâm nơi cỏi Phật, thánh-cảnh
thầm-hiện ra; thờ vị thiện-tri-thức, tự khinh-rẻ thân-mệnh mình. A-nan, các
tưởng đó tuy khác, nhưng nhẹ-nhàng cất lên thì đồng nhau; cất bay không chìm
xuống, tự-nhiên vượt lên, đó là phận-ngoài.
ĐOẠN IV
PHÂN-BIỆT TÌNH, TƯỞNG NHẸ NẶNG
A-nan, tất-cả thế-gian, sống chết nối nhau, sống thuận theo
tập-quán, chết thì đổi sang dòng khác, khi gần mệnh-chung, chưa hết hơi nóng,
thiện ác một đời đồng-thời liền hiện ra; cái nghịch của chết, cái thuận của
sống, hai tập-khí giao-xen lẫn nhau.
Thuần là tưởng, thì liền bay lên, chắc sinh trên các cõi-trời;
nếu trong tâm bay lên, gồm có phúc-đức trí-tuệ cùng với tịnh-nguyện, thì
tự-nhiên tâm được khai-ngộ, thấy tất-cả tịnh-độ thập phương chư Phật, theo
nguyện mà vãng-sinh.
Tình ít, tưởng nhiều, cất lên không xa, thì làm phi-tiên,
đại-lực quỷ-vương, phi-hành dạ-xoa, địa-hành la-sát, đi khắp bốn cõi-trời,
không bị ngăn-ngại. Nếu có nguyện tốt, tâm tốt, hộ-trì Phật-pháp, hoặc hộ-trì
cấm-giới, theo người trì-giới, hoặc hộ-trì thần-chú, theo người trì-chú, hoặc
hộ-trì thiền-định, giữ yên pháp-nhẫn, thì những hạng đó, chính mình được ở dưới
pháp-tọa Như-lai.
Tình và tưởng cân nhau, không bay lên, không đọa xuống, thì sinh
nơi nhân-gian; tưởng sáng-suốt nên thông-minh, tình u-ám nên ngu-độn.
Tình nhiều, tưởng ít, đi vào các loại hoành-sinh, nặng làm giống
có lông, nhẹ làm giống có cánh.
Bảy phần tình, ba phần tưởng, chìm xuống dưới thủy-luân, sinh
nơi mé hỏa-luân chịu khí-phần của lửa-hồng, thân làm ngạ-quỷ, thường bị
đốt-cháy, vì nước có thể hại mình, nên trải trăm nghìn kiếp, không ăn không
uống.
Chín phần tình, một phần tưởng, xuống thấu qua hỏa-luân, và giữa
giao-giới phong-luân và hỏa-luân, nhẹ thì sinh vào Hữu-gián, nặng thì mình vào
Vô-gián, hai thứ địa-ngục.
Thuần là tình, thì chìm-sâu vào ngục A-tỳ; nếu trong tâm
chìm-sâu đó, lại có hủy-báng Đại-thừa, phá cấm-giới của Phật, lừa-dối nói pháp
để tham-cầu tín-thí, lạm-nhận cung-kính hoặc phạm ngũ-nghịch, thập-trọng thì
lại còn sinh vào địa-ngục A-tỳ thập phương.
Theo ác-nghiệp gây ra, tuy tự chuốc lấy quả-báo, nhưng trong
đồng-phận chung, vẫn có chỗ sẵn.
MỤC IV - CHỈ
RA MƯỜI TẬP-NHÂN VÀ SÁU GIAO-BÁO
ĐOẠN I
TÓM NÊU DANH-MỤC
"A-nan, những điều như thế, đều do nghiệp-báo các
chúng-sinh kia, tự chiêu-cảm lấy, như gây mười Tập-nhân, thì chịu sáu Giao-báo.
ĐOẠN II
KHAI-THỊ MƯỜI TẬP-NHÂN
"Thế nào là mười Tập-nhân? A-nan, một là, tập-quán dâm-dục,
giao-tiếp cùng nhau, phát-sinh cọ-xát lẫn nhau; cọ-xát mãi không thôi, như thế,
nên trong ấy có ngọn lửa-hồng lớn nổi lên; ví-như, có người lấy hai bàn tay
cọ-xát lẫn nhau, thì cảm-giác nóng hiện ra. Hai cái tập-khí đốt nhau, nên có
những việc giường sắt, trụ đồng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương
nhận-xét việc dâm-dục, đồng gọi là lửa-dục; Bồ-tát đối với dâm-dục, tránh như
hầm-lửa.
