LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
Lời Dẫn
Tôi mạo muội viết tập tiểu-luận này để góp ý cùng gợi ý, và cũng để kết
cơ-duyên với những bạn đang muốn phát tâm đọc
tụng kinh Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương, hoặc đã phát
tâm đọc tụng nhưng còn thao thức về ý nghĩa u-huyền ẩn
mật của Kinh. Để cùng nhau tìm một lối lý giải có thể hiểu được,
vì thời đại ngày nay là thời đại lý giải.
Lâu đài giáo lý mà Chư Phật Thế Tôn đã xiển
minh là một tòa Diệu-Trang-Nghiêm-Vương-Các, mà xưa kia, ki
ngài Thiện tài đồng tử đến vấn Đạo ngài Di Lặc Đại Bồ tát,
đã được nhìn thấy sự BIẾN HIỆN của mọi ảnh tượng chập
chùng….Do đó, tâm thức trở thành vi-tế nhỏ nhiệm, tâm
nhãn của Đệ bát thức được hé mở, và thể nhập được
pháp giới…Tòa Diệu-trang-nghiêm-vương-Các ấy chẳng phải là vật gì xa
lạ, cũng chẳng được xây dựng bằng một Vật gì hết, nó chính là
Pháp-giới-Hoa-tạng-Tỳ-lô này, và chỉ được dệt nên bởi vô vàn những TÂM
NIỆM từ vô thủy của mỗi tâm chúng sanh, DỆT nên bởi
những ÁNH BIẾN HIỆN của tâm đó. Đồng thời, cũng được an lập bởi
những thiên-la-võng quang-minh vô cấu của thần-lực-hải cùng
nguyện-lực-hải của Chư Phật cùng Đại Bồ tát…Khoa Vật lý học cực
vi ngày nay đã bắt đầu nhận thấy rằng những cái mà họ gọi là
Cực-vi ấy, chúng hình như chẳng có vẻ gì là lượng-tử hết, chẳng có vẻ gì là
Vật, chúng thường biến ảo chập chùng, và có vẻ giống như những
ba-động-quang-minh, giống như những ánh-biến-hiện của quang
minh trong cái màn-vũ-diệu vô cùng vô tận của mọi thứ
thiên-la-võng quang minh…Và những quang minh ấy thì từ đâu mà lưu
xuất?...Chúng đều lưu xuất từ những tâm-thức đầy tình nhiễm cùng vọng
tưởng của chúng sanh, cũng như lưu xuất từ cái Diệu tâm vô
cấu của Chư Phật cùng Bồ tát.
Cho nên, Pháp giới Diệu trang nghiêm này bắt
rễ và nở ra ở nơi Lý Duy tâm sở hiện….Đó là Chân lý tối
thượng, và Chư Phật Thế tôn xuất hiện nơi đời nhiều như vi trần,
cũng chỉ là cốt nhắc nhở chúng sanh về cái Thông-điệp vi
mật ấy…Trong pháp hội Lăng già, Phật thường chỉ nhắc đi nhắc lại
điểm đó, và cũng nhắc đi nhắc lại về cái diễn trình của Tâm chuyển thành Thức.
Và trong pháp hội Lăng nghiêm, thì về sau cùng, Phật đã giảng lại kỹ
càng cho ngài A nan nghe về sự biến hiện của cái Thức đó:
biến hiện thành vọng-tưởng KIÊN CỐ tức là Sắc
ấm thô kệch, thành vọng tưởng HƯ MINH tức là Thọ
ấm lung chừng nửa tâm nửa vật và đi sát với Sắc ấm, thành vọng
tưởng DUNG THÔNG tức là Tưởng ấm có khả năng thẩm
thấu cả bên trong lẫn bên ngoài, thành vọng tưởng U ẨN tức
là Hành ấm nó chính là cái Sức hiện hành của chủng tử
nghiệp lực khiến cho các ấm đều trôi-lăn-lưu-chuyển tương-tợ-tương-tục,
thành vọng tưởng HƯ VÔ VI TẾ tức là Thức ấm của Đệ
bát thức sơ-năng-biến tức là cỗi nguồn của pháp giới huyễn hiện
hư vọng…Cho nên, có thể nói rằng Phật pháp thâu gồm các pháp thế
gian cùng xuất thế gian, siêu vượt mọi chân lý, siêu vượt nền vật
lý học cực vi cùng khoa phân tâm học hiện
đại đương muốn thăm dò Tiềm thức cùng Vô thức.
Chân lý Duy tâm sở hiện thường được cô đọng trong
câu: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.
Từ cái Biển Diệu tâm Biến hiện ấy, lưu xuất ra những
giòng giáo lý để triển khai ý nghĩa vi mật…Lưu xuất
ra giáo lý diệu nghiêm vĩ đại của Hoa Nghiêm, nói về pháp
giới Hoa tạng trùng-trùng-huyễn-khởi, trùng-trùng-thẩm-thấu viên
dung vô ngại, trùng-trùng-biến-ảo, vì đều là những ánh biến hiện
của quang minh, của Tỳ-lô-tánh-hải. Và những bài kệ nhiều như
sao sa của Hoa nghiêm thường chỉ là tán thán Lý Duy
tâm sở hiện cùng tán thán diệu dụng của quang minh…Lưu xuất
ra hệ thống Bát nhã với giáo lý Tánh Không cùng
lối nhìn Như-huyễn và nguồn Thiền quán chiếu Như-huyễn. và Kinh
Lăng Nghiêm cũng chỉ là nhằm giảng dạy về pháp môn quán chiếu Như-huyễn….
Lưu xuất ra hệ thống Duy thức giảng dạy về lịch trình biến hiện
của Thức thành các thứ pháp tướng… Lưu xuất ra từ nguồn Tịnh cùng pháp
môn Vãng sanh Tịnh độ, dùng câu niệm Phật và nương vào thần
lực của Đức A Di Đà để huân tập cùng thanh tịnh hóa
những quang minh của đệ bát thức, để đưa tâm
thức chúng sanh từ nơi bình diện ý thức lọt được
vào Đệ bát thức tứa A lại da thức. Vào được đến đó rồi, thì sẽ
thấy rằng Đức A Di Đà tánh cùng Đức A Di Đà Tây
phương cũng chỉ là một, và sự vãng sanh của hành
giả cũng chỉ là một tuồng biến hiện của những quang
minh của A lại da thức của chính hành giả…Lưu xuất
ra hệ thống Mật tông, tức là Tự môn, dùng sức quán
chiếu cùng nương vào thần lực của những nguyên-ngôn hay
mật-ngôn. Những mật ngôn này đều lưu xuất từ Chân như,
từ Diệu tâm vô niệm, nên cũng tương tự như những
ba-động quang minh có đủ thần lực để chuyển vật, để
tạo vật, và đưa hành giả trở về chứng nhập Diệu
tâm. Kinh Lăng Nghiêm vừa đứng ở nguồn Thiền quán chiếu
Như-huyễn lại vừa đứng ở hệ thống Tự môn của Mật tông, vì
Kinh dạy rằng: Chư Như Lai thường nương vào thần chú Đại
Phật đảnh để thành tựu đạo quả vô thượng. Do vị
trí ấy, nên tầm mức của Kinh cực kỳ quan trọng. Và cũng bởi thế, nên nhiều
vị thiền sư cũng như phái Thiền Trúc Lâm xưa
kia củ Việt Nam thường siêng năng trì tụng
chú Thủ Lăng Nghiêm.
Nói tóm lại, thì chân lý Duy tâm sở hiện
cùng giáo lý Như-huyễn thường bang bạc và bao trùm các Kinh Đại
thừa. Kinh Hoa Nghiêm diễn nói về Hoa tạng Tỳ lô Như-huyễn
và Bất khả-thuyết…Kinh Kim Cang cùng Đại Bát Nhã diễn nói
về Mộng-ảo-bào-ảnh-lộ-diễn Như-huyễn, để đưa hành giả tới Kim
cang tam muội…Kinh Duy ma và Viên giác cũng diễn nói
Như-huyễn…Luận Đại thừa Khởi tín cũng sạy quán chiếu Sanh-diệt-môn
Như-huyễn để chứng nhập Chân như tam muội…Còn Kinh Lăng
Nghiêm thì dạy lối quán chiếu Huyễn-khởi-trùng-trùng-tương-ưng
để nhập Như-huyễn tam ma đề, tức Định Thủ Lăng Nghiêm.
Theo Kinh Đại bát nhã cùng Đại Bát niết bàn,
thì Kim cang tam muội và Chân như tam muội và
Như-huyễn tam muội và Thủ Lăng Nghiêm tam muội chỉ là
một…Về Định này, thì các Đại Bồ tát từ Đệ-thập-địa trở lên mới có
thể chứng nhập gần như trọn vẹn. Nhập được định này rồi, thì có
thể biết được hết các hành-xứ của các tam muội khác, và có thể
chuyển tam muội một cách rất mau lẹ thần kỳ…Vì sao vậy? Có lẽ là vì
những quang minh tâm thức của các bậc Đại Bồ tát, do
sức quán chiếu thâm sâu, đã trở thành tột bực vi-tế
rồi, gần như vô tướng mạo, vô hình vô ảnh, nên có thể thay đổi nhịp
điệu rung chuyển một cách mau lẹ dễ dàng. Tuyệt kỹ thần kỳ của các Đại Bồ
tát trong việc chuyển liên miên từ tam muội này
sang tam muội khác, trong kinh gọi là Sư tử Phấn tấn, vì cũng
lanh lẹ dễ dàng oai nghiêm như những oai nghi tiến
thoái của Sư tử Chúa vậy…Đồng thời với đại định Thủ
Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã cũng nhắc đến Tịnh-quang-tam-muội, vì
ở tam muội này, hành giả có thể gột sạch những cấu-uế
trong quang minh tâm thức, để trở thành vô cấu, và
càng vô cấu bao nhiêu, lại càng lẹ làng ứng-hiện bấy nhiêu….
Cho nên, Tâm của chúng ta cũng như Tâm của Chư Phật,
quả thực sự là một Đại-Ảo-sư, còn cái thân chúng ta, ù lỳ, bất
tịnh và bịnh hoạn chỉ là một đại-ảo-thành mà thôi.
Diễn giải về giáo lý nhà Phật, là một việc khó
khăn hơn những việc khác. Vì sao?...Chỉ là cần phải diễn nói từ cái
vô hình, vô tướng mạo chuyển sang những cái có hình tướng,
có tướng mạo, rồi lại phải chuyển từ những cái này để trở
về cái vô tướng mạo kia. Diễn nói về cái diễn-trình từ
Tâm chuyển thành Thức, rồi lại chuyển thành những tâm-sở thuộc Thọ Tưởng Hành
ấm, rồi chuyển thành những sắc tướng thô kệch thuộc Sắc ấm.
Rồi lại từ những ấm đó, quán chiếu Như-huyễn để trở về nơi
biển Diệu tâm.
Chúng ta từ thời vô thủy, trải qua vô lượng
kiếp, thường chỉ quen trụ cái tâm mình, cái nhận thức của mình, ở một
bình diện quá thô kệch, ở ý thức, ở Sắc-Thọ-Tưởng ấm và một
chút Hành ấm, ở kích-độ của những sự vật thông thường cùng với sự suy
nghĩ phân biệt nhị biên, cộng với một ít ý-chí để thi vi tạo tác, nên
thường bám chặt vào những cái sanh-diệt và có hình tướng ấy để
trôi-lăn-lưu-chuyển. Tập khí tức tập-quán nhận
thức và sinh hoạt ấy, đã bắt rễ quá sâu vào tâm
thức chúng ta khiến quên lãng hẳn cái VÔ
TƯỚNG MẠO, quên rằng chính cái Vô tướng mạo ấy, cái thường
hằng ấy mới thực là cỗi nguồn của pháp giới cùng thân
tâm ta…Nên khi đọc kinh sách thấy nhắc nhở đến việc lìa
tướng để trở về chứng nhập cái biển Vô tướng mạo,
thì đa số chúng ta đều ngớ người ra, và sa vào hố kinh nghi… Do
những tập khí huân tập ấy, nên ta thường phân
chia cách biệt TÂM và VẬT, cách biệt gần như tuyệt
đối. Không hiểu rằng hai cái đó chỉ là những ý-niệm dựng lập nên bởi nhận
thức của chúng sanh, ý-niệm giả lập, và chỉ là hai khía cạnh
phát hiện hay huyễn hiện của Thực tại…Hai cái đó vốn thường bàng bạc chập chùng
thường thẩm thấu lẫn nhau, cái nọ chuyển thành cái kia và ngược lại.
Và không có một giây phút nào, một sát na nào, mà sự chuyển
hóa mênh mang vô cùng tận ấy không liên miên tiếp
diễn. Tỷ dụ như khi ta nghĩ tới quả mơ chua, thì nước miếng ứa ra: đó
là tâm tưởng chuyển thành Vật. Cây cỏ mọc, thân xác lớn lên theo
từng sát na,…cũng một phần là Tâm chuyển thành Vật….Và cũng không có
một sát na nào, mà không có hàng loạt vô lượng những
lượng-tử cực vi chuyển hình TAN BIẾN vào một bình diện vô hình
tướng hơn, để trở về với biển Vô tướng mạo
của Chân không, như ngày nay nền vật lý học cực vi đã
bắt đầu nhận thấy (tỷ dụ như trường hợp hạt tử
Neutrino hay là energy missing chẳng hạn…) Cho nên, Phật tử chúng
ta cần nhớ lại lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm, và hiểu rằng Vật chỉ là
Tâm thô kệch, do những tâm tưởng thô kệch, do những vọng-tưởng
kiên-cố từ vô thủy kết đọng lại và dệt nên mà thôi. Còn tâm
tưởng thì lại là những sắc-tướng vi-tế, những vô-biểu-sắc, mà giác
quan chúng ta không tế nhận nổi. Khi nào có thiên nhãn
thông hoặc tha-tâm-thông thì sẽ thấy. Do đó, nên ngài Di
lặc dạy: “Trong 1 đờn chỉ, có 32 ngàn ức niệm, mỗi niệm là
một hình-tướng. Nếu người nào có thể bớt đi 1 niệm thực thì tức
là bớt đi 1 hình tướng, và đối với người đó, có thể hẹn ngày thanh
tịnh được…”
Đi vào Kinh Lăng Nghiêm dĩ nhiên là một
cuộc hành trình gian khổ khó khăn. Nhưng vẫn phải đi vào, vì đó
là kho tang châu báu bí-tạng của Chư Phật. Nếu không lặn
lội đi vào, thì thực là uổng một kiếp túc duyên gặp gỡ, vì Lăng
Nghiêm là bộ kinh kỳ-bí nhất…
Phật giảng
kinh này cho những bậc Thanh văn cao để chuyển vào biển
Tâm của Đại thừa…Những bậc này đã quá quen thuộc với thiền
quán, quen quán nhân-duyên, quán về giới-phân-biệt, quen những dữ-kiện
về Duy thức học…nên dễ dàng nhận định về 5 ấm, về 7 đại,
về Kiến đại và Thức đại, cũng như nhận định về
Căn-Trần-Thức…Trong khi chúng ta thường là kẻ phàm phu ngu
giả¸chưa quen phân biệt giữa Thức với Căn chẳng hạn, nên đều bỡ ngỡ
trước những danh từ cùng dữ-kiện đó.
Lối
giảng dạy của kinh Đại thừa bao giờ cũng ẩn mật, nửa ẨN nửa
HIỆN. Phật thường chỉ bộc lộ và chỉ dẫn 1 phần, còn 1 phần
là do chúng ta phải bì bõm tư duy lấy để hiểu.
Trong
kinh và nhất là trong đoạn Thâu 5 ấm, 7 đại và 18 giới Căn-Trần-Thức về Tâm,
Phật thường dùng lối Luận lý Phủ định Trung quán để
vô-lý-hóa hết thảy mọi ý-niệm luận thuyết của thế
gian và ngoại đạo, và đã phá những kiến chấp mà chúng
ta thường mắc phải: kiến chấp về Ngã, về Thường còn, hoặc
ta kiến chấp rằng có vật này sanh ra vật kia…Lối luận lý này cốt
nhằm chứng minh rằng: mọi vật, mọi hiện tượng, mọi pháp đều
chẳng phải là Tự mình sanh ra mình, cũng chẳng phải là từ Cái-khác sanh ra,
cũng chẳng phải là Mình cộng với hoặc hòa hợp với Cái-khác mà sanh
ra, cũng chẳng phải là Tự nhiên hay Ngẫu nhiên mà sanh ra.
Là vì sao?
Là vì tất cả các pháp đều nằm trong cái
Vòng-nhân-duyên-tương-duyên-tuyên-sanh, và chính cái vòng đó cũng chỉ là HUYỄN
HIỆN TƯƠNG ƯNG…Huyễn hiện của Thức tâm, và đều từ cái Biển Diệu
tâm mà lưu xuất ra.
Bởi thế nên khó vào.
- Ngoài ra, sự phân biệt nhận
định giữa Kiến đại và Thức đại cũng khá khó khăn. Kiến
đại tức Cái Thấy-nghe-hay-biết, hồn nhiên và không
nhiễm vọng tình nên dễ đứng lặng như nước hồ thu, là con
đường để trở về Diệu tâm, là con đường mà
ngài Đại thế Chí đã dùng để trở về Diệu tâm hay Đức A
Di Đà. Trong khi thức đại lại là con đường đi vào Vọng tưởng,
vào khởi vọng, vào vọng tình nên luôn luôn giao động lao
xao như ngọn gió lùa vào những cụm lá rừng thông…Thế mà đôi khi, hai cái đó có
vẻ hình như giống nhau. Nên khó phân biệt.
Căn-trần-thức cũng vậy, gắn bó đắm nhiễm với
nhau, nên khó phân biệt.
Lại nữa, Thức vốn là một cái gì Năng Biến, tức là hay biến
hiện. Và sự biến hiện của nó lại hình như có mấy lớp vọng-hóa, từ
tế đến thô….Vì phải nắm bắt mấy thứ vô hình tướng ấy, nên
người đọc tụng kinh dễ phân vân lạc lối….
Thực ra, có lẽ chẳng có mấy ai có thể hiểu được nhiều
về Kinh Đại thừa hay Lăng Nghiêm. Chỉ trừ những bậc Đại Bồ
tát đã nhập những cơn tam muội lớn, mới nhìn rõ những cảnh
giới của lời Kinh.
Phàm phu chúng ta chỉ cầu mong hiểu sơ
lược ít nhiều yếu chỉ, để khởi được niềm tín giải. Nhưng khởi
được tín giải rồi, thì có thể đi vào hạnh nguyện, thì có
thể đi vào hạnh nguyện, và dù gió nghiệp có nổi dậy ào ào,
cũng vẫn có hy vọng giữ được tín-căn không hoại….Vì Chân
lý đã đành rành như vậy rồi, pháp-nhĩ là Như thị, nếu
không chịu tin thì còn tin vào cái gì đây?!?
Những trang sau đây sẽ cố gắng diễn giải sơ lược,
nhưng theo sự hiểu biết của người thời nay, để được dễ
hiểu hơn về những điểm ách yếu của Kinh…Diễn giải về cái Biển uyên-nguyên
Chân-tâm-diệu-minh. Về sự nổi lên của Vô minh Bất giác, tức là
Niệm-mê-mờ-vô-thủy hay là Tự tâm thủ Tự tâm. Do đó,
Tâm biến thành Thức. Về cái vòng huyễn-hiện của Thức biến, khiến
ảnh-hiện nên những ảnh-tượng về 5 ấm, 7 đại, cùng Căn-trần-thức, về Kiến
đại…cùng Thức đại…Về cái bí ẩn của Bộ Ba Căn-Trần-Thức (Misterry of
the trinity, tức là chữ Y gồm 3 điểm *** trong
nhà Phật), và Lẽ Trùng-trùng-Huyễn-khởi-Tương-Ưng…Về con đường Trở
về Diệu Tâm của con cá Tích, tức là Nguồn Thiền
Quán Chiếu Như Huyễn qua kinh Lăng Nghiêm, Viên
Giác và luận Khởi Tín…Về những ma chướng (ngoại ma cùng nội
ma) trên con đường trở về….Và về thần lực của chú Đại
Phật Đảnh, cần thiết để gia trì khiến hành
giả lọt vào Tàng thức và gột nổi những phẩm vô minh vi
tế cuối cùng và trôi vào Biển giác vô sở đắc….
LĂNG
NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG I
BÍ ẨN
CỦA TÂM THỨC
MYSTERY CỦA TÂM THỨC: CÁI VÔ TƯỚNG LÀ TỐI QUAN HỆ
VÌ LÀ NGUỒN GỐC, CÒN HÌNH TƯỚNG LÀ THỨ YẾU VÌ LÀ BIẾN HIỆN –
THUYẾT QUANG MINH CỦA NHÀ PHẬT – THUYẾT SÁT NA – LÝ TƯƠNG
SANH TƯƠNG DUYÊN.
Nietzsche xưa kia từng nói: “Cuộc sống
chỉ đáng giá khi nó là công cụ cho NHẬN THỨC, cho sự hiểu biết…”
(La vie ne qu’en tant que instrument de connaissance).
Vậy thì chúng ta, mang cái xác thân phù du này, cưỡi
trên con ngựa Vô thường, rong ruổi dạo chơi giữa cái vũ trụ lúc
nào cũng nửa-sanh-nửa-diệt này, ta cần phải HIỂU BIẾT cái gì?
Hiểu biết về computer chăng, về electronics chăng, về
bom trung-hoa tử, hay về management cùng business, hay về sự vận
hành của thị-trường chứng-khoán New York,… hay về vật
lý học cực vi cùng phân-tâm-học, hay là về các trường
phái triết học thế gian chăng? Hay là hiểu biết về
sự khám phá mặt trăng cùng 1,2 hành tinh lân
cận chăng??
Hiểu biết về những cái đó, dĩ nhiên cũng là một
điều tốt, vì nó có thể đem lại cho con người ít nhiều quyền
năng đối với cái vũ trụ thể-chất này. Nhưng nó cũng là một con
dao hai lưỡi, vừa có thể cắt miếng thịt bò để ăn, lại vừa có thể cắt dứt ngón
tay của mình được. Cũng tương tự như chiếc dây thừng, vừa có thể cột
vật, lại có thể cột mình được…Vì sao? Là vì những cái đó chưa phải là
sự hiểu biết rốt ráo, chưa liễu nghĩa. Nó có thể mang lại
sự an bình của tâm hồn không, có thể soi sáng cái
mystery về thân phận con người, về kiếp sống, về vũ
trụ không?...Tỷ dụ như bây giờ, con người có thể đặt chân lên Hỏa
tinh và khám phá thêm một vài dữ kiện mới lạ nữa,
nhưng rồi sau đó thì sao? Sau đó, thì lại còn vô lượng những hành
tinh khác cần phải khám phá vô cùng vô tận, và cái mistery
của kiếp sống vũ trụ vẫn thăm thẳm trùng trùng man
mác…Sau đó, thì con người có thể khoác thêm một chút ảo
ảnh vinh quang nữa, nhưng ảo ảnh ấy cũng sẽ làm bộc
phát lòng ngã-mạn và lòng tham tới một mức độ kinh hoàng,
rồi loài người tự lao mình vào một cơn mê sảng cực
độ của những ngày Tận thế…..
Xét cho kỹ thì sẽ thấy rằng cái mystery của ngàn đời, cả kiếp
sống cùng vũ trụ….không phải là mystery của ngoại vật, mà chính là mystery
của TÂM THỨC. Tâm thức của con người hay
của chúng sanh. Nếu ta lọt được vào Tâm thức ấy, dùng ngay cái
hư-minh le lói của tâm thức để chiếu soi những đáy tầng mịt mùng
của Tâm thức, nếu chiếu soi thấy rõ những luồng BA ĐỘNG VẬN
HÀNH cực kỳ vi-tế và cực kỳ mau lẹ của những ánh tâm thức ấy,
thì ta sẽ hiểu cái mystery u ẩn của tâm thức. Và tự
nhiên sẽ hiểu cái bí-ẩn của ngoại vật cùng pháp giới…Đó
là con đường nhận thức, tuy gian nan khó khăn, nhưng thẳng
tắt. Trong khi con đường của thế gian trí là con
đường đi vòng ra phía ngoại vật, nên dài xa và chìm nổi vô
tận….Hiểu được tâm thức rồi, thì sẽ hiểu được
cội-nguồn-tinh-lực-uyên-nguyên, sẽ chuyển được Vật, tạo được vật, cũng như
chuyển được pháp giới.
Xét cho kỹ về những nghành học thế gian, thì cũng sẽ thấy
rằng: thần tượng computer chẳng hạn, chẳng qua chỉ là một kỹ thuật để sử
dụng một vài thứ cực-vi hay quang minh của Vật, khiến cho
computer cũng có một thứ memory của nó. Song những cực-vi này, so với những
cực-vi của quang minh Tâm thức, thì còn quá thô kệch. Vả
lại, sử dụng những cực-vi của Vật, mà chưa thể hiểu bản
thể của vật là gì, thường chỉ mang lại sự hoang mang giao
động cho tâm hồn, và chưa thể đem lại sự an bình.
Hiểu biết về thị-trường chứng khoán cũng vậy, chẳng qua
cũng chỉ là sự hiểu biết về lề lối vận hành của một cái
(tạm coi là vô hình) gọi là lòng tham không đáy của con người,
nó luôn luôn bập bềnh chìm nổi. Và sự hiểu biết ấy chỉ có thể giúp
ta, nhiều lắm là kiếm thêm một mớ tiền bạc.
Còn như biết về vật-lý-học, thì ngày nay nền vật-lý hiện
đương bàng hoàng ngơ ngẩn trước các cực-vi. Nhà vật-lý hiện băn
khoăn, không hiểu những cực-vi ấy là thứ quái gì, nó là ba-động (onde) hay là
lượng tử? Vả lại, nhiều khi chúng biến ảo chập chùng, có lúc lại tan
biến mịt mùng tăm tích, nên họ chưa biết cách nào mà giả thiết hay
nắm bắt…Thêm nữa, nhà khoa học cũng là nạn nhân của những kiến-chấp, kiêu hãnh
tự coi mình là thuần-lý, khư khư kiến thủ rằng chỉ có Vật
là hiện hữu, chỉ biết nghiên cứu những tương quan phương-trình
giữa Vật với Vật. Ít khi ngờ rằng Tinh-lực có thể biến
thành Vật, và cái Biển tinh-lực uyên-nguyên lại chính là cái Tâm vô
hình vô tướng. Và trong cái pháp giới này, Tâm
lực liên miên bất tuyệt chuyển hóa thành Vật, còn những
cực-vi của Vật cũng liên miên tan biến để trở về Chân-không
tức là cái biển Diệu Tâm.
Sự hiểu biết về phân-tâm học cũng rứa, nghĩa là
quá thô kệch. Nhà phân-tâm học cũng là một phàm phu tục
tử như nhiều người khác, luôn luôn ôm chặt lấy cái ý-thức của mình (tức
thức thứ 6) để phân biệt giả thiết lập luận. Ít
khi ngờ rằng cái ý-thức ấy chưa phải là đáy tầng của tâm thức, và cái
cỗi-nguồn-sinh-cơ của con người cùng pháp giới lại nằm
trong tiềm-thức (tức thức thứ 7) và Vô thức (tức thức thứ 8
trong Duy thức học)…Ngày nay, nhà phân-tâm đã biết cách gắn những sợi dây
điện vào bộ não của người hay súc vật, để làm hiển lộ những
luồng ba động điện tử phát ra từ não bộ. Họ cũng bắt đầu nghiên
cứu về giấc ngủ cùng mộng-mị. Nhưng chưa có cách gì để quan sát và nhận
định về những ba-động cực kỳ vi-tế, về những ánh-biến-hiện của tiềm
thức và Vô thức. Vì chưa lọt vào được, nên quờ quạng ngẩn ngơ.
Còn các triết thuyết thế gian thì sao?
Các triết gia thế gian phần đông cũng vậy, chỉ có nhiều chất xám
não tủy hơn kẻ thế nhân một chút thôi. Nghĩa là vẫn luôn luôn trụ ở bình diện
ý-thức, chưa lọt nổi vào bình diện của tiềm thức cùng Vô thức.
Chưa lọt nổi vào những bình diện ấy, chưa hóa giải nổi sắc-ấm lưu ngại, chưa
hóa giải nổi Thọ-ấm tức là những cảm xúc hư minh chiêu dụ con
người chạy theo trần cảnh, chưa hóa giải nổi Tưởng-ấm tức là những
lâu đài mộng tưởng đẹp đẽ sáng lạn huyễn khởi lên bởi vọng
thức của ý-thức, chưa hóa giải nổi Hành-ấm tức là cái Sức khởi vọng của
những chủng-tử chấp ngã từ vô thủy…thì làm sao có thể lọt vài
nơi Vô thức để nhìn thấy cái biển Ba-động-vi-tế nó làm huyễn khởi
lên thân căn chúng sanh cùng pháp giới này….Đã không
nhìn thấy, thì làm sao dựng lập Chân-lý?...Bởi thế, nên các vị đó thường
chỉ sử dụng chất não đến cùng cực, và dùng những ngôn
từ sáng choang chiêu dụm rồi thiết lập một mê-đồ-vọng-thức hoặc
lâu-đài vọng thức làm chói mắt điên đầu kẻ thế nhân mà thôi. Nên nhà
Phật gọi là thế luận hay hý luận. Hý luận là còn móng
niệm. Móng niệm thì không ôm sát Thực tại được….
Bởi vậy, nên nếu chúng ta muốn hiểu về cái bí-ẩn của
kiếp sống, muốn hiểu: Ta là gì? Vật là gì? Pháp giới là gì? Ta từ đâu
đến, rồi đi đến đâu?....thì cần phải hiểu cái mystery của cái Tâm.
Hiểu cái Tâm ấy nó NỞ thành Vật, chuyển thành vật ra làm sao, rồi Vật ấy
lại trở về Tâm ra làm sao.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương cùng Duy thức học của
ngài Di Lặc chính là nhằm lý giải cái Vòng huyễn-hiện ấy.
Và giáo lý của Chư Phật Thế Tôn cũng chỉ là cốt
dạy chúng ta phương thức đưa cái Hư-minh-le-lói-Thấy-nghe-hay-biết
của mình LỌT được vào bình diện Vô thức, để NHÌN RÕ bằng Tâm
nhãn những ba-động-cực-kỳ vi-tế của Tâm thức, vì chính những
ánh-biến-hiện ấy nó DỆT nên thân căn cùng pháp giới….
A. Tầm mức quan hệ của cái Vô Tướng Mạo, của
những cái Vi-Tế:
Trước khi đi vào cái biển mịt mùng của tâm
thức hay của lời Kinh, thiết tưởng chúng ta cần gột sạch bớt
những kiến chấp trong tập quán nhận thức. Tập quán từ vô
thủy này thường thiên trọng, và bám chặt lấy những cái gì THÔ KỆCH,
có hình tướng, có thể trông thấy hay sờ mó được…Tập quán này là
một sai lầm trầm trọng, và chính nó khiến ta trôi-lăn-lưu-chuyển
trong biển phiền não.
Vậy nay cần ý-hội rõ rệt, và nhập tâm về tầm mức quan
hệ vượt bực của những cái ít tướng mạo hay vô-tướng-mạo, của những
cái vi-tế.
Thói thường là chúng ta hay lưu tâm nhất,
và trọng vọng nhất những cái thô kệch, có hình tướng, có vẻ
chắc nịch, ù lỳ, cố định. Tỷ dụ như miếng thịt bò, bao gạo…..và tiền.
Vì tiền có thể giúp chúng ta có những thứ đó.
Những thứ đó dĩ nhiên là có lợi ích, vì chúng
thường giúp ta làm tiếp-nối được cái mạng-căn mong manh này,
và tiếp nối theo ý muốn…Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, thì ta sẽ
thấy rằng tầm mức quan hệ của chúng còn ở một mức độ thấp, ở một vòng ngoài,
chưa phải là tối quan hệ.
Là vì nếu ta không có đồ ăn, phải nhịn đói…thì cũng
phải vào khoảng 20 ngày hay 1 tháng mới ngủm được.
Nay nói đến nước lã để uống. Nước không mất tiền mua, hoặc mua
ít tiền, nên chúng ta ít lưu tâm đến nó hơn là miếng thịt.
Nó cũng có vẻ ù lỳ, ít chắc nịch hơn miếng thịt. Nó cũng thường
có nhiều, nghĩa là chu biến hơn miếng thịt, nên ta ít trọng
vọng nó…Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, thì thấy rằng: đối với mạng-căn
ta, nước hình như quan thiết hơn miếng thịt.
Là vì nếu ta nhịn uống trong khoảng 10 hay 15 ngày,
thì mạng căn sẽ chấm dứt.
Không khí lại vô hình tướng hơn nước. Nó chu
biến hơn nước, lại không mất tiền mua, nên ta chẳng lưu tâm gì
đến nó, mặc dầu mạng-căn ta lúc nào cũng cần nó. Vì nếu ai bịt
mũi cùng miệng ta trong 3 hay 5 phút,là ta chết rồi.
Hư không lại còn vô tướng mạo hơn không khí, còn
vi-tế hơn. Nó cũng chu biến hơn nước, và tuyệt nhiên không
mất tiền mua, nên chẳng ai thèm lưu tâm gì đến nó, mặc dù mạng-căn ta
lúc nào cũng cần có. Vì nếu ai bịt mũi cùng miệng ta trong 3 phút hay
5 phút, là ta chết rồi.
Hư không lại còn vô tướng mạo hơn không khí, còn
vi-tế hơn. Nó cũng chu biến hơn, và tuyệt nhiên không mất
tiền mua, nên chẳng ai thèm lưu tâm, và thường khi là quên tịt. Tuy
nhiên, trong thân ta, trong các tế bào, các đường gân, các giọt máu…phần chiếm
ngụ của hư-không rất lớn so với phần chắc nịch ấy, vẫn
có hư-không len lỏi vào….Cũng tương tự như trong một
hạt nguyên tử, thì có 1 hạt nhân, cùng 1 số âm điện-tử xoay
quanh trên những quỹ đạo riêng biệt, còn ngoài ra là hư-không
cả. Và hư-không chiếm ngụ 1999/2000 phần trong khoảng không
gian của nguyên-tử….Thân ta cũng vậy, gần như toàn là hư-không cả. Vì sao
vậy? Chỉ là vì nếu không có hư-không, thì thân ta cùng mạng
căn không thể thành lập được, không thể an lập, không có chỗ
nương về…Tỷ dụ như nếu hư-không thôi hiện hữu trong một sát
na thôi, thì thân ta cũng tan tành hoặc tan biến ngay…Ngoài ra, cũng cần
có hư-không, thì những cực-vi của tế bào trong thân mới nhảy múa được,
mới tiếp diễn những màn vũ-điệu lắt lay muôn hình vạn trạng của
chúng, mới sinh sôi nẩy nở tàn lụi tăng trưởng…Bởi thế, nên
ngài Lão tử cũng nói rằng: cái bánh xe bò làm bằng gỗ thì chắc nịch,
nhưng cũng cần có cái Lỗ trống ở giữa bánh xe, để lắp cái trục
xe vào, thì bánh xe mới trôi lăn sống động được.
Ấy thế mà chúng ta thường quên lãng hẳn
hư-không.
Lên CAO hơn nữa, hoặc vào SÂU hơn nữa, là cái mà Kinh Lăng
Nghiêm gọi là CÁI THẤY, hoặc Kiến đại…Nó vô tướng mạo hơn
hư-không, vì tâm trí ta khó mường tượng, khó nhận thấy NÓ
hơn là hư-không. Nó có thể cũng chu biến và thường hằng hơn
hư-không, là vì ở những cảnh giới Thường-tịch-quang mà Chư Phật
thường trú, có thể là Không-gian hoặc hư-không đã bị hóa giải rồi, trong khi
Cái thấy vẫn thường hằng hoặc chuyển sang một hình thái chiếu
soi hồn nhiên hơn ….
Cái thấy cũng chính là sự phát-hiện của Tâm
thức ta.Vì Tâm thức chúng sanh có cái khả năng kỳ
diệu, là chiếu soi hoặc TỰ CHIẾU SOI mình được. Trong khi một tấm gương
sáng có thể chiếu soi sự vật, nhưng không thể tự-chiếu-soi nó được…Cho
nên, Kinh dạy rằng:”Cái thấy ấy gần với Diệu Tâm, nó là cái bóng mờ của
Diệu-Tâm, tương tự như mặt-trăng-thứ-hai mà ta nhìn thấy khi ta ấn
ngón tay vào mí mắt rồi ngước nhìn mặt trăng. Nó là con
đường để trở về Diệu-Tâm, và chính là con đường mà
ngài Đại Thế Chí đã noi theo để diện-kiến Đức A Di
Đà và chứng nhập Diệu-Tâm.
Thông thường, phần đông chúng ta đọc Kinh Lăng
Nghiêm, đến đoạn Phật chỉ cái THẤY, thì đều ngớ người ra (kẻ viết này cũng
vậy), bồi hồi suy ngẫm, rồi tự hỏi: “Phật Ngài đã 7 lần bác
bỏ lời ngài A Nan chỉ tâm, vậy thì cái Tâm ấy nó ở chỗ
nào, tại sao Ngài không chỉ cho biết? Mà rồi tại sao Ngài không chỉ
thẳng vào cái Chân Tâm để giảng giải ngọn
ngành cho mình hiểu, mà Ngài chỉ nhắc nhở, nhắc đi nhắc lại về Cái thấy?!
Mà Cái thấy này là cái gì vậy cà? Sao từ trước đến nay, mình chưa thấy ai
nhắc đến nó? Nó có phải là cái ý-thức của mình không, có phải là cái Thức
không, hay không phải….?!” Rồi có khi phải vò đầu vò tai, lắt tay suy ngẫm,
hoặc vài ngày vài tháng vài năm, mới bắt đầu nhận thấy là đúng.
Phật đã dùng biện chứng phủ-định, bác bỏ lời
của ngài A Nan “Thất xứ trưng tâm", nhưng rồi Ngài cũng chẳng
chỉ rõ Tâm ở chỗ nào. Là vì cái Tâm ấy nó chu biến khắp cả pháp
giới, nên không có phương hướng xứ sở thì làm sao chỉ xứ sở?! Và Ngài
cũng không nói rõ ra điều đó, là vì lời kinh thường là chỉ hé mở, và
buộc chúng ta suy nghĩ. Vì có suy nghĩ thì mới thấm được.
Rồi Ngài cũng không giảng giải rõ rệt về cái Chân
tâm ấy, chỉ nói rằng: “Pháp giới này là từ cái Chân tâm ấy mà
lưu xuất ra đấy…” Ngài không giải rõ rệt, là vì Chân tâm ấy
nó lìa ngôn thuyết, lìa ý niệm, chẳng phải Being cũng chẳng Not
Being, chẳng thường chẳng đoạn chẳng trước chẳng sau, chẳng thứ-đệ
chẳng đồng thời, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng khứ chẳng lai, mà cũng chẳng
phải là Ngẫu nhiên hay Tự nhiên mà như vậy. Nó chỉ
là NHƯ THỊ, là NHƯ NHƯ…Đem bất cứ một ý-niệm nào, một phạm
trù thế luận nào, mà gán ghép cho nó, cũng đều là lệch lạc, và như
thế, tâm hành giả vẫn còn GỢN sóng, còn móng niệm nên chưa chứng
nhập được nhiều….Chúng ta vốn quen sống với thế giới sai
biệt, sống với tâm tưởng, với ý-niệm của ý thức, chưa hề mường tượng
đến cái Thực tại vô sai biệt, nên dĩ nhiên là ngớ người
ra….Nhưng tuy Phật không giải bằng ngôn-từ, Ngài lại giải
bằng một cách cụ thể hơn rất nhiều, để chỉ rõ và trực nhận. Ngài
lại chỉ bằng Quang minh, bằng Phóng quang. Phóng
quang khiến chúng hội NHÌN thấy những cảnh-giới mà nhãn
lực lúc thường không nhìn thấy, tức là Ngài muốn bảo rằng:” Đấy, cái
Diệu-tâm ấy nó biến hiện như thế đấy.”. Phóng quang tức là chỉ
thẳng chân lý tối thượng Duy tâm sở hiện….Cho nên, hầu
hết kinh Đại thừa là phóng quang, là nói Pháp lớn, nói Tự
tâm biến hiện.
Phóng quang chỉ thẳng rồi, Ngài lại khởi từ-tâm,
dùng ngôn từ để chỉ vào Cái thấy. Vì cái thấy là con đường, cần
bám lấy để trở về chứng nhập Diệu-tâm…Sở dĩ chúng
ta ít tế nhận được cái thấy, một phần chính là vì nó HIỂN
NHIÊN SỜ SỜ ngay ra đấy. Nhưng cái gì hiển nhiên sờ sờ, thì
ta thường không nhận thấy. Ta lại thường dùng đến nó trong
mỗi sát na, nên lại càng mờ mịt không nhận ra nó…NÓ
chính là chỗ nương về của thân và tâm tưởng ta, và nếu tỷ
dụ nó ngừng hiện hữu một sát na, thì chắc là thân
tâm ta sẽ rơi rớt lả tả, trở thành bụi, cực-vi, vô
biểu sắc hoặc quang minh.
Nó chính là cái THẤY-NGHE-HAY-BIẾT chiếu soi HỒN NHIÊN,
không dụng tâm mà hầu như không tác-ý, của thân
tâm ta. Tương tự như 1 ngọn đèn, lúc nào cũng le lói chiếu
soi không hề ngừng nghỉ. Vì hồn nhiên, nên thường hằng và không
lay động, như một tấm gương có thể sáng ít hay nhiều nhưng không lay động. Như
mặt nước hồ thu ĐỨNG LẶNG, phản chiếu cả trời xanh cùng đàn én bay
qua….Có thể tạm gọi Nó là cái Thần quang, cái Hư-minh le lói chiếu soi
trong thân tâm. Hư-minh là vì nó là cái bóng mờ của cái Diệu-tâm chói
sáng, và Diệu-tâm này, khi PHỔ vào những lớp thể chất lưu-ngại
của pháp giới cùng thân tâm chúng sanh, đã CHUYỂN HIỆN
ra nó.