Hai, là tập-quán tham-lam, so-đo hơn thiệt, phát-sinh hấp-thụ
lẫn nhau; hấp-thụ ôm-ấp mãi không thôi, như thế, nên chứa hơi-lạnh bên trong
thành giá-cứng, làm cho nẻ-nứt; ví-như, có người hút hơi gió vào, thì có
cảm-xúc lạnh. Hai tập-khí lấn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la,
thanh-liên, xích-liên, bạch-liên, hàn-băng, vân vân... Vậy nên, tất-cả các đức
Như-lai thập phương nhận-xét việc tham-cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham;
Bồ-tát đối với lòng tham, tránh như biển-độc.
Ba, là tập-quán ngã-mạn, lấn-lướt lẫn nhau, phát-sinh ỷ-thế với
nhau. Giong-ruổi không thôi, như thế, nên có sự bôn-ba, sôi-nổi, chứa lại thành
nước; ví-như, có người miệng lưỡi tự chép, làm cho nước-bọt chảy ra. Hai
tập-khí chọi nhau, nên có các việc sông huyết, sông tro, cát-nóng, biển-độc,
bắt uống nước đồng-chảy vân vân... Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai mười phương
nhận-xét lòng ngã-mạn, đồng gọi là uống nước si-mê; Bồ-tát đối-với ngã-mạn,
tránh như vực-thẳm lớn.
Bốn, là tập-quán nóng-giận, xung-đột cùng nhau, phát-sinh
chống-đối lẫn nhau; chống-đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu
cái khí thành kim-thuộc, vì thế, nên có núi dao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe
gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa; ví-như, có người bị
hàm-oan, thì sát-khí nổi lên. Hai tập-khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt,
chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương
nhận-xét sự nóng-giận, đồng gọi là dao-gươm bén; Bồ-tát đối với lòng nóng-giận,
tránh như tránh chém-giết.
Năm, là tập-quán giả-dối, dụ-dỗ theo nhau, phát-sinh lôi-kéo lẫn
nhau; dẫn-dắt mãi không thôi, như thế, nên có giây, cây, thòng-lọng, căng-nọc;
ví-như, nước thấm ruộng thì cỏ-cây lớn lên. Hai tập-khí kéo-nhau, nên có các sự
gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua, bổng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai
thập phương nhận-xét sự giả-dối, đồng gọi là sàm-tặc; Bồ-tát đối với sự
gian-dối, sợ như beo-sói.
Sáu, là tập-quán lừa-gạt, lừa-dối với nhau, phát-sinh phỉnh-gạt
lẫn nhau; phỉnh-gạt mãi không thôi, phát-tâm gây điều gian-dối; như thế, nên có
bụi, đất, đại-tiện, tiểu-tiện, các đồ nhơ-nhớp không sạch; như bụi theo gió,
không thấy lẫn nhau. Hai tập-khí dìm nhau, nên có những sự chìm-đắm, nhảy, ném,
bay, rơi, trôi-lăn. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự
lừa-gạt, đồng gọi là cướp-giết; Bồ-tát đối với sự lừa-gạt, như giẫm rắn-độc.
Bảy, là tập-quán thù-oán, hiềm-khích lẫn nhau, phát-sinh ôm-ấp
lòng giận, như thế, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình-đựng,
đãy-bọc, như người hiểm-độc ôm-ấp điều dữ. Hai tập-khí nuốt nhau, nên có những
sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai
thập phương nhận-xét sự thù-oán, gọi là quỷ Vi-hại; Bồ-tát đối với sự thù-oán,
như uống ruợu-độc.
Tám, là tập-quán ác-kiến, tranh-cãi với nhau, như ngã-kiến,
kiến-thủ, giới-cấm-thủ và các nghiệp tà-ngộ, phát-sinh chống-trái lẫn nhau; như
thế, nên có quan-lại chứng-thực, nắm-giữ giấy-tờ, đông như người đi đường, qua
lại gặp nhau. Hai tập-khí giao nhau, nên có các sự khám-hỏi, mưu-mẹo, khảo-tấn,
đòi-hỏi, gạn-xét, cứu-tra cho rõ và những đồng-tử thiện-ác, tay cầm sổ-sách,
biện-bạch cãi-vã. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét ác-kiến,
đồng gọi là kiến-khanh; Bồ-tát đối với những thiên-chấp hư-vọng, như đứng bên
hố-độc.
Chín, là tập-quán vu-vạ, làm hại cho nhau, phát-sinh sự vu-báng,
như thế, nên có hợp-sơn, hợp-thạch, cối-nghiền, cối-xay; ví-như, kẻ sàm-tặc,
áp-bức vu-oan người lương-thiện. Hai tập-khí bài xích lẫn nhau, nên có các sự
áp-giải, đè-đập, ép-huyết, tuốt-mình. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập
phương, nhận-xét sự vu-vạ, đồng gọi là sàm-hổ; Bồ-tát đối với sự vu-vạ, như bị
sấm-sét.
Mười, là tập-quán kiện-thưa, cãi-vã lẫn nhau, phát-sinh sự che-đậy;
như thế, nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày, không giấu bóng được.
Hai tập-khí phô-bày lẫn nhau, nên có ác-hữu, nghiệp kính, hỏa-châu phơi-bày
nghiệp xưa đối-nghiệm các việc. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương
nhận-xét sự che-đậy, gọi là giặc-ngầm; Bồ-tát đối với sự che-đậy, như đội núi
cao, lội trong biển lớn.
ĐOẠN III
TÓM NÊU SÁU GIAO-BÁO
"Thế nào là sáu Giao-báo? A-nan, tất-cả chúng-sinh, sáu
thức gây nghiệp, nên ác-báo chuốc-lấy, đều từ sáu căn mà ra."
ĐOẠN IV
KHAI-THỊ SÁU GIAO-BÁO
"Các ác-báo từ sáu căn ra như thế nào?
Một, là giao-báo về thấy, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-thấy ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy lửa-hồng đầy khắp 10 phương;
thần-thức người chết bay rơi theo khói vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một
là thấy sáng, thì khắp thấy nhiều thứ vật-dữ, sinh ra khiếp-sợ vô-cùng; hai là
thấy tối, lặng vậy không thấy gì sinh ra hoảng-hốt vô-hạn. Lửa thấy như thế,
đốt cái nghe, thì có thể làm vạc-dầu sôi, làm nước đồng-chảy; đốt hơi-thở, thì
có thể làm khói-đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì có thể làm viên tròn nung-đỏ, làm
cơm-sắt; đốt cảm-xúc, thì có thể làm tro-nóng, lò-than; đốt tâm-ý, thì có thể
sinh ra sao-lửa rưới khắp, làm rung-động cả cõi hư-không.
Hai, là giao-báo về nghe, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-nghe ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy sóng cuộn chìm-ngập trời đất;
thần-thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng:
Một là nghe tỏ, nghe các thứ ồn-ào, tinh-thần rối-loạn; hai là điếc hẳn,
lặng-lẽ, không nghe gì, thức-thần chìm-lịm. Sóng nghe như thế, rót vào cái
nghe, thì có thể làm trách, làm hỏi; rót vào cái thấy, thì có thể làm sấm, làm
thét, làm hơi-độc-dữ; rót vào hơi thở, thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các
sâu-độc đầy khắp thân-thể; rót vào các vị, thì có thể làm mủ, làm huyết, các
thứ nhơ-nhớp; rót vào cảm-xúc, thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân,
làm nước-tiểu; rót vào ý-nghĩ, thì có thể làm chớp, làm mưa-đá, đập nát
tâm-thức.
Ba, là giao-báo về ngửi, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-ngửi ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy hơi-độc đầy-nhẩy xa gần; thần-thức
người chết, từ dưới đất trổi lên, vào ngục Vô-gián, phát-hiện ra hai tướng: Một
là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột-bực, làm cho tâm rối-loạn; hai là ngạt
mũi, hơi-thở ngạt không thông, nằm chết-giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế, xông
vào hơi-thở, thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm
lửa, làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm-ngập, làm chết-đuối, làm
nước-lớn, làm nước-sôi; xông vào cái vị, thì có thể làm đói, làm ngấy; xông vào
cái cảm-xúc, thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi-thịt lớn có trăm ngàn con
mắt, hút-ăn không cùng; xông vào ý-nghĩ, thì có thể làm tro, làm chướng-khí,
làm gạch-đá bay lên đánh-nát thân-thể.