Nên nó chiếu soi hoài hoài, không ngừng nghỉ, qua các kiếp nhiều
như vi trần. Các luồng ba-động quang minh của nó, không ngừng
nghỉ, luôn luôn qua lại nơi sáu căn, qua lại pháp giới, của vật, để tạo
dựng nên đủ mọi thứ ảnh tượng, mọi ảnh
hiện (miroitement)…Nên chúng ta luôn luôn THẤY, không thể
không thấy được. Như con mắt ta chẳng hạn, luôn luôn thấy, hầu như bị bao
vây bởi Vật, luôn luôn thấy những ảnh tượng tạm gọi là Vật.
Khi mở mắt thì thấy phố xá nhà cửa, chán rồi nhìn lên trời lại thấy
trời xanh thăm thẳm. Chán nữa, nhắm mắt lại, thì lại thấy tối, và tối cũng
là một ảnh tượng, cũng là Vật. Chán hơn nữa thì đi ngủ. Nhưng ngủ cũng
thấy mộng mị ảnh-tượng lăng xăng. Và ngay trong giấc ngủ không mông mị
chăng nữa, thì cái giòng Thấy vẫn tiếp diễn một cách rất VI-TẾ,
và chúng ta, vốn quen trụ tâm thức trên bình diện nông cạn của
ý-thức, nên không nhớ và không tế nhận ra đấy thôi.
Cho nên, cái THẤY-NGHE-HAY-BIẾT chiếu soi hoài hoài,
những ảnh tượng sự vật thô kệch hay vi-tế cũng khởi lên
hoài hoài, tương tự như 1 màng lưới thiên la võng, không thoát
ra khỏi….Là vì sao? Là vì ảnh-tượng Vật và pháp giới cũng là do Tâm
biến hiện, mà ta cũng là do Tâm biến hiện, thì làm sao mà không đắm nhiễm thu
hút lẫn nhau, làm sao mà không gắn-bó, làm sao có thể Lìa nhau được?!....Chỉ có
một cách thoát khỏi màng thiên-la-võng đắm nhiễm ấy, là tu
tập Như-huyễn tam ma đề của Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tụ
tập đến mức hóa giả được Sắc-Thọ-Tưởng-Hành ấm rồi, đi qua tiềm
thức chấp Ngã, lọt vào Tạng thức, thì sẽ thấy rằng Tạng
thức của mình dung thông với khắp pháp giới. Thấy rõ cái đó
rồi, thì có thể gột nốt những đắm nhiễm cùng kiến chấp vi
tế và trở thành tự tại đối với màng thiên la
võng đó.
Cái Thấy là một điểm quan trọng, cần nhận định rõ rang
mới có thể đi vào thế giới mịt mùng của Lăng Nghiêm.
Vậy cái Thấy ấy là sự chuyển-hiện của Diệu-tâm khi PHỔ
vào thân tâm con người hoặc chúng hữu tình.
Nhưng khi phổ vào những lớp thể-chất đặc sệt lưu ngại của những
vật tạm gọi là vô tri, thì Diệu tâm ấy chuyển hiện
ra sao?
Cần hiểu rằng theo giáo lý Phật, làn ranh
giới giữa Hữu tình và Vô tình là 1 ranh giới di
động, tùy thuộc vào mức độ nghiệp lực tức mức độ nhãn-lực
của chúng sanh đứng nhìn. Tỷ dụ như đối với người thì hiện
nay, làn ranh giới ấy thường ngừng ở mấy con vi-khuẩn hoặc tế bào
sinh cơ. Con người tự nhủ: đến đây là có tri
giác là hữu tình đấy, và vượt qua mức này thì
là vô tri đấy. Nhưng đối với chư thiên thì làn mức ấy lại
khác: vì có thiên nhãn thông nhìn thấy những thứ vi-tế hơn mắt người,
nên chư thiên biết rằng có những cây cổ thụ hoặc núi đá lâu
năm cũng thành tinh, tạo dựng nên những thực thể sống
động rất linh hoạt, có khi còn hơn người nữa. Cho nên, Kinh thường
nhắc đến vô lượng những vị thọ-thần, hoặc thần coi cây Bồ-đề, hoặc
đạo-tràng-thần hoặc sơn-thần….Những vị này thường là do sự tu
luyện lâu nằm mà thành tựu, hoặc là một vị quỷ thần sẵn có,
nhưng do nguyện-lực hay là được bổ nhiệm tới coi giữ cây đó, núi
đó. Bổ nhiệm bởi những vị Quỷ vương, tỷ dụ như 4
ngài Tứ thiên vương, vì các Hộ thế thiên vương này thường cai
quản đám quỷ thần cỡ trung bình hoặc nhỏ ở tiểu thế
giới này.
Khi lên đến 1 bậc Đại Bồ Tát, thì làn ranh
giới giữa hữu tình và Vô tình hầu như biến mất. Bậc đó có gần
đủ Ngũ nhãn, nên khi nhìn thấy pháp giới thì chẳng có gì
là hữu tình hay vô tình hết, toàn thể đều là Giác
tánh, đều là Tự tâm biến hiện. Bởi thế, nên đối với Ngài, THÂN là
CÕI, và cõi là thân. Pháp giới này cũng là diệu-sắc-thân của ngài, và
cũng là cõi của ngài, và các chúng sanh vẩn lổm ngổm lăng
xăng dạo chơi hoặc tạo nghiệp ở trong đó….Đến bình diện vô sai
biệt này, là tột-bờ-mé rồi.
Cho nên, đối với người hay chúng sanh còn ngụp lặn
trong biển nghiệp, thì sức nghiệp LÓE lên, tạo dựng thành vọng
tưởng rằng: đây là hữu tình, kia là vô tình….Vậy thì đối với
những vật tạm gọi là vô tri, Diệu tâm ấy vẫn phổ vào những
lớp thể chất thô kệch và rất lưu ngại ấy, và chuyển hiện
thành 1 thứ thức giác rất thô sơ, mà nhà Phật gọi là Phi-tình-thần-thức.
Nó chỉ kém thức giác của loài tạm gọi là hữu tình ở chỗ mức độ thăng
hoa thôi, chứ không thua ở bản chất….Ngày nay, khoa học cũng nhận rằng cây cỏ
cũng có 1 thức giác rất đơn sơ để nhận định hoàn
cảnh một cách lù mù hạn hẹp. Và ngay những loại kim khí cũng có một lối
ứng-phó của nó (responsiveness). Bởi thế nên giới luật nhà Phật cũng
cấm các tỳ-kheo không được bứt cỏ non cùng cây là một cách vô tội vạ…..
Trên đây đã nói cái Thấy rồi, tức là KIẾN ĐẠI. Nay nói đến
THỨC ĐẠI. Hai đại-chủng này là ở trong 7 đại, và là 2 đại-chủng bí hiểm,
khó hiểu. Và cần phải phân biệt rõ ràng giữa Kiến
đại và Thức đại.
Vì một đằng (Kiến-đại) là đầu mối trở về Chân, còn một
đằng (Thức-đại) là con đường đi vào Vọng. Tuy nhiên, cũng
chỉ sai lệch nhau ½ hào ly thôi. Sai lệch ở chỗ MÓNG NIỆM và DỤNG TÂM…Cho
nên, Bồ Tát phải giữ cái tâm vô công dụng, để làm những thứ
hạnh vô công dụng. Nghĩa là vẫn khởi đủ mọi thứ tâm-niệm thiện
xảo để độ sanh, vẫn làm đủ mọi thi-vi tạo tác để độ sanh, mà vẫn
hiểu vẫn coi tất cả những cái đó như huyễn như hóa. Không hề móng khởi
một ly tình-nhiễm ưa ghét, vui buồn. Vẫn nhỏ những giọt lệ Đại
bi mà tâm không hề ủ rũ buồn rầu. Vẫn hớn hở vui
mừng để tùy-hỷ những công hạnh lành của kẻ khác, nhưng tâm
vẫn lặng lẽ tịch nhiên, an trụ trong niềm vui thanh thoát tuyệt
vời của cái Vui-không-Thọ. Do đó, vẫn giữ tâm mình ở trong trạng
thái hồn-nhiên-chiếu-soi của cái Thấy để trở về Diệu tâm.
Chữ THỨC trong nhà Phật (theo lối dịch Hán văn) là một chữ
bí-hiểm và phiền toái. Đọc Kinh lâu rồi, mới hơi hiểu được nó,
và lúc đầu thường là chới với lầm mạc. Là vì sao? Chỉ là vì chữ THỨC
hàm chứa khá nhiều nghĩa, và địa-bàn hoạt dụng của nó lại rất bao quát rộng lớn
cũng như rất vi-tế, rộng lớn và vi-tế cũng như pháp giới vậy. Lại
nữa, Thức vốn là một TRƯỜNG BIẾN HIỆN, và trong diễn trình biến hiện, Nó lại
kinh qua mấy tầng lớp VỌNG HIỆN. Và ở mỗi tầng lớp vọng hiện, nó thường làm
phát hiện nhiều thứ ảnh-tượng, và những ảnh-tượng này, tuy vẫn là Thức cả,
nhưng vẫn đượm nhiều vẻ sai biệt. Vì thế, ý nghĩa của nó rất
phiền mật.
Người học Phật cần lưu tâm nhất tới thời điểm này: là
thân-tâm chúng ta và cả pháp giới này chỉ là một TRƯỜNG
BIẾN HIỆN, một trường-lực-cực-mênh-mang-cũng-như-cực-vi-tế luôn luôn biến hiện
của vô vàn những thiên-la-võng quang minh tâm thức, xen
lẫn thẩm thấu và lồng vào nhau mà thôi. Cũng tương tự như 1
thứ Đại-ảo-thành dựng nên bởi 1 Đại-yêu-huyễn thôi…..Có điều là chúng ta,
bọ trôi lăn xô đẩy quá lâu trong giòng sanh tử, quá quen
thuộc với những tập quán sống say chết ngủ y cứ vào ngoại
vật cùng thân căn, nên ta thường lười biếng chẳng muốn nghĩ đến
nữa….Đạo Phật chính là chỉ nhằm dạy chúng ta biết phóng cái tầm
nhìn, trở lại nhận định những thiên la võng vừa mênh
mang vừa vi tế ấy. Và Kinh vẫn thường nhắc tới “những màng lưới
báu hào quang xen lẫn lồng nhau…” Ngồi thiền quán
chiếu là để làm gì? Trì giới để làm gì, niệm Phật trì
chú tụng kinh là để làm gì? Chỉ là để cho thân tâm mình,
ngày càng thanh tịnh vi-tế nhỏ nhiệm, có thể hé mở Tâm
nhãn NHÌN rõ thấy những luồng ba-động vi-tế của cái trường-lực ấy.
Siêng năng hành trì, tức là bồi đắp cho cái cội gốc vi-tế ấy.
Vậy thì cái Thức ấy, nó chu biến cực kỳ vi-tế, và
nó biến hiện. Biển tâm uyên-nguyên vô tướng mạo
và sáng ngời, do 1 niệm mê-mờ vô thủy nào đó (ở sau sẽ trình bày
rõ), bèn chuyển thành thức. Kinh Lăng Già mệnh danh Biển
tâm kia là Chơn thức, và gọi Thức này là Hiện thức. HIện
thức là vì nó bắt đầu hiện tướng, nhưng tướng mạo rất
vi-tế. Có thể gọi cái Thức đó là Thức căn nguyên, thức
căn bản, và nó là Tàng thức, là thức thứ 8, là thức Sơ-năng-biến
trong Duy thức học. Kinh Lăng Già cũng dạy rằng bình diện này rất
là hư-vô-vi-tế, không thể lấy óc mà biết được. Chỉ biết rằng (do thánh
ngôn lượng của Kinh) Tạng thức ấy hầu như phi dung-lượng nhưng
lại bao gồm tất cả những chủng-tử toàn vọng toàn chân. Chủng-tử vọng
tức là những tập khí huân tập từ vô thủy, có thể mường
tượng hình dung như những cơn-lốc-ba-động-quang-minh, những
trường-lực xoáy tròn không ngừng nghỉ.
Thức hư-vô-vi-tế này không ngừng lại ở đó. Trải
qua những kiếp vô thủy, do sức hiện hành của
những chủng tử vọng, nó lại qua mấy tầng vọng hiện nữa, và làm phát
hiện nên 7 thức kia. Tức là từ nhãn thức cho đến ý-thức
và Mạt na thức. Kinh Lăng Già mệnh danh 7 thức này
là Chuyển thức, vì chúng được chuyển hiện từ Thức căn nguyên
kia. Bảy thức này thì cũng vẫn là Thức, vì thể của nó vẫn là cái hư-minh le lói
chiếu soi, nhưng những hoạt dụng thì lại khác. Chúng cũng thô
kệch hơn, vì đã trải thêm một hay mấy tầng vọng hóa. Do đó, nên so
với Thức căn nguyên kia, chúng vẫn là một, mà vẫn là khác.
Bảy chuyển thức này, so với Thức căn nguyên,
thì vẫn là một, là vì chúng vẫn là quang minh, vẫn là cái hư-minh le lói
chiếu soi, vẫn là hư huyễn biến hiện. Nhưng chúng vẫn là khác. Vì sao? Là vì
càng ngày chúng càng trở thành ít vi-tế nhỏ nhiệm hơn, thô
kệch hơn, lưu ngại hơn, ít mầu nhiệm hơn nhưng vẫn luôn luôn
biến hiện….Và tùy theo nghiệp lực của chúng sanh, chúng đã
làm NỞ ra, LÓE ra, biến hiện thành tất cả những sắc
tướng thô kệch của pháp giới này, tất cả những vô-biểu-sắc
hoặc cực-lược-sắc, tất cả những căn hoặc thô phù hoặc tịnh-sắc-căn, tất cả
những cảnh-giới, cùng các thứ cảm xúc hư-minh, các thứ tâm
tưởng hay vọng tưởng dung thông, các loại tình nhiễm,
các thứ tâm sở….tạo thành 1 thứ lâu đài ảo vọng của chiêm bao, nhưng lung
linh luôn màu muôn sắc…Và tất cả cũng đều là thức biến cả, nhưng tầng
lớp ảo vọng có khác, và cũng đều là do cái sức hành-nghiệp của Vô
minh huyễn-khởi….
Khi chúng ta tưới vườn, tay cầm vòi nước sịt một
làn-mưa-bụi-nước vào cây cỏ, và nếu có ánh dương xuyên qua làn mưa
bụi đó, thì sẽ làm phát hiện lên một ảnh-tượng chiếc cầu-vồng có 5
màu hoặc 7 màu. Và kkhi ánh dương xuyên qua 1 lăng kính thủy
tinh hình tam giác thì cũng thế…Ánh mặt trời vốn
trắng, không màu sắc và hầu như không tướng mạo, nhưng xuyên
qua cái màn sương lưu ngại, cũng lóe lên thành màu sắc
cùng tướng mạo.
Những quang minh chói ngời và vô tướng mạo
của Diệu-tâm cũng vậy, khi chúng Phổ vào cái màn sương mù
đầy vọng tưởng cùng tình nhiễm của Vô minh, thì chúng
chuyển hiện thành cái biển Tàng thức vi-tế, rồi làm LÓE
(miroitemment) lên những thân căn chúng sanh cùng pháp
giới muôn hình muôn sắc này…Đó là cái diễn trình từ MỘT biến
thành VÔ LƯỢNG.
Về cái Vòng-huyễn-hiện của vọng thức này, chương 2 sẽ
trình bày kỹ càng và chi tiết hơn. Ở đoạn này, chỉ tạm trình bày như
vậy, để hiểu Thức đại là cái gì. Và điều cần thiết ở đây là phân
biệt giữa THỨC ĐẠI và KIẾN ĐẠI thì mới dễ hiểu Kinh
Lăng Nghiêm được.
Vậy thì Kiến đại có khác Thức-đại không? Nếu mọi
vật trong pháp giới này đều là Thức biến, cũng là thức mà
cũng là chẳng phải thức vì đã chuyển biến rồi, thì Kiến-đại cũng như
vậy. Nghĩa là cũng là Thức, mà cũng chẳng là thức. Vì hoạt dụng khác nhau, mức
độ vọng-hóa cũng khác nhau.
Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng:” Kiến-đại hay cái Thấy tức là
cái Tinh-minh của Bản giác, của cái Diệu-tâm….” Diệu-tâm thì “chiêu chiêu
bất muội”, nghĩa là rở-rỡ chẳng tối, sáng ngời và luôn luôn chiếu
soi. Vậy thì cái Thấy-nghe-hay-biết tức là cái bóng mờ của Tinh-minh
của Bản giác, nó cũng là quang minh, là cái hư-minh luôn le lói chiếu
soi….Còn Thức thì cũng là ở cái Diệu-tâm, ở Tinh-minh sáng ngời ấy mà
ra, và cũng là quang minh le lói biến hiện.
Vậy khác nhau ở chỗ nào?
Khác ở chỗ: Kiến-đại là cái phần KHINH THANH, ít ô
nhiễm của cái Thức sơ năng-biến, nên nó thường ĐỨNG LẶNG, lặng
lẽ chiếu soi một cách hồn nhiên, không móng niệm và hầu như cũng
không tác ý. Cho nên, nó dễ trực nhận được Tánh cảnh
(tức Bản thể) của sự vật, và là đầu mối kẻ hành giả có
thể lên đường trở về Diệu tâm.
Còn Thức-đại là cái phần TRỌNG TRƯỢC, nhiều ô nhiễm,
hay DAO ĐỘNG do sự móng niệm cùng tác ý muốn chiếu soi, hay
tự chiếu soi để phân biệt đến vô cùng vô tận và khởi
các vọng tưởng cùng vọng tình…Nên nó là con đường dẫn sâu
vào lâu đài vọng thức.
Kiến đại cũng tương tự như nước, có thể chiếu soi
hoặc phản chiếu được. Nhưng là mặt nước ĐỨNG LẶNG, như nước hồ thu
hoặc nước biển không song. Chiếu soi hoặc phản chiếu rõ rệt hình
ảnh mặt trăng. Từ mặt trăng này, ta có thể mường tượng
về mặt trăng trên trời một cách không sai lầm lắm.
Hoặc tương tự như tấm gương đứng lặng.
Còn Thức đại thì cũng là nước, nhưng mặt nước GỢN SÓNG nhấp nhô,
vì sự móng niệm liên miên và tình nhiễm ưa ghét. Nên nó luôn DAO
ĐỘNG. Và khi mặt trăng ảnh hiện vào đó, thì hình
ảnh trăng bị tan vỡ chia cắt thành muôn vàng những ánh-bạc-lăn-tăn…Đó cũng
là diễn trình của Một biến thành Vô lượng….Tuy nó là con
đường vọng, thế mà xưa kia, ngài Phổ hiền đã sử
dụng ngay nó (vì Ngài tu quán Nhĩ thức, tức là lấy Nhĩ-thức làm
cảnh sở quán) để lên đường trở về Diệu tâm. Xem thế thì đủ biết
Chân và Vọng chỉ sai lệch có ½ hào ly thôi. Sai lệch ở chỗ móng niệm hay không
móng niệm thôi.
Vượt lên trên Không đại, Kiến-đại cùng Thức-đại là 2 thứ
chủng-đại siêu xuất, gần như vô tướng mạo, chu biến cùng
khắp, và cực kỳ cốt thiết cho sự hiện hữu của thân tâm cùng
pháp giới….
Trong một bài tụng của Bát thức Quy củ tụng,
ngài Huyền Trang có viết: “Ngu giả nan phân Thức giữ Căn…” Có nghĩa
là: kẻ phàm phu còn ít trí huệ, nên khó phân biệt giữa
Thức và Căn. Thức tức là Thức-đại, còn Căn là Căn-đại, tức là Kiến-đại, tức là
Kiến-đại tức là Cái thấy hồn nhiên.
Về các thứ đại-chủng hoặc thô kệch hoặc vi-tế này,
trong bộ Đại trí độ luận, ngài Long Thọ cũng nhắc rằng: ”Các đại-chủng,
càng vi-tế bao nhiêu, lại càng mãnh liệt mầu nhiệm ngần ấy…..” Muốn
mường tượng về điểm này, thiết tưởng cần nhớ lại mấy quả bom nguyên tử rơi
xuống đất Nhật: năng lượng thoát ra do sự tan vỡ dây chuyền
(désintégration en chaine) của những cực-vi của mấy kí Uranium cũng đã đủ để
san thành bình địa một thành phố. Uranium là một vật thô kệch, và những
cực-vi của nó còn là ở mức ranh giới giữa vật và hư-không, mà đã
có năng lực như vậy. Nói chi đến năng lực của những
quang-minh tâm thức, khi mà kẻ hành giả đã biết tuyệt-kỹ tập họp
và sử dụng các thứ quang minh ấy?!....
Vượt lên trên Thức-đại cùng Kiến-đại, lên cao hơn nữa hay sâu
hơn nữa, là nơi Tột-bờ-mé của Chân tâm hay Diệu-tâm, hay
Như-lai-tạng Chân như nhiệm mầu, theo danh từ của Kinh Lăng
Nghiêm.
Nơi đây là bình diện Bất nhị, vô sai biệt, bất tư
nghì, bất khả thuyết, lìa ý niệm cùng ngôn từ. Nên khó có
thể dùng trí thức sai biệt cùng ngôn từ thường nghiệm
để diễn tả….May ra chỉ có thể nương theo thánh ngôn lượng để mường
tượng ít điều mà thôi….
Chương 2 sau đây, sẽ cố gắng diễn tả về
Biển Diệu tâm cùng cái niệm-mê-mờ-vô-thủy….
B - MẤY ĐIỀM ÁCH-YẾU THEN CHỐT CỦA GIÁO LÝ:
Kiến đại cùng Thức đại đã tạm phân biệt như vậy
rồi, thiết tưởng cần lưu tâm tới mấy điểm then chốt sau
đây. Và cần phải hội nhập kỹ càng, mới dễ đi vào thế
giới Huyễn-hiện-tương-ưng của Kinh Lăng Nghiêm.
1 - Dữ kiện QUANG MINH cùng QUANG
MINH QUYẾN THUỘC trong kinh Đại Thừa:
Về điểm những quang minh bất tư nghì này, kẻ viết đã
có dịp trình bày kỹ càng trong cuốn Lăng Kính Đại Thừa…Ở đây, chỉ xin nhắc lại
vài điều quan yếu thôi:
- Trong các kinh Đại Thừa, luôn luôn nhắc tới
đến quang minh cùng vô lượng quang minh quyến thuộc, tức là
những quang minh thô kệch thấp kém hơn, phát xuất từ diễn
trình chuyển hiện của những quang minh uyên-nguyên.
Kinh Hoa Nghiêm, dài 2500 trang, mà không có trang nào không
có chữ quang minh. Có những trang có mấy chục chữ, và riêng
phẩm Hiền thủ diễn nói về nhiều thứ quang minh….Danh hiệu Chư
Phật cùng danh tự nhiều môn tam muội, cũng thường
hay dùng chữ Quang hoặc Quang minh.
- Chư Phật luôn luôn phóng quang trước khi diễn nói
pháp lớn. Vì phóng quang chính là vô ngôn thuyết
pháp, chỉ thẳng sự biến hiện của Tự-tâm.
- Kinh Hoa Nghiêm, trang 580, nói rõ:” Chư Phật là TẠNG QUANG
MINH”….Đức A Di Đà có 12 danh hiệu, toàn là Quang.
Và Đức Tỳ-lô-Giá-na Phật có nghĩa là: Biến-nhất-thiết-xứ,
hoặc QUANG MINH BIẾN CHIẾU.
- Kinh Hoa Nghiêm, trang 3, cũng dạy: ”Trong quang
minh, Đại Bồ Tát xuất hiện nhiều như mây….” Vì diệu-sắc-thân của
các Ngài đều được dệt bằng những quang minh rất vi-tế. Mắt
phàm không nhìn nổi.
- Kinh Địa Tạng, phẩm 12 dạy: ”Lúc đó, từ đảnh-môn Phật
phóng ra trăm ngàn muôn ức tia-sáng lớn.
Như là: tia sáng sắc trắng lớn…tia sáng nghìn vòng
TRÒN lớn…tia sáng tướng CUNG ĐIỆN lớn…tia sáng tướng MÂY BIỂN lớn….”
Tướng Vòng tròn, tướng cung điện, có nghĩa là: những quang
minh ấy lần lần chuyển động như những cơn-lốc-ba-động-hư-minh, những
cơn phong luân, và làm hiển hiện những hình sắc như
cung-điện….
- Kinh Lăng Nghiêm lại dạy rõ rằng: sắc
tướng cùng thân-căn chúng sanh được dệt nên bởi những
vọng-tưởng KIÊN CỐ từ vô thủy. Tức là những quang
minh của vọng-tưởng ấy, vì nặng nề nên lần lần chuyển động chậm lại, kết
đọng nên sắc-tướng…Còn những quang minh của những vọng-tưởng HƯ
MINH, DUNG THÔNG cùng U ẨN, thì nhẹ hơn, nhanh hơn,
nên kết lại thành tri giác tâm thức chúng sanh.
Ngài Văn Thù cũng dạy y như vậy:
Tưởng trừng thành quốc độ
Tri giác nãi chúng sanh…
Nghĩa là: những vọng tưởng si mê thô
kệch thì kết lại thành sắc-tướng cùng quốc độ. Còn những vọng
tưởng linh minh hơn thì kết lại thành chúng hữu tình….
Như thế là các kinh điển, tuy dùng lời lẽ ẩn mật,
nhưng đã dạy rất rõ rang: TẤT CẢ PHÁP GIỚI ĐỀU ĐƯỢC DỆT NÊN
BẰNG QUANG MINH….Vì thế, pháp giới mới là 1 trường
Biến-hiện, mới có thể là do Tự-tâm biến hiện.
Pháp giới biến hiện có vẻ thô kệch hay
vi-tế, phần đoạn hay biến-dịch, mau hay chậm…đều là tùy thuộc mức độ
nhãn-lực hay nghiệp-lực của chúng sanh đứng nhìn…..
2. THUYẾT SÁT NA của NHÀ PHẬT:
Vậy thì pháp-giới được dệt bằng Quang-minh…Nhưng các
quang-minh ấy thì chúng từ đâu đến, chúng khởi lên như thế nào, rồi
huyễn hiện ra sao?
Đáp số của những câu hỏi này là Thuyết sát-na của nhà
Phật. Nếu không hình dung được rõ rệt và hoàn bị về thuyết này
thì khó hiểu nổi Lý Duy-tâm sở hiện.
Thực ra thì các Kinh điển không có giảng dạy rõ
rệt và hoàn bị về thuyết này. Lời dạy của Phật thường là rải rắc tản mác trong
các trang Kinh, tương tự như những ngọn hải-đăng le lói chiếu sáng
trên mặt biển sương mù. Và kẻ học Phật cần suy ngẫm để nối liền những lời dạy
ấy, rồi bơi qua mặt biển…Trong cuốn Tánh Không và Kinh Kim Cang,
kẻ viết đã có dịp trình bày kỹ càng về điểm giáo lý rất quan hệ này.
Ở đây, chỉ xin lược lại.
Những lời Kinh làm y cứ cho thuyết này, thường là như
sau:
- Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng: các pháp đều
Vô-thường, NIỆM-NIỆM-SANH-DIỆT, vừa sanh ra đã diệt ngay.
- Trong Kinh Kim Cang, Phật đã đưa ra 6 chữ:
Mộng-Ảo-Bào-Ảnh-Lộ-ĐIỂN, để thâu tóm giáo lý Như-Huyễn. Trong 6 chữ
này, thì chữ ĐIỂN là quan hệ hơn cả, vì điển nói về thuyết sát-na. ĐIỂN có
nghĩa là tia-chớp-nháng.
- Ngài Di-Lặc là giáo chủ của Duy thức học, cũng
dạy rằng: “Trong 1 đờn chỉ, có 32 ngàn ức niệm, mỗi niệm là một
hình-tướng. Nếu người nào có thể bớt đi 1 niệm thực thì tức là bớt đi
1 hình tướng, và đối với người đó ngày thanh tịnh có thể hẹn
được…” (Lời dạy này không biết xuất xứ từ Kinh nào, nhưng được ghi
trong bộ Nhị khóa giải của ngài Quán Nguyệt).
-Ngoài ra, kệ nhà Phật cũng nói:
Phật pháp như đại hải
Còn rộng cà sâu hơn;
Chẳng có gì thoát khỏi
Thiên-la-địa-võng này…..
Mọi vật đến từ đó
ĐỘT hiện rồi ĐỘT tan,
Tương tự như bào ảnh
Chẳng khác một giấc mơ….
- Kinh Đại Bát Niết Bàn, trang 231, dạy: ”Những tâm như
vậy, dầu niệm niệm diệt, nhưng vẫn tương-tợ-tương-tục chẳng
dứt…Như ngọn đèn niệm niệm diệt, ngọn trước diệt chẳng bảo ngọn
sau sanh, nhưng tuy niệm niệm diệt, mà vẫn có ánh sáng trừ
bóng tối…” Lời dạy này thật là rõ ràng….
- Ngoài ra, Kinh nhà Phật cũng thường nói đến chữ
Đẳng-vô-gián-duyên…Và thứ duyên này, thì cần phải dùng chữ Điển của
Kinh Kim-Cang mới có thể lý giải được….
Vậy những lời kinh và kệ trên bao hàm ý nghĩa ra sao?
Thiết tưởng có thể trả lời thẳng tắt như sau: do sức
HÀNH huyễn-khởi của những chủng-tử của Nghiệp lực, những quang
minh ấy đột khởi lên từ nơi Biển Diệu
tâm hay Chân không, dưới hình tướng cực kỳ vi-tế là những
TIA-chớp-nháng (ĐIỂN). Những tia-chớp-nháng ấy cũng là NIỆM, vừa sanh ra đã
diệt ngay, nên niệm-niệm-sanh-diệt. Nhưng trong khoảng sát-na A ấy,
hàng loạt những tia-chớp-nháng đồng khởi lên, đã dựng nên những ẢNH-TƯỢNG sự
vật tương ưng với sự chiêu cảm của Nghiệp-lực…Rồi đến
sát-na kế tiếp B, hàng loạt những tia-chớp-nháng khác lại đột
khởi lên, nhưng TƯƠNG-TỢ-TƯƠNG-TỤC với loạt trước (danh từ
tương-tợ-tương-tục là danh từ của Kinh). Vì tương-tợ-tương-tục nên chúng lại
dựng nên những ảnh-tượng sự vật tương-tợ-tương-tục với ảnh-tượng trước.
Cũng bởi thế, nên những giác quan thô
kệch của chúng sanh hay của con người, thường không nhìn
thấy những ba-động vi-tế ấy, và lầm nhận rằng những ảnh-tượng ấy là sự vật thật
có, là cố định, là có ngã, là thường còn trong một thời gian, là có
tự-thể, là có cái này sanh ra cái kia, là cái này là của tôi, rồi sanh đủ
thứ phiền não mê sảng…Kỳ thực, chúng chỉ là sự huyễn-hiện của hàng
loạt những tia-chớp-nháng xuất hiện tương-tợ-tương-tục, do sự suy
động của nghiệp-lực. Chứng cớ là cùng một giòng sông, loài
người thì thấy là nước uống được, nhưng loài quỷ lại thấy là lửa, còn loài
rồng lại thấy là điện đài lầu các có thể ăn ngủ nơi đó.
Xuất hiện tương-tợ-tương-tục, cũng giống như ngày nay,
trong những phim hoạt họa, sự tiếp nối tương-tợ-tương-tục của hàng
loạt những bức hình vẽ, đã tạo nên những ảnh tượng linh hoạt.
Bởi thế, nên xưa kia ngài Vạn Hạnh thiền
sư mới thở dài, than rằng:”Thân như điện chớp, có hoàn không…”
Cái khổ nhất, vướng mắc nhất, của con
người là hay quá tin tưởng ở XÚC GIÁC,
cũng tương tự như ông thánh Thomas bên Thiên Chúa Giáo. Nghĩa là
tin vào những cái thô kệch, có thể sờ mó được, và cầm thì thấy nặng….Không
hiểu rằng cái cảm giác Nặng (le tangible) cũng chỉ là 1 cảm
giác, nghĩa là cũng như mây khói. Không hiểu rằng Vật nặng chính là do những
vọng-tưởng-kiên-cố lâu ngày tích lũy rồi dệt nên, và Vật chính là
những tâm tưởng thô kệch, còn Tâm chính là những sắc-tướng vi-tế
hoặc vô tướng mạo…Và khi những vọng-tưởng kiên cố kết đọng
lại, thì chúng làm huyễn-hiện lên cái cảm giác nặng của trọng lượng.
Tỷ dụ như hành giả tu Mật tông, ngồi trong
hang đá nhiều năm, để quán chiếu hình tượng 1 vị Thần
linh. Lúc đầu thì hình tượng mờ ảo, chợt mờ chợt tỏ, là
vô-biểu-sắc, vì quang minh tâm thức còn đứt nối tán loạn…Lần
lần, trải qua nhiều năm, thì đến ĐỊNH-QUẢ-SẮC, thấy hình
tướng rõ rệt, linh hoạt, có thể nói và nghe được…Quán chiếu lâu hơn
nữa, cao hơn nữa, thì hình tượng định-quả-sắc sẽ kết đọng hơn, thành
một hình-tướng Diệu định quả sắc mà người chung quanh có thể nhìn
thấy. Tỷ dụ như trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài Nguyệt quang
đồng tử ngồi quán nước, thì nước xuất hiện, và đệ-tử ở ngoài nhìn vào
cũng thấy là nước…
Khi mức quán chiếu của hành giả lên đến
mức tuyệt vời như 1 bậc Đại Bồ Tát, thì những quang
minh tâm thức được kết hợp mau lẹ và vững chai,
và hình tướng định quả sắc trở thành mãnh liệt kiên
cố, linh hoạt như một hình tướng thực vậy. Có thể sinh
hoạt nói năng, có thể sờ mó được, có đủ tri giác cùng tâm
linh để làm mọi Phật sự, vì Bồ Tát đã chuyển sức tâm
linh để làm mọi Phật sự, vì Bồ Tát đã chuyển sức tâm
linh vào người huyễn ấy…Tóm lại, thì hình tướng trong định
quả sắc là 1 hư ảnh, nhưng hình tượng Vật ở ngoài cũng chỉ là hư
ảnh. Chỉ khác nhau ở mức độ Vọng-hóa tích lũy mà thôi, nghĩa là được
dệt nên bởi những vọng tưởng Kiên-cố hoặc Hư-minh….
Để hiểu thêm về thuyết Sát-na hay chữ Điển này, hãy lấy thí
dụ 1 ngọn nến đang cháy.
Nhìn ngọn nến cháy, ta thường cho đó là 1 ngọn lửa, là 1 VẬT.
Nhưng suy ngẫm kỹ, thì sẽ thấy rằng: Vật ấy chẳng phải là đơn-thuần, và được
tạo dựng nên bởi vô lượng vô số những Tia-chớp-nháng phụt ra, do
sự đốt cháy của những Cực-vi của sáp ong cùng cực-vi của không khí…Trong
một sát na A, hàng loạt những tia-chớp-nháng ấy phụt lên, tạo thành
1 TỔNG-TƯỚNG-ẢNH-TƯỢNG đối với mắt con người, và được gọi
là ngọn nến. Tới sát na kế tiếp B, lại có hàng loạt những
tia-chớp-nháng phụt lên, Tương-tợ-tương-tục, nên tổng-tướng-ảnh-tượng
vẫn tiếp diễn. Và ta tưởng ngọn nến là có thực. Kỳ thực nó chỉ được dệt
nên bằng vô lượng những tia-chớp-nháng mà thôi.
Hãy suy ngẫm sâu hơn nữa, quán chiếu sâu hơn
nữa….Những tia-chớp-nháng ấy là cái gì? Chúng phát hiện ra do sự Đốt
cháy những Cực-vi…Vậy thế nào là đốt cháy, và thế nào là Cực-vi?
Đây là 2 câu hỏi rất quan hệ, nó cũng là sự lầm
lạc lớn của nền Vật-lý học hiện nay, và chỉ có Kinh Phật mới lý giải nổi….Đốt
cháy có nghĩa là: có những loại quang-minh vi-tế nào đó mà chúng
ta chưa biết rõ, khi chúng rung chuyển theo 1 tần-số hay 1 nhịp điệu nào,
thì làm phát hiện 1 ảo-ảnh gọi là SỨC NÓNG, và ảo-ảnh này có khả năng
tương-sanh-tương-duyên, khiến cho những cực-vi kia (tức là của sáp ong) không
thể TÁI-XUẤT-HIỆN dưới hình tướng cực-vi sáp ong nữa, mà phải chuyển
hiện sang những hình thái khác, vi-tế hơn.
Còn Cực-vi thì cũng tương tự như vậy. Điều nhầm lẫn
lớn của các nhà khoa học là do tập quán nhận thức sai
biệt nhị-biên quá sâu nặng, lúc nào cũng khư khư nhất định muốn
coi những cực-vi là Vật. Kỳ thực thì Vật chỉ là 1 huyền-thoại nhận
thức của Vọng thức phân biệt, vì không có cái gì tuyệt
đối và nhất định là Vật thuần túy (matière pure) cả.
Và pháp giới hay vũ trụ này chỉ là một trường BIẾN HIỆN,
luôn luôn thẩm thấu và di động giữa 2 hình thái cực-độ
của Vọng thức phân biệt: là Tâm hay Tinh-lực vô tướng mạo,
và Vật thô kệch có tướng mạo….Bởi thế, nên nhà khoa học, khi đi sâu
vào cực-vi, thì thấy nó biến ảo: có lúc là lượng tử, có lúc là ba động, có
lúc lại tan biến mất…Tỷ dụ như hạt neutrino thường chỉ tồn tại 13
giây đồng hồ. Và nhiều hạt tử hay phản hạt tử khác lại chỉ tồn
tại 1/10 tỷ giây…Chúng phù du biến ảo như vậy, nếu
không phải là Flashs của chữ ĐIỂN, thì còn là cái gì?!?
Những cực-vi, đối với nhận thức con người, là đứng ở
mức độ RANH GIỚI của sự chuyển-hiện giữa cái Vô tướng mạo
và cái có tướng mạo. Chúng đâu phải có nhất định là Vật, vì
chúng đều là quang minh cả, đều là những ảnh-biến-hiện của vô số vô
lượng những quang minh mà ta chưa biết rõ…Một hạt nguyên-tử
thường chứa đựng 1 hạt nhân cùng mấy âm-điện-tử, còn toàn là hư
không cả. Hạt nhân cùng âm điện tử cũng chỉ là hiện-tướng của quang-minh
biến hiện chập chùng. Nếu nhà khoa học biết cách chia chẻ chúng ra, thì
chúng lại tan thành nhiều cực-vi khác vi-tế hơn, hoặc tan biến đi mất tung
tích. Và cứ thế chập chùng hoài hoài, không cùng tận…Nên Kinh Lăng
Già mới dạy rằng: ”Cho đến cực-vi, phân tích tìm cầu TRỌN KHÔNG THỂ ĐƯỢC.”
Có nghĩa là: nếu ta muốn phân tích tìm cầu, kiếm lấy một thứ cực-vi chắc nịch,
để dựng nó nên làm viên-gạch-cơ-bản để xây dựng pháp giới này,
thì trọn không thể được.
Là vì sao?
Là vì pháp giới này không phải là Vật, trọn không
thể xây dựng bằng Vật như một chiếc máy đồng hồ hay một cái ô-tô
được. Nó là 1 trường biến hiện do nghiệp-lực và nhãn lực chiêu
cảm nó là do quang minh biến hiện, do THỨC biến hiện,
dệt nên bởi vô vàn vô-lượng những tâm-niệm chúng sanh tích
lũy từ vô thủy, cũng như bởi những tâm niệm vô
niệm của Chư Phật cùng Đại Bồ Tát.
Cho nên, Phật cùng chúng sanh chúng ta đều là
những người THỢ DỆT. Tu hành cùng hành trì chỉ là ngồi
DỆT tâm niệm. Dệt những tâm niệm cao cả nhẹ nhàng thì sẽ lần lần
làm phát hiện những tấm thảm Ba tư, những ngọc ngà châu báu,
những thân căn trang nghiêm cùng những quốc độ sáng
ngời, có Bồ Tát ngồi đầy khắp…Dệt những tâm niệm lẩm cẩm,
thì sẽ làm phát hiện những thân căn tật nguyền, chỉ có mảnh vải che
thân, và lọt vào những quốc độ thành vách đen sì, thân mình cũng tối
đen¸và cũng chẳng có mặt trời mặt trăng để soi
sáng đường đi….
Nói rộng ra hơn nữa, thì thân căn chúng ta, cùng các
vật chung quanh, như vây cam, tảng đá…cũng tương tự như Ngọn nến cháy
ấy thôi.
Nghĩa là: trong 1 sát-na A, do sức suy động Hành
nghiệp của những chủng tử nở ra, có hàng loạt vô vàn những
tia-chớp-nháng đột khởi lên, tạo thành một tổng-tướng-ảnh-tượng, gọi
là thân căn ta. Những tia-chớp-nháng thô kệch, nặng nề, nhiều
tình nhiễm, thì chuyển động lần lần chậm hơn, cuộn lại rồi kết thành những tế
bào của thân. Còn những tia-chớp-nháng vi tế hơn, khinh thanh hơn,
linh minh hơn, thì chuyển động lẹ hơn, nhưng cũng vẫn cuồn cuộn lại
và kết thành Thọ-ấm, Tưởng-ấm cùng Hành-ấm của tâm thức….