Bốn, là giao-báo về vị, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-vị ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy lưới-sắt nung-đỏ che khắp
thế-giới; thần-thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống,
vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng : Một là nuốt vào, thì kết-thành giá-lạnh,
làm nứt-nẻ thân-thể; hai là mửa ra, thì bay lên thành lửa-hồng, đốt-rụi
xương-tủy. Vị-báo như thế, qua cái nếm, thì có thể làm nhận, làm chịu; qua cái
thấy, thì có thể làm các thứ kim-thạch đốt-cháy; qua cái nghe, thì có thể làm
binh-khí sắc-bén; qua hơi-thở, thì có thể làm lồng-sắt lớn che khắp cõi-nước;
qua cảm-xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm mỏ, làm bắn; qua ý-nghĩ, thì có
thể làm sắt-nóng bay, từ trên không rưới xuống.
Năm, là giao-báo về xúc, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-xúc ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn
đường ra; thần-thức người chết thấy thành-sắt lớn, rắn-lửa, chó lửa, hùm-sói,
sư-tử, ngục-tốt đầu trâu, la-sát đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa
thành, hướng về ngục Vô-gián, phát ra hai tướng; Một là hợp-xúc, thì núi kẹp ép
mình, xương-thịt nát ra máu; hai là ly-xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan
cắt-xẻ. Xúc-báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh,
làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể
làm đập, làm đánh, làm đâm, làm bắn; qua hơi-thở, thì có thể làm trùm, làm đẫy,
làm tra, làm trói; qua cái nếm, thì có thể làm cày, làm kiềm, làm chém, làm
chặt; qua ý-nghĩ, thì có thể làm rơi, làm bay làm nấu, làm nướng.
Sáu, là giao-báo về ý-nghĩ, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-ý ấy
giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy gió-dữ thổi-nát cõi nước, thần-thức
người chết bị thổi lên trên không xoay-rơi theo gió, sa vào ngục Vô-gián, phát
ra hai tướng: Một là không biết, tột mê, thì hoang-mang, ruổi-chạy không thôi;
hai là không mê, hay-biết, thì khổ, bị đốt-cháy không cùng, đau-buốt không chịu
nổi. Ý-báo như thế, kết vào ý-nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái
thấy, có thể làm gương-soi, làm chứng-cứ; kết vào cái nghe, thì có thể làm
đại-hợp-thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi-thở, thì có thể
làm xe-lửa lớn, làm thuyền lửa, cũi-lửa; kết vào cái nếm, thì có thể làm kêu-la
to, làm ăn-năn, làm khóc-lóc; kết vào cái cảm-xúc, thì có thể làm lớn, làm nhỏ,
làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa.
ĐOẠN V
KẾT-LUẬN NÓI VỀ TẬP-NHÂN,
GIAO-BÁO KHI TOÀN, KHI KHUYẾT VÀ ĐÁP LẠI LÀ GÂY NGHIỆP-RIÊNG MÀ CÓ
ĐỒNG-PHẬN-CHUNG
"A-nan, thế gọi là 10 nhân và 6 quả của điạ-ngục, nhân-quả
ấy đều do mê-vọng của chúng-sinh tạo ra.
Nếu các chúng-sinh, sáu căn đồng-tạo nghiệp-dữ, thì vào ngục
A-tỳ, chịu khổ vô-cùng trong vô-lượng kiếp; nếu từng mỗi căn tạo ra và
nghiệp-dữ đã làm gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào 8 ngục Vô-gián. Nếu cả
thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào Thập-bát-địa-ngục; không
đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào
Thập-bát-địa-ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm
một việc sát, hoặc một việc đạo, thì người ấy vào trong Tam-thập-lục-điạ-ngục;
chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào Nhất-bách-bát-địa-ngục.
Do những chúng-sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ
đồng-phận trong giới ấy; đó đều do vọng-tưởng phát-sinh ra, không phải bản-lai tự
có.
ĐOẠN VI
KHAI-THỊ CÁC DƯ-BÁO
"Lại nữa, A-nan, các chúng-sinh đó, nếu không phải gây tội
chê-phá luật-nghi, phạm Bồ-tát-giới, hủy-báng Niết-bàn của Phật, mà chỉ phạm
những nghiệp phức-tạp khác nhau, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội
hết rồi, thì chịu những hình quỷ.