Rồi đến sát-na B kế tiếp, lại có hàng loạt vô vàn những
tia-chớp-nháng khác đột khởi lên, nhưng tương-tợ-tương-tục và tạo
thành những tổng-tướng-ảnh-tượng tượng tợ tương tục…Nhịp điệu rung chuyển của
những quang minh ấy thực là vi tế và cực kỳ thần tốc,
nên mắt thịt của người cùng những dụng cụ khoa học chưa thể có cách
gì nhận định nổi. Ngay cho đến những quang
minh thấp kém thô kệch như quang tuyến X hay Gamma
chẳng hạn, mà đã đạt tới những tần-số khủng khiếp là rung chuyển hàng triệu
hoặc hàng tỷ lần trong 1 giây rồi. Huống hồ là sự rung chuyển của
những quang minh rất vi-tế?! Và cũng vì thế nên Phật mới bảo
rằng cảnh giới đó là Bất-khả-thuyết….Và phải có thiên-nhãn, huệ-nhãn
hay pháp-nhãn mới có thể thấy được phần nào…Và chính là mật-độ (densité), cùng
sự chuyển động chậm lại và cô đọng của những vọng-tưởng-kiên-cố, nó khiến cho
Trọng-lượng được phát hiện trong thân căn ta cũng như trong sự vật.
Cũng như thân căn ta, những sự vật bên ngoài như cây
cam, tảng đá hoặc tinh tú… cũng vậy thôi. Nghĩa là được dệt nên bởi vô vàn
những tia-chớp-nháng, rồi được kế tiếp tương-tợ-tương-tục…Lấy tỷ
dụ một vì tinh tú thì đủ hiểu. Từ đâu mà có những vòng đai
khí-quyển (anneaux de Neptune chẳng hạn) thường bao bọc các hành tinh hay tinh
tú? Từ đâu mà các tinh tú cứ đốt cháy cùng chiếu sáng hoài hoài vậy
được? Từ đâu mà có loại động vật hoặc loài người xuất
hiện trên các hành tinh? Con động vật đầu tiên hay con
người đầu tiên là ở đâu mà xuất hiện?
Sở dĩ có những vòng đai khí quyển, là vì chúng là những
dấu-tích rớt lại của những cơn-lốc phong-luân mênh mang
của quang minh trong thời kỳ hình thành một tiểu thế-giới.
Vì sự vật nào cũng được dệt nên bởi những tia-chớp-nháng xuất
hiện tương-tợ-tương-tục, và chuyển động theo hình-chôn-ốc…Còn về điểm
các tinh tú thường cứ đốt cháy chiếu sáng hoài hoài rất lâu, thì
nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do sự đốt cháy (combustion) liên
tục của một số chất hơi hóa học như hydrogène hay helium chẳng
hạn. Trả lời như vậy thì Không phải hoàn
toàn sai, nhưng mới chỉ là đứng ở mức độ nhìn những nhân-duyên nông cạn và
bề mặt mà thôi. Và chưa thể nào hiểu nổi cái bản chất linh
hoạt và sống động của vũ trụ này. Thực ra, thì
các tinh tú cũng như mọi sự vật, đều bắt nguồn ở cái Biển
quang-minh-uyên-nguyên ấy cả, do sức nghiệp huyễn khởi nên thành quốc-độ y-báo.
Nên các tinh tú đều là những thực thể linh động, và đều hàm
chứa một Đà-sống nội-tại, do sức Hành huyễn khỏi của nghiệp báo. Nên cứ
phụt lên như cây pháo bông, cháy hoài cho đến khi hết
sức nghiệp mới nguội…
Vì thế, nên trong kinh Phật, mặt trời mặt
trăng đều có những vị trời trị vì ở đó, gọi là Nhật cung thiên
tử, hay Nguyệt cung thiên tử. Nhưng đôi mắt thịt cùng dụng
cụ khoa học chưa thể nào làm hiển lộ nổi.
Chư Phật Thế tôn, xuất hiện nơi đời nhiều như
vi-trần, dùng Phật nhãn NHÌN RÕ mọi then chốt sinh cơ
của pháp giới, rồi luôn luôn nhắc nhở chúng sanh về cái Nguồn
sinh cơ ba-động-vi-tế ấy tức là Diệu tâm. Nhưng phần lớn chúng
sanh đều không chịu tin. Là do ám chướng quá sâu dầy, do tập
quán nhận thức thô-kệch và sai biệt từ vô
thủy quá sâu nặng….
Sự vật là như vậy, là những tia-chớp-nháng kế tiếp nối
nhau, gần như không có kẻ hở. Vì thế, kinh Phật thường nói đến một
thứ duyên kỳ dị, gọi là Đẳng-vô-gián-duyên…Nghĩa là tia-chớp-nháng trước, khởi
lên rồi biến đi, làm duyên cho tia-chớp-nháng kế tiếp khởi lên cái
diễn trình huyễn-khởi của sức Nghiệp. Khi 1 hành giả tu hành, vào
được diệt-thọ-tưởng-định, thì những tia-chớp-nháng ấy mới ngưng đột khởi,
nhưng chỉ mới ngưng về phần THÔ mà thôi….Chân lý là như thị, bí-ẩn
của pháp giới này là những tia-chớp-nháng của quang minh. Mới
nghe thì khó tin khó nhận, nhưng nghĩ lâu thì thấy rằng có lẽ Chân
lý không thể khác được….
Vậy thì những tia-chớp-nháng hay quang minh ấy,
chúng hằng không ngừng nghỉ đột-khởi từ nơi Biển Chân-không, do sức Hành huyễn
khởi của những chủng-tử Nghiệp lực NỞ XÒE ra. Đôi mắt
thịt của chúng ta thì không có cách gì nhận định thấy
những chủng tử ấy. Nhưng những bậc tu hành có Thiên
nhãn, Huệ nhãn hay Pháp nhãn thì có thể nhìn thấy các
chủng tử, có lẽ dưới hình thái nhũng cơn-lốc-ba-động quang minh,
tuy vi tế nhưng cực kỳ thần tốc mãnh liệt.
Nghĩa là chúng phát khởi từ vô vàn những trung-tâm
khởi vọng gọi là Chúng sanh, cũng như vi-trần-số những trung-tâm (foyer)
khởi Diệu-dụng gọi là Chư Phật và Đại Bồ Tát, và cũng gọi là Chúng
sanh Lớn…Mỗi chúng sanh, do những tâm niệm cùng thi-vi tạo
tác (thi-vi tạo tác cũng là do tâm niệm) từ vô thủy triền-miên,
nên tạo dựng nên 1 thứ thiên-la-võng quang minh gần như riêng biệt
của mình. Chư Phật cùng Bồ Tát cũng vậy, do thần-lực cùng nguyện-lực
nhiếp độ, cũng tạo dựng nên những thiên-la-võng quang minh vi-tế
và tuyệt nhiên không tình nhiễm….Và vô lượng vô
vàn, vô cùng tận những thiên-la-võng ấy đều huyễn-khởi trùng-trùng,
đều chập chùng xen lẫn lồng vào với nhau, đều thẩm
thấu trùng-trùng, tương-duyên-tương-sanh biến ảo không cùng
tận. Tuy thẩm thấu xen lẫn trùng trùng, nhưng vẫn giữ được những
khía cạnh đặc-thù riêng biệt.
Và tất cả những màng lưới thiên-la-võng quang minh ấy,
có thể coi gần như Bản-lai-diện-mục của pháp giới này. Vì
những quang minh căn-nguyên (radiations originelles) lại lần lần làm
phát hiện nên vô lượng những quang
minh quyến-thuộc, thấp kém và thô kệch hơn,
để kết tập thành những cảnh giới có hình
tướng của pháp giới…Do đó, mỗi chúng sanh thường chiêu-cảm lấy 1
ảnh-tượng riêng biệt về pháp giới, tùy theo mức độ cộng-nghiệp
cùng biệt-nghiệp của mình, tức là mức độ khởi vọng.
Và cũng bởi thế, nên Kinh Hoa Nghiêm mới dạy rằng:
“Hoa-tạng thế giới Tỳ-lô tánh hải này, được dựng lập nên là do
Nghiệp-lực-hải của chúng sanh, và do Thần-lực-hải của Chư Phật, cũng như
là do Nguyện-lực-hải của chư Đại Bồ Tát…” Cả 3 thứ Hải đó đều là bất-tư-nghì,
nhưng pháp giới được AN LẬP, có chỗ nương về, có chỗ trụ là ở
nơi Quang-minh-võng của Chư Phật.
Ở nơi gần tột-bờ-mé của bình diện Bản-lai diện lục ấy, thì chỉ
là vậy thôi, đều là quang minh vi tế, và ngoài ra không có
một Vật. Vật chỉ là ảnh-tượng chiêu cảm…Kẻ viết trộm nghĩ rằng:
nếu hành giả nào, trong mỗi giây mỗi phút, có thể giác
quán miên tục được sự NHÁNG lên của những tâm niệm, và hiểu rằng
chính những tia-chớp-nháng ấy dệt nên pháp giới này, thì kẻ đó đã bắt
đầu SỐNG VỚI TÁNH rồi…, tức là bắt đầu Đi-trong-ánh-sáng của Diệu tâm….
Cần nói thêm ít giòng về sự Khởi lên của những tâm niệm,
của những tia-chớp-nháng ấy.
Chúng ta thường coi những tâm niệm là hoàn
toàn vô tướng mạo, và vô hình chất. Và từ vô thủy, đều mắc phải
tập quán nhận thức lệch lạc, coi những tâm
niệm vô-hình-chất ấy gần như hoàn toàn khác biệt với cái
thân-căn hữu hình và hữu chất này.
Trong Kinh Lăng Nghiêm (trang 1061, bản dịch
của cư sĩ Tâm Minh), Phật đã cảnh tĩnh chúng ta về
sự lầm lạc này. Trên đại cương, Ngài dạy rằng:”Nếu Tâm
tưởng và Thân không phải là cùng 1 THỂ và hoàn toàn khác biệt
nhau, thì làm sao những tâm niệm lại có thể thẩm thấu vào
thân,và sai khiến thân được? Làm sao khi thân đau ốm, tâm lại
bị buồn rầu lo lắng được?....Vậy nên biết rằng 2 cái là
cùng một thể, cùng là hư vọng, chỉ khác nhau ở mức độ sai biệt về
vọng-hóa mà thôi….” Và cũng bởi thế, nên Kinh mới mệnh danh những tâm-tưởng của
ý-thức là DUNG THÔNG vọng tưởng. Dung thông có nghĩa là, một mặt
chúng có thể thấm thấu vào những vọng tưởng kiên cố tức là
thân-căn, cùng những hư-minh vọng tưởng của sự cảm thọ của
5 thức trước, mặt khác chúng cũng có thể thấm thấu vào những vọng
tưởng u-ẩn hoặc rất vi-tế của thức thứ 7 và thứ 8.
Vậy thì mỗi khi 1 tâm niệm khởi lên, hoặc
từ Mạt-na thức chấp ngã, hoặc từ Tàng thức chấp pháp, hoặc
từ Chân-không của Diệu Tâm…., tức là nó mở 1 cuộc hành trình CHUYỂN
HIỆN từ chỗ vô-hình-chất xuống những lớp có hình-chất. Tâm
niệm của chúng ta thường là tâm niệm chúng sanh, nên
đều hàm chứa tình-nhiễm (ưa ghét vui buồn). Nên quang
minh của tâm niệm lần lần trở thành nặng nề, chuyển
động chậm lại rồi xoáy tròn chon-ốc. Và trong cuộc diễn trình này của tâm
niệm, thì bao giờ cũng có PHƯƠNG-THỜI-THẾ-TỐC và SỐ nổi lên theo nó.
Phương Thời Thế Tốc và Số tức là 4
Bất-tương-ưng hành pháp trong hệ thống Duy thức. Phương là
Không-gian, Thời là thời-gian, Thế-tốc là sự chuyển động mau hay chậm, còn Số
là những ảnh-tượng sai biệt muôn hình vạn trạng…Nghĩa là: khi
1 tâm niệm khởi lên, và chuyển hiện vào những lớp có hình-chất lưu
ngại, thì bao giờ nó cũng TRẢI ra trên không gian và thời gian,
do đó hàm chứa 1 thế-tốc tương đối rồi biến hiện thành nhiều
thứ ảnh tượng sai biệt. Tức là nó chuyển hiện từ cái MỘT vô sai
biệt, phi không gian và thời gian, từ cái cực kỳ
thần-tốc lập tức ứng-hiện….sang cái NHIỀU (Multiple, Many)
có sai biệt vô cùng vô tận, có không gian có thời
gian, cũng như có 1 thế tốc tương đối…Kỳ thực, thì cả Không lẫn Thời
ấy, cả Thế tốc và Số ấy cũng chỉ đều là vọng-tưởng, là huyễn
hiện tương ưng mà thôi…Và không gian cùng thời
gian bao giờ cũng dính liền và tương ưng với thế
tốc của quang minh tâm niệm (xin xem cuốn Lăng Kính Đại Thừa…)
Như thế là giáo lý Nhà phật, nhất là Kinh Lăng
Nghiêm và Duy thức học, đã diễn giải khá rõ rệt về
diễn-trình chuyển hiện từ cái vô-hình-chất tới cái có-hình-chất, tức là từ
Tâm đến Vật. Lời diễn giải này dĩ nhiên là không có
phương-trình toán số ( equations mathématiques ), vì mục
tiêu của giáo lý là chỉ dạy hành giả đi tới chỗ
thực-chứng và xóa bỏ mọi đo lường phân biệt…Phật nhìn thấy rõ
những cảnh giới vi-tế ấy, rồi dạy ta cách thức đi tới đó rồi tự mình
nhìn nhận lấy, tức là vượt qua cái sai-biệt-trí để nhìn bằng vô-
sai-biệt-trí…Trong khi khoa học ngày nay vẫn còn lòng dòng ở nơi sai-biệt-trí
để đo lường phân biệt 1 số Sắc pháp mà thôi. Về những
sắc-pháp này, khoa học thực ra mới chỉ nghiên cứu tạm kỹ
càng về sắc-trần và thanh-trần. Còn về hương-trần, vị-trần, xúc-trần cùng
pháp-trần….cũng chưa nghiên cứu mấy nổi… Ngoài ra, về
sự nghiên cứu những tâm-pháp, thì ngành phân-tâm-học hầu như chỉ mới
manh nha, vì các nhà khoa học vẫn khư khư muốn ôm lấy cái kiến
chấp cố hữu về Vật, và chưa hiểu Tâm là cái gì. Họ luôn luôn suốt ngày
dùng đến tâm-thức, mà vẫn không hiểu Tâm. Còn về những Bất tương ưng hành
pháp, thì nhà khoa học mới chỉ nghiên cứu 1 cách nông cạn máy móc về
Không-Thời cùng Thế tốc mà thôi. Và phải đợi đến Einstein, mới đưa ra
được những lối nhìn khá sâu sắc, những vẫn chưa liễu nghĩa về
Không-Thời cùng Thế tốc….
Cũng cần ghi thêm rằng: về sự Chuyển động, thì giáo
lý nhà Phật dạy rằng mọi thứ lay-động hay chuyển-động đều chỉ là
vọng-hiện, tùy theo mức độ tâm thức của chúng
sanh đứng nhìn. Đây là đứng về phương diện Chân-đế vô sai
biệt mà nói….Còn đứng về Tục-đế sai biệt mà nói, thì cũng có
thể nhận định rằng: pháp-giới này có lẽ bao gồm 2 hình thái
chuyển động. Một hình thái chuyển động căn nguyên (movement original) còn ít bị
vọng hóa, là sự phụt lên, khởi lên của những tia-chớp-nháng quang minh,
rồi lần lần xoay tròn cực kỳ mau lẹ theo hình chôn-ốc (movement en spirale). Và
một hình thái chuyển động khác có thể tạm gọi là sự lay động hoặc chuyển động
lăng-xăng-ngang-dọc (movement tangential et latéral): tức là khi
những quang minh đã chuyển hiện qua nhiều lớp vọng-hóa sâu dày rồi,
và kết tập thành chúng sanh, thì các chúng sanh này,
do sức suy động của ảo-tưởng Ngả-giả, tri-giả, giác-giả… lại dùng thủ đoạn nhân-vi
để tạo nên nhiều thứ chuyển động lăng-xăng đi ngang đi dọc…Có lẽ là như vậy, vì
trong Kinh không thấy nói rõ về điểm này…Thực ra thì nhưng thể-thức (modalités)
rung chuyển hay chuyển-động hay chấn-động của những quang minh vi-tế
này đều là bất-tư-nghì, khó thể nghĩ bàn. Và sự cố gắng mường-tượng
hình-dung những thể thức ấy, chẳng qua chỉ là cốt làm rõ rệt thêm được phần nào
thì hay phần ấy mà thôi.
Về sự vọng-hiện của mọi chuyễn động hay khứ-lai này, thiết tưởng
cần nhắc tới lời nói bất hủ của Tổ Di-Đá-Ca, vị Tổ thứ 6 của
phái Thiền tông Ấn Độ:
“Trong lúc đi du hóa, có người hỏi:
- Tôn giả từ phương nào đến, và muốn đi đâu?
- Ta từ Tâm mình đến, muốn đi không có chỗ…”
Cho nên, khi chúng ta còn ôm khư khư
lấy chấp Ngã, thì cái Ngã cũng tương tự như tấm lăng kính hay
tấm gương có vô vàn những GỢN tình nhiễm lăn tăn, và những gợn đó làm ảnh-hiện
nên mọi ảnh-tượng cùng chuyển động. Nhưng khi Ngã đã chìm tiêu vào
Biểu Diệu tâm rồi, thì thấy rằng ảnh-tượng cùng chuyển động chỉ là
vọng hiện…Cũng tương tự như mặt trăng vẫn treo bất
động ở trên không, nhưng vì mặt nước hồ lăn tăn gợn sóng, nên ảnh-hiện
thành muôn vàn đốm vàng lăn tăn lay động. Tới khi mặt nước đứng lặng,
thì thấy rằng trăng-đáy-nước giống như trăng trên không, vẫn chỉ là một
và an nhiên bất động….
3 - Pháp giới mênh mang là một màng
Thiên-La-Võng tương sanh tương duyên, trong đó các sự vật đều
trùng-trùng-huyễn-khởi-tương-ưng:
Sở dĩ như vậy, là vì pháp-giới đều lưu xuất ra từ
Biển Diệu-tâm, và hết thảy mọi ảnh-tượng, dù là sự hay là vật, cũng đều được
dệt nên do vô vàn những màng lưới quang minh phát hiện từ Diệu
tâm rồi trùng-trùng thẫm thấu và trùng-trùng biến hiện.
Từ dữ kiện căn bản này, có thể suy
diễn ra mấy điểm thiết yếu sau đây:
a) - Mọi sự vật đều GẮN BÓ lẫn nhau, ĐẮM NHIỄM lẫn
nhau, thâu hút lẫn nhau, đều không thể lìa nhau được, đều không phải là MỘT
cũng chẳng phải là KHÁC:
Tỷ dụ như Căn thì thường gắn bó với Trần, đắm
nhiễm với Trần, thâu hút bởi Trần, khó thể lìa nhau được. Vì những tập quán
từ vô thủy, và cũng vì đều xuất phát từ cái Một tức là
Thức Sơ năng biến hay từ Diệu tâm…Cho nên, con mắt
thường gắn bó với sắc-trần, đắm-nhiễm bởi sắc-trần, bao vây bởi
sắc-trần, khó thể lìa nhau được, không phải là một cũng không phải khác…Căn và
Trần đã như vậy, thì Thức cũng vậy….Về điểm gắn bó giữa Căn-Trần-Thức
này, chương 3 và 4 khi nói về Vòng huyễn-hiện của Thức biến, sẽ trình bày
kỹ càng hơn, vì đây là 1 điểm quan yếu để hiểu Kinh Lăng Nghiêm.
Sự vật cũng vậy, cũng đều gắn bó với
nhau để tương-sanh-tương-duyên, không thể lìa nhau được, vì mọi
vật đều là sở-duyên-duyên cho một vật, và ngược lại…Vật A chẳng phải một
cũng chẳng phải khác vật B. Chẳng phải một vì có ảnh-tượng cùng hoạt dụng khác
nhau, nhưng cũng chẳng phải khác vì A dính mắc với B và cần có B mới hiện
hữu được…và cả 2 cùng khởi lên từ Diệu tâm.
b)- Mọi sự vật đều lưu xuất từ Diệu tâm, nên đều hàm
chứa GIÁC TÁNH, chỉ khác nhau ở mức độ-nghiệp lực hay mức độ THĂNG HOA của
thức-giác mà thôi….Do đó, những kiến chấp về GIÁC
GIẢ hay TRI GIẢ đều chỉ là vọng tưởng:
Trong pháp giới này, thực ra chẳng có gì
thực là hữu-tình hay có tri giác cả, và cũng chẳng có gì thực là
vô-tình hoặc vô-tri cả. Phân chia ra hữu-tình cùng vô-tình đều
là tùy theo mức độ nhãn-lực cùng vọng-thức chấp ngã rồi
khởi phân biệt.
Vì Diệu-tâm là Giác tánh, và Giác tánh chu
biến cùng khắp, cái Hư-minh le lói cũng cùng khắp, nên cái HAY BIẾT cũng
cùng khắp. Cho nên, ngay ở những thứ như cây cỏ, núi đá…cũng vẫn
có một thứ thức giác hay biết thô sơ của nó, mà nhà Phật gọi là
Phi-tình thần thức. Và mọi vật đều là 1 tấm gương, hoặc bằng
phẳng, hoặc lồi lõm gồ ghề, hoặc trong sáng, hoặc mờ
bụi…và phản ảnh lại pháp-giới. Vì mức độ Thăng hoa có sai biệt,
nên sự phản ảnh hoặc tỏ, hoặc mờ, hoặc tối om. Nhưng tối om cũng vẫn
là phản ánh.
Loài người chúng ta vốn là 1 loài có thức-giác được
thăng hoa khá cao độ, do nghiệp-lực chiêu cảm…Nên thường khi, đem so
sánh đối-đãi mình với những vật khác kém thăng hoa, đều dễ khởi
những kiến chấp về Ngã-giả, về Giác-giả, về Tri-giả…mà kinh
Đại Bát nhã hay nhắc tới. Tự cho rằng mình là 1 loài tôn quý và
có tri giác cao sâu, còn những thứ kia đều là vật vô-tri. Đó là 1 lớp
vọng.
Rồi lại khởi 1 lớp vọng nữa: tự cho mình là kẻ thông
minh tài trí nghiêng đời, còn những kẻ kia là bọn ngu dốt tối tăm, và
chỉ có mình mới có thể nghĩ ra những ý-nghĩ cao siêu được.
Như thế là bước từ vọng đến vọng, chồng chất vọng
không thôi.
Cho nên, khi ta nghĩ rằng: “TÔI thấy, tôi nghe, tôi hay, tôi
biết, tôi cảm xúc, tôi tư tưởng…”, nghĩ như vậy là LẦM
LẠC lớn…Vì thực ra, không phải là Tôi thấy, mà chính là cái
Giác-tánh trong sáng ấy nó thấy, vì nó vốn trong sáng và
vốn thấy, và cũng chính Giác-tánh ấy nó nghe, nó hay, nó biết, nó cảm thọ,
nó tư tưởng. Giác tánh ấy phổ vào thân tâm ta,
rồi tùy theo mức độ nghiệp-lực, làm phát-hiện những thấy-nghe cùng tư
tưởng ấy.
Cho nên, khi ta thấy-nghe-hay-biết mà giữ được trạng
thái hồn-nhiên, gột được những kiến chấp của Ngã, thì cái tâm
thấy-nghe ấy ĐỨNG LẶNG và trong sáng, phản chiếu rõ rệt Tánh
cảnh tức là bản-tánh của sự vật. Và nhà Phật gọi là cái tâm thấy-nghe ấy
là KIẾN ĐẠI, và nó là con đường trở về Diệu tâm.
Còn khi ta thấy-nghe-hay-biết, mà tâm thức vẫn lao
xao rì rào dao động lăn tăn bởi những niệm chấp
trước hoặc dụng tâm của Ngã, thì cái biển thức tâm vẫn
lao xao song vỗ, nên chỉ phản chiếu những ảnh-tượng lệch lạc méo mó
của sự vật. Và nhà Phật gọi thức-tâm thấy-nghe ấy là THỨC ĐẠI, và nó
là con đường xa lìa Diệu tâm, đi sâu vào Vọng và
trôi-lăn-lưu-chuyển…..
Về các sự hành động thi-vi tức là nghiệp-báo cũng vậy, khi ta
còn khư khư ôm lấy những kiến-chấp về Ngã và Pháp, thì Nghiệp vẫn theo ta như
hình với bóng….Nếu tu hành buông bỏ được những kiến
chấp ấy rồi, thì nghiệp tự tiêu tan…
Nên xưa kia, khi Tổ Di Đà Ca đi du hóa, có 1
vị tới hỏi ngài:
- Tôn giả biết tôi chăng?
Tổ đáp:
- Tôi là CHẲNG BIẾT, biết là CHẲNG TÔI…
Là ý ngài muốn dạy rằng: khi ta còn ôm khư khư lấy cái ngã
hay cái tôi, thì cái tôi ấy tạo thành 1 tấm lăng kính làm lệch lạc
cái Giác tánh siêu việt, và sự hay-biết ấy chỉ là méo mó không thể
thấu nổi bán tánh sự vật, nên gọi là Chẳng biết…Khi bỏ được cái lăng kính Tôi
đi rồi, thì cái hay-biết mới thực trong sáng thấu triệt, nên gọi là
Chẳng tôi….
Vọng-tưởng về Giác-giả hay Tri-giả này là một vọng
tưởng lớn và sâu nặng….Nếu kẻ hành giả quán chiếu được luôn
luôn về điểm này, thì sớm dẹp trừ được tâm ngã-mạn cùng chấp ngã, và tiến
nhanh trên đường tu tập…Vì thế, nên Kinh Đại Bát Nhã hay nhắc tới
cái vọng tưởng vừa lớn vừa vi-tế này….
c)- Về tinh chất LƯU NGẠI hay KHÔNG LƯU NGẠI của
sự vật:
Các sự vật đều là những ảnh-tượng dệt nên bởi vô vàn
những quang minh của nghiệp lực. Nghiệp lực thì có thô
có tế, nên các quang minh cũng vậy, hoặc là thô kệch nặng
nề chậm chạp, hoặc là vi-tế nhẹ nhàng…(chữ chậm chạp ở đây chỉ
có ý nghĩa rất tương đối, vì thực ra, quang
minh nào cũng có thế tốc kinh khủng mà trí óc ta khó mường
tượng).
Đối với những ảnh-tượng quang
minh này, tính chất lưu-ngại hay không lưu ngại là 1 vấn
đề khó biện biệt. Nhưng nương theo lời kinh, có thể tạm nhận
định như sau:
Những ảnh tượng hay sự vật, ở cùng 1
mức-độ nghiệp lực quang minh, thì thường lưu-ngại lẫn nhau….Tỷ
dụ như các sự vật thường trông thấy như thân căn, cái bàn, cây cam,
vì chúng đều được dệt nên bởi những vọng tưởng KIÊN CỐ của chúng
sanh (danh từ này là của kinh Lăng Nghiêm), nên chúng lưu ngại,
và thân ta không thể đi qua cái bàn được…Những cảm thọ của người là
những vọng tưởng HƯ MINH, còn những tâm-tưởng là những vọng
tưởng DUNG THÔNG. Vì ở cùng 1 mức-độ nghiệp lực, nên những cảm
xúc cùng tâm tưởng của ông A thường cũng lưu ngại những cảm
xúc cùng tâm tưởng của ông B. Tỷ dụ như khi ta đi
vào 1 buổi hội đông người, mỗi người đều phát thanh 1 cách và tranh
luận rầm rĩ, thì tâm thức ta thường xốn xang dao động…
Trái lại, những ảnh-tượng hay sự vật ở khác mức độ
nghiệp-lực quang minh, thì thường không lưu-ngại lẫn nhau….Tỷ dụ như
có những loại quỷ thần có thể đi qua thân căn của ta được
mà ta không hay biết. Vì thân căn của quỷ thần đó được dệt
bằng 1 thứ quang minh vi-tế hơn quang minh của thân ta.
Hoặc tỷ dụ như ngày nay, quang-tuyến Gamma có thể xuyên
qua một tấm chì được. Là vì quang-tuyến ấy là 1 thứ quang
minh vi-tế hơn những nguyên-tử của chất chì…
Còn như nếu tu hành tới bực A La
Hán hay Đại Bồ Tát, thì những nghiệp-hoặc thô lậu đều hết sạch, và
các ảnh-tượng sự vật đều không còn lưu ngại được nữa. Những quang
minh của thân căn đều trở thành thanh tịnh vi-tế,
nên bậc A La Hán thường đi qua núi đá như đi trong hư không vậy.
Nên thân của các ngài có thể gọi là Diệu hữu, vì không còn lưu-ngại….
d) - CAO nhìn thấy THẤP, còn THẤP không nhìn thấy CAO:
Trên đại để, thì các chúng sanh ở
mức-độ tâm thức hay đạo-lực cao (tức là nghiệp-lực nhẹ) thường
có nhiều thần thông du hí hơn, và thường nhìn thấy các
loài chúng sanh ở mức độ tâm thức thấp hơn…Trái lại,
các chúng sanh ở mức độ thấp, thường không nhìn thấy chúng
sanh ở mức độ cao.
Tỷ dụ như loài trời nhìn thấy người, nhưng người khó
thể nhìn thấy loải trời, trừ phi tu luyện cao thì các thiên
tử sẽ tự hiện đến cúng dường…Là vì các quang minh thân
căn của loài trời vi-tế hơn. Như các ngài Tứ Thiên Vương vẫn đi
tuần trên không trung và nhìn thấy mọi người, nhưng chúng
ta không hề nhìn thấy các ngài.
Các vị thiên tử ở những tầng trời thấp, cũng
không nhìn thấy những vị ở tầng trời cao hơn.
Trong các kinh Đại Thừa, có rất nhiều vụ trong đó,
có Đại Bồ Tát ở cõi khác sang Ta bà nghe kinh. Nhưng
vì đạo lực của ngài quá cao, quang minh của
diệu-sắc-thân vi tế, nên phần đông tứ chúng đều không nhìn thấy
ngài. Nên phải cầu Phật dùng thần lực gia trì cho mới nhìn thấy.
Vì thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm (trang 915) Phật
mới dạy rằng: “Này A Nan! Những vị A Na Hàm cư ngụ ở 5 tầng
trời Bất hoàn thiên đó, thì chỉ riêng có 4 vị Thiên-vương Tứ
thiền được nghe thấy nói, nhưng không thể thấy biết được. Cũng như hiện
nay, có những đạo tràng nơi rừng sâu do những vị A La
Hán trụ trì, nhưng người thế giam thô thiển không thể thấy
được….”
e) - Ở mỗi mức-độ tâm thức, hay mức-độ ĐẠO
LỰC, NGHIỆP LỰC, NHÃN LỰC, thì cái LĂNG KÍNH kiến-chấp
gợn-sóng-lăn-tăn của mỗi chúng sanh lại làm LÓE lên những ảnh-tượng
sự vật có vẻ khác biệt:
Đó là do nghiệp lực chiêu cảm, mà Kinh Lăng
Nghiêm luôn luôn nhắc nhở….Đó cũng là lẽ Trong-ứng-Ngoài-hợp. Vì khi một
chủng-tử trong Tàng thức ta hiện hành và nở xòe ra, thì
những ngoại duyên cũng làm phát hiện những ảnh-tượng TƯƠNG
ƯNG với nghiệp lực….Thường khi, trong cuộc sống, ta hay gặp những
cảnh nghịch duyên trái ý, khiến ta rất khổ sở khó chịu mà vẫn không
sao làm thay đổi được. Song những cảnh nghịch duyên ấy đều là
tương-ưng với những chủng-tử nghiệp nở ra trong Tàng-thức ta. Và cũng vì ta
thường chỉ sống ở mức độ ý-thức, chưa thòng nổi sợi dây tâm thức lọt
qua được tiềm-thức chấp Ngã, để lọt được vào Tàng thức nên ta
vẫn chưa chuyển nổi những chủng-tử nghiệp, và do đó chưa chuyển nổi
những chủng tử nghịch duyên…Khi nào tu hành tới mức lọt
được vào Tàng thức, thì sẽ chuyển nổi nghiệp, và do đó chuyển
được nghịch duyên.
Cũng bởi vậy, nên cũng cùng 1 dòng sông thôi, mà mỗi
loài chúng sanh lại tiếp nhận 1 ảnh
tượng khác. Loài người có nghiệp lực trung bình, không
tốt không xấu quá thì nhìn thấy dòng sông, có thể là nước uống và tắm rửa được.
Loài ngạ quỷ thì thấy là 1 dòng lửa đốt cháy….Chư thiên có
nhiều phước báo thì thấy là ngọc lưu ly..Loài rồng có trí
huệ kém hơn người nhưng phước báo lớn hơn, nên thấy đó là cung
điện lầu các có thể ăn uống ngủ nghỉ được. Tính
cách chập-chùng biến hiện của pháp giới này là như
vậy…Nhưng suy nghĩ kỹ, thì thấy rằng không thể có một chân
lý nào khác được, để lý giải cái pháp giới này.
Đối với một loài khác như loài chim chẳng hạn, thì cũng vậy. Đối
với mức-độ nghiệp lực cùng nhãn lực của chúng, thì chắc
rằng pháp-giới thường xuất hiện dưới những ảnh-tượng lù mù hạn hẹp
hơn là những ảnh-tượng đối với người.
Rồi đối với 1 vị Đại Bồ Tát chẳng hạn, thì pháp-giới
lại xuất hiện khác hẳn, vừa bao la vi tế nhỏ nhiệm.
Nên ngài có thể nhìn thấy vi-trần-số-cõi, rồi các cõi lại kết lại thành những
cánh hoa, rồi thành 1 bông Đại-bửu-liên-hoa tức hoa tạng thế giới.
Đại để là vậy.
f) - Khi kẻ hành giả, tu hành tới mức phá dẹp
được HÀNH ẤM tức là Thức thứ 7 chấp Ngã rồi, thì LỌT vào
được Tàng-thức, tức là phạm vi của THỨC ẤM, và thấy rõ những
ba-động quang minh vi-tế của Thức biến….Lúc đó, sẽ nhìn thấy rõ 1 số
những màng thiên-la-võng quang minh chu biến bao trùm
khắp pháp giới. Sẽ thấy rằng thân căn cùng sinh mạng của
mình, dung thông và dính mắc với thân căn sinh mạng của tất
cả chúng sanh, cũng như dính mắc chằng chịt với khắp pháp-giới. Vì
pháp-giới chính là nằm trong Tàng-thức của mình, chính là Tàng-thức của mình,
nhưng từ vô lượng kiếp trót mải mê đuổi theo ngoại vật nên
ta thường quên mất điều đó. Quên rằng ngoại vật chính là những
ảnh-tượng phát hiện từ nơi Tàng thức của mình. Cũng như anh
chàng Diễn nhã đạt đa, soi gương thấy hình mạo 1 người
nhưng lại lê sảng cho đó là một người khác, không biết rằng đó chính là hình
bóng của mình….
Về điểm Tàng thức chu biến khắp pháp
giới này, Kinh Lăng Nghiêm từ trang 1035, có giảng dạy kỹ
càng…
Cũng vì chúng sanh cùng pháp-giới đều nằm
trong Tàng thức của mình, nên Đại Bồ Tát không thể nào
bỏ chúng sanh cùng pháp giới được. Vì nếu bỏ, thì
sự thành tựu của chính mình cũng không được tròn đầy viên mãn…Đó
là trường hợp của những bậc A La Hán, mà kinh gọi là Độn
căn,và mắc bệnh Triền-không. Nghĩa là lọt được vào tàng thức rồi,
nhưng tự mãn nguyện chỉ muốn dừng chân ở đó, không dám phát đại
tâm ôm trọn pháp-giới, để thanh tịnh hóa hoàn
toàn Tàng thức, và chuyển thành Bạch-tịnh-thức…
Người tu hành pháp môn Tịnh Độ, khi tới
mức niệm Phật hoặc quán tưởng khá thuần thục rồi,
thì trong một khoảnh khắc nào đó hoặc lúc lâm chung, có thể lọt được
vào Tàng thức. Tâm-nhãn được mở, có thể được thấy Đức A Đà,
Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, hoặc thấy hoa sen, tràng
phan, hoặc thấy chim bạch hạc hay khổng tước…Nếu kẻ hành
giả là người rất cao, trụ trong niệm-Phật-tam-muội được mấy ngày liền, vào
đến tột-bờ-mé vô sai biệt của Tàng thức, thì người đó sẽ tự hiểu
rằng Ba vị Đại thánh Tây phương đều là những ảnh
tượng phát hiện từ nơi Tàng-thức của mình. Và riêng đối với người đó, thì
đương-xứ Ta bà này tức là tịnh-độ...Nhưng còn với tối đại đa
số người tu niệm Phật, thường vẫn còn nhiều tập-khí nhận
thức nhị nguyên sai biệt, thì vẫn có một Đức A Đi Đà THỰC
SỰ để cầu tiếp dẫn, cùng một Cực lạc THỰC SỰ để cầu vãng
sanh.
Còn như người tu trì kinh Pháp hoa, hoặc cầu
Pháp hoa tam muội, khi tới mức khá thuần thục rồi, thì
trong một khoảnh khắc nào đó, hoặc lúc lâm chung, cũng có thể tạm thời 6
căn thanh tịnh và lọt vào Tàng thức….Thấy những chư
thiên đến đón rước mình, thấy thiên-nữ múa hát, và thấy mình đội
mão 7 báu, thong dong rong chơi khoái lạc, như trong phẩm 28
của kinh Pháp hoa có nói rõ…
Và những vị tu hành Tịnh độ cũng cần lưu
tâm, biết phân biệt giữa 2 cảnh: cảnh trời và cảnh Cực lạc….Cảnh trời
thì thường có thiên-nữ, cảnh Cực lạc thì không có người nữ,
thuần là trượng phu thân sắc vàng chói. Trái lại,
cảnh Cực lạc có nhiều thứ chim do Đức A Di Đà hóa
hiện ra, còn cảnh trời thì tuyệt nhiên không có chim…Trong cuốn
Đường về Cực lạc, xưa kia, có mấy vị cao tăng được Chư
thiên tới rước, nhưng từ khước không đi theo. Rồi nhiếp
tâm niệm Phật, chờ các vị Đại thánh Tây phương tới mới chịu
đi theo….
Tóm lại, chân lý Duy Tâm sở hiện bao trùm
các Kinh Đại Thừa cùng những bộ Đại luận tuyệt
tác như Đại trí độ luận hay Trung luận….Giáo lý nhà Phật
đều tuân theo và triển khai theo LÝ NHẤT
QUÁN của Tự tâm Biến hiện ấy. Nếu ý hội được phần nào chân
lý ấy, thì người đọc kinh sẽ ít bị lạc bước.
Suy tư rồi Quán chiếu lâu dài về Chân
lý biến ảo ấy, là công phu tối cần thiết của kẻ hành
giả…Trong bộ Đại thừa Khởi tín, ngài Mã minh dạy rằng: :Suy
tư cùng quán chiếu về Lý Tự tâm biến hiện là Chánh niệm bậc
nhất!”... Nếu lúc lâm chung mà hành giả có thể giữ
được tâm thần không điên đảo để quán chiếu Duy
tâm sở hiện, thì sẽ cực kỳ tốt lành cho sự thọ sanh
hoặc vãng sanh. Vì lúc lâm chung là một giai đoạn chuyển
biến mạnh mẽ. Nhưng muốn được vậy, thì lúc bình thường cần
phải luôn luôn quán chiếu.
Quán chiếu lâu rồi, thì sẽ nhận thấy rằng
Thông-điệp vi-mật của Chư Phật 10 phương 3 đời: “Pháp-giới này được treo trên
đầu 1 TÂM NIỆM” thực là Chân lý tối thắng, và Chân
lý không thể khác được.
Suy tư cùng quán chiếu lâu rồi, thì những NÚT hoặc lậu
trong tâm thức sẽ tự cởi dần. Những nút hoặc lậu vi-tế ấy cởi, thì 6
căn cũng cởi và trở thành thanh tịnh, không còn dính mắc ô
nhiễm bởi khách-trần nữa…Và thân-tâm lần lần trở thành 1
tạng quang minh Bảo-giác-viên-dung, tương tự như con tằm đã thoát
khỏi cái kén hoặc lậu thô kệch, để thoát ra thành một loài bướm
quý….Nơi đây, là bình diện của Lý Sự vô ngại, của Tự Tha vô ngại…độ người
cũng như độ mình và mọi động-tác thi-vi cũng đều như huyễn hóa.
Trong phẩm Đề bà Đạt da (phẩm 12)) của kinh Pháp
Hoa, trong 1 tiền thân, Đức Phật đã từ bỏ ngôi
vua, đi theo nhà thiện tri thức Đề bà Đạt da…Đem thân
mình hầu hạ thiện tri thức, lấy thân làm giường ngồi cho thiện tri
thức để HỌC Kinh Pháp Hoa….Kinh không thấy nói rõ vị thiện
tri thức đã dạy Pháp hoa như thế nào?...Nhưng trộm
nghĩ rằng: có lẽ vị thiện tri thức cũng chỉ dạy Phật về
phép quán chiếu Diệu tâm mà thôi. Luôn luôn quán
chiếu rằng: mình nói, mình thở, mình chau mày mình nhướng
mắt,mình giơ tay cất chân....tất cả mọi tâm niệm động-tác-thi-vi cũng
đều khởi lên từ nơi Diệu tâm ấy, tương tự như những vết-chim-bay,
rồi lại tan biến bay đi để trở về Diệu-tâm…Lối quán
chiếu miên tục như vậy, nhà Thiền Đốn ngộ gọi là sống không lìa
Tánh….
Những nết đại cương đã nói rồi, nay chuyển sang
Biển Chân tâm cùng sự khởi Vọng…..
LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG 2
BIỂN-CHÂN-TÂM DIỆU MINH
BIỂN CHÂN TÂM DIỆU MINH-CÂU HỎI CỦA NGÀI PHÚ LÂU
NA: TẠI SAO KHỞI VỌNG? – CÂU CHUYỆN CHÀNG DIỂN NHÃ ĐẠT
ĐA – VÔ MINH BẤT GIÁC HAY NIỆM MÊ MỜ VÔ THỦY: TỰ
TÂM THỦ TỰ TÂM – MẶT TRĂNG THỨ 2: HƯ MINH, BÓNG MỜ
CỦA DIỆU TÂM.
Trên kia đã nói Biển Diệu tâm là bình diện Tột-bờ
mé, Bất nhị, vô sai biệt, vô tướng mạo…vượt lên trên Thức
đại và Kiến đại.
Chúng ta đều hiểu rằng từ nơi Biển Diệu tâm này,
lưu xuất ra, chuyển-hiện ra pháp giới…Nhưng Biển này vốn bất-tư-nghì, bất
khả thuyết, lìa mọi ý niệm ngôn từ, chẳng có cũng chẳng không, chẳng
thường cũng chẳng đoạn, chẳng ẨN cũng chẳng HIỆN…chẳng khứ cũng chẳng lai.
Vậy thì biết nói gì đây về cái Biển Diệu
tâm này?!!
Nên thực ra, ở đây cũng không dám nói Tâm là gì, chỉ nương
theo kinh sách và kể lể một vài điều về Tâm:
- Trong kinh Tâm địa quán, phẩm Quán tâm, Phật có
nói một câu thần chú để dạy quán Tâm. Và Ngài dạy rằng
khi quán Tâm, thì phải quán một Vầng-trăng-tròn trong sáng tròn
đầy.
Đó là một hình ảnh để tạm hình dung Biển
tâm.
- Ngài Long Thọ Bồ Tát xưa kia đi du
hóa đến một xứ. Dân chúng xứ này đã biết tin Phật pháp, nhưng
chỉ chuyên tu phước nghiệp, không biết gì đến Diệu tâm…Ngài bèn lên
tòa thuyết pháp tại 1 khu rừng, để giảng nói về Diệu tâm. Ngài
nhập Nguyệt-luân tam muội rồi thuyết giảng. Và dân chúng không
nhìn thấy thân hình ngài, chỉ thấy như một vầng trăng trong
sáng nơi chỗ ngài ngồi,và nghe thuyết pháp….Sau đó, ngài xuất tam
muội, trở lại thân hình cũ, dạy rằng:” VÔ TƯỚNG tam
muội giống như MẶT TRĂNG TRÒN…” Rồi ngài nói kệ:
Thân hiện tướng TRĂNG TRÒN
Để nêu THỂ CÁC PHẬT,
Nói pháp không-hình ấy
Chỉ rõ phi thanh -sắc….
Dân chúng nhìn thấy thần biến ấy, nên đều
khởi lòng tin Diệu tâm.
- Ngài Mã minh Bồ tát, trước khi xả bỏ ứng thân,
nhập Long phấn tấn tam muội, bay lên thinh không, toàn thân chói
sáng như hàng trăm mặt trời, bay lượn hồi lâu mới đáp xuống mặt
đất, ngồi kiết già mà thị tịch….
- Khi nói về Diệu tâm, cổ đức thường
dùng câu:
Chiêu chiêu bất muội
Liễu liễu thường tri…
Nghĩa là: Rờ rỡ chẳng tối, Làu làu thường biết….
Còn như nói về cái lẽ ẨN-HIỆN của Diệu tâm, tức là sự
chuyển hiện, thì một vị Tổ ngành Thiền Ấn độ có lời kệ:
Mê-ngộ như ẨN HIỆN,
Tối sáng chẳng rời nhau,
Nay trao pháp ẨN HIỆN
Chẳng một cũng chẳng hai…
- Trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 333, Phật dạy rõ cho các
bậc Thanh văn biết rằng: “ Tánh giác là diệu minh, Bản
giác là minh diệu…”
Nghĩa là: Tánh giác hay Bản giác, hay Chân
tâm ấy, nó thường DIỆU thường MINH. Diệu là vì nó thường phan
duyên để làm huyễn hiện mọi cảnh giới. Minh là vì nó thường
hằng chiếu soi, trong sáng tròn đầy….
- Kinh Hoa Nghiêm, Phật cũng dạy rõ rằng: “Chư Phật là
TẠNG quang minh…” Còn trong Kinh Tâm địa quán, Phật dạy: “
Phật là gì? Là Thần-thông-biến-hóa-tràn-đầy-thế-gian…” Tạng quang
minh là chữ Minh, còn biến hóa tràn đầy là chữ Diệu….
Như vậy thì ra sao?
Như vậy thì, tuy không dám nói Tâm là gì, nhưng cũng có thể
tạm nói rằng: Khi Tâm chuyển-hiện, tạm gọi là bắt đầu HIỆN TƯỚNG, thì nó
làm phát hiện một Biển-quang-minh-uyên-nguyên, cực kỳ vi tế, trong
sáng tròn đầy, hào-quang-tột-bực, chuyển động cực kỳ thần tốc có
thể ứng-hiện lập tức nên gọi là Trạm-nhiên-Bất-động…Chư Phật cũng ở
đó mà ra, và vì không ô nhiễm, nên có thể khởi mọi diệu dụng vô
ngại. Chúng sanh cũng ở đó mà ra, nhưng vì ô nhiễm, nên thường
chỉ khởi những Hoặc-lậu, rồi khởi Nghiệp-dụng lưu-ngại để trôi lăn vào những
cảnh Khổ….Nên Tâm có thể hình dung như cái Biển-Tinh-lực-uyên-nguyên
làm lưu xuất ra pháp giới này…
Đó có thể gọi là lối nhìn về Bản-thể-luận (ontologie) của nhà
Phật….
Về Bản thể luận, thiết tưởng cần nhắc qua một
vài ý kiến của mấy trường phái ngoại đạo, vì điều này
cũng cần thiết dễ hiểu Kinh Lăng Nghiêm.
Vào thời Phật ra đời tại cổ Ấn Độ, các trường phái ngoại
đạo nẩy nở rầm rộ, và tung hoành ngang dọc…Cũng một phần
bởi thế mà Chư Phật mới phải xuất hiện nơi đời. Vì Phật
thường xuất hiện nơi nhân thế, vào lúc tuổi thọ trung bình
của con người là xấp xỉ 100 tuổi, lúc đó phước báo đã bắt
đầu kém đi và kiếp sống đã bắt đầu vào thời Ngũ trược. Như thế là để cứu
vớt lấy một số chúng sanh khỏi bị chìm nghỉm trong những làn song
hoặc lậu…Nếu phước báo còn nhiều, thì Phật cũng không thị
hiện đảnh sanh, vì chúng sanh cũng chưa bị chìm ngập. Hoặc
nếu phước báo còn quá ít, thì Phật cũng không xuất hiện, vì
không có mấy chúng sanh đủ túc duyên tương ưng để
hiểu giáo lý và được cứu độ…Thường thường là như vậy.
Vậy thì thời đó, các trường phái tung hoành để
dẫn dắt chúng sanh ngụp lặn trong biển hoặc lậu…Và mỗi phái đề
xướng một thứ cỗi nguồn khác biệt của pháp giới.
Có phái giảng dạy rằng: vũ trụ này chỉ là do
những CỰC VI nhảy múa chuyển động triền miên theo những
luật tắc của Ngẫu nhiên, rồi Tình cờ kết hợp và tạo dựng
nên mọi vật. Cũng hơi giống như quan niệm của mốt số khoa học
gia ngày nay…Nhưng về lối giải đáp về bản-thể-luận này, thì nhiều
người ngày nay đã hiểu rằng: khó có thể tìm thấy 1 thứ cực-vi nào
chắc nịch để làm viên-gạch-cơ-bản cho vũ trụ, hơn nữa các cực-vi
đều biến ảo khó lường, và cũng không có thứ gì có thể gọi là
Vật-chất thuần túy được cả Ngoài ra, nếu tính theo toán-số
sác-xuất như Lecomte Du Nouy đã làm trong cuốn L’hommeet sa destine, (calcul
des probabilitytés), thì sự chuyển động của vô lượng những cự-vi nhảy
múa loạn xạ cũng không có 1 sác-xuất nào (probabilitytés nulle) để kết
tập thành 1 sinh vật cao độ như con khỉ hay con người hết….Vậy
thì lối giải đáp này là một sự sai lầm, đáng bác bỏ.
Lại có trường-phái giảng dạy rằng: Chính THỜI GIAN là
thứ Đại-chủng cơ bản đã tạo dựng nên vũ trụ này..Nhưng ngày nay, qua
những thuyết của Einstein và nhất là qua những lời dạy của Kinh Hoa
Nghiêm (xin xem cuốn Lăng Kính Đại Thừa, chương Thời-gian như
huyễn), chúng ta có thể hiểu rằng: Thời gian cũng chỉ là
một pháp tương-sanh-tương-duyên, chỉ là một Vọng tưởng tùy
thuộc vào mức độ tâm-thức của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng
sanh thọ sanh ở một CÕI nào đó mà thôi. Và như thế, không thể là một
Đại-chủng cơ bản để tạo dựng pháp giới được.
Nên lối giải đáp này cũng đáng bác bỏ.
Ngoài ra, thì các trường phái ngoại đạo đáng kể, phần
đông đều ngả về quan niệm cho rằng: có một ĐẤNG SÁNG
TẠO (Creator) đã tạo dựng nên vũ trụ này…Về điểm này, có phái
cho rằng Đấng sáng tạo đó chính là ông vua trời Phạm
thiên thường cai quản từ cõi trời Sắc giới trở xuống. Về
vua Phạm thiên này, danh từ của Kinh Lăng già gọi là
Sĩ-phu.
Hoặc có phái cho rằng: Đấng sáng tạo đó chính là
Thần-ngã hoặc Minh-đế…Là vì khi các tu sĩ ngoại đạo vào được
Định sâu, phá được Sắc-ấm, Thọ-ấm, Tưởng-ấm cùng Hành-ấm rồi, thì lọt được vào
Thức-ấm tức Tàng-thức…Lúc đó, nhận thấy rằng cái Thức của mình nó ghê
ghớm quá, nó dung thông dính mắc khắp nơi, chu biến khắp
nơi. Nhận thấy thế thì tâm vui mừng khấp khởi vô hạn, nên
tâm bị dao động, cho đó là Thực-tại cuối cùng rồi, và nghĩ rằng
mình đã tới Bến nguyên-sơ của muôn thuở. Rồi âm thầm lầm nghĩ
rằng: chính cái Thức đó tức là cái Thần-ngã của ta nó tối linh, và nó đã tạo
dựng nên cái pháp giới lung linh này. Hoặc nghĩ rằng chính cái Thức
ấy nó là cái Thực-tại cuối cùng, ở nơi hỗn-độn hoang sơ, nó đã tạo
dựng nên vũ trụ, và gọi nó là Minh-đế…Và cũng chính vì nỗi khấp
khởi vui mừng của một kẻ lữ-hành đi xa và tưởng mình tới bến,
móng niệm nghĩ lầm, nên các tu sĩ ấy thường dừng chân nơi đó, mê-mờ
tánh Bồ-đề, không còn ý-chí đứng trên đầu sào 100 trượng và nhẩy thêm 1 bước
nữa. Nghĩa là không còn ý chí dung mãnh để chuyển Tàng-thức ấy
thành Bạch tịnh thức toàn chân…
Cho nên, trong Kinh Lăng Nghiêm, ở những đoạn bác những
kiến-chấp của Ngài A Nan về thuyết Tự-nhiên, cũng như đoạn ma
chướng của Thức-ấm, Phật đã lý giải kỹ càng về những điểm này.
Nói cho đúng ra, thì những tu-sĩ ngoại đạo này không
phải là không đạt chân-lý, không phải là không cao siêu…mà chỉ là chưa rốt
ráo liễu nghĩa, chưa đặt chan nổi trên bờ của Thực tại rốt ráo.
Là vì sao? Là vì vẫn còn móng niệm, còn kiến chấp vi-tế, còn GỢN niệm
lăn tăn. Còn gợn niệm thì vẫn còn hý-luận, còn phản chiếu THỰC
TẠI lệch lạc, còn dừng chân trước bờ-mé và còn lỗi-lầm, chưa thể
nhập trọn vẹn được Thực tại.
Tỷ dụ như các vị chủ trương Thần-ngã, tức là còn âm-thầm
gợn sóng tâm-thức, chấp rằng cái Ngã ghê gớm, cái Ngã thần thánh tối
linh, và vẫn còn rơi vào vòng Vọng-thức có-không.
Hoặc các vị chủ trương Minh-đế, thì vẫn âm thầm gơn sóng chấp
rằng cái Minh-đế ấy là một Thực-tại, nó là Có (Being), và nó sanh ra, tạo dựng
ra pháp-giới.
Hoặc các vị chủ trương Phạm thiên là Đấng sáng
tạo thì còn lỗi lầm thô kệch hơn…Các vị này thường chỉ
mới đạt được những cơn Định ở Sắc giới. Trụ trong định này, có
thể đưa thần thức lên cõi Sắc, rồi thấy mình thảnh thơi an
lạc quá, thấy mình tự tại quá, khởi tâm vui
mừng khấp khởi cho rằng mình đã tới bến…Rồi lại ngắm nhìn ông
vua trời Phạm thiên (vốn thường là 1 vị Đại Bồ tát tùy
nguyện thọ sanh), thấy ngài nhiều hào quang quá, lại thấy ngài nhiều
tự-tại-lực quá, biến hóa khôn lường, nên lầm nghĩ rằng không thể có
đấng nào hơn vị này được nữa, và chắc là vị này đã tạo dựng nên vũ trụ…Do đó,
mắc phải những lỗi-lầm: kiến chấp nhân-ảnh-hóa về Thực
tại cuối cùng, chấp có tạo dựng cái này sanh ra cái kia, và chấp
rằng Đấng sáng tạo là Tự-nhiên có, là Ngẫu-nhiên có, là
không nguyên nhân (causeless)…Do đó, Kinh Đại Bát niết
bàn mới gọi là những tu sĩ đó là mắc vào
Tam-muội-nông-cạn-đảo-điên.
Thực ra, thì lối-nhìn hay mức-độ giác ngộ sâu hay nông
của các bậc Giáo chủ (Phật giáo hay các tôn
giáo khác), đều là tùy thuộc mức độ TAM MUỘI rốt
ráo hay nông cạn….Khách quan mà xét và nương theo kinh sách, thì có lẽ
bậc giáo chủ của đạo Hồi, trong những cơn xuất thần nhập
định giữa sa mạc, thường chỉ mới nhìn thấy những tầng trời ở cõi Dục.
Các tu sĩ của Bà la môn giáo cũng thường chỉ đạt tới những
mức độ thiền định của cõi Sắc và vô Sắc. Tỷ dụ như ông
Tu-bạt-đà-la là vị đệ-tử cuối cùng của Phật, vốn trước kia tu
theo Bà la môn giáo, nên tu hoài tu hủy mãi cho tới năm 90 tuổi vẫn chỉ
đạt tới định Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ. Và phải nhờ Phật điểm
hóa cho, mới dệt nổi hết mầm mống sanh tử, đắc quả A La
Hán, ra ngoài 3 cõi. Và cũng vì cảm kích thâm ân điểm hóa ấy, nên
ngài đã tự ý dùng hỏa tam muội, tự đốt thân mình để theo Phật vào Niết
bàn…Còn những kinh sách của Thiên-chúa-giáo, thì tập Tân ước đầy rẫy
những phép lạ của chúa Ki-tô, chỉ dùng một lời nói để đuổi
quỷ, cùng chữa khỏi những kẻ sanh-manh hoặc tê liệt. Nhưng không thấy ngài làm
những phép lạ tập thể (miracle collectif). Những kinh sách Cơ
đốc gần như không nói đến mức-độ thiền định, thường chỉ nói
đếm vision hoặc Transfiguration để hiện tướng hào quang thôi.
Nên rất khó phỏng đoán về mức-độ chứng đắc của ngài. Chỉ
biết rằng ngài có ra ở nơi sa mạc vắng vẻ trong 40 ngày, để cầu nguyện, để
có vision của tâm nhãn và cũng để chịu đựng và chiến thắng
sự thử-thách của Sa-tăng…Nhưng trong Kinh Đại Bát nhã, có một đoạn
nói đại cương như sau: một bậc có đủ thần-lực để chỉ dùng 1 lời
nói mà đuổi được quỷ, hoặc chữa khỏi 1 trọng bệnh nghiệp-báo như kẻ
sanh-manh, thường phải là một Đại Bồ Tát ở bậc đệ-thập-địa....Còn như
về vũ trụ thi triển thần lực một cách tập thể, thì trong
các Kinh, Phật đã làm rất nhiều những vị đó: tỷ dụ như Ngài nhập
Từ tam muội để chữa khỏi cho 500 tên cướp bị vua Ba-tư-nặc khoét mắt
rồi bỏ vào rừng sâu, hoặc chữa khỏi lành lặn cho 2000 phụ nữ giòng
Cồ-đàm bị vua Lưu-ly chặt chân rồi vứt xuống hố,…hoặc hóa hiện các
cõi….
Thực ra thì cần phải vào nổi những cơn tam-muội
lớn, rất sâu rất rốt ráo, những cơn Đại-định Vô trụ…tỷ dụ như Thủ
Lăng Nghiêm tam muội, Kim Cang tam muội, Như-huyễn tam muội…mới có đủ
mức-độ tâm-nhãn để nhìn thấy mọi then chốt sinh cơ của pháp
giới, và đủ thần-thông du-hý đại tự tại lực. Phải hiểu rằng pháp
giới là huyễn, rồi nắm được then chốt của sự huyễn-hiện ấy, thì
mới có Vô-tác-diệu-lực để hóa hiện không cùng được. Còn như nếu vẫn
nghĩ rằng pháp-giới là có, thì dù có thần lực chăng nữa, cũng không
hóa-hiện được mấy nỗi....Chỉ cần đọc những Kinh Đại Thừa, nhất
là Kinh Hoa Nghiêm hay Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm…., là
đủ thấy rõ điều đó. Trong Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm (hiện
nay, Thượng Tọa Huyền-Vi đang Việt-dịch cuốn này trên tờ Hoằng-pháp),
thì từ đầu đến cuối, toàn là thần biến, biến hóa không lường của
những bậc Đại Bồ Tát đã chứng nhập tam muội đó.
Do đó, nên các Kinh Đại Thừa, nhất là Thủ Lăng
Nghiêm và Đại Bát Nhã…luôn luôn khuyên tấn kẻ hành giả phải GỘT
sạch mọi móng-niệm GỢN sóng lăn tăn. Gột sạch để làm gì? Để có thể
chứng-nhập trọn vẹn Biển Tâm tức Thực tại cuối
cùng. Chứng nhập như thế để làm gì? Để có thể nhìn rõ mọi
sinh-cơ của pháp giới, để có quảng-đại-tự-tại-lực rồi dùng phương-tiện-huệ
hóa-hiện không cùng để cứu độ và ÔM TRỌN pháp
giới vào thân tâm mình, trở thành MỘT với pháp
giới…Nếu như kẻ hành giả còn móng niệm vi-tế, thì cũng có tự-tại-lực
được, nhưng không phải là quảng đại, không thể cứu độ không cùng
được và không ôm trọn nổi pháp giới. Đồng thời, lại dễ khởi tâm vui
mừng, cho thế là đủ, cho rằng mình đã tới bến, trở
thành tăng-thượng-mạn, mê mờ tánh Bồ đề, để lạc vào ma-chướng của ý,
sa vào ngoại đạo, hoặc dừng chân ở định-tánh Nhị thừa…
Về vấn đề Bản thể luận, qua các Kinh, ta có
thể nhận thấy rằng: đối với những câu hỏi siêu xuất này, Đức
Phật thường có thái độ dè dặt, đôi khi giữ im lặng, không
muốn diễn giải nhiều về vấn đề này.
Tỷ dụ như xưa kia, khi có người Bà La
Môn say mê triết học tới vấn nạn Ngài về 14 câu hỏi
siêu hình (như: vũ trụ này là có cùng tận hay không cùng
tận?...), thì Phật thường hay giữ thái độ im
lặng không trả lời những câu hỏi thuộc Bản thể luận
ấy.
Hoặc trong kinh Địa Tạng (phẩm 4), có 4 ngài
Tứ-thiên-vương đứng lên hỏi rằng:” Ngài Địa tạng đã phát
nguyện rộng lớn cứu độ từ rất lâu xa như vậy, lại thêm có
vi-trần-số Đại Bồ Tát cũng phát nguyện như thế, vậy
thì thưa Thế tôn, tại làm sao các ngài lại chưa độ được
HẾT chúng sanh, mà vẫn còn HOÀI HOÀI những chúng sanh chưa được
độ?!!...” Câu hỏi này rất hay, và có nghĩa rằng” Chúng sanh là TẬN
hay VÔ TẬN?...Nhưng trong kinh Địa Tạng, Phật cũng không trả
lời thẳng vào điểm này, và cứ để cho chúng sanh phải suy
nghĩ.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, và cứ để cho chúng
sanh phải suy nghĩ.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, thì ngài Phú Lâu Na đứng
lên thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu quả thực cái Diệu tâm ấy là
bản-nhiên thanh tịnh, không có một vật, thì tại sao bỗng nhiên lại thấy có
đủ các hình-tướng hữu-vi như núi, sông, sơn hà đại địa…thứ lớp dời đổi,
trước sau quanh lộn…?! Tức là ngài muốn hỏi về nguyên nhân Khỏi Vọng,
làm phát hiện nên thế-giới này.
Lần này, thì Phật trả lời. Song có những câu trả
lời của Ngài cũng vẫn rất ẩn mật và cô đọng, có thể lược tóm như
sau:
- Này ông Phú Lâu Na! Các ông là những bậc Thanh văn, đã
gột được sạch những hoặc-lậu thô tận, nhưng các ông nên nhớ rằng: cái Chân-tâm
ấy nó vốn Diệu vốn Minh, nó thường diệu thường minh. Chứ không phải là
kẻ tu hành đã gắng lau-chùi-gột-rửa-mãi, nên nó mới trở
thành minh thành diệu đâu…Nếu các ông còn giữ cái kiến chấp, cho rằng
vì mình lau chùi nên nó mới trở thành Minh, thì các ông vẫn còn luẩn
quẩn ở trong vòng Vọng-thức của năng-minh và sở-minh, và
không chứng nhập được Tâm ấy.
- Sự Khởi Vọng của chúng sanh vốn là 1 cơn Mê-sảng, và
đã gọi là mê sảng hay chiêm bao, thì đâu có thể có nguyên nhân?
Rồi Ngài kể câu chuyện chàng Diễn Nhã Đạt Đa, bỗng nhiên đứng
trước tấm gương để TỰ SOI.
- Rồi mấy chục trang sau, Phật lại nói một bài kệ,
để diễn giải thêm một chút nữa. Trong đó, có câu:
Tự-tâm TRỞ LẠI chấp tự-tâm,
Không phải huyễn, trở thành pháp HUYỄN….
……..
Vậy thì tại sao Phật lại có thái độ dè dặt, và
lời dạy lại ẩn mật như vậy?...Ngài không diễn giải rõ rệt không
phải là vì Ngài không có đáp-số. Trái lại, Ngài có tất cả đáp-số. Bằng
chứng là về những điểm nào chưa rõ rệt, thì trong những bộ Đại-luận sau này
như Đại trí độ luận, các bậc Đại Bồ Tát như ngài Long
Thọ đã đem ra diễn giải rất kỹ càng.
Sở dĩ Phật thường dè dặt ẩn mật, là vì những lẽ sau
đây:
- Những câu hỏi về Bản thể luận, tuy gọi là siêu xuất,
nhưng vẫn nằm trong vòng Vọng-thức phân biệt, vẫn đều là những
thắc mắc của những kẻ chưa tỉnh giấc chiêm bao. Khi tỉnh rồi, thì
những thắc mắc ấy tự rơi rớt.
Nếu trả lời nhiều và dài giòng cho kẻ vấn nạn,
thì lại khiến cho kẻ ấy cứ tiếp tục lòng dòng đi hoài trong
vọng-thức…Trong khi mục tiêu của giáo lý, là đề
ra những pháp môn, khuyến tấn hành giả chú trọng tới
việc HÀNH TRÌ, để tự mình ra khỏi mê-đồ của vọng-thức chiêm bao.
- Kẻ hành giả, khi được biết khá rành rẽ thông
suốt về những điểm tột-bờ-mé rồi, thì dễ khởi tâm ĐẠI
NGÃ MẠN. Thầm nghĩ rằng:” Mình thực là quán thông siêu tuyệt,
ngoài mình ra, không ai có thể biết rành rẽ như vậy…” Có tâm ngã
mạn rồi thì chấp ngã, chấp pháp, rồi khởi tâm tham
dục, lạc vào thiên-ma…Đó là trường hợp của Ma vương,
của Thiện tinh tỳ-kheo, và của ngài Đề-Bà-Đạt-Đa…Ma vương là một
vị tu hành, đạt tới mức độ thần lực xấp xỉ với bậc A La
Hán hoặc Bồ Tát đệ-bát-địa, nhưng khởi tâm ngã
mạn cùng tham dục. Có tâm này rồi, thì không thể tiến xa
hơn nữa, không thể đi sâu vào giáo lý Như-huyễn của Bồ Tát
đạo.
Riêng về ngài Đề Bà Đạt Đa, thì cần hiểu rằng các kinh
Pháp Hoa và Đại Bát niết bàn …..đã thuyết
minh về trường hợp của ngài. Trong quá khứ, ngài đã từng là
vị thiện tri thức dạy Kinh Pháp Hoa cho một tiền-thân Phật
(phẩm 12). Rồi đến kiếp này, khi Phật ra đời, ngài lại đảm
đương vai trò phá tăng hại Phật. Để làm gì? Để Phật có cơ-duyên
chế định thêm giới luật, cùng giảng giải rõ rệt về nhân-quả
nghiệp-báo, khiến hàng Thanh văn gắng công trì giới…Chư Phật là bậc
đã trở thành 1 biển công đức khôn lường, đã sạch hết mọi
vết tích nghiệp-báo, thì làm gì còn phải trả nghiệp nữa?! Trong bộ Đại trí
độ luận, ngài Long Thọ dạy rằng: Phật trước kia có trải
qua 9 nạn, (như vụ phải ăn lúa mạch của ngựa thường ăn, hoặc bị một người
nữ Bà La Môn vu khống rằng Phật đã chung chạ với nàng khiến
nàng mang thai….) đều là những phương tiện thiện xảo do chính Ngài thị
hiện, để làm nhân duyên thế giới, cùng diễn giải rõ
về nhân quả nghiệp báo, để khuyến tấn hàng Thanh văn cẩn
trọng về giới luật…Cho nên, trường hợp ngài Đề-bà-đạt-đa chỉ là
một trường hợp thị-hiện nghịch-duyên, vì đôi khi, một bậc Đại Bồ
Tát cũng thị hiện làm Ma vương để cảnh
giác chúng sanh. Ngoài ra, kinh có nói rõ rằng: tuy ngài Đề-bà-đạt-đa
bị đọa xuống địa ngục, nhưng ngài vẫn thấy an lạc vui
sướng như 1 tỳ-kheo nhập đệ tam thiền. Hơn nữa, trong Kinh Pháp
Hoa, Phật cũng thọ ký cho ngài sẽ thành Phật…
- Ngoài ra, một kẻ hành giả, khi hiểu
biết được nhiều điểm cao siêu, thường cũng hay đắm trước sự hiểu
biết đa-văn, và xao lãng việc hành-trì. Trên phương
diện tu chứng, sự hành-trì đôi khi còn quan trọng hơn sư đa-văn, vì
hành-trì mới chính là sự bồi đắp cái cỗi gốc vi-tế, và mới là con đường đi
sâu vào Vô-phân-biệt-trí.
Bởi vậy, nên đối với những vấn
đề Bản-thể-luận, giáo lý nhà Phật thường ít
khi muốn diễn giải kỹ càng, và thường chỉ đưa ra 4 chữ: PHÁP
NHĨ NHƯ THỊ để trả lời sự vấn nạn mà
thôi. Pháp nhĩ như thị có nghĩa là pháp-nhĩ vốn là như vậy,
lý-ưng là như vậy, cái sự vận-hành của Đạo lý và của pháp
giới vốn là như vậy. Khó thể miêu tả được, và mỗi chúng
sanh đều cần suy ngẫm lâu dài rồi tự chứng nghiệm, thì
sẽ hiểu…Nay nếu nương theo Chân-lý Duy tâm sở hiện mà diễn
giải rõ rệt ra, thì có thể tạm nói rằng: cái diễn trình vận
hành của Pháp giới vốn là như vậy, cái màn Vô minh tuy
chỉ là chiếc bóng-mờ của Diệu-tâm, nhưng nó cũng bất tư nghì và luôn luôn hằng
khởi không đoạn tuyệt. Nó hằng khởi không ngừng nghỉ để làm gì? Chỉ là để
mở cuộc hành trình chuyển-hiện, từ MỘT biến hiện
thành NHIỀU, từ Một lóe ra thành VÔ LƯỢNG…Rồi lại từ cái NHIỀU hay VÔ
LƯỢNG….Rồi lại từ cái NHIỀU hay VÔ LƯỢNG ấy, do sức huân
tập thâu hút của Chân-tâm tức là Pháp-lực, cũng như do Thần-lực cứu
độ của Chư Phật cùng Bồ Tát, cái Nhiều hay Vô lượng ấy lại
mở cuộc hành trình để trở về cái MỘT của Biển Diệu-tâm….Cho
nên, bản lai diện mục của Pháp-giới là như vậy: luôn luôn không ngừng
nghỉ, chuyển hiện từ cái Một sang cái Nhiều, cũng như chuyển hiện từ Nhiều sang
Một. Nghĩa là Tâm vô tướng mạo luôn luôn chuyển-hiện thành Vật muôn
hình vạn trạng, và Vật cũng luôn luôn chuyển-hiện trở về Tâm…Do đó,
các chúng sanh không thể nói là TẬN hay VÔ TẬN được. Vì Tận
hay Vô tận đều chỉ là những khái-niệm giả-lập của Vọng
thức phân biệt, và không tương ứng với bình diện Tột-bờ-mé
của Thực tại. Và một kẻ hành giả, nếu còn ĐỘNG NIỆM, thì vì đó vẫn
còn thấy chúng sanh xuất hiện bời bời, vô cùng vô tận,
như những lớp sóng biển cả. Nhưng nếu hành giả đạt tới chỗ BẶT NIỆM,
thì các lớp chúng sanh tự nhiên HẾT, trở thành TẬN,
và tuyệt nhiên chẳng thấy 1 chúng sanh nào cả…Và đó cũng là
lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm.
Có một vài vị học giả, vì không nhận định được rõ
về chân lý Song-chiếu này của nhà Phật, nên thường thắc mắc rằng:
“Quái lạ! Tại sao Đức A Di Đà, trước kia đã thệ nguyện rằng nếu
tất cả chúng sanh chưa được độ, thì Ngài quyết không thành
Phật, vậy mà nay, chúng sanh vẫn còn bời bời lạc
vào ác đạo, mà Ngài vẫn thành Phật ở phía trời Tây rồi??!!...lại
nữa, tại sao Đức A Di Đà cùng Nhị Thánh Tây
phương cứ gia công độ hoài độ hủy mãi mà chúng
sanh vẫn không hết, như thế chẳng hóa ra các Ngài chỉ là những Đấng
Dạ-tràng xe cát biển Đông, nhọc mình mà chẳng nên công cái gì hay sao?!?...”
Nói như vậy, tức là vẫn còn đem những tập quán vọng thức phân
biệt để nhận định nơi Tột-bờ-mé, vẫn còn đem tâm trạng hữu-tâm
hữu-tác của người phàm phu để suy luận những động-tác
thi-vi của những bậc Vô-tâm Vô-tác. Vẫn chưa hiểu chân lý Song chiếu,
cùng bí ẩn của Động niệm và Bặt niệm. Vẫn chưa hiểu Pháp
nhĩ như thị….Trong pháp giới này, Vô minh hằng khởi
để tượng trưng cho cái chiều hướng Một chuyển hiện
thành Nhiều của Tâm chuyển thành Vật. Còn Chư Phật Thế
tôn cùng Đại Bồ Tát cũng thường xuất hiện nhiều như
vi-trần, độ hoài độ hủy, là biểu tượng cho chiều hướng của
Nhiều trở về Một, của Vật trở về Tâm. Tuy các Ngài độ hoài
độ hủy như vậy, nhưng vì các ngài đã đạt tới Vô-tác-diệu-lực, nên các Ngài cũng
chẳng phải dụng tâm, chẳng thấy khó khăn hay khổ nhọc gì. Như trong
Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, ngài Văn Thù đã diễn
nói rõ ràng...Nhưng thực ra, thì trong cái vòng triển
chuyển nói trên của pháp-giới hay của Đạo lý, cần hiểu rằng thần-lực
của Chư Phật chi phối cả toàn bộ vòng triển-chuyển, chứ
không phải chỉ riêng chi phối chiều hướng trờ về Tâm mà thôi. Vì sao
vậy? Là vì Chư Phật tức là Diệu tâm, còn Vô minh chỉ là cái bóng
mờ của Diệu tâm. Bởi thế nên tất cả mọi tác động thi vi
của Ma vương đều chỉ là tùy theo nghiệp của chúng
sanh mà xuất hiện, và cũng đều nằm trong vòng chi
phối của thần lực Chư Phật. Và cũng bởi thế nên trong pháp
hội Đại định Thủ lăng nghiêm, Ma vương chỉ mới nghe đến
danh-tự của kinh, mà cả 2 chân 2 tay đều bị trói chặt với cần cổ,
không thể thi thố việc quậy phá được nữa...
TẠI SAO KHỞI VỌNG?
Biển Chân-tâm diệu minh đã nói ở trên rồi, nay nói về:
Tại sao khởi Vọng? Và Vọng là cái chi chi?
Lẽ dĩ nhiên là những câu hỏi ấy cũng đều là do vọng
thức phân biệt cả. Nhưng chúng ta vốn là phàm
phu sống trong thế giới nhị biên vọng thức từ
thời vô thủy, nên vẫn cần đến ngôn từ để hỏi và để đáp,
để trao đổi sự hiểu biết với nhau, để cùng tìm một con
đường ra khỏi vọng và CHUYỂN Vọng thành Chân.
Muốn hình dung mường tượng được ít nhiều về cái bí-ẩn
của sự KHỞI VỌNG, thiết tưởng cần lưu tâm suy nghĩ về mấy hình-ảnh
cùng mấy đoạn kinh-luận sau đây:
1 - Hình ảnh thứ nhất là: khi ánh sáng mặt
trời xuyên qua 1 tấm lăng kính tam giác bằng thủy
tinh, thì làm phát hiện một quang-phổ (spectre luminuex) có 5 màu hay 7 màu.
Ánh dương xuyên qua 1 làn mưa bụi, cũng làm phát hiện một ảnh
tượng cầu vồng (arc-en-ciel) hay quang-phổ có 5 hoặc 7 màu.
Ánh sáng mặt trời, vốn màu trắng tức là gần như
không màu, nay lại làm phát-hiện 7 màu...Như thế thì là thế nào?
Như thế nghĩa là: ánh sáng mặt trời vốn cùng 1 màu
trắng, vốn là THUẦN NHẤT, vốn là MỘT, nay chạm phải một lớp LƯU NGẠI (tức
tấm lăng-kính hay làn mưa bụi), nên trở thành SAI BIỆT, mất
cái thuần nhất, chuyển động CHẬM lại, trở lại TỰ GIAO THOA
(interférer) với nhau, và làm phát-hiện một quang-phổ sai
biệt có 7 màu.
Vậy thì có thể nói rằng: cái tác động TRỞ
LẠI TỰ GIAO THOA tức KHỞI VỌNG
Cái 7 màu kia là vọng, vì nó được phát hiện ra, chứ đâu
phải uyên-nguyên là thực có?!....Vậy nó từ đâu mà phát hiện, từ đâu mà tới? Từ
tấm lăng kính chăng? Không phải, vì tấm lăng kính cũng chỉ là một duyên
thứ yếu....Cũng không phải từ hư-không, vì hư-không cũng là một duyên thứ-yếu,
là nơi môi-trường hoạt dụng thôi.
Vậy thì nó tới từ ánh sáng mặt trời chăng? Theo
lối nhìn của thế gian, thì có thể tạm gọi là như vậy, tạm coi ánh
sáng mặt trời là Sanh-nhân của 7 màu. Nhưng ánh sáng ấy phải
quay-trở-lại-tự-giao thì mới có 7 màu. Và ánh sáng có thể tạm coi là Chân.
Nhưng nếu ta chuyển lối nhìn lên cao hơn nữa, sâu hơn nữa, thì
sẽ nhận thấy rằng: ánh sáng cũng chỉ là một Duyên thôi, tuy là duyên
có vẻ chính yếu. Vì thực ra, cả ánh sáng trắng cùng 7 màu
đều đột khởi lên như-huyễn như-hóa từ nơi Chân-không mà thôi.
Trở lại giáo lý nhà Phật, thì ánh sáng trắng kia có
thể tạm so sánh với tâm-thức chúng sanh, còn quang-phổ 7 màu có
thể so sánh với những cảnh giới huyễn-hiện của pháp
giới.
Tóm lại, Tự giao thoa là Khởi vọng, khởi vọng thì quang
minh chuyển động chậm lại và đi theo đường cong. Chậm lại cà
xoay tròn nên hiện tướng, làm LÓE lên tướng. Lóe lên hình
tướng nên có ảnh-tượng sự-vật ...Và như thế, Tâm vô tướng mạo đã
chuyển hiện thành Vật....Đó là cái Ma-lực (sortilège) lạ lùng
của những ánh-biến-hiện của quang minh..., của quang minh tâm
thức...
2-Hình ảnh thứ 2: Kinh Lăng Nghiêm, trang 215, Phật có
nhắc chúng ta rằng: “Nếu một người ngồi nhìn CHĂM CHÚ vào hư
không, thì chừng giây lâu, con mắt bị MỆT MỎI, và người đó thấy
những HOA ĐỐM xuất hiện nơi hư không...”
Một buổi sáng hay trưa có ánh nắng, ngồi nơi đồng lúa,
ta đưa mắt nhìn vào hư không. Lúc đầu, nếu ta nhìn một
cách hồn nhiên, không CHĂM CHÚ, không DỤNG TÂM, không hữu-tâm, không
mong cầu, không móng-niệm gì hết, thì ta thấy hư-không trong
sáng như bình thường, không bợn một mảy mún vật gì hết...Nhưng nếu ta
cứ chăm chú giương mắt nhìn hư không trong một giây lâu, để cố tìm
một bợn gì trong ấy, thì lần lần sẽ thấy có những con “loăng quăng ánh sáng”
nhẩy múa loạn xạ...Nhưng nếu ta dụi mặt, không nhìn nữa hoặc không chăm chú
nữa, thì hoa đốm lại hết.
Cho nên, Kinh dạy: sự chăm chú đó, việc dụng-tâm móng-niệm mong
cầu đó chính là niệm-mê-mờ vô thủy, chính là Vô-minh, chính là khởi vọng.
Trong hư-không ấy vốn không có gì, nhưng ta cứ giương mắt nhìn, giương mắt
chiếu soi, để cố tìm một cái gì, thì con mắt bị mỏi mệt. Mỏi mệt này tức là
Nghiệp, tức là sức Hành của Nghiệp, và nó làm LÓE lên những ảnh-tượng hoa-đốm
mà ta tưởng là vật thực có...Trong Bản giác Diệu-tâm cũng
vậy, tuyệt nhiên chẳng có một vật, chỉ có hồn
nhiên trong-sáng-tròn-đầy-hào-quang-tột-bực-thôi. Nhưng bỗng nhiên, do một
niệm mê-mờ, có một cái Xoáy-quang-minh (tourbillon de radiations) lại móng niệm
nghĩ rằng Mình là hiện-hữu, rồi lại khởi dụng tâm muốn chăm chú
Chiếu-soi. Nhưng chiếu soi cái gì đây? Ngoài cái biển Diệu tâm ra,
thì tuyệt nhiên chẳng có gì khác cả...nên cái Xoáy-quang-minh ấy đành
phải QUAY TRỞ LẠI TỰ CHIẾU SOI vào Biển Diệu tâm. Do tác
động mê-mờ ấy, nên có LÓE lên vô vàn những cảnh-giới huyễn hiện
của vọng thức, mà chúng sanh tưởng là thực có..Uyên-nguyên
của pháp giới này là như vậy.
Cần nói rõ hơn nữa về cái hư-không và người ngồi nhìn chăm
chú...Hư-không là cái gì? Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Hư-không là do
những vọng-tưởng-mê-muội-vi-tế của chúng sanh kết thành, còn những
vọng-tưởng kiên-cố thô kệch tích lũy từ vô thủy thì
lóng lại kết thành những sắc-tướng của vật..Vậy thì đối với kẻ ngồi nhìn
chăm chú kia, hư-không chẳng phải là gì xa lạ cách biệt, vì nó được
dệt nên bởi chính những quang-minh của Tàng thức kẻ ấy. Hư-không
ấy dung thông với Tàng thức, và một phần nào chính là Tàng
thức của kẻ ấy. Song những quang minh của Tàng
thức đều rất vi-tế, và chuyển động cực kỳ mau lẹ.
Nay kẻ đó vô tình lại ngồi chăm chú nhìn vào hư-không. Tức
là nhìn và cố chiếu soi vào cái hiện-tướng của chính Tàng thức của
mình. Tức là nhìn và cố chiếu soi vào cái hiện-tướng của chính Tàng
thức của mình. Cố chiếu soi tức là tác-ý mạnh mẽ, và tác-ý mạnh-mẽ thì tạo
nên một lớp Lưu-ngại vô-biểu-sắc, một tấm lăng-kính vô biểu sắc….Tác
ý và dụng tâm là thuộc về thức thứ 6, tức ý-thức và thức thứ 7.