Nếu nơi bản-nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền
tội hết rồi, gặp vật thành-hình gọi là Quái-quỷ; do tham sắc mà làm ra tội, thì
người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành-hình, gọi là Bạt-quỷ; do tham dối-trá
mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành-hình, gọi là
Mỵ-quỷ; do tham nóng-giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con
sâu thành-hình, gọi là Cổ-độc-quỷ; do tham thù-oán mà làm ra tội, thì người ấy
đền tội hết rồi, gặp vận-suy kẻ-thù mà thành-hình, gọi là Lệ-quỷ; do tham
ngã-mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành-hình, gọi là
Ngạ-quỷ; do tham lừa-gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u-ẩn
thành-hình, gọi là Áp-quỷ; do tham ác-kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội
hết rồi, gặp tinh-hoa thành-hình, gọi là Vọng-lượng-quỷ; do tham vu-vạ mà làm
ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh-hiển thành-hình, gọi là
Dịch-sử-quỷ; do tham bè-phái che-giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi,
gặp con người thành-hình, gọi là Truyền-tống-quỷ.
A-nan, những người đó đều vì thuần-tình phải đọa-lạc, khi
lửa-nghiệp đốt-sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng-tưởng
tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì nơi tính Diệu-viên-minh, vốn
không có gì.
Lại nữa, A-nan, khi nghiệp-quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều
thành không, thì mới ở nơi thế-gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán-đối gặp
nhau; thân làm súc-sinh để trả nợ cũ.
Quái-quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần
nhiều làm loài chim kiêu. Bạt-quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi
thế-gian, phần nhiều làm tất-cả những loài cữu-trưng kỳ-dị. Mỵ quỷ theo súc,
súc chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài hồ. Cổ-quỷ theo sâu,
sâu diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài có độc. Lệ-quỷ theo
vận suy, suy tột báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ-quỷ
theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp
thịt ăn. Áp-quỷ theo u-ẩn, u-ẩn tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm
loài cung-cấp đồ-mặc. Vọng-lượng-quỷ theo tinh-hoa, tinh-hoa tiêu báo hết, sinh
nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài chim mùa. Dịch-sử-quỷ theo sự linh-hiển,
linh-hiển diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả các loài
hưu-trưng. Truyền-tống-quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế-gian,
phần nhiều làm các loài quấn-quít bên người.
A-nan, bọn ấy đều do lửa-nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả
hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư-vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ
được tính Bồ-đề, thì các vọng-duyên đó vốn không có gì.
Như lời ông nói, bọn Bảo-liên-hương, Lưu-ly-vương, Thiện-tinh
tỷ-khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp-dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa
xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính
do vọng-tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả-báo; nơi tâm Bồ-đề,
đó chỉ là sự kết-đông của vọng-tưởng giả-dối.
Lại nửa, A-nan, các súc-sinh ấy đền-trả nợ trước, nếu trong lúc
trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng-sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ
thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc-đức, thì ở trong loài người, không
rời-bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc-đức, thì phải
làm súc-sinh đền lại chỗ thừa.
A-nan, nên biết, nếu dùng tiền-của hoặc sức người ta, thì đền đủ
là xong; còn như trong ấy, có giết thân-mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế,
thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi-trần, cũng như
bánh xe xoay-vần, thay-đổi bên cao, bên thấp, không có dừng-nghĩ; trừ khi được
phép Xa-ma-tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.
Nay ông nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình
người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngoan-cố. Giống cữu-trưng kia, trả nợ
đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng quái-dị. Những loài
hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng
ngu-dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong
nhân-đạo, tham-hợp hạng nham-hiểm. Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình
người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng hèn-nhát. Những loài cung-cấp thịt-ăn
kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng
nhu-nhược. Những loài cung-cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh
trong nhân-đạo, tham-hợp hạng lao-lụy. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở
lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng văn-hoa. Những loài
hưu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp
hạng thông-minh. Những loài quấn-quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình
người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-đạt.
A-nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ
vô-thủy đến nay, điên-đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau;
nếu không gặp Như-lai, không nghe Chính-pháp, thì ở trong trần-lao, máy-móc
xoay-vần mãi mãi; bọn ấy gọi là thật đáng thương-xót.
MỤC V - TU
NHÂN RIÊNG-BIỆT, THÀNH QUẢ HƯ-VỌNG
ĐOẠN I
NÊU CHUNG
"A-nan, lại có chúng-sinh từ loài người, không nương theo
Chính-giác tu phép Tam-ma-đề, lại riêng tu theo vọng-niệm, để tâm củng-cố
hình-hài, vào trong rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ
Tiên.
ĐOẠN II
RIÊNG-THÀNH MƯỜI THỨ TIÊN
"A-nan, các chúng-sinh kia, kiên-cố dùng đồ-bổ mà không
dừng-nghỉ, khi đạo-ăn được thành-tựu, thì gọi là Địa-hành-tiên.