Sự rung động mạnh mẽ của những làn sóng quang minh thuộc
ý-thức này, lần lần tạo nên 1 số âm-hưởng (ré sonances). Những âm-hưởng này lọt
được vào Tàng thức, và chiêu dụ được một số quang
minh rất vi-tế của Tàng thức. Vì chịu sức chiêu dụ, nên
những quang minh này lần lần nặng nề hơn, chuyển động chậm lại, rồi
xoay tròn. Và hiện tướng thành những hoa-đốm nhẩy múa loạn xạ....
Nay nếu nói về THỜI GIAN, thì cũng tương tự như
vậy. Thời gian vốn là một vọng-tưởng lớn của mỗi chúng
sanh hay mỗi loài chúng sanh. Và đối với chúng sanh ấy,
trong cái lúc ấy, thì thời gian xuất hiện DÀI hay NGẮN
là tùy thuộc vào thế-tốc chuyển động (speech) của
những quang minh tâm thức của chúng sanh ấy.
Và thế tốc này thì lại tùy thuộc vào mức độ móng-niệm và
tình-nhiễm trong lúc đó...Tỷ dụ như trong buổi sáng hôm đó, ta cứ hồn
nhiên sinh hoạt theo nhịp điệu thương ngày, không móng niệm,
không tác ý, không dụng tâm, không mong cầu, thì ta sẽ thấy buổi
sáng trôi qua lẹ làng. Trái lại, nếu ta tác ý mong cầu
chờ đợi 1 chuyện gì, thì thấy buổi sáng kéo dài lê thê. Là vì khi ta mong
cầu, thì tình nhiễm ưa-ghét thường nổi lên trong tâm thức, tình nhiễm này
thường làm nặng nề những quang minh do tâm thức phát ra, và
khiến chúng chuyển động chậm lại. Do đó, thời gian xuất hiện dài
hơn. Lại tỷ dụ như một người vào định, vào định có nghĩa là rất ít
móng niệm hoặc không móng niệm, các tình-nhiễm gần như gột sạch, nên quang
minh tâm thức trở thành rất nhẹ nhàng và chuyển động rất nhanh.
Nên người đó có thể ngồi trong định vài ngày hoặc 1, 2 tháng, và khi xuất
định, thấy thời gian trôi qua lẹ như khảy móng tay...
Cho nên, có thể nói rằng: mọi sự móng niệm, dụng
tâm, tác ý, khởi tình nhiễm...đều là Khởi Vọng, chuyển CHÂN
thành VỌNG. Chân cũng tương tự như hư-không, như 1 màng
lưới vô tướng mạo, vẫn là cái Trường-lực uyên nguyên. Nhưng nếu
ta khởi vọng, vứt vào đó một ít tình nhiễm, thì những hạt tình nhiễm này sẽ tạo
những điểm trũng (holes) ở nơi màng lưới đó...Theo trong kinh, thì Biển
Chân-tâm thường được gọi là Bất-động. Nhưng Bất-dộng ở đây không có nghĩa là
ù-lỳ, mà là Cực-động, thế-tốc không thể mường-tượng nổi, và vượt ra ngoài không-thời
gian....còn vọng thì cũng có nghĩa là Động, nhưng động trong cái Sai-biệt, tức
là Lay-động tương đối rớt vào vòng kiềm tỏa của Không-Thời
gian...
3-Lời dạy của Ngài Mã Minh:
Trong bộ Đại Thừa Khởi Tín, Ngài dạy: “Do KHÔNG
THẬT BIẾT pháp Chân-như, nên tâm Bất-giác nổi lên, liền khởi vọng-niệm.
Song vọng niệm vì không có thật-thể, nên chẳng rời Bản-giác
Chân-như...”
Không thật biết pháp Chân-như là thế nào? Nghĩa là: bỗng
QUÊN, không biết rằng chính mình là cái Biển Chân-như ấy, vốn là
Trong-sáng-nhiệm-màu tột bực, thường Diệu thường Minh. Cũng tương
tự như 1 lượn sóng nơi Biển cả, bỗng quên, không biết rằng mình chính là
Biển cả, chính là biển hào quang, lại khởi tâm muốn chiếu soi.
Nhưng chiếu soi gì đây? Ngoài cái biển hào quang ấy ra, tuyệt
nhiên chẳng có gì khác !? nên chỉ có thể Quay đầu TRỞ LẠI TỰ
CHIẾU SOI vào chính mình (retour reflexif de toute conscience). Do đó, làm LÓE
lên mọi cảnh giới hư vọng. và cũng tương tự như con Rắn
trong thần thoại, có cái thân dài lê thê, một lúc chợt quay đầu lại,
thấy cái đuôi ngọ nguậy, bỗng quên rằng cái đuôi ấy chính là mình, nên cứ xoay
tròn trong vô lượng kiếp để đuổi theo nắm bắt cái đuôi của chính
mình. Và sự xoay tròn triền-miên của con rắn có thể ví như sự bập
bềnh giao động triền miên của Vọng-thức chúng sanh.
4-Lời dạy của Kinh LĂNG NGHIÊM:
Trong kinh này, lời dạy của Phật cũng có thứ lớp:
- Lúc đầu, khi Ngài Phú Lâu Na đứng lên thưa hỏi
rằng trong cái Chân tâm bản thiên thanh tịnh ấy, tại sao
lại thấy phát hiện núi sông sơn hà đại địa…thì Phật dạy câu đầu tiên: “Tánh
giác vốn diệu minh, Bản giác vốn minh diệu…”
Đây là Phật nói về cái Diệu tâm. Tánh giác tức là Giác thể,
tức là Bản giác hay Diệu tâm. Ngài nhắc lại 2 lần, để nhấn
mạnh rằng Tâm ấy vốn Diệu vốn Minh, và để tiêu
trừ những kiến chấp lệch lạc của hàng Thanh văn về cái
Tâm ấy.
Ý của Ngài là muốn dạy rằng: “Các ông là hàng Thanh văn,
theo Ta đã lâu ngày, nhưng Ta cũng ít khi giảng nói rõ với
các ông về Diệu tâm này. Các ông đã siêng năng
trì giới, thiền quán, vào được 9 thứ định, đạt
được thứ huệ Bát Nhã của Thanh văn về Ngã-không, diệt
được những phiền não mầm sống sanh tử, nên vượt được
Phần-đoạn-danh-tử, có thể ra khỏi 3 cõi. Các ông đã lọt vào Tàng
thức tức Thức ấm rồi, lại thấy Tàng thức được gột sạch
mọi phiền não, thấy mình lâng lâng chẳng bợn chút trần ai, nên hay
nghĩ là mình đã tới bến rồi, và đa-số thường mắc bệnh “Triền-không”
và ngồi ỳ nơi đó. Không hiểu rằng những cái mà mình đã gột sạch được mới chỉ là
Vô-minh chi mạt thô kệch, tức là Sự chướng thôi. Tiềm
phục sâu hơn nữa, còn phần Vô-minh căn bản cực kỳ vi-tế.
và cần phải gột nốt và chuyển những phần Vô-minh căn
bản này, thì mới chuyển được thành Bạch-tịnh-thức và trôi vào Biển Diệu
giác…Cũng vì giòng Vô-minh này vẫn còn biến dịch lưu
chuyển trong tâm thức, nên các ông vẫn còn pháp-chấp, vẫn chưa được
Tự-tha vô ngại, vẫn chưa thể ôm trọn pháp giới vào thân tâm mình.
Do đó, chưa hiểu nổi cái kỳ-diệu của Diệu tâm này,
cũng như chưa thể thấy rõ được cái bí-ẩn của sự Khởi vọng. Vì khởi vọng là ở
nơi tột-bờ-mé, ở sự khởi lên của cái màn Vô-minh cực kỳ vi tế, mà đạo
nhãn của các ông chưa nhìn nổi.
Từ trước đến này, các ông thường chăm chú nghĩ rằng: có
những phiền não cũng vô-minh (chi mạt), cần phải gột
cho sạch. Và do công phu siêng năng lau chùi gột rửa ấy,
nên vô minh ngày càng tiêu trừ, và Tâm ngày càng sáng tỏ,
ngày càng trở thành Minh.
Nhưng đó là một kiến chấp sai lầm. Vì nếu quả thực cái
Tâm đó cần phải lau chùi thì mới Minh ra được, thì làm sao
mà giải thích nổi cái bí-ẩn của kiếp sống và của pháp
giới này?!...Nếu Tâm đó là do lau chùi mới có được, nghĩa là
trước-không-nay-có, thì chẳng hóa ra Tâm cũng là pháp nhân-duyên hay
sao?! Nếu thế thì Chư Phật Thế tôn nhiều như vi-trần cũng
chẳng còn chút gì là huyền-nhiệm lạ lùng nữa?! Và nếu các ông chỉ suy
nghĩ sâu hơn một chút, thì sẽ thấy rằng pháp-giới này chẳng thể là gì
khác, mà chỉ có thể gọi là kỳ diệu lạ lùng…
Bởi thế, nên các ông cần phải học, và ghi tâm khắc cốt
lời này: cái Tâm ấy nó vốn DIỆU vốn MINH. Nó là bất-khả-thuyết, không thể nghĩ
bàn. Nó vốn Trong-sáng-tột-bực,chẳng cần phải ai lau chùi hết,
và hào quang của nó, thì đạo-nhãn của các ông chưa chịu
đựng nổi. Nó lại vô cùng kỳ diệu, vì có thể làm LÓE lên mọi cảnh
giới…Vô-minh cũng khởi lên tự nó, và tuy có hằng khởi, nhưng Vô-minh vốn không
có thực thể, nên vẫn phải nương vào Diệu tâm . Và chỉ có Tâm này
mới là Thật thể, mới là Thật tướng thôi…
Đó là lời dạy của Ngài về Diệu tâm, cho những
bậc Thanh văn.
- Sau đó chừng ít trang, Phật lại dạy về sự Khởi vọng. Dạy bằng
1 câu chuyện có thực, xảy ra trong thành Thất la phiệt, câu
chuyện của chàng Diễn nhã đạt đa.
Chuyện anh chàng này cũng hơi tương tự như chuyện
chàng Narcisse trong thần thoại Hy-lạp, đam
mê cái dung nhan Tống ngọc của mình, nên hay ra đứng bờ suối,
soi bóng mình xuống dòng nước. Nhưng câu chuyện của Diễn nhã rõ rệt
và thâm sâu hơn.
Lời Phật kể sơ sài như sau: “Này Phú Lâu Na! Như trong thành
Thất la phiệt này, có anh Diễn nhã đạt đa, buổi sớm lấy gương soi mặt,
bỗng nhiên ưa cái đầu trong gương, cùng lông mày con mắt có thể thấy được…Rồi
giận trách cái đầu mình, sao lại không biết nhìn thấy mặt mày, cho là giống yêu
quái, rồi không cớ gì phát cuồng bỏ chạy….Ý ông nghĩ sao? Người đó
vì nguyên nhân gì mà phát cuồng bỏ chạy?!...
Thiển nghĩ có thể phân tích lời dạy trên như sau:
a) -Buổi sớm lấy gương soi mặt: anh chàng Diễn nhã cứ tiếp
tục hiện hữu một cách hồn nhiên thì không sao cả. nhưng 1
buổi sớm, bỗng Móng-niệm muốn CHIẾU SOI cái bản mặt mình trong GƯƠNG…Tức là
móng niệm muốn TỰ CHIẾU SOI, muốn ngắm nghía cái bản mặt của mình, và như thế
là tự tạo 1 tấm lăng-kính lưu-ngại, và làm LÓE lên (miroitement) một HƯ ẢNH.
Đó là sự khởi vọng uyên-nguyên, là niệm-mê-mờ-vô-thủy, muốn tự
chiếu soi, muốn tự ngắm nghía mình.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, bỗng quên
mình là trong-sáng-tột-bực, viên mãn nhiệm-mầu,
diệu-dụng vô cùng, rồi móng niệm muốn chiếu soi, muốn ngắm nghía. Nhưng chiếu
soi cái gì, vì ngoài Tâm ra chẳng có gì khác?! Nên đành quay lại chiếu soi
chính mình, và làm LÓE lên đủ mọi thứ hư-ảnh tức là cảnh giới…Trong sự khởi
vọng này, Tâm chúng sanh tự lìa bỏ cái viên
mãn nhiệm màu tức là Diệu, và chỉ giữ lại được 1 chút hư-minh của cái
Minh, để tiếp tục le lói chiếu soi.
b)-Nhưng không phải chỉ có thể..Khi hư-ảnh lóe lên trong gương
rồi, thì Diễn nhã lại bồi thêm một lớp vọng thứ 2 nữa. Là vì anh ta nhìn thấy
cái mặt trong gương, nhưng lại KHÔNG NHẬN RA rằng cái bản mặt đó
chính là mình, mà cứ tưởng là của 1 kẻ khác.
Đó là lớp vọng thứ 2
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, khi tự chiếu
soi và làm lóe lên đủ mọi hư-ảnh cảnh-giới rồi, lại vẫn tiếp
tục u-mê, không nhận ra rằng những cảnh giới ấy đều là
do tâm thức mình xoay vần miên viễn rồi tạo dựng nên.
Và cứ tưởng rằng cảnh-giới là có thực, và biệt lập với mình?!...
c)-Rồi lại thấy cái mặt mũi trong gương thật là phương
phi đẹp đẽ, và khởi tâm ƯA THÍCH cái mặt đó.
Đó là lớp vọng thứ 3.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh trở thành đắm
nhiễm, ưa thích say mê những cảnh-giới huyễn hiện, rồi trôi
lăn chạy theo chúng, ngày càng xa Chân tâm.
d)-Đã đắm say mê mệt cái mặt mũi trong gương rồi, nên Diễn nhã
lại khởi thêm nhiều mê-vọng chằng chịt nữa: bỗng nghĩ rằng cái mặt trong gương
có đầu hẳn hoi, vậy chắc là mình cũng có đầu…Nhưng ủa! nếu mình cũng có
đầu, thì tại sao cái đầu mình nó lại không trông thấy mặt mình? Hay mình mất
đầu? Hay đầu mình là ma quái?!...Rồi bỗng nhiên phát cuồng, chạy khắp phố
phường la lối để kiếm cái đầu?!...Trong khi cái đầu vẫn lừng lững ở trên cần
cổ…
đó là những lớp vọng chồng chất chằng chịt.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, khi đã lạc bước
vào mê-đồ-ảo-phố của Vọng rồi, thì mỗi cất chân nhấc tay, mỗi lời nói, mỗi
tâm niệm…đều chỉ là đi từ vọng đến vọng. khiến cho lăng xăng chạy
Đông chạy Tây, lên lên xuống xuống không ngừng trong các nẻo luân hồi, lúc
nào cũng mơ màng la lối, muốn tìm kiếm cái Tự-ngã hay cái
Tâm của mình. Mà không biết rằng Tâm ấy vẫn SỜ SỜ ra đó, và không có
1 sát nao nào mà mình không nương tựa vào nó, không sử dụng đến cái
trường-lực của nó…
Sau khi kể câu chuyện Diễn nhã, Phật dạy: “Này Phú Lâu
Na! Ấy cái Mê-vọng nó là như vậy. Nó tương tự như một cơn mê
sảng, một giấc chiêm bao. Một cơn mê sảng thì làm sao
có nguyên nhân được?! Vì nếu có nguyên nhân, thì lại không còn
mê sảng…”
Cũng tương tự như trong Đạo-đức-kinh, Ngài Lão
Tử nói rằng:: Trong cái vòng Hư-vô đó, bỗng DO HỐT DO HOẢNG…rồi Nhất
sanh Nhị, Nhị sanh Tam…mà sanh ra các vật…” Nhưng Lão Tử chưa
chỉ rõ được rằng cái vòng Hư-vô đó chính là cái Tâm mê
vọng của chúng sanh.
Hoặc như bên Bà la môn giáo nói rằng: “Vũ trụ này chỉ
là một giấc chiêm bao của Đấng Phạm thiên…” Lời nói này,
tuy hàm chứa nhiều chân lý, nhưng lối nhìn còn sặc mùi thế tục, và
nhiều thiên trọng nhân-ảnh-hóa . vả lại, nếu đấng sáng tạo Phạm
thiên mà còn nằm chiêm bao, thì đâu còn có thể gọi là đấng Tự-tại
được nữa?! Một đấng Sáng tạo Phạm thiên mà còn nằm chiêm
bao. Tỷ dụ như Phật, là bậc đã gột sạch mọi lớp mê-vọng,
nên tuyệt nhiên không bao giờ chiêm bao mộng mị...
Điểm “mê-vọng không nguyên nhân” này, là điểm không thể nghĩ bàn
của mọi bản-thể-luận (ontologie). Nó tương tự như một thứ
Kẽ-hở-uyên-nguyên (hiatus hay fissure originelle) của mọi bản
thể luận, một thứ định-đề (postulat) khó thể miêu tả được,
mà chúng ta phải chấp nhận....Kẻ hở uyên nguyên, vì chuyển
từ lãnh vực Vọng thức sai biệt lên chỗ Tột-bờ-mé, để bước
sang bình diện Vô sai biệt....Nên nhà Phật nói: Pháp nhĩ như
thị. Và tuy nó là một cơn mê sảng, nhưng nó lại HẰNG KHỞI trong
tâm chúng sanh. Vì hằng khởi, nên bất-tư-nghì....
-Rồi sau đó chừng vài chục trang, Phật lại dạy thêm 2 câu kệ:
Tự-tâm TRỞ LẠI chấp Tự-tâm,
Không phải huyễn, trở thành Pháp Huyễn...
Ý nghĩa câu này rõ rệt là: tự-tâm ấy trở lại TỰ
CHIẾU SOI, nên làm LÓE lên vô lượng cảnh giới. Biển tâm vốn
không phải huyễn, nhưng vì mê-vọng, đã làm lóe lên những cảnh
giới huyễn hiện không cùng không tận...
Thế là Tâm đã chuyển thành Thức, rời bỏ cái Trạm
nhiên vô tướng mạo, để mở cuộc hành trình di vào con
đường hiện-tượng-hóa (processus phénomé nologique), vào cái Nhiều,
vào Vô lượng.
Chương 3 kế tiếp sẽ trình bày về cái Vòng Huyền-hiện
này của THỨC BIẾN.
LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG 3
LÝ TRÙNG TRÙNG HUYỄN-KHỞI TƯƠNG-ƯNG
TÂM LÀ GÌ?- THỨC LÀ GÌ?- CÁI VÒNG HUYỄN HIỆN CỦA THỨC
BIẾN.-CHÂN THỨC, HIỆN THỨC VÀ THỨC BIẾN VÀ CHUYỂN THỨC- TÂM
PHƯƠNG VÀ TÂM THỂ.- SẮC PHÁP VÀ BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP.-CĂN
THỨC ĐẮM NHIỄM LẪN NHAU.-LÝ TRÙNG TRÙNG HUYỄN KHỞI TƯƠNG ƯNG.
Giáo lý nhà Phật có thể coi là nền Biện
chứng chuyển-hiện của những cái cực-vi, của những làn sóng ba-động cực kỳ
vi-tế, của những quang minh trùng-trùng...Những cực-vi này còn
siêu-xuất hơn những nguyên tử, điện tử hoặc lượng tử của khoa học hằng
ngày, nghĩa là còn vi-tế và biến ảo hơn nhiều...Cực-vi hay lượng hạt
tử hay hạt tử( particule) cũng không thể tách rời ra khởi ba-động, vì 2 cái đó
chỉ là 2 hình thái biến hiện, 2 khía cạnh TĨNH-ĐỘNG hay ẨN HIỆN của cái tạm gọi
là Quang minh. Tách rời ra thì là 1 lầm lạc lớn.
Cho nên, giáo lý nhà Phật chính là giáo
lý của sự Ẩn-hiện-bí-mật-câu-thành, và đó là danh hiệu của một
trong 10 huyền-môn của tư tưởng hoa Nghiêm.
Với thuyết SÁT NA tức Tia-chớp-nháng biến hiện,
những lời dạy của Kinh xưa đã bao trùm lên nền vật-lý-học cực-vi cùng mọi
quang-minh học. Và khoa học ngày nay bắt buộc phải đi sâu vào sự nguyên cứu
những quang minh(radiations) thì mới có thể hiểu thêm được ít nhiều
về vũ trụ khí thế giới.
Với hệ thống Duy thức của ngài Từ
thị Duy lặc, diễn nói về sự chuyển hiện của cái Vọng-minh hay Hư-minh le
nói, diễn nói về sự chuyển-hiện nói ra của 8 thức, đồng thời chiêu
cảm những ảnh-tưởng cảnh giới tương ưng..., giáo
lý nhà Phật đã thâu gồm nền phân-tâm-học hiện tại đang muốn đi
vào tìm-thức cùng vô-thức... Và khi phân tâm học đi sâu vào
sự nguyên cứu não-bộ cùng thần kinh hệ, vào trạng thái Ngủ
cùng Mộng-mị, nhà khoa học sẽ bắt buộc phải nhận thấy sự hiện
hữu của những quang minh tâm thức... Và những quang minh này
còn vượt xa những quang minh thô kệch thấp kém, hiện nay tạo nên
điện-lực, từ-lực, hạt-nhân, tia laser hoặc ánh sáng...
Cho nên nếu một nhà khoa học hiểu được nhận thức-quan của
lời Kinh xưa, rồi nương vào nó để làm những giả-thiết, thì người đó sexddi tới
những khám phá kì-đặc...
Thuyết Sát-na biến hiện đã nói ở trên rồi. Nay cố
gắn đi vào những nét chính của hệ thống Duy
thức để tìm hiểu kinh Lăng nghiêm.
Trong khi khoa học mới chỉ biết nguyên cứu những tương
quan Vật và vật, thì từ ngàn xưa, giáo lý của Bậc Đạo sự Tói thắng
diễn nói về những tương quan giữa vật và vật, và nhất là về những tương
quan cấu kết giữa Tâm và Vật, về sự huân tập chiêu cảm, tro
ng cái huyễn khởi trùng-trùng ấy.
Hệ thống Duy thức giữ một vai
trò thiết yếu trong sự diễn giả ấy. Vì nó diễn nói về cái lịch
trình từ Tâm chuyển thành hức sơ năng biến, rồi lại từ thức
này chuyển thành 7 thứ chuyển-thức, tức là những mật độ hư-minh le lói lập lòe
trong tâm thức chúng sanh. Và mỗi mật độ le lói này thường chiêu
cảm những ảnh-tượng tương ưng và thô kệch bên ngoài,
mà thường gọi là cảnh giơi. Cũng bởi thế, nên hệ thống Duy
thức là một khu rừng rậm, bao la mịt mùng, nhiều khi trừu
tượng mờ ảo, nên khó vào, khó nhận, khó mường tượng...và cần
phải suy tư, quán chiếu một thời gian mới có thể hội
nhập ít phần.
Ở nơi cung Đâu xuất, không biết ngài từ thị diễn
nói Duy thức ra sao và chúng ta chưa thể biết được...Nhưng
ở nơi nhân thế này, thì dường như chỉ có mấy bộ kinh giảng
nói về Duy thức, như Kinh giải thâm mật, Lăng già và Lăng
nghiêm. Nhưng lời kinh thường là ngắn ngủi ẩn mật...Ngoài ra, có
bộ Du già Sư địa luận của ngài vô trước, bộ Đại
Thừa Khởi Tín của ngài mã minh, cùng mấy chục bài tụng-ngôn cũng
rất là cô đọng và bí hiểm khó dò. Ngoài ra, những danh từ khá
nhiều, và lời văn cổ kính... Cho nên nếu diễn nói theeo danh từ và lối
kinh viện học quy, thì những người mới học khó mà hội nhập được. Vả lại, những
dah từ bề bộn thường mất vẻ sống động, trong khi Duy thức chính
là sống động, và Thức là một trường BIẾN HIỆN mà địa bàn là cả pháp
giới này.
Bởi vậy, nên mấy trang sau đây chỉ trình bày những nét
chính trong cái vòng huyễn hiện của Thức biến, để mong bạn đọc có
thể ý hội được tánh chất sinh động, và nhất là tánh
chất biến ảo trùng trùng…
THỨC LÀ GÌ?
Trước hết, cần phải hiểu Thức là cái chi chi.
Vì nếu không mường-tượng được nổi nó là cái gì, thì làm sao theo
dõi vòng chuyển hiện?
Kinh dạy:” Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức….”
Nhưng lời kinh ẩn mật không nói rõ Tâm là gì, và Thức là gì, và 2 cái
là một hay là khác. Nếu khác, thì khác nhau như thế nào?
Trên kia đã trình bày rằng: tuy Tâm là bất khả
thuyết, nhưng theo lời kinh, có thể tạm mường tượng Tâm như một
Biển-tinh-lực-uyên-nguyên không ngằn mé, một Biển
quang-minh-uyên-nguyên, hào quang tột bực, vô tướng mạo,
chuyển động cực kỳ thần tốc nên phi-không-thời-gian và ứng
hiện tức khắc.
Nhưng vì VỌNG hằng-khởi, nên những quang minh ấy
tự-chiếu-soi, tự-giao-thoa, và chuyển thành Thức.
Vậy Thức là gì?
Vậy thì Thức cũng vẫn là quang minh,
nhưng quang minh có hàm chứa Vọng rồi. vọng này lúc đầu là
vọng-TƯỞNG muốn chiếu-soi, muốn tự-chiếu-soi, nghĩa là có hữu-tâm, có dụng-tâm,
có tác-ý, rồi sau làm phát hiện lần lần những vọng-TÌNH, tức tình nhiễm.
Vọng tưởng cùng vọng tình đều làm cho nặng,
NẶNG thì chuyển động CHẬM LẠI, mất cái nhiệm mầu kỳ diệu và kém trong
sáng…Vậy Thức tức là những quang minh đã trở thành nặng nề,
chuyển động chậm lại, rớt vào vòng kiềm tỏa của không-thời-gian, rồi
chuyển theo đường cong, xoáy-tròn miên-viễn theo hình trôn-ốc (mouvement
giratoire giratoire en spirale), bắt đầu hiện tướng, lần lần kết tụ lại,
cô đọng lại, tạo thành những lớp thể chất thô-kệch
lưu-ngại tương tự như những tấm lăng-kính phản chiếu ngày
một lệch lạc thêm….
Bởi thế, Kinh Lăng Nghiêm mới dạy:
Thức-sơ-năng-biến là những vọng-tưởng hư-vô vi-tế, rồi chuyển dần
thành vọng tưởng u-ẩn, rồi dung-thông, rồi hư-minh, rồi kiên-cố.
Nghĩa là ngày càng nặng nề thô kệch lưu ngại va lệch lạc… Chính cái
Thức đó nó dệt nên pháp giới này, nhưng vốn là một cái bóng mờ, không
thật-thể, nên vẫn phải nương và an-trụ vào cái Biển tâm làm thật-thể…
THỨC BIẾN HIỆN RA SAO: CHÂN THỨC, HIỆN
THỨC VÀ 7 CHUYỂN THỨC. KIỀN ĐẠI VÀ THỨC ĐẠI TRONG SỰ CHUYỂN HIỆN.
Kinh Lăng già mệnh danh Biển
tâm là Chân thức, nghĩa là chưa nhiễm Vọng… Và mệnh danh Tàng
thức, tức thức thứ 8 là Hiện-thức, nghĩa là đã nhiễm Vọng và bắt đầu Hiện
Tướng.
Về tàng thức này, kinh cũng dạy rằng không thể
lấy óc suy nghĩ mà biết đượ. Vì nó ở tột-bờ-mé của phổ-huyễn-tế nhập
vào Chân-thiệt-tế tức Diệu tâm. Nên những quang mihn của nó cực kỳ vi-tế
và được gọi là hư-vô vi-tế
Tàng thức này là Thức-căn-nguyên, Thức Sơ-năng-biến,
(tạm dịch là Radiations mentales originelles), bao gồm chứa cả Chân
lẫn Vọng, và là cỗi nguồn của pháp giới. Nó thường Hằng và
thường Chuyển, chuyển động cực kì mau lẹ và mãnh liệt. Nó không có hình
thái, phi dung lượng, phi vị-trí, phi khứ-lai. Tức là nó chu
biến khắp cả, và chuyển động cực kỳ thần tốc. Vì nó chính
là Diệu tâm, nhưng Diệu tâm đã bị khởi Vọng… Nó là một
Biển quang minh vi-tế, nhưng hàm chứa vô vàn những chủng-tử Vọng, và
những chủng tử này có thể hình dung như những
cơn-lốc-ba-động-hư-minh, (vorstex hay tourbillion de force) xoay-tròn-chôn-ốc
và rất mãnh liệt. Mỗi chủng-tử đều hàm chứa một mức độ vọng khởi, một mức độ
nghiệp-lực, do đó có 1 nhịp điệu rung chuyển riêng biệt. Nhưng tuy có vẻ riêng
khác, chúng vẫn bắt rễ và dung thông với toàn bộ Tàng thức.
Và Tàng thức bắt đầu mở cuộc diễn trình chuyển
hiện, đi sâu vào cái Nhiều. để tạo dựng những lớp hư-minh hay những
lớp thể chất ngày càng thô kệch lưu ngại… Nói cho đúng ra,
thì có lẽ không phải chính Tàng thức đi vào cuộc diễn
trình, vì nó vẫn phi khứ-lai, vẫn an nhiên gần như bất động, và
chỉ chuyển hiện thôi. Mà chính là những chủng tử cơn-lốc-ba-động đã
mở uộc hành trình, rồi tùy theo sức hiện hành nội-tại
của nghiệp-lực, sẽ NỞ XÒE ra thành chúng sanh hay thành 1 cảnh
giới tạm gọi là vô tri.
Trong sự chuyển-hiện này, Duy thức học hay
nói đến danh từ Tự-chứng-phần. Tự-chứng-phần có nghỉa là TỰ-CHIẾU-SOI, tức
là ngày càng khởi vọng, chồng chất thêm lên.
Vậy thì những chủng-tử-cơn-lốc ấy,xoay vần miên
viễn, lần lần lại quay đầu lại, tự chiếu soi chính mình. Là vì mỗi chủng
tử đều dung thông với toàn bộ Tàng thức, và
ngoài Tàng thức ra, thì chẳng có gì khác. Cho nên, khi chủng
tử móng niệm chiếu soi, thì chỉ có thể chiếu soi chính nó. Do
đó, chồng chất thêm sự vọng-hiện.
Do sự xoay vần miên viễn cùng tác
động tự chiếu soi này, nên cái chủng-tử chứa đầy những quang
minh của Thức sơ năng biến ấy, đã chuyển hiện, và phân ra làm 2
phần. Một phần KHINH THANH hơn, LINH MINH hơn, sáng láng hơn, thường tụ lại ờ
nơi giữa trung tâm cơn lốc, và được gọi là phần NĂNG KHIẾU,
hay KIẾN PHẦN. Vì nó là phần-đứng-nhìn, nên nó cũng ĐỨNG LẶNG hơn… còn một
phần thì TRỌNG TRƯỢC hơn, và ít LINH MINH sáng láng hơn, thì dạt ra phía ngoài,
và được gọi là phần NĂNG HIỆN hay TƯỚNG PHẦN. Vì nó ở phía ngoài và phải
xoay vần ở bìa cơn-lốc, nên nó DAO ĐỘNG hơn… Về bộ Ba Chủng tử-Kiến
phần-Tướng phần này, trong bộ Đại Thừa Khởi Tín, ngài Mã
minh mệnh danh là: Nghiệp tướng (tức Chủng tử Vô minh), Kiến
tướng (Kiến phần) và Hiện tướng (Tướng phần)…
Có thể nói rằng lúc đó, Tướng-phần là mầm mống của những
cảnh-giới y-báo sau này trong pháp giới. Còn Kiến-phần là mầm mống của
thân-tâm hoặc thân-căn chánh-báo sau này của chúng sanh… Nhưng lúc đó, ở bình
diện Tàng thức, thì cả Căn cùng Cảnh cũng đều cực kỳ vi-tế.
Cũng cần ghi rằng: ở mức độ chuyển hiện ấy của cơn-lốc,
thì chấp NGÃ chưa hề khởi lên rõ rệt. Mới chỉ có chấp
PHÁP rất vi tế thôi, vì đã có phần chiếu soi vi tế và
cái cảnh bị chiếu soi cũng rất vi tế. Tức là chấp chiếu soi,
chấp liễu tri, chấp trong-ngoài v.v… Do đó, có vọng tưởng, nhưng chưa
khỏi vọng tình.
Đã có phần chiếu soi, và cảnh bị chiếu soi, thì dĩ
nhiên phải có cái gạch-nối-liền, tức là tác động nhận thức. Vì
Căn và Cảnh bao giờ cũng đắm nhiễm lẫn nhau, thâu hút lẫn nhau, và càng vi-tế.
Tức là chấp chiếu soi, chấp liễu tri, chấp trong-ngoài v.v… Do đó,
có vọng tưởng, nhưng chưa khởi vọng tình.
Đã có phần chiếu soi, và cảnh bị chiếu soi, thì dĩ
nhiên phải có gạch-nối-liền, tức là tác động nhận thức. Vì Căn
và Cảnh bao giờ cũng đắm nhiễm lẫn nhau, thâu hút lẫn nhau, và càn vi-tế bao
nhiêu thì càng đắm nhiễm ngần ấy… Do đó, nên ở bình diện Tàng thức,
Kiến-phần vẫn tác động để nhận thức. Nhưng vì nó hàm chứa
những quang minh cực kì vi-tế,dung thông chiếu soi gần như khắp
10 phương, nên sự nhận thức của nó cũng rất là siêu-tuyệt và
bất-tư-nghì. Nên Duy thức học thường nói rằng: Thức thứ 8 có một khả
năng TRỰC GIÁC THÂM MẬT rất vi-tế, biết rõ được Hiện-lượng và
Tánh cảnh (tức là Bản thể) của sự vật. Và một bài tụng-ngôn của
ngài Thế thân cũng dạy rằng: “Chúng ta không thể biết nổi
đối-tượng nhận thức, hình thái nhận thức, và lãnh
vực biểu-hiện của Thức ấy…”
Tuy nhiên, chữ Trực giác thâm mật có nghĩa
là: Kiến phần vì rất vi tế, nên có khả năng luôn luôn NHẬP MỘT
với Tướng-phần để thể nghiệm rõ ràng Bản thể của sự vật. Do đó,
ở bình diện Tàng Thức, Căn (Kiến phần) Trần (Tướng phần) và Thức đều
rất vi tế, thường dung thông lẫn nhau và hầu như nhập Một.
Trong các kinh, thường có nói: mở Tâm-nhãn. Nghĩa là:
khi hành giả tu hành đến mức Lọt được vào Tàng thức, thì sẽ
mở được Tâm nhãn tức là cái Kiến phần này, để nhìn thấy
những quang minh rất vi-tế của diệu-sắc-thân của Phật và Bồ tát… Và
trong kinh Lăng Nghiêm, khi nói 6 căn hỗ dụng, cũng là chỉ vào Kiến
phần của Tàng thức.
Nay nếu đứng ở khía cạnh phân biệt giữa KIẾN
ĐẠI và THỨC ĐẠI mà xét, thì có thễ nói rằng: cái Kiến-phần của Tàng
thức, vì gồm toàn những quang minh vi-tế nên rất khinh thanh và
thường đứng lặng để trực giác, nên Kiến-phần này gồm TOÀN LÀ KIẾN
ĐẠI, và hầu như không có Thức-đại.
Thực ra thì trong 8 thức, thức nào cũng hàm chứa
một thành phần kiến-đại đứng lặng, và một thành
phần kiến-đại đứng lặng, và một thành phần kiến-đại đứng lặng,
và một thành phần thức-đại vọng động, nhưng chỉ khác nhau ở
chỗ tỷ lệ nhiều hay ít mà thôi.
Nay nói đến Thức thứ 7 tức Mạt na thức.
Cái KIẾN PHẦN của Tàng thức, vốn hàm chứa
toàn những quang minh hư-vô vi-tế (tức là vọng-tưởng hư
vô vi-tế), nhưng vẫn rất mãnh liệt. Và được kinh Lăng Nghiêm gọi
là u-ẩn vọng tưởng… Nơi đây, sức chuyển động xoáy-tròn của nó đã kết lại thành
một cái NÚT LỚN, một tấm lăng kính bền chặt, tức là cái nút CHẤP NGÃ.
Tấm lăng-kính này là đầu mối của trạng thái Hôn-mê-triền-miên
của chúng hữu tình trong cuộc hành trình dằng dặc qua
các cõi và các nẻo. Nên ngài Huyền trang mới viết: “Hữu tình nhật dạ
trấn hôn mê…”…Còn ngài Mã minh thì gọi thức này là Ý tương tục,
tức là cái Ý chí, cái sức Hành tương tục của Nghiệp muốn nở xòe
ra và đi sâu vào Vọng.
Nếu tàng thức có thể tạm ví dụ nhứ biển nước, hoặc như
một vùng-đại-địa, thì Mạt-na thức có thể ví như 1 gốc
cây bèo mọc trên biển nước, hoặc 1 gốc cây mọc trên đại địa. Vì nó là
GỐC trực tiếp của 6 thức kia, và cũng là gốc của thân-tâm chúng sanh.
Nút này tượng trung cho cái Sức-Mê-vọng, sức khát vọng,
sức nghiệp vọng, sức HÀNH TƯƠNG TỤC của chúng sanh ấy. Nên
cũng được gọi là Ý tương tục, tức là Ý-chí mê vọng tương
tục qua các kiếp và các cõi. Cũng được gọi là Ý-căn, vì nó là gốc trực
tiếp của ý-thức và 5 thức kia… Trong cơ thể một chúng sanh, có thể
tạm nói rằng: hệ thống não-bộ cùng thần-kinh là những biểu
tượng THÔ PHÙ của nó, và chỉ có thể coi là biểu tượng rất
thô-phù mà thôi.
Nó vốn là 1 cái nút, một tấm lăng-kính cố kết, nên nó hay
chiếu soi lắm, và hàm chứa rất nhiều Vọng, vọng tưỡng cũng như vọng tình… Nó
cũng Hằng và Chuyển như Tàng thức, nhưng hằng và chuyển cũng kém hơn, vì
gồm những quang minh kém vi-tế và nhiều tướng mạo hơn. Do
đó trạng thái của nó kém sút rất nhiều về tính cách chiếu
soi HỒN NHIÊN so với Tàng thức, và trái lại, nó hay LO
NGHĨ so đo phân biệt lắm, vì hàm chứa nhiều vọng.
Tính cách hay lo-nghĩ-so-đo này, danh từ Duy
thức gọi là THẨM
Vậy thì nó hay lo nghĩ so đo những gì?
Trước hết, nó quay lại chiếu soi cái Kiến-phần
của Tàng thức đã phôi thai ra nó, rồi khư khư chấp rằng đó là cái Ngã
của ta, đó là ngã tâm và đó là ngã tướng… Rồi đứng trên chỗ sở-y đó, nó xoay ra
chiếu soi khắp tất cả, và luôn luôn lo nghĩ phân-biệt cái gì là ngã
và cái gì là phi ngã.
Cũng cần ghi rằng: trong khi Kiến-phần của Tàng
thức chuyển hiện xuống thành Mạt na thức, thì cái Tướng-phần cảnh
giới rất vi tế của Tàng thức cũng chuyển hiện SONH
HÀNH, để tạo nên những cảnh giới kém vi-tế hơn và tương
ưng với mạt na thức. và thức này đã duyên theo những cảnh
giới ấy để lo nghĩ so đo xem cái nào là ngã, cái nào phi
ngã.
Trong khi xoay vần miên viễn như vậy,
thì dĩ nhiên là do sự chuyển động xoáy-tròn, mạt na
thức cũng tự phân ra làm 2 phần: Kiến phần và Tướng
phần. Kiến phần khinh thanh hơn, sáng láng hơn thì tụ lại ở giữa, còn Tướng
phần trọng trược hơn thì dạt ra phía bìa, và bồi dưỡng thêm cho
những cảnh giới vi-tế được chuyển hiện từ Tàng thức và cũng
do đó, khiến cho chúng ngày càng trọng trược thêm.
Còn cái kiến-phần của Mạt na thức , thì cũng rất khác
với Kiến-phần của Tàng thức…Kiến-phần của Tàng thức thì rất khinh
thanh sáng láng, rất ít vọng tình và chiếu soi rất hồn nhiên.
Nên nó thường rất Đứng Lặng, và bao gồm hầu hết là KIẾN
ĐẠI và rất ít THỨC ĐẠI…Trong khi kiến-phần của Mạt na thức, tuy cũng
gọi là khinh thanh đấy, nhưng mức độ khinh thanh đã kém sút, nhiều vọng
tình nên nó thường là Dao động, là vọng động để dụng
tâm phân biệt. nên có thể nói rằng nó gồm nhiều Thức-đại và ít Kiến-đại….
Tuy nhiên, mặc dầu nó là 1 tấm lăng kính chuyên
chiếu soi CONG QUEO, luôn luôn lầm lạc và rớt vào Phi-lượng, (Phi
lượng là nhìn lệch lạc cong queo, Hiện lượng là nhìn
đúng như thật tướng) nhưng vì quang minh của mạt na
thức cũng còn rất vi-tế, nên tác động nhận thức phân
biệt của Thức thứ 7 này cũng rất vi-tế. và nó có thể chiếu soi phân
biệt đến những nơi hang sâu núi thẳm giữa Ngã và Phi-ngã, mà ý-thức
của chúng sanh chưa thể thăm dò mường tượng nổi….
Mà cũng chính vì nó là 1 tấm lăng kính chuyên chiếu soi
CONG QUEO, nên các màng lưới quang minh mới đi cong, mới chập chùng
GIAO THOA, và làm huyễn-hiện nên cái pháp-giới như có như không này…
Từ đây trở đi, ngọn quái phong của Ngã-chấp đã nổi lên rào
rạt, dựng nên 1 tấm lăng kính vĩ đại và bất tư nghì, để tiếp nối với
những tấm lăng kính vi-tế và lăn tăn về Pháp-chấp nơi Tàng thức…để cùng nhau
làm LÓE lên, làm ẢNH-HIỆN nên pháp giới…
Và chỉ có Chư Phật Thế Tôn mới có thể chỉ
rõ ngọn ngành của cái mê-đồ-ảo-phố chập chùng và không ngằn mé này.
Nay nói đến thức thứ 6 tức Ý THỨC và 5 thức kia:
nhãn nhĩ tỷ thiệt thân…Cả Mạt na thức, ý-thức cùng 5 thức kia đều
được Kinh Lăng Già gọi là Chuyển thức, vì đều là sự chuyển hiện
của Thức sơ năng biến.
Mạt na thức đã được ví như GỐC cây bèo mọc
trên mặt biển thức, hoặc như một gốc cây mọc trên đại địa.
Gốc cây ấy dĩ nhiên phải tiếp tục diễn
trình chuyển hiện, để ngày càng đi sâu vào những lớp thô kệch hơn
của thế giới sai biệt.
Vẫn do sức suy động xoáy tròn của quang
minh nghiệp-lực, cái kiến-phần của Mạt na thức lại chuyển hiện.
và gốc cây làm khởi lên 1 thân cây có 5 cành. Hoặc làm khởi lên 1 cọng hoa có 5
cánh.
Thân cây, hoặc cọng hoa và nhụy hoa, là ví cho ý-thức. Còn
5 cành cây hoặc 5 cánh hoa là ví cho 5 thức kia.
Ý-thức vốn là thân cây, nên nó hết sức lợi hại.
Nó đóng góp 1 phần lớn trong việc đưa hành giả tới giải thoát,
cũng như đưa sâu vào mê-vọng. Và theo lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm, thì
thức này được dệt nên bằng những quang minh của những vọng
tưởng DUNG THÔNG tích lũy từ vô thủy. Gọi như vậy là vì thức
này, về phía trong, có thể dung thông với Mạt na
thức và Tàng thức, còn về phía ngoài, thì dung thông và
luôn luôn hợp tác phối kiểm 5 thức kia.
Thức này thì hay Thẩm, nhưng không Hằng…Không hằng là vì
đôi khi nó bị gián đoạn. Tỷ dụ như khi hành giả ngủ
say không mộng mị, hoặc vào định Vô tưởng hoặc định Diệt thọ tưởng,
thì thức này bị gián đoạn, không hiện hành…Nhưng nó giống như thức thứ 7 ở
chỗ luôn luôn hay thẩm, tức là lo nghĩ so đo phân biệt. nhưng
trong khi tác động thẩm của Mạt na thức hết sức là
u-ẩn vi tế, thì sự lo nghĩ so đo của ý-thức thường nằm ở một
bình diện thô kệch lưu ngại hơn (như suy nghĩ, nhớ tưởng, dự
tưởng, tưởng tượng, biểu tượng tức rep ré sentation…) Luật tắc của sự
chuyển hiện Thức biến là như vậy: càng đi sâu vào chỗ sai
biệt bao nhiêu, lại càng bị giới hạn bấy nhiêu, càng kém tự
tại lực và kém vi-tế…Phần đông chúng ta thường trụ ở bình
diện ý-thức này, chưa lọt được vào bình diện Mạt na và Tàng
thức. Và chúng ta cũng thường chấp rằng cái vọng-tâm suy
nghĩ phân biệt ấy là Tâm, cũng tương tự như Ngài A
nan đã chỉ tâm trong Kinh Lăng Nghiêm.
Năm thức trước có thể ví như: 5 cánh hoa phụ
thuộc vào cọng hoa, hoặc 5 cành cây mọc tủa ra từ thân cây, hoặc 5 cái râu
ngoe nguẩy của con gián, hoặc 5 cái tay dài lêu nghêu (tentacules) của con bạch
tuộc…và chúng được tung ra để quờ quạng mò mẫm nhận định pháp
giới.
Vì đã đi sâu vào sai-biệt, nên khả năng của chúng
cũng giới hạn, kém sút hơn. Nên chúng không Hằng, và cũng không biết Thẩm.
Không hằng, vì hay bị gián đoạn, tỷ dụ như trong giấc ngủ chẳng
hạn. Trong giấc ngủ, 5 thức ấy thường không hiện hành, hoặc rất
ít hiện hành, vì trong khi ngủ, đôi khi chúng ta vẫn còn nghe
thấy 1 âm thanh nào đó hoặc thấy đau ê ẩm trong bụng. Không
biết thẩm, là vì so-đo phân biệt của chúng cũng rất thô sơ.
Cũng cần ghi rằng: trong khi 6 thức chuyển hiện từ
cái Kiến phần của Mạt na, thì Tướng phần của Mạt
na cũng chuyển hiện SONG HÀNH (tương tự như 2 cái vòi của con sên) để
tạo dựng những cảnh giới tế hay thô, TƯƠNG ƯNG với 6 thức.
Cần phải nói rõ thêm về sự so đo phân biệt của 6
thức, vì đây là một điểm độc đáo của Duy Thức học….Cái thấy
của chúng ta hay của chúng sanh thường được gọi là cái
Thấy-Nghe-Hay-Biết.
Cái Thấy là chỉ cho con mắt, nhãn-căn hay nhãn thức.
nhưng nhãn căn hình như cũng không phân biệt được gì nhiều.
Nó chỉ thấy được Tối hoặc Sáng, Sắc hoặc Không. Thấy được hình-thù (formw),
thấy được có màu (color) hay không màu…Nhưng chưa phân biệt được màu
này là xanh, là vàng, là hồng, hay là tím. Và dĩ nhiên là chưa thể phân
biệt nổi: cái này là hoa hồng, cái kia là cành cây, cái kia là con
sông.
Và nó cần phải có sự cộng tác phối
kiểm của ý-thức mới phân biệt được các màu. Và ý-thức cần
phải tập trung phối kiểm những dữ kiện của 5 thức, rồi dùng
ký-ức (memory) và suy tưởng mới quyết định được rằng: cái
này là hoa hồng, cái kia là con sông…
Theo sự nghiên cứu ngày nay, thì con chó
không phân biệt nổi các màu, và chỉ biết có màu đen và trắng. Là vì
ý-thức của nó chưa được triển khai nhiều.
Cái Nghe là chỉ cho tai và mũi, cho nhĩ
căn cùng nhĩ thức, cho tỷ-căn cùng tỷ-thức…Bởi thế, nên trong
những Kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, thường thấy nói: Nghe mùi chứ
không nói: ngửi mùi.
Nghe mùi có nghĩa là: tiếp nhận và phân
biệt một cách đơn sơ hồn nhiên về cái mùi đó, chứ chưa có
nhiều tác ý phân biệt. Nên nghe mùi thuộc về Kiến đại…Còn Ngửi mùi có
nghĩa là: đã làm nhiều tác-ý phân biệt rồi, và biết rằng mùi đó là
mùi gì, là mùi của hương chiên đàn chẳng hạn. Nên ngửi mùi thuộc về
Thức-đại.
Cái tai cũng thường chỉ có thể tiếp nhận và phân
biệt thô sơ. Nó thường chỉ nhận thấy là Động hay là Tĩnh, là
có âm thanh hay không có âm thanh. Chứ chưa có thể phân
biệt rằng đó là âm thanh gì, là tiếng trống hay tiếng
gió thổi, là tiếng của người hay của súc sanh hay của chư
thiên….Cần phải có sự hợp tác phối kiểm của Ý-thức, và ý-thức
phải sử dụng tác-ý, ký ức cùng suy-tưởng mới có thể phân
biệt đó là thứ âm thanh gì?
Cái mũi cũng vậy, thường chỉ phân biệt thô sơ rằng là
Thông hay là Bịt (tắc), là có mùi hay không mùi, chứ chưa có
thể phân biệt rằng đó là mùi gì, mùi của hoa hồng hay của
hoa mạn-đà-la, mùi của thân súc sanh hay là mùi của thân chư
thiên…Và cần phải có Ý-thức mới làm nổi sự phân biệt đi sâu
vào sai-biệt ấy…
Cái Hay là chỉ cho lưỡi (thiệt căn cùng thiệt
thức) và thân-ký cùng thân thức.
Cái lưỡi cũng thường chỉ phân biệt thô sơ, biết
rằng là có vị hay không có vị (nhạt). Chứ chưa phân biệt nổi đó là vị
gì? Và cần phải có Ý-thức mới phân biệt nổi rằng đó là vị
ngọt của mía, là vị đắng của thuốc, hoặc là vị dịu-ngọt của thức
ăn trân bửu cam lồ của chư thiên.
Cái thân cũng vậy, chỉ biết những xúc-giác thô sơ như Hợp
(đụng chạm) hay Ly (hết đụng chạm), hoặc Nóng-Lạnh hay Trơn-Rít…Chứ chưa biết
nổi rằng nóng đó là của cái gì, của da thịt người hay của lụa,
hoặc xúc giác trơn-mềm ấy là của nhung lụa hay của cái gì
khác…Và cần phải có Ý-thức mới phân biệt sâu hơn nữa được…
Cái Biết là chỉ cho Ý-căn (Mạt-na) cùng Ý-thức. Ý-thức này
cũng có cái trạng thái hồn nhiên đơn sơ của nó, chứ không
phải chỉ chuyên về phân biệt so-đo mà thôi. Khi nó chưa tác
ý mấy và buông bỏ ký-ứ cùng suy-tưởng, thì nó nằm
trong trạng thái nhận thức hồn nhiên đơn
sơ ấy. Tỷ dụ như khi ta vừa thức giấc, nửa ngủ nửa tỉnh,
rồi nằm yên nghe vọng lên trong tâm thức những tiếng
động chung quanh, thì ý-thức còn ở trong trạng thái tương
đối hồn nhiên đơn sơ của nó, chứ không phải chỉ chuyên
về phân biệt so-đo mà thôi. Khi nó chưa tác-ý mấy và buông
bỏ ký-ức cùng suy-tưởng, thì nó nằm trong trạng thái nhận
thức hồn nhiên đơn sơ ấy..tỷ dụ như khi ta vừa thức
giấc nửa ngủ nửa tỉnh, rồi nằm yên nghe vọng lên trong tâm
thức những tiếng động chung quanh, thì ý-thức trong
thái tương đối hồn nhiên….Ở trong trạng thái này, nó thường
chỉ nhận thấy loáng thoáng sự Sanh và sự Diệt của các pháp. Và
nó cần xử dụng tác-ý ký-ức và suy-tưởng tạo dựng (construction mentale) thì
mới phân biệt được rằng pháp này là pháp gì, cùng vật này là vật
gì?...
Cần ghi rằng cả 6 thức này đều bắt nguồn ở nơi Ý-căn
tức Mạt na thức, và đều nương vào sức Hành của nghiệp-lực nó luôn luôn làm
phụt lên những tia-chớp-nháng gần như vô cùng tận, thì 6 thức kia
mới hiện hành được. thực ra thì cả 6 thức đều hàm chứa một
thứ sức Hành cả, nhưng cỗi nguồn chính của Hành-nghiệp là nằm trong những
chủng-tử chấp Ngã của Mạt-na cùng những chủng-tử chấp
Pháp của Tàng thức.
Vì đã chuyển hiện sâu vào những lớp thô-kệch lưu ngại, nên 6
thức này dĩ nhiên phải có những hiện-tướng THÔ PHÙ của chúng, và
thường được gọi là phù trần căn…Ý-thức bắt rễ ở Ý-căn tức
Mạt-na-thức, và theo ngài Thái hư đại sư, thì biểu tướng thô phù của căn
này là hệ-thống thần kinh cùng các trung khu não bộ. còn
đối với 5 thức kia, thì phù-trần-căn là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 423, Phật có giảng nói
về sự hình thành của 6 phù trần căn này, và đây là 1 đoạn bí-hiểm của
kinh.
“ Do 2 thứ Sáng và Tối, lần lượt tỏ bày lẫn
nhau, nên nơi TÍnh Diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, và phát ra CÁI THẤY. Cái
thấy ÁNH ra thành Sắc, KẾT cái sắc lại thành Căn. GỐC căn thì gọi là
tứ-đại thanh tịnh, còn hình thể con mắt thì tương tự như quả bồ
đáo. Bốn đại của phù-trần-căn rong ruổi chạy theo sắc.
Do 2 thứ Động và Tĩnh, đối chọi lẫn nhau, nên nơi Tính
Diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, và phát ra CÁI NGHE. Cái nghe ÁNH ra thành
Tiếng, CUỐN cái tiếng lại thành Căn. GỐC căn thì gọi là tứ-đại thanh tịnh,
còn hình thể con mắt thì tương tự như quả bồ đáo. Bốn
đại của phù-trần-căn rong ruổi chạy theo cái tiếng…”
Đối với 4 thức kia, thì đoạn kinh này cũng dạy tương
tự như vậy…
Có thể lý giải đoạn kinh quan trọng này như sau:
Nơi Biển Chân tâm vốn diệu-viên (tức là nhiệm
màu và tròn đầy), và vốn trạm nhiên rỗng lặng bất động, nên
không có vật gì cả: Nhưng do sự móng-niệm khởi vọng, nên tính trạm
nhiên bất-động bị dính mắc ô nhiễm, và chuyển sang những hình thái
chuyển-động tương đối. Và Tâm chuyển thành Thức.
Trên diễn trình chuyển-hiện tự-chứng, những quang
minh của Tàng thức rồi mạt na thức đều xoay
vần miên viễn và phân ra làm 2 phần: Kiến phần khinh thanh
sáng láng và Tướng-phần trọng trược mờ tối hơn. Tuy gọi là vậy, nhưng 2 phần đó
cũng đều là những quang minh của Thức biến cả. Nên chúng
luôn luôn quyện lẫn nhau thu hút lẫn nhau, đắm nhiễm lẫn nhau, luôn luôn có
những dư-ba âm hưởng (resonance) và chuyển biến TƯƠNG ƯNG.
Kiến phần thì luôn luôn le lói nên được gọi là Cái
Thấy. tướng-phần thì trọng trược mờ tối hơn, nên chẳng chiếu soi mấy nổi,
nên chỉ tạo dựng nên những ánh-biến-hiện tương ưng, gọi là trần
hay cảnh giới.
Khi mới khởi đầu le lói chiếu soi, thì cái Thấy chẳng thấy
được gì nhiều, chỉ thấy được Sáng hay Tối…Lần lần đắp đổi hoài hoài,
sự tương giao đắm nhiễm thu hút giữa Kiến phần cùng Tướng-phần làm
phát hiện lên những sắc tướng ngày càng rõ rệt thô
kệch hơn. Nên gọi là: cái thấy ÁNH ra thành Sắc và đã có sắc tướng,
thì có HƯ không dính liền.
Sắc tướng bên ngoài đã lần lần trở nên rõ
rệt thô kệch thì cái Thấy, vốn gần như vô tướng mạo,
cũng cần phải có một hiện-tướng thô kệch để Tương-ưng
với sắc tướng bên ngoài và phân biệt rõ hơn…Nên lần lần, nó
đã quyện những cực-vi của sắc để kết lại thành 1 căn thô kệch, gọi là
phù-trần-căn. Như mắt tai mũi lưỡi và thân. Mắt thì có hình thù như quả bồ
đào, còn tai có hình như chiếc lá cuốn.
Song phù-trần-căn này chỉ là cái vỏ bề ngoài THÔ PHÙ
của căn mà thôi. Còn cái Gốc của căn thì được gọi là tịnh-sắc-căn, và được dệt
nên tứ đại thanh tịnh, tức là vi-tế hơn (matiè re subtile)…Vì
phù-trần-căn được tạo nên bởi 4 đại thô kệch, nên có chiều hướng của nó là
luôn luôn muốn rong ruổi chạy theo sắc thô kệch, và nó cũng
hay chiêu dụ tịnh-sắc-căn chạy theo sắc thô kệch…”.
Đó là lời dạy của kinh.
Phù-trần-căn, như mắt hay tai…, chỉ là 1 bộ phận thô phù
thuộc sinh lý vật lý thô kệch, có tác dụng che
đậy, che chở, làm mai mối giữa tịnh-sắc-căn và trần vốn thường đắm nhiễm
thu hút lẫn nhau, và cũng có tác dụng làm hiển-lộ rõ thêm
những sắc tướng. nó cũng tương tự như cái kiếng cận thị mà người
cận thị chỉ thấy lờ mờ, hoặc THẤY TỐI OM.
Nhưng thấy được sự vật, thì không phải là con mắt nó thấy.
vì nếu con mắt THẤY được, thì lẽ ra một người vừa mới chết, con mắt còn nguyên
vẹn, phải thấy được sự vật là do hoặc là tịnh-sắc-căn tức là thứ căn vi-tế hơn,
hoặc vào sâu hơn nữa, là do cái Thấy hay tính Thấy, vì mấy thứ này được dệt nên
bằng những quang minh cực kỳ vi-tế cảu Tàng thức mà kinh
thường gọi là tâm nhãn.
Cần nhớ rằng trên diễn trình chuyển-hiện của Thức
biến, càng đi sâu vào những lớp thô kệch lưu ngại bao nhiều, thì
những quang minh của Thức càng kém vi-tế và càng mất tự-tại-lực bấy
nhiêu….Bởi vậy nên do những tập quán từ vô thủy, chúng ta thường
cứ phải cần đến con mắt có hình quả bồ đào mới thấy rõ sắc
tướng. nếu không có, thì chỉ thấy TỐI OM.
Nhưng nếu chúng ta biết tu hành, thiền
quán thúc liễm thân tâm, thì có thể lần lần dẫn dắt những quang
minh luôn luôn rong ruổi theo trần cảnh ấy, trở về đi
NGƯỢC DÒNG, lìa bỏ sự đắm nhiễm trần cảnh, đi sâu vào trong ,
rồi LỌT vào Tàng thức, hòa tan trong biển quang minh cực kỳ
vi-tế của Thức sơ-năng-biến này, thì chúng ta sẽ trở
thành ngài A-nâu-luật-đà, tức là một bậc A la hán đã lọt vào
Tàng thức…Nghĩa là đắc tâm nhãn, 6 căn gần như hỗ dụng, không cần mắt vẫn
nhìn thấy được, mà lại nhìn 1 phạm vi rộng lớn bát ngát hơn
nhiều…Không cần tai cũng vẫn nghe được như 1 vị Rồng nào đó
trong Kinh Lăng Nghiêm, không cần mũi-lưỡi-thân cũng vẫn ngửi-nếm-xúc. Và
không cần ý-thức cũng vẫn phân biệt liễu tri rành rẽ như ngài
Ca-diếp...
Vậy thì Phù-trần-căn cũng tương tự như
những cửa-sổ, những lổ-hổng làm nơi mai mối, làm nơi lai-vãng, do đó,
những quang minh thô-kệch của tâm thức ra vào không ngớt,
để tiếp xúc và GIAO THOA với những quang minh cũng thô
kệch do những trần cảnh của Tướng-phần làm phát hiện ra. Sự
giao thoa đó làm phát hiện nên ảnh-tượng của vật trên võng-mô (retine) con mắt,
rồi ảnh tượng được chuyển hiện bằng những làn
sóng quang minh vào trung khu não bộ. Sự chuyển-biến
này thực là kỳ-bí, khó thể biết nổi, nhưng chắc rằng mỗi lúc nó mỗi trở
thành vi-tế hơn, rồi biến thành Thức, hay thức-giác, lìa
khỏi phạm vi sinh-lý vật-lý để trở thành tâm. Nhưng Thức
này không phải là Thức-sơ-năng-biến, mà là thứ thức đã vọng hóa nhiều lớp
rồi…Tuy nhiên, cái đặc điểm của nó cũng là bao gồm cả
những quang minh của cái Thấy chiếu soi, cũng như những quang
minh của trần cảnh bị chiếu soi…
Đa số chúng ta thường “sống say chết
ngủ,” lăng xăng chạy theo nắm bắt ngoại vật, nên ít
khi ý-thức được rằng: mỗi cái tia nhìn, mỗi sự chau mày nhướn
mắt, mỗi sự cất chân nhắc tay, mỗi tâm niệm…đều làm khởi lên những lớp sóng rào
rạt chuyển-biến của vi-trần-số cực-vi hay ba-động quang minh, chuyển
hóa hoặc từ chỗ vi-tế….Về diễn trình chuyển hiện này, thì chắc là những
bậc vào tam muội sâu có thể NHÌN thấy rõ ràng.
Cũng cần ghi thêm rằng: trong khi 6 thức này chuyển hiện
từ Kiến-phần của Mạt-na và nở xòe ra trong những lớp thô kệch, thì
Tướng-phần của Mạt-na cũng chuyển-hiện TƯƠNG ƯNG, và tạo dựng những
ánh-biến-hiện của trần cảnh ngày một rõ rệt thô kệch hơn.
Do đó, ta mới có những cảnh giới y báo.
Đứng trên khía cạnh phân biệt Kiến-đại và
Thức-đại để xét 6 thức này, thì sẽ nhận thấy rằng:
Ý-thức thì mãnh lợi nhất, những cũng hàm chứa
rất nhiều vọng, nên nó bao gồm hầu hết toàn là Thức đại và rất
ít Kiến đại. Nghĩa là nó hầu như luôn luôn giao động, và rất ít
khi đứng-lặng để phản chiếu sự vật.
Còn 5 thức kia thì kém mãnh lợi, nhưng hồn
nhiên hơn, thuần phác đơn sơ hơn, và ít vọng hơn. Do đó, chúng
ít giao động hơn, và hay dễ đứng lặng hơn…Bởi vậy, nên Duy thức
học mới nói rằng: 5 thức này dễ đạt tới Tánh cảnh (tức bản-thể) của sự vật
hơn là ý-thức…Và chúng có thể dễ trực nhận hiện-lượng hơn ý-thức.
PHÂN BIỆT 100 PHÁP TRONG DUY THỨC HỌC.
Muốn hiểu rõ về Duy-thức-học, thiết tưởng cần
phác lược những nét đại cương nhưng thiết yếu để phân
biệt các thứ pháp trong Bách pháp minh môn. Vì đây là một điểm khiến
kẻ học Duy thức thường lúng túng. Tỷ dụ như
không biết làm sao để phân biệt giữa Tâm vương và Tâm
sở, hoặc nghĩ mãi không hiểu tại sao lại có một thứ pháp kì quặc gọi là
Bất-tương-ưng-hành pháp?
Duy thức học thường chia tất cả những pháp thế-gian
ra làm 5 loại, gồm 100 pháp. Năm loại là: Tâm vương pháp, Tâm
sở pháp, Sắc pháp, Bất tương ưng hành pháp và Vô vi
pháp.
Về 5 loại pháp này, nếu chỉ muốn phân biệt một
cách lờ mờ và đại lược thì dễ, nhưng nếu muốn phân
biệt kỹ càng ngọn ngành và có thể hiểu được thì khá khó khăn.
Trước hết, cần luôn luôn nhớ kỹ rằng: các loại pháp
đều là THỨC cả, Bất-tương-ưng-hành pháp cũng là thức-tâm phân biệt,
và Vô vi pháp cũng vậy… Và Thức là những quang minh của Tâm
chuyển-hiện. Cho nên, nếu điển nói về Duy thức, mà không nhấn
mạnh đến Lý Duy tâm sở hiện, thì làm mất hẳn khái cạnh
kỳ-ảo sống động của Thức biến, và Duy thức học trở
thành khó hiểu.
Vậy thì các pháp, các loại pháp đều
là Thức biến cả. Chỉ khác nhau ở chỗ:
- Mức độ VI TẾ hay THÔ
KỆCH của quang minh trong lịch trình chuyển hiện
- Tính cách KHINH THANH sáng láng đứng LẶNG, hay
làTRỌNG TRƯỢC mờ tối giao ĐỘNG của quang minh.
- Có ít hay nhiều TỰ TẠI LỤC.
- Do đó, nhịp điệu rung chuyển khác biệt.
Mấy tiêu chuẩn trên đây có thể khiến phân
biệt 5 loại pháp dễ dàng hơn:
1.TÂM VƯƠNG là gì?
Sách Duy thức học thường dạy một cách cô đọng:
“Tâm-vương có 8 là: A lại da thức (tức Tàng thức), Mạt na
thức, Ý thức,và 5 thức kia. Sở dĩ chúng được gọi là Tâm-vương là
vì chúng Tự-tại như những vị vua vậy…”
Lời giải dĩ nhiên là đúng, nhưng quá cô đọng và
chưa rõ ràng.
Sở dĩ 8 thức được gọi là Tâm-vương là vì chúng đều
thuộc về Kiến-phần trong cái diễn trình Thức biến, và do đó, chúng có
nhiều tự-tại-lực để biến hiện… Tuy nhiên, giữa 8 thức ấy, có nhiều mức
độ tự tại lực sai biệt.
Thức thứ 8 thường được gọi là Tàng thức, là thức
Sơ-năng-biến, và được dệt bằng những quang minh hư-vô vi-tế. Nên có
rất nhiều tự tại lực để biến hiện… Kiến-đại nhiều và rất ít Thức-đại,
nên thường khinh thanh sáng láng đứng lặng, và có khả năng trực-giác hiện
lượng rất thâm mật. Nghĩa là dễ dàng nhập một với Tướng-phần
hay cảnh giới để trực nhận bản-thể của cảnh giới.
Thức này có thể ví như Biển nước, hoặc
Biển hào quang, hoặc Đại địa… Nếu muốn ví với vua chúa, thì thức
này tương tự như Vua Phạm thiên ở tầng trời cõi Sắc.
Thức thứ 7 cũng được dệt bằng những quang
minh rất vi tế nhưng cũng đã suy kém rồi. Nó cũng không còn
gọi là Sơ-năng-biến, vì đã trải qua thêm một lớp vọng nữa rồi. Do
đó, tự tại lực cũng kém sút nhiều… Lại thêm nó chất
chứa hầu như toàn là vọng, nên Thức-đại nhiều và rất ít
Kiến-đại… Quang minh của nó được gọi là u-ẩn vọng tưởng.
Có thể ví nó như Gốc cây bèo mọc trên biển nước, hoặc gốc
cây mọc trên đại địa. Nếu ví với vua chúa, thì nó tương tự như
Ma-vương ngự trên cung trời Tha hóa tự tại.
Thức thứ 6 thì đã kinh qua thêm nhiều lớp vọng rồi. Nó được dệt
bằng thứ quang minh của dung-thông vọng tưởng. Vì dung
thông cùng khắp, nên nó khá mãnh lợi và có khá tự
tại lực để biến hiện. Nhưng chiều hướng biến hiện của nó là hay đi sâu vào
nẻo vọng, ít muốn trở về với nguồn Chân… Nên nó gồm hầu như toàn là
Thức-đại giao động, và rất ít Kiến-đại đứng lặng.
Có thể ví nó như thân cây. Hoặc ví như 1
vị nhân vương lớn, nhiều kiến thức, ít đức độ,
nhiều vọng tưởng. Chúng cũng ít tự tại lực hơn cả. Nhưng chúng
cũng hồn nhiên hơn, ít vọng tưởng hơn ý-thức. Nên chúng
nhiều Kiến-đại, ít Thức đại, và có thể dễ dàng đứng lặng để chiếu soi hơn
là ý thức
Có thể ví chúng như 5 cành cây. Hoặc 5 vị nhân-vương nhỏ,
ngự trị nơi biên địa, ít kiến thức nhưng nhiều đức độ, và
không ưa việc chinh phạt.
Đại để Tâm-vương là như vậy… Nên tụng ngôn của ngài Thế
Nhân viết: “Nhất thế tối thắng cố.”
2. TÂM SỞ là gì?
Sách Duy thức học thường dạy rằng: có 51 tâm-sở,
phân ra làm 6 thứ là Biến hành tâm sở, Biệt cảnh tâm sở, Thiện
tâm sở, Căn bản phiền não tâm sở, Tùy phiền não tâm
sở, và Bất định tâm sở.
Sự liệt kê những món tâm-sở này thì ở
sách Duy thức học nào cũng có nói. Ở đây, chỉ nhằm nói rõ
cái bản chất của chúng, cùng mối liên quan biến hiện của
chúng với các Tâm-vương.
Sách Duy thức thường nói: “Tâm vương ví
như những vị vua thù thắng, tự tại, tự chủ… còn những tâm
sở thì ví như những quan đại thần do vua cắt đặt, để
tương-ưng và hiệp với vua (Dữ thử TƯƠNG ƯNG cố), giúp vua cai trị và
tạo nghiệp…”
Nói như vậy thì dĩ nhiên là đúng, nhưng
chưa rõ ràng, lại dễ khiến cho kẻ sơ học quên rằng: cả Tâm
vương lẫn Tâm sở đều là Thức cả, đều là Thức biến.
Nên luôn nhớ rằng: cả Tâm vương lẫn tâm
sở cùng tất cả các pháp khác đều là Thức biến cả.
Nói 1 cách nôm na khái quát, thì 51 món Tâm-sở tức
là thất tình lục dục của chúng sanh. Nói 1 cách
thông thái hơn, thì Tâm vương tức là cái thức năng biến,
còn các Tâm-sở tức là những trạng thái tâm lý sở-biến của các
Tâm vương… Do đó, nên tâm sở không phài là 1 với tâm vương,
nhưng cũng chẳng phải khác.
Không phải là 1 vì chúng là những trạng thái bị
biến và đã trải qua thêm một vài lớp vọng nữa rồi. Như trạng
thái vui, mừng, buồn, giận, lo sợ, tinh thần hăng
hái, phóng dật lười biếng, khinh an, hôn trầm… Nhưng cũng chẳng
phải là khác, là vì chúng cũng đều là Thức biến cả, và cũng không thể
lìa được Tâm vương.
Nếu ví dụ ý-thức như thân cây và 5 thức kia như 5 cành cây, thì
51 Tâm sở có thể ví với những hoa lá mọc ở 5 cành cây đó.
Nếu ví dụ ý-thức như 1 con sông lớn và 5 thức kia như 5
nhánh sông nhỏ, thì 51 Tâ,-sở có thể ví với những gợn-sóng rạt rào hay lăn-tăn
nổi lên trên mặt nước sông.
Nếu vì những thức kia như những chiếc dây đàn, thì 51 Tâm-sở có
thể ví như những NHỊP ĐIỆU RUNG CHUYỂN của dây đàn, khiến phát ra
những âm-ba lúc khoan lúc nhặt, lúc trầm lúc bổng, lúc vui lúc buồn.
Nếu đứng về khía cạnh Kiến-đại và Thức đại mà xét, thì
trong khi Tâm-vương bao gồm cả phần Kiên-đại đứng lặng cùng phần
Thức-đại giao động, thì các tâm sở thường gồm toàn là Vọng, toàn
là móng niệm tình-nhiễm, và toàn là giao động. Chỉ trừ ra một
số tâm sở như Niệm, Định, Huệ mà thôi…
Nếu nhình theo ngũ-ấm mà xét, thì các Tâm
vương tương xứng với Thức-ấm cùng với những quang
minh hư-vô vi-tế. Còn 51 Tâm-sở lại tương xứng với Thọ-ấm,
Tưởng-ấm, và nhất là với Hành-ấm, tức là với những quang minh cũa
những vọng tưởng hư-minh, dung-thông và u-ẩn.
Tâm-sở, so với tâm-vương, là như vậy…
3. SẮC PHÁP là gì?
Hầu hết các chúng sanh, trôi lăn qua nhiều kiếp, do
những tập-khí nhận thức phân biệt từ vô thủy làm mê-mờ
thánh Bồ-đề, nên thường vấp phải cái Sắc-pháp này, và luôn luôn cảm
thấy nó lưu-ngại. Thường là rất ít khi có thể nghĩ và hiển rằng:
cái núi đá kia, nó kiên cố nặng nề ù lỳ trơ trơ như vậy,
thế mà nó cũng chỉ là Thức biến, chỉ là thức thô kệch dệt
nên, là những quang minh nặng nề bởi tình nhiễm cô đọng lại, chỉ là
những ảnh-tượng chiêu cảm bởi mức độ Nghiệp, là như huyễn, là
vô-tự-tánh, là rỗng không.
Trong Duy thức học, ngài Thế nhân dạy rằng: Sắc-pháp
tức là “Nhị sở hiện ảnh cố.”
Nghĩa là: do 2 món Tâm-vương cùng Tâm-sở chập chùng biến hiện
nên ÁNH ra những ảnh-tượng có hình tướng, có trọng lượng mà các chúng
sanh gọi là sắc-pháp.
Cũng như trong đoạn kinh Lăng nghiêm đã trích dẫn ở
trên, Phật dạy rằng: “Cái Tính Trạm nhiên Bất động bị dính
mắc vào cái Vọng, nên phát ra cái Thấy chiếu soi. Rồi trong khi le lói chiếu
soi hoài hoài, cái Thấy ÁNH ra thành SẮC…”
Tức là: Trong khi cái Kiến-phần (tức Tâm-vương cùng
Tâm-sở) chập chùng biến hiện từ vô thủy để luôn luôn muốn le lói
chiếu soi không ngừng nghỉ ấy dĩ nhiên phải chiêu
cảm và tác động đến Tướng-phần của Tàng thức. Và Tướng-phần
cũng phải chuyển-hiện song hành và TƯƠNG ƯNG, tạo dựng kết
tập nên những ảnh-biến-hiện ngày càng thô kệch lưu ngại, gọi là
sắc-pháp.
Tóm lại, Sắc pháp tức là Thức-đại thô kệch,
hầu như gồm toàn là Thức-đại, và không có Kiến-đại, hoặc rất ít Kiến-đại.
Đứng về Ngũ ấm mà nói, thì Sắc
pháp tức là Sắc-ấm, được dệt nên bởi nhửng quang minh của
vọng-tưởng Kiên cố xoay vần từ vô thủy.
Đứng về phương diện Hữu-tình cùng Vô-tình, thì
Sắc-pháp tức là những hiện tượng tạm gọi là VÔ TÌNH.
Sắc pháp cũng tức là Sắc-Trần. Và sau đây, khi trình
bày về cái bí-ẩn của Bộ-Ba(Trinity) Căn-Trần-Thức, sẽ phân biệt kỹ
càng hơn thế nào là Sắc-trần và thế nào l2 VẬT?
Trong số 100 pháp của Duy thức học này, cần ghi
rằng khoa học ngày nay chỉ mới nghiên cứu được một số Sắc-pháp, cùng
vài Bất-tương-ưng-hành pháp như Thời, Phương, Số, Thế-tốc mà thôi…
Còn về những pháp kia, thì hầu như chưa biết gì hết, vì đều là những pháp khó
thể đo lường, thì sự đo lường se làm lệch lạc hết những trạng
thái phát hiện hồn nhiên của chúng, vì đây là phạm
vi của những phương trình bất-định của Heisenberg (relations d’incetitude
của heisenberng).
4. BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP là gì?
Đây là một số loại pháp ĐỘC ĐÁO và khá kỳ quặc
của Duy thức học, của giáo lý nhà Phật, nên cần được trình
bày kĩ càng.
Người mới học Duy thức, khi đọc đến loại pháp này,
thường đều ngớ người ra, bồi hồi tự hỏi: “Quái la! Tại sao lại
có sự phân loại thành loại pháp này?... Về những Tâm
vương pháp, Tâm sở pháp và Sắc pháp, thì còn có thể tạm
hiểu và mường tượng được… Nhưng loại pháp này lại nói đến những pháp lạ hoắc
như: Đắc, Mạng căn, Chúng-đồng-phận, Dị-sanh-tánh, rồi lại Vô-tưởng-định,
Diệt-tận-định… rồi lại Danh-thân, Cú-thân… rồi lại Thế-tốc, Thế-đệ, Thời,
Phương, Số… Vậy thì làm sao mà kiếm được những mối liên
quan tương đồng giữa những pháp lủng củng như vậy?...” Nhưng
nếu suy nghĩ lâu rồi, thì người học sẽ hiểu, và sẽ thấy rằng Tuệ-giác
nhà Phật thật là lạ lùng và kỳ diệu. Và chỉ có Tuệ-giác nhà Phật mới có
thể phân-biện phơi bày về những điều mà các giáo lý khác cùng
triết-huyết đều không thể làm nổi.
Về 5 chữ Bất-tương-ưng-hành-pháp, cần nói
trước về 2 chữ Hành-pháp, rồi sau sẽ nói về Bất-tương-ưng.
Hành pháp là gì? Hành tức là đổi rời
trôi-lăn-lưu-chuyển, là vô-thường niệm-niệm-sanh-diệt. Vậy thì theo
nghĩa này, tất cả 100 pháp đều là Hành-pháp cả, đều thuộc về Hành-ấm cả… Đều
thuộc về Hành-ấm, là vì đều khởi lên do cái sức Hành của Nghiệp-vọng tích
lũy từ vô thủy, đều được dệt nên bởi vô lượng những
tia-chớp-nháng phụt lên từ sức Hành của Vọng, vì trong tâm vẫn còn móng
niệm CHIẾU SOI.
Vậy thì nói theo nghĩa rộng, tất cả 100 pháp bao
gồm pháp giới đều là Hành pháp, và đều hàm chứa Hành-ấm hay
Hành-uẩn.
Những trong các sách Duy thức học, thì những chữ
Hành-pháp hoặc Hành-ấm thường được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn. Và
Hành-pháp hoặc Hành-ấm thường chỉ bao gồm:
- 49 món tâm sở , túc là tất cả các Tâm-sở
chỉ trừ ra 2 món Thọ và Tương
- Và 2 pháp Bất-tương-ưng-hành mà thôi.
Và sở dĩ các nhà Duy thức học đã đặt
riêng Thọ và Tưởng ra ngoài Hành-ấm, là vì 2 món đó là 2 thể thức
hoạt dụng khá đặc biệt của tâm thức chúng sanh, mặc
dầu Thọ và Tưởng vẫn hàm chứa và bắt nguồn ở Hành-ấm…và thiết tửơng cũng
cần ghi trong 5 ấm( Sắc Thọ Tưởng Hành Thức), thì cái phần ưu thắng mãnh
liệt nhất là thuộc về thức ấm, vì Thức-ấm tức là Thức căn nguyên
sơ-năng-biến và hàm chứa cái sắc khởi lên của Vọng chấp Pháp. Còn
phần ưu thắng thứ 2 là thuộc về hành-ấm, tức là cái sức Hành khởi nên
nghiệp vọng chấp ngã của chúng sanh.
Hành pháp là như vậy rồi, vậy Bất-tương-ưng là thế
nào?
Có nghĩ là: Tâm-vương cùng Tâm-sở đều thuộc kiến
phần tức là phần linh minh sáng láng chiếu soi, nên 2 loại đó thường
hiệp với nhau và TƯƠNG ƯNG lẫn nhau. Nhưng trong lịch trình
chuyển hiện của Thức sơ năng biến, thì Kiến phần đó lần lần bắt
buộc phải PHỔ vào những lớp thô kệch lưu-ngại, tức Sắc-pháp kém linh
minh hơn
Như thế tâm thức phải phổ vào sắc, TÂM phải cấu
kết với VẬT. Để làm gì? Để tạo những loại HỮU TÌNH tức chúng
sanh… Và vì Sắc thường thô kệch ù lỳ, hay lưu-lại với
những Tâm-vương Tâm-sở nên gọi là Bất-tương-ưng.
Vậy thì 24 Bất-tương-ưng-hành pháp, đều là là những pháp
được phát hiện do sự cấu kết giữa TÂM và VẬT, giữa cái Linh
minh vô tướng mạo và cái hình tướng ù lỳ lưu lại để
chuyển-hiện thành những loài HỮU TÌNH.
Trong Kinh Lăng nghiêm, trang 407, Phật có giảng nói về Ngũ
Trược…Và Ngũ trượt là gì? Ngũ trược chính là tất cả những khổ lụy,
những han hẹp sút kém, những thứ lệch lạc lưu-ngại, mà cái Tinh
minh sáng láng bắt buộc vấp phải khi chuyển hiện vào những tầng lớp ngày
càng thô kệch…Tỷ dụ như khi trong cái Biển quang
minh uyên-nguyên vô tướng mạo, bắt đầu thấy hiện
ra những dáng của sắc-tướng cùng hư không, thì tức là cái Tính minh
sáng láng đã bước chân vào cái biển Vọng mờ mịt, mở đầu cho
kỷ-nguyên thấy-biệt đục ngầu lệch lạc, nên gọi là KIẾP TRƯỢC. Lớp
Trược tương ứng với Sắc ấm.
Rồi tới khi cái Tinh minh lại chui vào 1 cái như tấm
ứ-đại thô kệch lưu ngại, thì tứ-đại này, tương tự như tấm
lăng kính có nhiều lăng kính có nhiều góc cạnh, lại làm lóe lên nhiều cảm
giác thấy-nghe-hay-hư biết hư minh huyễn hoặc, khiến ngày càng xa vời
Chân. Nên gọi là KIẾN TRƯỢC, tức là thêm một tầng thấy lệch lạc. Và
Kiến-trược này tương xứng với Thọ ấm
Rồi đến lượt Tưởng-ấm xen vô . Tưởng ấm là cái sức hoạt
dụng của tâm thức, luôn luôn muốn so-đo phân biệt, nhớ nghĩ và tưởng
tượng, tạo dựng thành những ảnh-tượng sự vật , và gán vào cho sự vật
1 danh tướng … vì đã lạc vào mơ đồ, nên cài Tính minh bị soi sút kém,
và loay hoay trở thành như vậy. Nó tạo dựng những ảnh
tượng sự vật, gán cho mỗi vật một danh ngôn, rồi đinh ninh
yên chí rằng những vật vognj tưởng ấy là có thật. Do đó, theo
đuổi nắm bắt , ngày càng lệch lạc, và khởi ra đủ thứ phiền não. Nên
gọi là PHIỀN NÃO TRƯỢC. Tương xứng với tưởng-ấm
Rồi lại đến Hành-ấm chấp Ngã xen vô. Chấp
ngã thì muốn duy trì. Thầy cái thân này, khi còn khỏe mạnh, thì
cũng hay hay, có thể nhảy nhót, nghênh ngáo nhìn ngó. Thấy
cái thế gian xuất hiện trước mắt cũng lung linh màu sắc, có
vẻ vui vui. Lầm nhận cái vui và đẹp giả tạm, và quen rằng có những thế-giới
cùng diệu-trang-nghiêm-vương các còn lung linh sáng lạng gấp trăm ngàn vạn lần…
Ngoài ra, lai chấp luôn cái vọng thức phan biệt tức
cái suy nghĩ tri kiến của thức thứ 6 làm tâm của mình, cho rằng
cái đó thật là hay ho, có nhiều hiệu năng cải tạo sự vật…Vì lầm,
nên muốn duy trì, muốn lưu mãi cái thân tâm này trong
cái thế gian này. Nhưng đâu có được. Vì nghiệp báo vẫn xoay
vẫn và vẫn phải chìm nổi lên xuống.. Nên gọi cái lớp xen lộn giả
dối này là CHÚNG SANH TRƯỢC. Tương ứng với
Hàng-ấm chấp ngã.