Kiên-cố dùng cỏ-cây mà không dừng nghỉ, khi đạo-thuốc được
thành-tựu, thì gọi là Phi-hành-tiên.
Kiên-cố dùng kim-thạch mà không dừng-nghỉ, khi đạo hóa-chất được
thành-tựu, thì gọi là Du-hành-tiên.
Kiên-cố làm những động-tác mà không dừng-nghỉ, khi khí-tinh được
thành-tựu, thì gọi là Không-hành-tiên.
Kiên-cố luyện nước-bọt mà không dừng-nghỉ, khi nhuận-đức được
thành-tựu, thì gọi là Thiên-hành-tiên.
Kiên-cố hấp-thụ tinh-hoa mà không dừng-nghỉ, khi hấp-thụ được thành-tựu,
thì gọi là Thông-hành-tiên.
Kiên-cố làm thuật phù-chú mà không ngừng-nghỉ, khi thuật-pháp
được thành-tựu, thì gọi là Đạo-hành-tiên.
Kiên-cố chuyên-chú tâm-niệm mà không dừng-nghỉ, khi chuyên-niệm
được thành-tựu, thì gọi là Chiếu-hành-tiên.
Kiên-cố về thủy hỏa giao-cấu mà không dừng-nghỉ, khi cảm-ứng
được thành-tựu, thì gọi là Tinh-hành-tiên.
Kiên-cố tập-luyện biến-hóa mà không dừng-nghỉ, khi giác-ngộ được
thành-tựu, thì gọi là Tuyệt-hành-tiên.
ĐOẠN III
TỔNG-KẾT VỀ ĐẠO-TIÊN
"A-nan, bọn ấy đều ở trong loài người mà luyện tâm, tuy
không tu Chính-giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ ở trong
núi sâu hoặc trên đảo giữa bể cả, cách-tuyệt chỗ người ở; đó cũng là vọng-tưởng
luân-hồi lưu-chuyển. Nếu không tu phép Tam-muội, thì khi quả-báo hết rồi, trở
lại tản vào trong lục-đạo.
MỤC VI - CÁC CÕI-TRỜI SAI KHÁC
ĐOẠN I
DỤC-GIỚI
"A-nan, các người thế-gian, không cầu-đạo thường-trụ, chưa
có thể rời-bỏ được sự ân-ái với vợ mình, nhưng tâm không buông-lung trong việc
tà-dâm, do tâm đứng-lặng sinh ra sáng-suốt, sau khi mệnh-chung ở gần với mặt
trời, mặt trăng; một loài như thế, gọi là Tứ-Thiên-Vương-Thiên.
Đối với vợ mình, dâm-ái ít-ỏi, trong lúc tịnh-cư, không được
toàn-vị, thì sau khi mệnh-chung, vượt ánh-sáng mặt trời, mặt trăng, ở trên chóp
nhân-gian; một loài như thế, gọi là Đao-lợi-thiên.
Gặp cảnh-dục tạm theo, bỏ đi không nhớ-nghĩ, ở trong nhân-gian,
động ít, tĩnh nhiều, thì sau khi mệnh-chung, sáng-rỡ ở yên trong cõi hư-không,
ánh-sáng mặt trời, mặt trăng không soi đến được; và những người ấy tự mình có
ánh-sáng; một loài như thế, gọi là Tu-diệm-ma-thiên.
Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm-xúc đến bên mình, chưa
chống-đối được, thì sau khi mệnh-chung, lên trên chỗ tinh-vi, không tiếp với
những cảnh nhân-thiên cõi dưới, cho đến gặp hoại-kiếp, tam-tai cũng không đến
nơi; một loài như thế, gọi là Đâu-suất-đà-thiên.
Chính mình không có tâm dâm-dục, chỉ đáp-ứng với người khác mà
làm, trong lúc phô-bày, vô-vị như ăn sáp, thì sau khi mệnh-chung, vượt lên sinh
vào cảnh biến-hóa; một loài như thế, gọi là Lạc-biến-hóa-thiên.
Không có tâm thế-gian, chỉ đồng với thế-gian mà làm việc
ngũ-dục; trong lúc làm việc ấy, rõ-ràng là siêu-thoát, thì sau khi mệnh-chung,
vượt trên tất-cả những cảnh biến-hóa và không biến-hóa; một loài như thế, gọi
là Tha-hóa-tự-tại-thiên.
A-nan, sáu cõi-trời như thế, hình-thức tuy khỏi động, nhưng
tâm-tính còn dính-dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là Dục-giới.
Comments
Post a Comment