Nay nếu có người, vì cơ-duyên đã chín, muốn tỉnh
giấc mộng đời, rồi chép kinh ngồi kệ, lần lần tu hành, nhìn thấy rõ 4
Trược trên là huyễn-hoặc, rồi thiền-quán vượt được 4 trượt THÔ ấy. Thì lọt được
vào Thức-ấm cực kỳ vi-tế…Nhưng nếu lọt được vào bình diện này, mà lại khởi
tâm tự mãn cho là đến bến, hoặc móng-niệm chấp trước, hoặc
chấp chân thường, hoặc chấp an-lạc, hoặc chấp chứng-đắc, hoặc móng-niệm
muốn chiếu soi…thì vấp phải lớp Trược cuối cùng, rất vi-tế gọi
là MẠNG TRƯỢC. Lớp trượt này tương ứng với Thức-ấm, và gây nên
những món ma-chướng thuộc Thức-ấm đã được nói trong kinh Lăng Nghiêm… Những vị
tu-sĩ ngoại đạo cùng hành Thanh-văn mắc bịnh Triền-không thường
hay vấp phải lớp trược này… tương xứng với thức ấm.
Nay trở lại Bất-tương-ưng-hành-pháp.
Vậy thì những pháp này tức là sự cấu kết giữa TÂM
và VẬT, giứa Kiến-đại cùng Thức-đại khinh thanh sáng láng( tức
Tâm vương Tâm sở) và Thức-đại thô kệch( tức Sắc pháp), để
tạo nên những loài HỮU TÌNH.
Do sự cấu kết giữa 2 thành
phần bất-tương-ưng này, nên khiến LÓE lên nhiều phấp sai biệt, nhiều
mức-độ sai biệt, nhiều thân-phận hay phân-vị sai biệt.
Bởi vậy, nên trong bài tụng ngôn, ngài Thế thân viết:
“Tam, phận-vị sai biệt cố”
Vậy thì có những pháp gì léo lên?
Trước hết, một khi Tâm cùng Vật đã cấu kết tạo thành
1 chủng tử hữu tình thứ flux de force tuy cực
vi nhưng hết sức mãnh liệt, thì dĩ nhiên là chủng
tử ấy phải đi thọ sanh để tạo dựng 1 thân căn.
Nên pháp đầu tiên gọi là ĐẮC. Đắc nghĩa là THỌ SANH.
Thọ sanh rồi, thì được có MẠNG CĂN. Đó là pháp thứ 2.
Mạng căn cò 2 đặc tính: Noãn(hơi ấm) và Thức
tâm tức là cái hư-minh thấy-nghe-hay-biết. Cái Tinh minh sáng
láng, khi phổ vào sắc chất thô kệch, đã tạo dựng nên 2 thứ đó.
Có mạng căn hữu-tình rồi, thì dĩ nhiên có
những chung hữu-tình đồng loại , nghĩa là có mức-độ tâm
thức tương đồng, tức là một số cộng nghiệp tương đồng, khiến cho cái thấy
-nghe-hay-biết đại để tương tự như nhau.
Nên gọi là CHÚNG ĐỒNG PHẬN, pháp thứ 3.
Nhưng về thân phận hay vì vị-phận, thì hầu hết
các chúng sanh đều trôi lăn trong biển nghiệp, đều là phàm-phu,
chứ không phải là Thánh-nhân... Vả lại, một khi dã khi thọ sanh trong
sự mờ mịt , thì đều là phàm phu cả.
Hơn nữa, ở nơi chúng sanh phàm phu thì thân-tâm
thường bất-tuong-ưng và chẳng có tự tại lực gì cả. Và tâm nhiều khi
không bảo được thân, và thường phải líu rúi đi
theo thân mặc dầu không muốn… Tỷ dụ như khi thân đau
bịnh, thì tâm bắt buộc phải rầu rĩ ủ ê, dù có muốn vui tươi cũng
không được.
Trái lại, ở nơi các Đại Bồ Tát hay Đại thán, thì
thân-tâm đều tương ứng và đều tự tại…Tỷ dụ như dù Đại Bồ
tát có nhỏ lại một giọt lệ Đại bi để khóc cho chúng
sanh chìm nổ, nhưng tâm vẫn an nhiên bất động, khoong có một
bóng niệm buồn rầu. Hoặc Đại Bồ tát có thị hiện một
cơn sân nộ đùng đùng để cảnh giác1 chúng sanh, thì tâm vẫn
chẳng gợn 1 niệm sân hận. Hoặc thân có lâm bịnh trầm kha, nhưng tâm
vẫn lặng lẽ an vui. Hoặc vì, phương tiện độ sanh mà muốn
kéo dài thọ mạng, thì vẫn có thể trụ cái thân đó qua đó qua bao
nhiêu kiếp cũng được…Nên gọi là thân-tâm đều tự tại.
Cho nên, cả 24 pháp Bất-tương-ưng này là chỉ cho sự triển
khai, sự hoạt động vẫy vùng của thân-tâm của nhưng kẻ phàm
phu, không phải là chỉ cho đại thánh. Và Đại thánh có
nghĩa: những bậc cao siêu, và tu theo đúng chánh pháp của Chư Như
lai, biết rõ Diệu Tâm, tức là đã vào được nhũng cơn định sâu, nhưng
không miệt mài vui thú trong đó, mà vẫn luôn luôn khởi Đại
tâm vào Đại thừa, luôn luôn khởi tâm Đại bi độ
sanh để ô trọn pháp giới trong thân-tâm mình…
Cho nên, Duy thức học gọi kẻ phàm phu vẫn
có thể vẫy vùng, vẫn có ít nhiều tự
do để lựa chọn côn đường triển khai thân-tâm.
Có thể hoặc tiếp tục buông trôi thân-tâm mình
theo ngũ trược, theo Vô minh, theo dòng Nghiệp…Trường hợp này
thì khỏi nói, vì sự trôi-lăn tiếp tục. Nhưng cũng có thể tự mình suy ngẫm
ra, hoặc nương theo một giáo lý bất liễu nghĩa nào đó
của ngoại đạo, rồi quyết tâm muốn làm con cá tích để bơi ngược
giòng Nghiệp.
Muốn bơi ngược giòng nghiệp, thì cũng phải thiền
quán và trì một số giới chưa được rốt ráo của ngoại đạo. Thiền
quan lần lần thì có định lực, làm bặt lần lần những gợn sóng
của Tâm vương Tâm sở, và đạt tới những mức độ định ở những tầng trời
cõi Sắc.
Rồi đạt tới VÔ TƯỞNG ĐỊNH. Và đây là pháp thứ 5.
Vô thưởng định là thứ định, trong đó những gợn sóng của Tâm
vương Tâm sở về 6 thức trước đều bặt đi.
Kẻ phàm phu không được nghe chánh pháp của
Chư Như lai, và ở cõi dục tu theo lối này, rồi đạt được Vô tưởng
định, thì sau khi mạng chung, sẽ thọ sanh ở tầng trời Vô tưởng ở
cõi Sắc.
Nên gọi là VÔ TƯỞNG BÁO, và đây là pháp thứ 6.
Kẻ phàm phu ngoại đạo ấy cún có thể tu cao lên
nữa. Và đạt tới DIỆT TẬN ĐỊNH, hay DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH. Và đây là
pháp thứ 7.
Diệt thọ trưởng định lá thứ Định cao và khà sâu, trong đó
những tâm vương tam sở của 6 thức trước đều bị bặt đi, và đồng
thời, một phần lớn những tập khhis ô nhiễm của Mạt na
thức chấp Ngã cũng bị tieu trừ.
Thứ định này thường được coi là cực quả định
lực của các bậc Tiểu Thánh. Tỷ dụ như ngài Ca
diếp hoặc các bậc A La Hán thì đều đạt tới định này.
Còn các tu sĩ ngoại đạo thì trên nguyên
tắc, nếu họ gột nổi những tập-khí chấp khí chấp ngã, họ cũng có thể
đạt tới định này. Nhưng trên thực tế, họ ít khi đạt tới vì
họ thường còn ôm những tập-quán chấp trướt nhị biên, như chấp Minh –đế hay
Thâfn ngasx. Nên chỉ thường đạt tới nghững định ở cõi Sắc và Vô sắc, không
ra khỏi tam giới…
Tuy định này là định của các bậc Tiểu thanh, nhưng pháp
này vẫn bị xếp hạng cào Bất-tương-ưng-hành-pháp. Là vì sao?
Là vì bậc Tiểu tăng này, thân tâm này
vẫn chưa có nhiều tương ưng, vẫn còn trong vòng bất-tương-ưng,
và thân tâm chưa có tự-tai-lục lớn… là vì còn có vô-minh vi-tế, còn
ít nhiều âm thầm chấp ngã, và còn rất nhiều vô-minh vi-tế chấp pháp.
Chưa được pháp không.
Bởi thế, nên các bậc A La Hán chưa có thần
lực lớn lao, tỷ dụ nhu chưa có thể biến thân thành vô
biên hay thành thật nhỏ được, hoặc chưa có thể trụ thân mình
trong nhiều kiếp được…Hoặc có khi, nếu không khóe nhiếp
tâm và khởi tâm tự mãn, thì vẫn còn có thể bị thối thất.
Vậy thì những vi đó, nếu muốn khiến cho thân
tâm bước vào bình diện thật tương-ưng, thật tự-tại, thì phải làm gì?
Phải hồi tâm vào Đại thừa, phải luôn luôn
hư khởi Đại bi tâm cùng nhàm chán niềm trầm-không-thú-tịch,
phải quyết tâm không sợ hãikhoong kinh nghi bước
vào Bồ tát đạo, phâir học quán chiếu Như-huyễn,
phải thực tập phương-tiện-huệ của Bát nhã ba la mật, phải hiểu
Đồng-thể-bi và Tự-tâm huyễn-hiện, phải làm lục độ vạn
hạnh và thí thân hoài hoài trong vô lượng kiếp… thì
mới gột sạch những vô- minh vi-tế chấp pháp, và ôm trọn pháp-giới
vào thân tâm được.
Như thế thì thân tâm mới hoàn
toàn tương-ưng, và có vô-ngại đại-tự-tại-lực.
Mấy pháp trên đây là nói về những phàm
phu có tu hành nhưng chưa được nghe, hoặc chưa theo
đúng chánh pháp của Chư Như Lai, và chư biết Diệu Tâm.
Còn như đối với những kể phàm phu không tu thành
gì cả, hoặc công phu tu hành qua ít ỏi , thì dĩ
nhiên là họ vẫn tiếp tục có thân tâm rất là
bất-tương-ưng và tiếp tục trôi-lăng-lưu-chuyển trong biển
nghiệp, trong vòng nhân quả sâu đậm,trong thế giới nhị
biên sai biệt, trong sự phối của không-thời gian…Và trong tất cả những
hoạt đọng vẫy vùng chỉ là lăng xăng qua lại
trôi-lăn-lưu-chuyển mà thôi.
Do đó, nên từ pháp thứ 8 đến pháp thứ 24 đều
là để chỉ cho các tác động thi-vi lăng xăng qua lại
trôi-lăn-lưu-chuyển của những kẻ phàm phu mà thâm-tâm còn rất là
bất-tương-ưng
Vì bị suy động bởi sức nghiệp-vọng, nên kẻ phàm
phu thường trôi lăn từ vọng tưởng này đến vọng
tưởng khác…Khó có thể hieur rằng pháp giới chỉ là huyễn-hiện,
do nghiệp lực chiêu cảm, và tất cả sự vật đều vô tánh, đều chỉ
là mộng ảo. Trong cái màng huyễn-hiện của pháp-giới , dệt nên bởi
vi-trần-số những lưới quang minh tâm thức lồng vào nhau, thì có
những nét đậm tối tăm( sắc-tướng) cùng những nét nhạt và mờ ảo hơn(hư không).
Kẻ phàm phu vốn ưa thích những gì thô
kệch tương ưng với giác quan cùng tâm thức mình,
nên thường phân biệt cắt xén cái màn huyễn-hiện đó, đẻ lấy
ra những nét đậm, hoặc những hình thù đậm có màu sắc, cho đó là VẬT có
thật, rồi cùng với những kẻ đồng loại đặt cho nó một cái TÊN. Nên gọi
là DANH THÂN, tức pháp thứ 8… Danh thân cũng như danh
ngôn hay danh-tướng, dùng để chỉ Vật.
Đã chấp là có Vật thật có rồi, thì cố gắng tìm
hiểu về vật đó, để mong sử dunhj và nắm bắt vật…Tìm hiểu được đến đâu, thì
lại dùng lời nói để trao đổi sự hiểu biết với
những kẻ đồng loại. Lời nói tức là CÚ THÂN và VĂN
THÂN tức là câu và chữ.
Vật đã vọng tưởng là có thật rồi, thì dĩ nhien
là vật ấy và thân căn phải xoay vần không ngừng nghỉ, tạo thành những
pháp là SANH, TRỤ, LÃO, TỬ hay VÔ THƯỜNG.
Trong vần xoay này, thì nhân
quả nói với nhau không dứt, nên gọi là LƯU CHUYỂN… Nhân nào thì
quả ấy, trước sau không mảy may lộn lạo, nên gọi là ĐỊNH
VỊ… Nhân quả luôn luôn tương-ưng với nhau, nên gọi là TƯƠNG
ƯNG.
Vì xoay vần mau lẹ và không ngừng nghỉ, nên làm phát hiệ n
ra nhiều thứ THẾ TỐC tức lay động tương-đối…Vì có nhiều thứ
thế-tốc sai biệt, nen tạo dựng nên nhiều thứ vọng-tưởng là THỨ ĐỆ(thứ
lớp), THỜI( thời gian), PHƯƠNG(không gian) và SỐ( tức là vô
lượng hay muôn hình vạn trạng..)…v..v.Tức là những pháp 18,19,20,21,22…
Đại thể là những pháp Bất-tương-ưng-hành là như vậy.
Tóm lại là trong số 100 pháp của Duy thức học,
khoa học ngày nay, mới chỉ nguyên cứu được 1 số Sắc pháp cùng với vài
Bất-tương-ưng –hành như thế-tốc cùng Thời-phương mà thôi…
5- VÔ VỊ PHÁP là gì?
Bốn loại phấp trên đây đều gọi là pháp Hữu-vi. Vì sao?
Vì đều là những pháp không phải là đơn
thuần, không phải là đơn độc lẻ loi, và đều được tạo đựng nên do sự
hội-tụ hay ly-tán của rất nhiều nhân-duyên, và cũng do đó, nên có Sanh có Diệt.
Đều là do sự ĐỘNG NIỆM của tâm chúng sanh mà tạo
dựng nên. Đều là những vọng tưởng này có thể gọi là những vọng
tưởng hoặc kiên-cố, hoặc hư-minh, hoặc dung thông, hoặc u-ẩn mà
thôi…Những vọng tưởng này có thể gọi là những vọng
tưởng Thô, hoặc vi-tế trung bình.
Nếu một chúng sanh chui khổ tâm tu
hành, thì những Niệm thô hoặc thô hoặc kém vi-tế ấy sẽ lần lần BẶT đi.
Và lúc đó, mọi thứ thức tâm phân
biệt rất vi tế, một lớp vộng tưởng cực kỳ vi-tế , một lớp vọng
tưởng cực kì vi-vế HIỂN LỘ ra.
Và cái đó, gọi là pháp VÔ Vi. Và cũng là pháp của các bậc
Thánh, tu theo chánh pháp và biết Diệu tâm.
Bởi thế, nên Ngài Thế Thân viết trong bài tụng-ngôn:
“Tứ, sở HIỆN thị cố.....” Hiện tức là hiện bày.
Nên pháp vô-vi có thể tạm định nghĩa là những pháp không phải
do nhân-duyên hiệp tan mà có, và cũng không có Sanh có Diệt. Hoặc tạm coi là
những pháp đơn-thuần, hay đơn độc lẻ loi.
Sách Duy thức học thường hay liệt kê 6 pháp
vô-vi, tùy theo mức-độ NGÀY CÀNG VI TẾ của tâm
niệm. Thực ra, thì có thể liệt kê nhiều hơn hay ít hơn cũng vẫn
được, vì mỗi một mức độ quán chiếu cao siêu vi-tế của tâm
hành giả đều có thể gọi là vô-vi pháp...Sáu pháp là:
-Hư không vô vi: tâm hành giả đã đạt tới mức
rỗng rang lặng lẽ vi-tế như Hư-không, hàm chứa mọi vật mà
vẫn không dính mắc, hay rất ít dính mắc.
Nên dùng hư-không để ví dụ, và đặt tên gọi cái trạng
thái tâm thức đó.
-Trạch diệt vô vi: hành giả dùng QUÁN nhiều hơn
là CHỈ. Dùng sức quán chiếu của Trí-huệ vô
lậu để tiêu trừ những mầm vọng, những nhiễm-ô phiền não,
khiến cho tâm thức ngày càng khinh thanh nhẹ nhàng, càng nhỏ
nhiệm vi tế.
-Phi trạch diệt vô vi: hành giả dùng CHỈ nhiều
hơn QUÁN, dùng Định-lực nhiều hơn Trí-tuệ, để làm bặt những bập bềnh giao
động của tâm thức. Do đó, những phiền não nhiễm ô vì
thiếu duyên nên không khởi lên được, và tâm thức ngày càng nhẹ nhàng
vi-tế.
-Bất động diệt vô vi: tức là Đệ-tứ thiền.
Đệ-tứ thiền là một cửa ải quan trọng trên con
đường thiền quán....Thiền quán là gì? Kinh Đại Niết Bàn dạy
rằng: Thiền quán là XẢ, là lìa bỏ những tâm
niệm vọng tưởng.
Vào đệ-tứ thiền tức là xả lìa được các giác quan, các thứ
hay biết suy nghĩ, các tâm niệm vui mừng của 3 thứ
sơ-nhị-tam thiền. Nên gọi là Xả-niệm-thanh-tịnh địa. Có thể phóng quang,
thi triển thần thông, bặt hơi thở. Có thể xuất thần
thức lên chơi những tầng trời Đệ-tứ thiền ở cõi Sắc, hoặc khi mạng
chung, thọ sanh nơi đó, và như thế, có thể tránh những tam tai (hỏa
tai, thủy tai và phong tai) của thời kỳ kiếp hoại.
Tuy nhiên, Đệ-tứ thiền này cũng chưa phải là vô vi gì
mấy nỗi, và chỉ tạm gọi là vậy thôi. Vì chỉ mới thoát ra khỏi được
Sắc-ấm tương tự như con chim sổ lồng, đồng thời bặt
được Thọ ấm và phần lớn Tưởng-ấm. Lọt được vào Hành-ấm, nhưng vẫn còn
chịu sự trôi lăn thô kệch cùng vi tế của những vọng
tưởng u-ẩn chấp ngã của Hành-ấm. Ấy là chưa kể sự biến-dịch
vi-tế và rất mãnh liệt như thác đổ của Thức-ấm tức Tàng thức. Nên chưa có
thể gọi là vô-vi rốt ráo.
Xưa kia, Thiện tịnh tỳ kheo là đệ-tử của Phật, là
người có nhiều định lực nhưng ít giới hạnh, lại hay qua
lại tiếp xúc với bọn Ni-kiền-tử (1 phái ngoại đạo ưa ở trần
ngồi xổm, ăn bã rượu, và hay bài bác nhân quả), và ưa lộng ngôn bài
bác nhân quả. Ông ta tu thiền quán, vào được tứ-thiền, nhưng
lại hiu hiu tự đắc lầm nghĩ cho rằng mình đã đắc được tứ quả, và
như thế chắc sẽ được Niết bàn...Tới khi gần mạng chung, nhận
thấy rằng những vọng tưởng u-ẩn cùng vi-tế trong tâm
thức vẫn lưu chuyển liên miên, và vẫn còn phiền não, chưa
thấy gì là chân thường Niết bàn cả, nên giận dữ thốt
lời vọng ngữ rằng:” Chẳng có Niết bàn gì hết! Và lời Phật
chỉ là lời hư vọng....: Nên sau khi mạng chung, bị đọa địa
ngục....Vụ này được nhắc tới trong Kinh Đại Bát Niết
Bàn cùng Đại trí độ luận.
-Thọ tưởng diệt vô-vi: tức là Diệt tận định.
Định này làm bặt được Thọ-ấm, Tưởng-ấm, cùng những tập
khí ô nhiễm chấp ngã của Hành ấm. Nhưng vẫn còn sự
biến-dịch-vi-tế và rất mãnh liệt của những vọng tưởng hư-vô-vi-tế
của Tàng thức.
Nên cũng chưa phải là rốt ráo vô-vi.
-CHÂN NHƯ VÔ VI: Pháp này thì có thể gọi là rốt
ráo vô vi, vì đã đạt tới nơi đáy tầng của Không hải, tới
Tột-Không.
Đây là mức độ tâm thức Song chiếu tuyệt vời,
vừa lặng lẽ tột-không lại vừa đầy đủ Vô-tác diệu lực của
các bậc Diệu giác tức Chư Phật. Vừa Đại Bát Nhã vô
ngã như huyễn, lại vừa Đại bi hằng khởi...Là trường
hợp của những đại định vô trụ như Chân như tam muội, Thủ
lăng nghiêm tam muội, Như-huyễn tam muội, hay Kim cang tam
muội...Đến mức tột-bờ-mé này, thì cũng không còn có gì có thể gọi là vô-vi hay
hữu-vi nữa...
Thực ra, pháp vô vi chỉ được dựng lập nên để đối
đãi với những pháp hữu-vi, trong cái phàm thức phân
biệt của thế tục.
Trong Đại trí độ luận, Ngài Long Thọ dạy rằng:
Pháp hữu-vi, so với pháp vô-vi, thì chẳng phải là 1 cũng chẳng phải là
khác....” Sở dĩ như vậy là vì cùng bắt nguồn ở 1 tâm
thức thôi, và chỉ khác nhau ở chỗ động niệm rung chuyển theo những nhịp
điệu Thô-kệch hay Vi-tế.
Cũng cần ghi rằng: khi một hành giả tu hành đến
mức làm bặt hết mọi vọng tưởng, cả thô kệch lẫn vi-tế, nhưng nếu
còn lãng đãng có cái tâm CHIẾU SOI, thì vẫn chưa phải là rốt ráo...Vì thế,
các Kinh Đại thừa như Kinh Viên Giác mới căn dặn rằng: cần
bặt cả cái tâm chiếu soi thì mới khế nhập hoàn toàn Biển Viên
Giác, hoặc Biển vô-vi của Diệu-tâm.
Là vì khởi tâm chiếu soi tức là khởi Vọng rồi...
Và hữu-vi hay vô-vi cũng đều là những ánh-biến-hiện của Tự-tâm,
cũng đều là tia-chớp-nháng, đều là huyễn mộng....
LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG 4
BÍ ẨN BỘ BA CĂN-TRẦN-THỨC
BÍ ẨN BỘ BA CĂN TRẦN THỨC- CĂN LÀ GÌ? TRẦN LÀ GÌ?
THỨC LÀ GÌ?-MỖI CĂN, MỖI TRẦN ĐỀU DÍNH MẮC DUNG THÔNG KHẮP PHÁP
GIỚI, VÀ LUÔN CHUYỂN HIỆN TƯƠNG ƯNG-VÌ THẾ, PHẬT DẠY RẰNG 12 XỨ SỞ CHỈ LÀ LUỐNG
DỐI-KHÁM PHÁ MỚI TÂM LINH HỌC CHỨNG MINH LỜI KINH
XƯA-THUYẾT THỜI GIAN CỦA KOZYREV-
Đến đây để thành tựu thêm 1 phần nữa nhãn
quan của chúng ta về cái Vòng huyễn-hiện của thức biến cũng
như về lời dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, thiết tưởng cần trình
bày rõ ràng hơn nữa về cái bí-ẩn đắm-nhiễm-thu-hút-gắn-bó lẫn nhau
giữa CĂN-TRẦN-THỨC, về Lẽ tương-sanh tương-duyên trùng
trùng-huyễn-khởi-tương-ưng giữa Bộ Ba (trinity) ấy.
Trong bất cứ tôn giáo lớn nào, cũng thường đều
có nhắc tới sự huyề-nhiệm của Trinity....Tỷ dụ như trong Cơ đốc giáo,
thì có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Hoặc
trong Lão giáo, thì ngài Lão tử viết: “Nhất sanh Nhị, Nhị sanh
Tam…” Có điều là trong các tôn giáo khác, bí-ẩn của Bộ Ba không
được triển khai và lý giải kỹ càng sâu sắc như trong giáo
lý nhà Phật.
Những con số 1 hoặc 2 hoặc 3, hoặc 5, hoặc 7…đều thường được coi
như những con số thần-bí (nomnres mystiques), vì chúng thường đánh
dấu cho những nhịp bước sinh hóa của vũ trụ hiện-tượng
trong cái diễn-trình từ Một chuyển thành vô-lượng. Nhưng thiết tưởng cũng không
cần đi sâu vào ở đây, vì quá dài dòng.
Trong giáo lý nhà Phật, thì có rất nhiều Bộ Ba,
như Tam bảo Phật-Pháp-Tăng, hoặc Phật-Pháp-Chúng sanh, hoặc
CĂN-TRẦN-THỨC….Thực ra, thì sự biến-hiện tương-duyên-tương-sanh của các pháp
đều có thể xếp thành những Bộ Ba được như Tục đế-Chân đế-Đệ nhứt nghĩa đế,
như Người đi- Con đường đi qua và tác động Đi, như người
tu. Con đường tu chứng và Tác động chứng đắc, hoặc
như Cha Mẹ và cái gạch-nối-liền là Đứa con…Bộ Ba là chữ Y gồm 3
điểm * * * của nhà Phật.
Ở đây, chỉ cần nói về Căn-Trần-Thức. Vì Căn-Trần-Thức là tất
cả pháp giới, và cũng là đầu mối, là nhơn-địa của con đường tu
hành…
Dưới nhãn quan của nhà Phật, thì Căn-Trần-Thức chẳng phải là
một, cũng chẳng phải là khác. Không những Căn-Trần-Thức, mà các pháp khác cũng
vậy: pháp A so với pháp B, cũng chẳng phải một chẳng phải khác. Chẳng phải một
vì có hình tướng cùng hoạt dụng khác nhau, nhưng chẳng phải khác vì
đều tương sanh tương duyên và đều nằm ở trong cái màn quang minh của
Tự-tâm biến hiện.
Căn-Trần-Thức cũng vậy. Chẳng phải một chẳng phải khác, vừa là
Nhất-như lại vừa sai biệt….Chẳng phải một là vì chúng có hình
tướng hoặc hoạt dụng có vẻ khác nhau. Nhưng chúng cũng chẳng phải khác, là
vì chúng đều là do THỨC BIẾN, nên tương sanh tương duyên và đắm-nhiễm-gắn-bó
lẫn nhau.
Phân biệt 3 thứ đó là một điều khó. Vì thế, ngài Huyền
Trang mới viết: “ Kẻ ngu-giả khó thể phân biệt giữa Thức và
Căn….” (Ngu giả nan phân giữa Thức và Căn). Cũng có thể nói thêm: người ít
trí-huệ khó thể phân biệt giữa Thức và Trần, là vì Thức này khá lù
mù lờ mờ, và thường khi có ảnh-tượng rất giống với trần cảnh.
Bởi thế, nên trong lối quán chiếu của nhà Phật, mới có
phép quán Giới phân biệt, để suy tư quán chiếu nhằm phân
biệt giữa 3 thứ đó.
Căn trần thức cũng tức là 6 nhập, là 12 xứ, là 18 giới…6
nhập là để chỉ cho tính cách tương-sanh-tương-duyên đắm-nhiễm-thu-hút
giữa căn và trần. Còn 12 xứ mà Phật bảo đều là luống dối (no
location), là để nhấn mạnh về tính cách dung thông chu
biến khắp pháp giới của chúng. Trong khi 18 giới là để dạy
cách phân biệt những sai biệt giữa căn trần thức.
Nhưng giáo lý nhà Phật thì bao giờ cũng vậy, cũng là
dạy SONG CHIẾU....Nên sau khi Duy thức học dạy cách phân
biệt những sai biệt giữa ba thứ đó và liễu tri rành rẽ
rồi, thì giáo lý Bát nhã lại dạy cách quán
chiếu Nội-ngoại-Không. Nội là căn, ngoại là trần, giữa là thức.
Và cần phải quán chiếu cả 3 thứ đó đều là Không cả, đều là
Nhất-như hay Tự-tâm biến hiện…Tóm lại, vừa phải liễu
tri mọi sai biệt lại vừa thấy cái Nhất như, thì
mới chứng nhập tuyệt vời được.
Kinh Lăng Nghiêm cũng dạy như vậy: vừa
phải biết liễu tri rành rẽ, lại vừa phải thấy rõ là
Huyễn-hiện-tương-ưng giữa căn trần thức…(Tương ưng: Loi des
Corespondances).
Vậy thì can-trần-thức đều là Thức biến, đều do Tự-tâm
biến hiện, đều có thể tạm coi là Nhất-như. Những vẫn cần phải liễu
tri rành rẽ và phân biệt giữa ba thứ đó.
Làm sao phân biệt được đây?
Đa số kẻ thế-nhân, khi nghe câu hỏi này, chắc đều bậc cười
lớn, và nghĩ rằng: “ Thực là 1 câu hỏi lẩm cẩm? Có gì mà khó phân biệt?! Căn là
cái mắt, cái tai hay cái mũi, ngần ấy thứ đều rõ rệt lồ lộ. Còn Trần là cái
bàn, cái ghế, bông hồng, con sông…Cũng đều quá rõ rang…Còn Thức thì là…cái mình
biết…ơ hơ! Cái này thì cũng hơi mù mịt, không được rõ rệt lắm!...”
Nhưng kẻ thế-nhân ấy quên không nghĩ rằng: “Nếu con mắt là
1 thực tại hiện hữu độc lập riêng biệt và có tư-tánh, và
nếu con sông hoặc bông hồng kia cũng là 1 Vật có thực thể riêng biệt,
thì tại sao con mắt lại có thể BIẾT được bông hồng, dung thông được
bông hồng?! Vì theo lẽ, thì 2 tự-thể riêng biệt không thể dung
thông lẫn nhau được?....”
Bởi thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 1061, Phật mới
dạy rằng: “Nếu cái thân của ông không phải là cùng một loài hư-vọng (nghĩa là
cùng 1 thể, cùng là Thức biến) với cái Tưởng, thì làm sao cái tâm-tưởng
lại có thể dung thông và sai khiến cái thân được?! Tỷ
dụ như khi nói đến me chua, thì tâm ông khởi 1 tâm tưởng về me
chua, rồi tự nhiên có nước miếng trong miệng chảy ra…?! Nghĩ đến dốc
cao và hẹp, thì lòng chân thấy ghê rợn…?!”
Do đó nên cần hiểu rằng sở dĩ căn và trần biết được
lẫn nhau, là vì chúng DÍNH MẮC với nhau, chúng cùng là một
thể, cùng 1 loài hư-vọng, cùng là Thức biến…Chúng dính mắc chằng chịt đến
mức khó có thể biết nổi làn ranh giới, để trả lời những câu hỏi
như: Căn bắt đầu từ đâu, và hết ở đâu? Trần bắt đầu từ đâu, và hết ở đâu? Thức
cũng vậy… Và cũng bởi thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật mới dạy:
"Cái Thấy ấy nó không phải là vật, nhưng nó cũng không lìa Vật. Cái thấy
ấy, so với vật, thì chẳng phải một, chẳng phải khác. Chẳng phải Thị, chẳng phỉa
Phi –thị…".
Chúng dính mắc chằng chịt (inextricablement mêlés) như vậy, vậy
làm thế nào để tạm liễu tri và phân biệt được?
Muốn làm việc này, thiển nghĩ vẫn cần dựa theo những
tiêu-chuẩn đã nói ở trên là:
- Mức độ Vi-tế hay Thô-kệch của những quang
minh của Thức đã DỆT nên chúng.
- Mức độ Khinh-thanh-sáng-láng-tinh-minh hay
Trọng-trược-ít-sáng-láng của những quang minh ấy.
- Mức dộ tự-tại-lực biến hiện của quang minh….
Tóm lại, tức là những nhịp điệu rung chuyển cực kỳ thần-tốc hay
kém thần tốc.
Căn-trần-thức là 1 lối xếp hạng. năm ấm, 7 đại cũng
là những lối xếp hạng…Và lối xếp hạng nào cũng tượng trưng cho cái
màn nhân-duyên chằng chịt bao la, tức là pháp-giới.
Nương theo những tiêu chuẩn nói trên, chúng
ta có thể soi sáng liễu tri cái màn tương-sanh-tương-duyên
căn-trần-thức như sau:
1- CĂN là gì?
Trong diễn trình chuyển hiện của Thức Sơ-năng-biến ngày
càng đi sâu vào những lớp thô-kệch lưu ngại, CĂN là cái KIẾN PHẦN, cái
phần QUANG MINH VI TẾ KHINH THANH sáng láng tinh
minh của những cọng-tưởng HƯ VÔ VI TẾ hoặc U
ẨN đã được nói trong kinh Lăng Nghiêm.
Đừng lầm Căn với con mắt, hay tai mũi lưỡi thân. Các thứ này chỉ
là những biểu-tượng thô phù bề ngoài của Căn, nên gọi là
phù-trần-căn. Chúng chỉ là những bộ phận thô kệch để làm rõ rệt thêm
những trần-tướng, là những chỗ mai mối, những lỗ hổng ra vào lai-vãng của
những quang minh của Căn.
Vượt qua phù trần căn để vào sâu hơn nữa, thì là
Tịnh-sắc-căn, do tứ đại vi-tế (matiére subtile) dệt thành. Tứ
đại vi-tế hay thanh tịnh tức là những quang minh vi
tế hơn.
Chắc rằng Căn vốn là Cái Thấy, nên còn ở sâu hơn cả
tịnh-sắc-căn. Vì cái thấy bắt nguồn từ những quang minh hư-vô-vi-tế
của Thức sơ năng biến.
Cái Tinh-minh diệu-viên, trạm-nhiên rỗng lặng, vốn không có vật
gì cả. Nhưng vì Vọng khởi lên, bị dính mắc vào Vọng, rồi xoay vần miên
viễn. Nên một mặt làm phát hiện nên Cái thấy bên trong, và mặt khác làm
ảnh-hiện nên cái tướng-phần thô kệch tức cảnh giới bên
ngoài.
Những quang minh của Căn hay Kiến-phần này cũng
thường gồm có 2 phần, nhiều hay ít là tùy theo thứ căn nào.
Hai phần là: Kiến-đại khinh thanh va dễ đứng-lặng hơn, và Thức-đại trọng trược
và hay dao động hơn, như đã nói rõ ở những chương trên.
Vì dính mắc tương-duyên-tương-sanh lẫn nhau, nên các cảnh
giới tức trần cảnh tức tướng-phần, thường luôn luôn không rời
lìa, luôn luôn bao vây Căn tức Kiến-phần.
2 -THỨC là gì?
Khi Căn hồn nhiên chiếu soi, không móng niệm
muốn phân biệt hay rất ít móng niệm, thì những quang
minh của nó thường ĐỨNG LẶNG. đứng lặng ở đây không có nghĩa là ỳ ra đó,
mà có nghĩa là: nhịp điệu rung chuyển của quang minh đạt tới những
tần-số (frequence vibratoire) cực lớn, mà không cớ
sự lay-động lăng xăng ngang dọc, nên có vẻ như đứng
lặng…Ở trạng thái hồng-tự-thể-cả (rose-en-soi). Chỉ có một số
sắc-trần được ÓNG ÁNH phát hiện nên do Thức biến của Tướng-phần như:
hình thù. màu sắc, âm thanh, hương vị và xúc như mềm rắn hoặc trơn rít mà
thôi…
Rồi trong khi chúng ta nhìn ngắm, ngửi, sờ, mó…thì 5
thức trước thu nạp lấy những cảm thọ cùng cảm
giác lẻ tẻ vụn vặt ấy, rồi chuyển chúng vào cho ý-thức.
Ý-thức kết hợp chúng lại, rồi dung ký ức, suy tưởng, tưởng-tượng
để phân biệt phối kiểm rõ ràng hơn, tạo dựng nên 1
tâm-tưởng, tức là 1 ảnh-tượng vô-biểu-sắc.
Cần nhớ rằng tâm tưởng nào cũng có ít nhiều hình-tướng
cả. như Ngài Di-lặc nói: "mỗi tâm niệm là một hình-tướng. "
Nhưng ảnh tượng ấy còn là vô biểu sắc, và giác
quan chúng ta chưa thấy được…Song những người tu hành có
tha-tâm-thông thì có thể thấy được, và do đó, mới đọc được những tâm-niệm của
kẻ khác.
Ý-thức đã tạo nên ảnh-tượng vô biểu sắc rồi, thì liền
đem nó khoác lên, IN lên cái đám sắc-trần ở ngoài, rồi quyết
nghi rằng: "À, cái này là một bông hoa màu vàng đây, giống này quý và
thơm lắm…" Rồi yên chí rằng đó là một vật có thực, và tồn
tại độc lập riêng biệt với cái chủ thể nhận thức.
Kỳ thực thì ở bên ngoài, chỉ có sự HỘI-TỤ của một đám sắc-trần
tức là những ÁNH BIẾN HIỆN óng ánh của Thức biến thuộc Tướng-phần thô
kệch…Nhưng ý-thức đã khoát lên đám ấy 1 ảnh-tượng và 1 cái tên, và coi đó là
một vật có thực.
Cho nên, VẬT có sự khác biệt với TRẦN. vì Vật gần như thuần
túy là sự tạo dựng của tâm-thức của người đứng nhìn
(construction mentale)…Bằng chứng là cùng một bông hồng ấy, nhưng những
loài quỷ thần có nghiệp-lực khác lại nhìn thấy là một vật khác.
Hoặc như giòng sông, loài người nhìn thấy khác và loài ngã
quỷ thấy khác.
Bởi thế, nên ảnh-tượng về pháp giới của mỗi chúng
sanh chỉ là sự LÓE lên của Thức biến tùy theo mức-độ
nghiệp-lực.
Tóm lại, thì THỨC là gì?
THỨC là một con sông Thương nước chảy đôi going, gồm một phần
những quang minh sáng láng hay chiếu soi của Căn, và GIAO THOA với
những quang minh thô kệch và ít chiếu soi của Trần, để tạo dựng
nên những ảnh-tượng hay bóng tối-tăm….Và tương xứng với các quang
minh của những vọng tưởng HƯ MINH cùng DUNG THÔNG được
nói trong Kinh Lăng Nghiêm….
Về những bóng tối-tăm này, cũng cần ghi rằng Hư-không cũng là
một bóng tối tăm, vì hư-không cũng có chút ít hình tướng…Nên hư
không là bóng tối tăm với nét vẽ nhạt, còn sắc
tướng là bóng tối tăm với nét vẽ thật sâu đậm. Bởi thế,
nên Kinh Lăng Nghiêm dạy: "hư không là do những mê-muội vi
tế kết thành, còn sắc-tướng là do những mê-muội thô kệch lóng
thành…"
2 -TRẦN là gì? VẬT là gì? VI TRẦN là gì? ÂM
THANH là gì?
Pháp giới này là một màn huyễn-hiện vọng hóa, do sức
suy động của Nghiệp-vọng hay Nghiệp-thức. và các sự vật đều là thức-biến, chỉ
khác nhau ở mức-độ vọng-hóa thôi.
TRẦN với VẬT cũng vậy, cũng đều là huyễn-hiện, đều là do
vọng-hóa dệt nên, nhưng khác nhau ở mức độ vọng hóa. Trần ở mức độ vọng
hóa đơn sơ hơn, còn Vật ở mức độ vọng hóa sâu đậm hơn.
Thực ra, trong pháp giới này, tuyệt
nhiên chẳng có một vật gì cả. Lấy tỷ dụ như một bông hồng, thì
chẳng có một cái gì THỰC là bông hồng cả…Vì nếu quả thực bông hồng là một THỰC
THỂ hiện hữu riêng biệt độc lập, thì con mắt cùng tâm
thức ta không thể có cách gì mà dung-thông thẩm thấu với nó, mà
BIẾT được nó.
Chỉ có một Đám-hội-tụ những ánh-biến-hiện óng ánh của Tướng-phần
khởi lên từ Tàng thức, từ thời xa xưa vô thủy. Những ánh-biến-hiện ấy
là:
- Hình thù: như dài ngắn, vuông tròn méo mó….tạm gọi là
sắc-trần.
- Màu sắc: như xanh đỏ vàng trắng…cũng tạm gọi là
sắc-trần….. Sắc-trần này bao gồm cả sắc tướng, từ những thứ sắc
rất nhỏ nhiệm tế-vi gọi là cực-lược-sắc hay vô biểu sắc cho
đến những sắc rõ rệt có thể chỉ ra được gọi là Biểu-sắc.
- Âm thanh hay Thinh-trần: như tiếng của loài hữu
tình, tiếng của loài vô tình, tiếng của chư thiên, tiếng của bậc Thánh,
tiếng vang….
- Hương-trần: như mùi thơm, mùi hôi, mùi
từ bản chất sanh (cu sanh hương), mùi do chế tạo mà có (hòa-hiệp
hương), mùi do sự biến đổi mà sanh…
- Vị-trần: có vị hoặc không có vị (vị lạt), vị vừa ý,
vị không vừa ý, vị từ bản chất sanh, vị do hòa hiệp chế tạo mà
có, vị do biến đổi mà sanh…
- Xúc-trần: (le tanginle): như nhẹ hay nặng (trọng-lượng),
lạnh-nóng, nhám-trơn, cứng hay mềm, dính hay không dính, có sức-lực
hay yếu ớt, khỏe mạnh hay ốm yếu….
- PHÁP TRẦN: tức là cái bóng dáng của 5 trần còn
lưu lại trong ý thức. Nghĩa là khi mắt không còn trông thấy sắc, tai không
còn nghe tiếng, hoặc than không còn chạm với xúc-trần…., nhưng trong ý-thức vẫn
còn nhớ lại bóng-dáng của 5 trần.
Bóng dáng ấy được gọi là Pháp-trần, cũng được gọi là
Lạc-tạ-ảnh-tử, nghĩa là cái bóng rớt lại.
Về điểm Pháp-trần này, cần phải nói kỹ hơn.
Pháp-trần này là một loại Trần khá đặc biệt, nửa như trong
nửa như ngoài, nửa như dính với Tâm, nửa như dính với Vật. Và đa
số chúng ta thường coi chúng là hư-ảo, hầu như không có,
và chúng ta thường ít lưu tâm suy nghĩ về chúng.
Vậy cần đặt câu hỏi: so với 5 trần kia, thì pháp-trần này ra
sao? Chúng THẬT hơn, hay là kém THẬT hơn?
Câu trả lời vẫn là: tất cả 6 trần đều chỉ là
huyễn-hiện, chỉ là vọng-hóa của Thức-biến. Nhưng khác nhau ở mức độ vọng hóa,
tức là ở mức độ quang minh vi-tế hơn hay thô
kệch hơn mà thôi.
Nếu nói theo danh từ của Kinh Lăng Nghiêm, thì có thể nói
rằng: trong khi 5 trần kia được DỆT nên bằng những quang minh của
Kiên-cố vọng tướng hay Hư-minh vọng tưởng hầu hết lưu xuất từ
Tướng-phần mà ra, thì Pháp-trần này được dệt nên bằng những quang
minh của Dung-thông vọng tưởng hầu hết lưu xuất từ Kiến-phần mà
ra.
Do đó, pháp-trần đã bị vọng-hóa thêm 1 tầng nữa. Nhưng vì chúng
ở 1 bình diện sâu hơn, nên quang minh cũng vi-tế hơn, và có vẻ như
hư-ảo….Chúng cũng chính là cái ảnh-tượng thức giáo độc đáo, mà tâm
thức chúng sanh thường khoác lên trên Đám-hội-tụ của 5 trần kia, để
tạo dựng cái đám-hội-tụ ấy thành 1 VẬT, như bông hồng hay trái núi chẳng hạn.
Vì chúng có vẻ hư ảo, nên chúng ta thường
ít lưu tâm, và cho ta là chúng không có hình-tướng….Kỳ thực, thì
chúng vẫn có hình-tướng, nhưng cực-lược-sắc hoặc vô-biểu-sắc. Vì thế,
nên Ngài Di lặc mới dạy: " Mỗi tâm-niệm là 1 hình tướng.
Nếu người nào bớt 1 tâm niệm tức là bớt 1 hình tướng. và như
thế, có thể hẹn ngày thanh tịnh được…Và khi 1 hành giả tu
hành, đắc được thiên-nhãn-thông hay tha-tâm-thông, thì có thể nhìn thấy
những hình tướng ấy của tâm-niệm….Và cũng bởi thế, nên những chư
thiên ở các tầng trời cao của cõi sắc đâu có dung lời nói để nói
chuyện với nhau.mà chỉ dung những quang minh tức
hình-tướng tâm niệm để trao đổi chuyện trò với
nhau mà thôi…
Do đó, nên Duy thức học thường dạy rằng Pháp-trần gồm
mấy loại như: - Cực lược sắc tức là sắc rất nhỏ như vi trần, –
Cực hánh sắc tức là sắc rất xa, thấy như tăm-tăm-mù-mù… - vô biểu
sắc tức là thứ sắc không thể chỉ ra được…. – và Định quả
sắc, tức là những sắc tướng do công phu tu Thiền quán
mà lần lần hiện ra rõ rệt và linh động. Tỷ dụ như
trong Kinh Lăng Nghiêm, có Ngài Nguyệt quang đồng tử tu phép
quán Nước, thì lần lần có nước hiện ra rõ rệt….
Tóm lại, thì 1 kẻ phàm phu như chúng ta, đều có
những tâm niệm để tưởng tượng hoặc nhớ lại. Những tâm
niệm ấy đều có hình tướng nhưng vì thiếu công phu tu
tập và định lực, nên hình tướng ấy chỉ là cực lược
sắc, mơ mơ hồ hồ.
Nhưng 1 hành giả tu thiền quán, ngồi trong hang
đá lâu năm, để quán chiếu Nước hoặc hình tướng 1
bậc Đại bồ tát, thì lần lần những quang minh của tâm
tưởng quán chiếu miên tục ấy sẽ kết đọng lại thành 1 hình
tướng rõ rệt linh động, như nước chẳng hạn hiện lên mênh
mang chung quanh Ngài Nguyệt quang đồng tử…Cái đó, gọi là
Định-quả-sắc.
Nếu sức thiền quán chưa cao lắm, thì lúc ban đầu,
tuy có nước hiện ra nhưng chỉ 1 mình hành giả trông thấy
thôi. Còn những người chung quanh chưa trông thấy nước.
Lên cao 1 mức nữa, thì những người chung quanh đều có thể trông
thấy nước, rồi mới có thể SỜ MÓ được nước. Như trong trường
hợp Ngài Nguyệt quang, thì một vị đệ-tử nó vào trong phòng cũng nhìn
thấy nước.
Lên tới mức độ quán chiếu tuyệt vời của 1
bậc Đại bồ tát, thì chẳng cần phải dụng công lâu
dài gì hết. Ngài chỉ cần khởi 1 tâm-niệm vô niệm về Nước. tức là
một tâm niệm không tình-nhiễm, không mong cầu, dưới ánh sáng của
Trí-huệ bát nhã vô ngã như huyễn cùng lòng Đại
bi bình đẳng để độ duyên. Thì do những quang minh tâm
lực của Ngài, lập tức có nước hiện ra, rõ rệt và linh
động, và tất cả chúng sanh đều thấy là nước cả, có thể nhìn ngắm ngửi
nếm sờ mó được.
Cái vụ nước của Đại bồ tát này, có thể gọi là
Diệu-định-quả-sắc. Dệt nên do những quang minh vi
diệu của tâm lực của ngài.
Còn như chúng sanh chúng ta vẫn nhìn thấy
nước ở chung quanh mình, thì nước đó là do Nghiệp-quả sắc, do những
vọng-tưởng kiên cố từ vô thủy của ta củng kẻ đồng
loại dệt nên…Nước ấy, so với Diệu định quả sắc của Đại Bồ
tát thì cũng là một vì giống y hệt như nhau, nhưng cũng là khác vì cỗi
nguồn khác nhau….
Tóm lại, TRẦN và VẬT vừa tương-tợ lại vừa khác nhau là như vậy:
Trần là những ánh-biến-hiện óng ánh dệt nên bởi những quang
minh của vọng tưởng kiên-cố hoặc hư-minh, phần lớn lưu xuất ra
từ nơi Tướng-phần. còn vật là cái ảnh-tượng thức giác độc đáo, dệt nên bởi
những quang minh của những vọng tưởng dung-thông của ý-thức,
phần lớn lưu xuất từ nơi Kiến-phần, rồi tâm thức chúng
sanh thường mang ảnh-tượng ấy IN lên đám hội-tụ của Trần và tạo dựng thành
một Vật (construction mentale), rồi đặt tên cho nó, và yên chí đinh ninh nó là
thật…Tuy nhiên, Vật cũng không thể lìa Trần mà có được.
Còn Vi Trần là gì?
Đây là 1 điểm mà đa số chúng ta thường thắc mắc,
và ngay cả những nhà khoa học cũng thắc mắc băn khoăn, chưa dám quyết đoán
vi-trần hay cực-vi là gì, là Vật hay là Tinh-lực thuần túy?! Là lượng-tử
(corpuscule) hay là ba-động (onde)?!
Là vì họ quá kiến chấp vào những hình-tướng thô
kệch, quá ưa thích sự so-đo phân biệt, quá tin rằng có
một thứ vật-chất thuần túy (mati è pure) THẬT CÓ, chưa hiểu gì
về Tâm vô tướng mạo, chưa hiểu lẽ biến-hiện của những quang
minh lưu xuất từ Tâm, chưa hiểu lẽ Như huyễn, chưa hiểu cái diễn
trình biến-hiện không ngừng từ tâm sang vật, rồi lại từ Vật trở
về Tâm…Tóm lại, là vì chưa đọc và chưa hiểu kinh Lăng nghiêm.
Vật thô kệch là do Tâm biến hiện, do
nghiệp-lực chiêu cảm, do những vọng tưởng kiên-cố kết đọng lại
mà thành hình. Vật cũng là do vô lượng những vi-trần hay
cực-vi giả hợp lại mà thành…Nếu Vật là có THẬT, thì ta
không có cách gì CHIA CHẺ hoặc ly-tán nó ra thành những phần nhỏ hơn
được. Ngược lại, nếu vi-trần là có THẬT, thì cũng không có cách gì GIẢ
HỢP chúng lại để dựng thành Vật được. Sở dĩ có thể giả-hợp
giả-ly được là vì chúng đều là Như-huyễn, đều là biến-hiện.
Nhưng ở kích-độ (echelle) thông thường thô kệch của
vật thì những giác quan chúng ta khó có thể tế nhận
được tính cách biến-hiện của nó. Trừ những vị đã đắc thiên-nhãn …Song
khi đi dần xuống lãnh vực cực vi, thì tính cách biến-hiện
hay biến ảo của chúng lần lần bộc lộ. Như vật-lý-học ngày nay
đã nhận thấy rằng chúng thực kỳ ảo và đôi khi biến
ảo như ma quái. Vì chúng xuất hiện có khi như ba-động, có
khi như hạt-tử, và đôi khi lại biến mất giữa nơi môi-trường quan
sát và mịt mùng tăm tích.
Là vì sao?
- chỉ là vì VI TRẦN ở ngay nơi làn ranh-giới của
diễn trình chuyển hiện giữa Sắc và Không, và chúng đều là những ÁNH BIẾN HIỆN
óng ánh của vô vàn thứ quang minh rung chuyển theo đủ thứ nhịp điệu
và đủ thứ tần-số…
Vì là những ánh-biến-hiện, nên chúng thường là vô-tướng-mạo đối
với giác quan đa số chúng ta…Nhưng trong những vũ-điệu lắt lay
của chúng, nếu chúng GIẢ HỢP lại thành 1 đám, hoặc gặp 1 lớp LƯU
NGẠI, hoặc là do cái ĐÀ NỘI TẠI của nghiệp-lực khiến chúng bị vọng-nhiễm nặng
hơn. Thì chúng liền phát-hiện thành hình-tướng màu-sắc….Hoặc có khi, chúng lại
như tan biến, để trở thành 1 bình diện quang
minh vô-tướng-mạo hơn.
Vi trần là như vậy.
Bởi thế, trong luận Cu-xá, ngài Thế thân viết:
"Các vi trần vốn không có tướng mạo. Nhưng khi một
số giả hợp hội-tụ-lại, thì chúng làm phát hiện hình-tướng…."
Hoặc như ánh sáng mặt trời, vốn không màu, nhưng khi gặp
làn mưa-bụi LƯU NGẠI, thì chúng tự giao thoa, tức là tự hội-tụ, rồi làm phát
hiện 5,7 màu….
Và cũng bởi thế, nên lời kinh xưa nơi Lăng già hội,
mới dạy: "Cho đến vi-trần, phân tích tìm cầu TRỌN KHÔNG THỀ ĐƯỢC…."
Nghĩa là không thể nào tìm được 1 thứ cực-vi cuối cùng, để làm 1 vật
cơ-bản, 1 viên gạch cơ-bản để xây cái lâu đài vũ trụ….Là vì chúng chỉ là những
ánh-biến-hiện của quang minhm chiêu cảm bởi nghiệp-lực của chúng
sanh đứng coi màn vũ điệu lắt lay và chập chùng của pháp giới…
Vậy còn ÂM THANH là gì?
Có lẽ âm thanh cũng tương tự như vi-trần.
Nhưng torng khi sắc-tướng vi trần được dựng nên bởi những
tia-chớp-nháng phụt lên từ Chân-không do sức Hành của nghiệp-vọng (có thể gọi
sự phụt lên ấy là sự Lay-động uyên-nguyên hay mouvement originel), thì có
lẽ âm thanh được phát-hiện nên do sự chuyển-động lăng-xăng ngang dọc
(mouvement tangentiel hay la te1ral) của những luồn quang minh suy
động bởi những cơn gió của nghiệp-vọng. Và khi luồng này chạm phải những lớp
LƯU NGẠI, thì nó làm phát hiện âm-thanh.
Trên đại cương, có thể là như vậy. Nhưng tùy
theo giai tầng hoặc mức dộ vi-tế của quang minh, các âm thanh
hay sắc tướng phát hiện ra cũng đều có sự khác
biệt…. Tỷ dụ như những âm thanh mà tai con
người thường nghe đều chỉ là những âm thanh thô kệch, còn
những âm thanh mà chư thiên thường nghe chắc là vi-diệu
hơn.
Do đó, nên Kinh Lăng Nghiêm, trang 779, dạy: "Nhân
ĐỘNG mà có TIẾNG…"
Trong Kinh Hoa Nghiêm, có nhiều đoạn dạy rằng: " ở
trong quang minh phát ra những diệu-âm…."
Trong Đại trí độ luận ngài Long Thọ dạy:
" Khi chúng ta khởi lên một tâm-niệm muốn nói, thì một luồng hơi
khởi lên từ lống ngực, chuyển xuống phía dưới bụng, chạm vào đó rồi bật ngược
lên, và chạm phải vết hầu, lưỡi, răng, môi, má….và bật ra thành TIẾNG
NÓI…"
Về âm thanh, trong Kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn
(trang 223) Phật dạy rất sâu sắc và khó lý giải:
"A Nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ đà này, khi đồ ăn dọn
rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông, tiếng
chuông tiếng trống trước sau nối nhau…Ý ông nghĩ thế nào? Như thế là, cái
tiếng đến bên cái nghe hay là cái nghe đến bên cái nghe hay là cái nghe đến chỗ
cái tiếng…?"
Phật đặt câu hỏi như vậy rồi, thì Ngài diễn
giải và lập luận đại ý như sau:
"Nếu nói rằng cái tiếng tức thanh-trần đến bên cái nghe tức
nhĩ-căn, thì không đúng. Vì sao? Là vì nếu tiếng trống đã chạy đến bên tai của
ông A Nan rồi, thì đâu còn có thể chạy đến bên tai ông Mục Kiền
Liên được nữa?... thế mà trên thực tế, thì không những ông A
Nan và Mục Kiền Liên, mà cả đại chúng cũng đều nghe
thấy rõ ràng tiếng trống.
Còn nếu nói rằng cái nghe của ông A Nan đến với tiếng
trống thì cũng không đúng nốt. Vì sao? Là vì nếu cái nghe của ông A
Nan đã đến nơi tiếng trống, thì lẽ ra không thể đến nơi tiếng
chuông được nữa…Thế mà trên thực tế, ông A
Nan lại nghe được cả tiếng trống lẫn tiếng
chuông, đồng thời có thể nghe nhiều thứ tiếng khác nữa như
tiếng niệm Phật hay tụng kinh chẳng hạn…."
Rồi ngài kết luận: "Vậy nên biết rằng cái nghe và cái
tiếng đều không có xứ sở. Tức là cái nghe và thanh-trần, cả 2 xứ ấy đều LUỐNG
DỐI, vốn không phải tính nhân-duyên cũng chẳng phải tính tự-nhiên…."
Lời dạy trên đây, cũng như nhiều lời dạy khác trong Kinh
Lăng Nghiêm, thật là cô đọng, bí hiểm, như ẩn như hiện, nhưng thực là mênh
mang sâu sắc.
Có người cho rằng lối lập luận của ngài là nói theo
quyền-nghĩa để phương-tiện cảnh tỉnh ngài A
Nan cùng đại chúng. Nhưng suy ngẫm kỹ thì sẽ thấy rằng những lời của
Ngài trên đây đều là THẬT-nghĩa, THẬT-pháp.
Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về đoạn này?
Đây là Phật dùng LỐI NHÌN rốt ráo, lối nhìn Đệ-nhứt-đế, lối
nhìn Tự-tâm biến hiện, lối nhìn Trung-đạo Huyễn-khởi-tương-ưng. Để làm gì? Để
gột sạch những kiến-chấp và bác bỏ cả 2 luận-cứ: luận cứ của kẻ
thế-nhân phàm phu và luận cứ của ngoại đạo trong
sự giải thích việc NGHE thấy ÂM THANH.
a)- Phàm phu chúng ta, và kể cả khoa học nữa, thường
chấp rằng cái nghe của con người hoặc của chúng sanh là cái
Tai. Và cái tai thì cớ xứ sở cố định, có vị-trí rõ rệt trong không
gian và thời gian… Không hề nghĩ rằng cái nghe ấy nó vượt qua cả
cái tai, vượt sâu hơn cả tịnh-sắc-căn, và nó dính với cái Tâm và có
thể chu biến khắp nơi chốn. Vì nó là sự huyễn-hiện của cái Kiến-phần
trong cái Tâm.
Cũng thường chấp rằng tiếng trống là ở nơi cái trống, ở nơi cái
màng trống và chiếc dùi trống. Nghĩa là có xứ-sở rõ rệt trong không-thời
gian…Không hề nghĩ rằng tiếng trống đó, tuy thô kệch, nhưng vẫn dính với
cái Tâm và có thể chu biến khắp nơi, tùy theo cơ-duyên nếu
đầy đủ thì phát-hiện….Vì nó chính là sự huyễn-hiện của Tướng-phần trong cái
Tâm.
Mang nặng và sâu những kiến chấp ấy, kẻ phàm
phu cùng khoa học cố gắng tìm một cách lý giải để giải
thích việc nghe thấy tiếng trống…Họ giải thích rằng: sở
dĩ ta nghe thấy tiếng trống là vì TIẾNG ĐẾN BÊN TAI..Tiếng trống gây nên
những chấn động, nhân đó kích động những lượng tử không khí chung quanh,
mỗi mỗi kích động lẫn nhau, đến lượng-tử không khí sau cùng kích động vào màng
tai của ta, truyền vào tế bào thần kinh, làm phát lên cảm
giác thanh-trần tức tiếng trống.
Lối giải thích này thoạt nghe thì thấy là rõ rệt
và hợp lý lắm. Nhưng nghĩ kỹ, thì thấy rằng đó cũng chỉ là một sự
ức-đạc mơ hồ, và có nhiều kẽ hở.
Kẻ hở thứ 1 là: sự kích động hay ba-động của những lượng-tử không khí này nó đi
đến màng tai, thì chỉ có thể nói đó là không khí ba-động, mà chẳng có thể gọi
là âm-thanh ba-động được.
Thứ 2 là: trong lúc không khí bị kích động, thì những lượng-tử không khí
cũng chỉ chấn động trên bản-vị của nó, tức là dập-dềnh vậy thôi, và
chẳng có 1 lượng tử nào từ bên tiếng trống chạy thẳng đến màng tai cả. Nên khó
có thể nói rằng tiếng đến bên tai.
Thứ 3 là: sự chấn động của những lượng-tử không khí
vốn lặng lẽ nhỏ nhiệm như vậy, tại sao ở trong tai lại nghe thấy
một tiếng động lớn ầm ầm như vậy?
Kẻ hở thứ 4 là: thực ra, thì Cái nghe
của chúng sanh nó lạ lùng kỳ diệu lắm. Nhiều khi cũng
chẳng cần phải có thanh-trần bên ngoài nữa, mà cái nghe vẫn thấy
tiếng. Tỷ dụ như khi ta lấy tay bịt chặt 2 lỗ tai ta vẫn nghe thấy
tiếng ù-ù…Hoặc có khi ta nằm mơ như giấc mơ hãi hùng của vua Ngô Phù
sai lúc sắp mất nước: mơ thấy nói hoàng cung lạnh lẽo vắng ngắt,
không một bóng người, chỉ thấy nước chảy cuồn cuộn, và TIẾNG
sóng vỗ ào-ào…hoặc có khi lâm chung, vì túc nghiệp sâu
nặng, gió nghiệp nổi lên rào rạt, một người có thể nghe thấy
những tiếng động khủng khiếp như trời long đất lở, và lần lần kéo tới
đổ sập xuống mình…
Thành thử ra: cái thấy-nghe-hay-biết nào cũng lạ lùng kỳ diệu cả, và
cái Trần nào cũng lạ lùng kỳ diệu cả, như trong Kinh Lăng
Nghiêm có điễn nói rõ ràng trong đoạn Giao-báo của
Nghiệp-lực…Tại sao kỳ diệu? Là vì Thấy-nghe cũng như Trần đều dính vào cái Tâm
cả, đều là huyễn-hiện của Tâm và cái Tâm này thì nó vốn dĩ là kỳ-diệu.
Vậy thì chúng ta nên quyết đoán ra sao về
luận-cứ:Tiếng đến bên tai…của phàm phu và khoa học này?
Có thể nói rằng: đó là lối nhìn của phàm phu, lối nhìn
theo hình tướng, lối nhìn thô kệch, lối nhìn của biết vật với vật mà
chưa biết vật với tâm, lối nhìn theo 6 thức mà chưa biết đến Tàng thức,
lối nhìn theo TỤC ĐẾ.
Lối nhìn này không phải là hoàn toàn sai, nhưng chưa
phải là chân xác, chưa phải là Chánh-kiến rốt ráo liễu
nghĩa…Cũng tương tự như 1 anh mù sờ voi…Sờ được cái tai voi, thì anh
mù cười ha hả, nói rằng: voi nó giống như cái quạt quạt lúa. Sờ được cái chân,
thì quyết đoán: voi nó giống y như chiếc cột nhà vậy…Nói như vậy, thì
không phải là hoàn toàn sai, nhưng chưa phải chân xác rốt ráo.
Mới chỉ là Tục-đế. Nhưng Tục-đế này cũng nằm trong CHÂN ĐẾ, cũng như cái
quạt và cột nhà cũng là khía cạnh (faceete) hình thù của voi. Và lên đến
tột-bờ-mé, thì Tục-đế sẽ chuyển thành Chân đế rồi Đệ-nhứt-nghĩa-đế.
b)- Luận cứ của ngoại đạo: TAI ĐẾN BÊN
TIẾNG. họ cho rằng: Thực ra thì không phải là tai đến bên tiếng, mà
là Cái nghe đến bên tiếng.
Đây là luận-cứ của nhiều trường phái ngoại đạo. Lối nhìn
này đã cao và sâu hơn lối nhìn của thế nhân phàm phu, vì ngoại
đạo hiểu rằng Cái nghe không phải cục hạn ở cái bộ phận thô
kệch là cái tai, mà thường siêu xuất phù-trần-căn ấy.
Ngoại đạo cho rằng: sở dĩ tai nghe
được tiếng, hoặc mắt nhìn thấy vật…không phải là vì những ba-động
của âm thanh đi tới bên tai hoặc là những luồng quang
minh của vật lọt được vào con mắt. Nhưng phần lớn là vì tâm
thức con người vốn là cái Thần-ngã, và Thần-ngã này thường phát ra
những luồng thần quang. Rồi những luồng thần quang phóng ra
ngoài qua những lỗ hổng là tai hay con mắt, hay các căn khác, và chuyển động
tới ÔM SÁT lấy âm thanh hoặc sự vật. Do đó, nên nghe thấy âm
thanh, hoặc nhìn thấy sự vật.
Đọc Kinh Lăng Nghiêm, ở đoạn ma chướng, thì ta thấy
rằng các ngoại đạo tu tập Thiền quán, nhiều khi cũng vào được
khá sâu trong những lớp tâm thức. có thể lọt được vào Hành-ấm để nhìn thấy
giòng biến dịch vi-tế của những vọng tưởng a-ẩn
của Mạt na thức. Hoặc lọt vào được Thức-ấm, để thấy những quang-minh
hư-vô-vi-tế của Tàng thức. Vào được đây rồi, nhận
thấy rằng Tàng thức của mình dung thông với sinh mạng
các chúng sanh cùng pháp giới, nên các ngoại
đạo thường lầm lạc tự mãn, và khởi tâm chấp trước, tạo
thành những ma-chướng về Lý…
Hoặc chấp trước rằng mình đã tới bến rồi,
cho đó là chân-thường, là Đại niết bàn hoàn toàn tịch
diệt, chân thường và chân lạc. Hoặc chấp rằng đó là Minh-đế, hay là
Thần-ngã…có thể sanh ra vạn vật…Và không hề nghĩ rằng đó vẫn còn là cái màn
Vô-minh vi-tế cuối cùng, mà kẻ hành giả cần phải gột sạch
và chuyển, thì mới tới được bỉ ngạn rốt ráo, mới chứng
nhập được Thực tại cuối cùng là Diệu tâm.
Vì không hiểu Diệu tâm cùng lẽ Tự-tâm biến hiện
như-huyễn, nên họ dĩ nhiên là không hiểu Lẽ tương-sanh tương-duyên
cùng Huyễn-khởi-tương-ưng. Trái lại, họ chấp rằng Thần-ngã ấy là có, và
những luồng thần quang hay quang minh ấy cũng là thực có và
cho rằng những luồng thần quang ấy được phóng ra và ôm sát
lấy âm thanh cùng sự vật, rồi do đó, có sự nghe và thấy.
Lối nhìn này của ngoại đạo dĩ nhiên là cao hơn và
sâu lối nhìn nói trên phàm phu. Vì sao? Là vì họ đã nhận
thấy những quang minh vi-diệu của tâm thức, và sự trội hơn
của những quang minh này so với những quang minh thô
kệch phát ra bởi sự vật….Nhưng họ vẫn chưa biết rằng tất cả những sự vật
ấy, tâm thức ấy, cùng quang minh ấy…đều chỉ là sự
Huyễn-hiện cũa Tự tâm, do nghiệp-lực chiêu cảm.
Do đó, nên Phật cũng bác luôn cả luận cứ này.
Để làm gì?
Chỉ là để điểm hóa cho hàng ngoại đạo, nâng họ
lên bình diện rốt ráo, lên lối nhìn Tự-tâm huyễn hiện, tương-sanh
tương-duyên hay Huyễn-khởi-tương-ưng.
Nghĩa là: trong pháp giới này, thì 2 phần TƯỚNG
PHẦN và KIẾN PHẦN bao giờ cũng Huyễn-hiện hay
Chuyển-hiện-thay-đổi TƯƠNG ƯNG với nhau. Khi Tướng phần có
một sự thay-đổi (change) tức chấn-động, làm phát hiện một âm thanh,
1 hình sắc, 1 mùi hương….,thì Kiến-phần cũng có một sự thay-đổi tương
ưng làm phát-hiện cái nghe, cái thấy hay cái ngửi…Và ngược lại cũng vậy,
nếu có sự chấn động thay đổi trong Kiến-phần tức là trọng nghiệp-lực,
thì cũng có sự thay đổi tương-ưng trong Tướng-phần.
Và trong cái màn Huyễn-hiện đổi thay bập bềnh dao
động của Nghiệp-lực ấy, thì phàm phu và ngoại đạo nhìn
thấy NHƯ CÓ SỰ CHUYỂN ĐỘNG (mouvement), nhưng thực ra, chuyển-động chỉ là
1 ảo giác hay ảo tưởng, mà chỉ có sự chuyển-hiện-đổi-thay mà
thôi (Ii n’y a pas de mouvement dans fantasmagorique, il y a seulement
change)…Và nếu quán chiếu sâu hơn nữa, thì ngya sự
chuyển-hiện-đổi-thay này cũng chỉ là mộng-ảo. Vả lại, mỗi Căn cũng như mỗi
Trần đều dính mắc dung thông với khắp pháp giới. Nếu gán ghép
cho chúng 1 xứ sở cố định thì đều chỉ là LUỐNG DỐI. Và những lối nhìn: Tiếng
đến bên tai hoặc Tai đến bên tiếng…chỉ là thấp kém thiển cận. Vì Căn
và Trần vốn dính mắc và chuyển hiện Tương ưng, thì đâu có cần cái nọ phải
chạy tới bên cái kia mới có thể nhận biết được nhau!?!..
Do đó, nên ở bình diện Bất nhị này, nói quang
minh vô tướng mạo cũng được, hoặc nói quang-minh hiện
tướng cho dễ hiểu cũng được…Hoặc nói Bất-động cũng
được, hay nói là chuyển động cực-kỳ-thần-tốc cũng vẫn được…
2- Đối với TÂM THỨC 1 người hay 1 chúng
sanh, thì các sự vật ẨN HIỆN ra sao?
Pháp-giới hay là các sự vật, đều chỉ là Thức biến, đều chỉ
là những ảnh-tượng hình-tướng hư-vọng, và đều dính mắc với Tàng
thức cùng tâm thức chúng sanh. Cho nên, các sự vật đối
với chúng sanh ấy thường TÙY THEO CƠ DUYÊN mà UYỂN
CHUYỂN ẨN-HIỆN, hoặc hiển bày lồ-lộ rõ rệt trước 5 thức, hoặc mờ nhạt
đi thành 1 ảnh tượng dung thông của ý-thức, hoặc ẩn chìm hẳn
trong những khoảng mông lung mịt mùng của Tàng-thức.
Do đó, nên giáo lý nhà Phật có thể gọi là
nền giáo lý thậm thâm vi-diệu về sự ẨN HIỆN của các thứ
ảnh-tượng. Ẩn và Hiền, Chìm và Nổi.
Để hiểu rõ Lý uyển-chuyển-ẩn-hiện của các thứ
hình-tướng hư vọng, ta hãy lấy tỷ dụ 2 người, ông A và ông B,
cùng đứng cạnh nhau trên bờ 1 con sông, và nhìn thấy trước mặt 1 trái
núi lừng lững ở ven trời.
Ông A và B, đến kiếp này cùng sanh ra làm người, đều có 6
căn tương đối bình thường lành mạnh...nên dĩ nhiên là
hàm chứa nhiều cộng-nghiệp tương đồng. Những kiên-cố vọng tưởng (tức
tập-khí nhận thức thô kệch) của 2 người, xoay vần viên miễn
từ vô thủy, đến kiếp này NỞ ra và chiêu cảm sự chuyển hiện của
Tướng-phần. Làm phát hiện ra 2 ảnh tượng (về trái núi), dệt
nên bằng những quang minh thô kệch nhất. Thực ra, thì mỗi
ảnh-tượng kiên cố ấy là riêng biệt của mỗi người, nhưng vì vọng
tưởng TƯƠNG TỢ, quang minh tương tợ, ảnh tượng tương
tợ do sự chiêu cảm của cộng-nghiệp...., nên khi 2 người nhìn trái núi
thì 2 ảnh tượng ấy chập chùng xen-lẫn-lồng-vào-nhau, khiến 2 người
có cảm tưởng như chỉ có một trái núi cố định, có xứ sở nhất
định, tồn tại độc lập khách quan riêng biệt với cái màn thiên-la-võng quang
minh tâm thức của mình.
Rồi trong lúc đó, khi cùng đứng nhìn cái đám-hội-tụ óng ánh của
các Trần do Thức biến (tức trái núi) ấy, thì ý-thức của mỗi người lại
dùng một quang minh dung-thông để dệt nên 1 ảnh-tượng thức giác độc
đáo. Rồi khoác cái ảnh-tượng đó lên Đám-trần kia, rồi cũng gọi nó là trái
núi. Và cả 2, cũng như hầu hết những người khác, đều đinh ninh yên chí rằng nó
là thực, và tồn tại độc lập. Và nếu không có Kinh soi
sáng, ít có mấy ai có thể nghĩ rằng đó chỉ là ảnh tượng do Thức
biến.
Nhưng rồi 2 ông A và B chia tay, mỗi người đi một ngả, nhưng
cùng đi men giòng sông...Đi một quảng xa, nếu hai người cùng quay đầu nhìn lại
trái núi, thì trái núi vẫn lừng lững, như là chỉ có MỘT.
Nhưng nếu 2 người không quay đầu nhìn lại, mà chỉ nhìn xuống
dòng sông, thì mỗi người lại nhìn thấy một ảnh-tượng riêng biệt về trái
núi. Và như thế là HAI ảnh tượng...Sở dĩ như vậy, là vì
những quang minh của con mắt đã phải xen- lẫn giao- thoa với
những quang minh phát ra bởi Đám-trần-cảnh qua một LỚP LƯU NGẠI là
giòng nước. Và lớp lưu-ngại này đã làm LÓE lên thành 2 ảnh tượng.
Thông thường thì chúng ta cho rằng ảnh-tượng dưới
giòng sông là HƯ, còn trái núi là THỰC. Nhưng thực ra, thì cả 2 đều là HƯ
ẢNH, chỉ khác nhau ở mức độ vọng-hiện mà thôi.
Ông A thì đi về nhà, và nhà cũng gần núi...Khi ông ta ở trong
nhà, nhưng tưởng nhớ đến trái núi, thì ý – thức của ông chỉ có thể làm phát
hiện nên một ảnh-tượng lờ mờ về trái núi, dệt bằng những quang
minh dung thông....Nhưng nếu ông ta đi ra đầu ngõ, và ngẩng nhìn trái núi
ở xa, thì những quang minh hư-minh cùng kiên-cố của nhãn
căn lại có đủ cơ-duyên để HIỆN-HÀNH. Và sự hiện hành này
lại chiêu cảm sự chuyển-hiện của Tướng-phần, khiến nó làm phát hiện
đầy đủ những quang minh TƯƠNG ƯNG. Và trái núi lại xuất
hiện rõ rệt lồ lộ.
Còn ông B thì sau đó, bỏ đi buôn bán ở 1 xứ xa. Đôi khi, ngồi
nhớ tưởng lại trái núi, thì chỉ thấy phát hiện lên 1 ảnh
tượng dung-thông lờ mờ...bận bịu công việc làm ăn lâu ngày
rồi không nghĩ tới trái núi nữa, QUÊN hẳn mất trái núi trong một thời
gian.
QUÊN trái núi nghĩa là gì? Nghĩa là: do sự xao
lãng không chú tâm tác-ý nữa, thì những quang minh dung
thông của ý-thức mờ nhạt dần đi, không kết-tụ lại thành 1
ảnh-tượng lờ mờ để xuất hiện trước trí tưởng-tượng của ông
B nữa...Như ảnh-tượng trái núi không phải là hoàn toàn mất hẳn đối
với tâm thức ông B. Vì tuy những quang minh dung
thông của ý-thức mờ đi, song vẫn còn 1 thứ ảnh-tượng khác, dệt bằng
những quang minh HƯ VÔ VI-TẾ của Tàng thức ông B.
Là vì Tàng thức của chúng ta là 1 màn
thiên-la-võng quang minh chu biến khắp pháp-giới. Từ những vật
đã từng nhìn thấy trong kiếp này, cho đến những vật hay chúng
sanh chưa từng nhìn thấy hoặc gặp gỡ trong kiếp này, tỷ dụ như
những chúng sanh ở 1 cõi hay 1 hành tinh xa xăm...Và cũng bởi vì
có dính mắc dung thông khắp cả, nên một Đại Bồ tát không
thể nào bỏ chúng sanh được. Bởi lẽ rằng nếu bỏ MỘT chúng sanh,
thì sự thành tựu của chính Đại Bồ tát cũng chưa
thể viên mãn được...
Cho nên, khi ông B quên trái núi, thì cái ảnh
tượng hư-vô-vi-tế liền rời bỏ bình diện ý-thức, và RƠI CHÌM vào Tàng
thức...Nhưng rồi trải qua 1 thời, việc buôn bán lâu ngày bỗng thấy
nhọc nhằn trắc trở, ông B bỗng động lòng nhớ tới quê cũ cùng trái
núi. Sự nhớ tưởng khắc khoải của ông lại khiến cho các quang
minh dung thông của ý-thức hiện hành mạnh mẽ. Sự hiện
hành lần lần rung chuyển CHẬM LẠI. Và ảnh-tượng NỔI lên bình diện
ý-thức, kết hợp với những quang minh dung thông để làm
phát hiện ảnh-tượng của trí tưởng nhớ.....Như thế là ông B NHỚ lại trái núi.
Cơ cấu của sự Quên-nhớ-nhớ-quên là như vậy. Tỷ dụ như
trước đây 10 năm, ta gặp 1 người và biết tên người đó. Rồi bằng quên
đi. Đến nay gặp lại, nhận ra mặt mà không thể nhớ lại được
cái tên...Trong lúc phân vân nghĩ ngợi, thì sự tác-ý của ý-thức khiến
những quang minh của nó hiện hành mạnh mẽ, để
mong chiêu dụ nhưng quang minh vi tế của Tàng
thức chuyển động chậm lại, và làm nổi lên cái âm thanh của tên
gọi đã lãng chìm trong đó. Và nếu những âm-hưởng (ré sonance) chiêu
dụ đạt tới đúng mức, thì ta sẽ nhớ lại...
Vì nhớ quê cùng trái núi, nên ông B lên đường trể vể.
Khi về đến xử sở cùng trái núi, thì những quang minh hư-minh cùng
kiên-cố của 5 thức trước lại có đủ cơ duyên để hiện
hành mạnh mẽ. Và sự hiện hành này lại chiue6 cảm sự chuyển-hiện
tương-ưng của Tướng-phần, và trái núi lại xuất hiện rõ rệt lồ lộ.
Nhưng nếu tỷ dụ như trong khi ở xa xứ, ông B không
phải là 1 khách thương, mà là 1 hành giả có sức quán
chiếu cao độ...Thì ông chẳng cần phải nhìn thấy trái núi,
chỉ cần dùng định lực quán chiếu, kết
tập những quang minh dung thông thành 1 ảnh
tượng Định-quả-sắc về trái núi, rõ rệt lồ lộ....Hoặc cao hơn nữa, ông có
thể quán chiếu tiêu trừ Sắc-thọ-tưởng-han-ấm, rồi lọt
vào Tàng thức.Và mở được Tâm nhãn. Và như thế, thì vẫn nhìn thấy rõ
rệt trái núi, vì quang minh vi-tế của Tàng thức vẫn chi
biến và dung thông với mọi vật....Và mở được Tâm
nhãn có nghĩa là: không cần dùng đến phù-trần-căn, không dùng
đến những quang minh dung thông hay hư-minh hay kiên-cố...mà vẫn
thấy-nghe-hay-biết rõ rệt và xa hơn người thường.
Đối với tâm thức 1 chúng sanh, các sự vật đều
thường hư vọng ẨN HIỆN như vậy... Cho nên, trong kinh Lăng
Nghiêm, trang 365, Phật mới dạy rằng: “Ấy những hình tướng hư
vọng của các sự vật, nó cứ uyển-chuyển quanh lộn như vậy, không thể lấy gì
làm bằng cứ...”
Để thành tựu thêm 1 phần nữa cái nhãn quang
của chúng ta về LẼ ẤN HIỆN UYỂN CHUYỂN trong cái Vòng Thức biến,
thiết tưởng nên đặt thêm mấy câu hỏi sau đây:
5-HỘI NGỘ cùng CHIA LY là gì? Gặp nhau là như thế nào?
Chúng ta sống ở đời thường hay đau khổ vì
sầu Chia-ly, và vui mừng hớn hở mỗi khi hội ngộ trùng phùng.
Nhưng nếu nhìn theo Tuệ nhãn của nhà Phật thì hội-ngộ hay chia-ly là
gì?
Hãy lấy tỷ dụ 2 người bạn, ông A và ông B. Cả 2 cùng
là người Việt Nam, ông B hơn ông A vài tuổi, nhưng trong
khoảng suốt đời ở Việt Nam thì không hề gặp nhau.
Mãi tới gần 60 tuổi rồi, mới cùng di cư sang Hoa Kỳ, rồi gặp
nhau giao lưu đàm luận, rồi kết bạn đồng tu. Cùng tụng
kinh A Di Đà và kinh Lăng Nghiêm, và đều hồi hướng để
xin vãng sanh Cực lạc.
Vậy thì trong cái màn Huyễn-hiện của pháp
giới này, như thế thì là thế nào?
Có thể nói rằng: trong cái màn huyễn-hiện ấy, cả 2 A và B, cũng
như mọi sự vật khác, đều là những cơn lốc quang minh, xoay tròn và di
động do sức hành của Nghiệp,cũng lãng đãng ở nơi Chân-không, rồi đến kiếp
này cùng chuyển-hiện khởi lên thành 1 hình-tướng, gặp gỡ giao
du 1 thời gian tức là trao đổi với nhau 1 số làn
–sóng quang minh, rồi sau đây ít năm, lại cùng lần lượt biến đi,
chuyển sang 1 hình thái hay hình-tướng, gặp gỡ giao du 1 thời
gian tức là trao đổi với nhau 1 số làn sóng quang
minh, rồi sau đây ít năm, lại cùng lần lượt biến đi, chuyển sang 1
hình thái hay hình-tướng khác...
Cả 2 đều do thức biến, chiêu cảm bởi những
chủng-tử Nghiệp-lực để hội tụ hay làm phát xuất các thứ quang minh...Trong
cái màn tương-sanh-tương-duyên, thì cả 2, cũng như mọi sự vật khác, đều chẳng
phải là một, cũng chẳng phải khác.
Chẳng phải một là vì mỗi người kết-tụ những vọng-tưởng kiên-cố
thành 1 hình tướng khác nhau, kết tụ những vọng-tưởng hư minh hoặc dung
thông thành những cảm thọ hoặc tâm tưởng khác nhau...
rồi có những hoạt dụng khác nhau, như ông B thì làm chủ nhà in còn ông A thì
làm giáo sư. Rồi mỗi người đều lấy vợ đẻ con, giàu nghèo tùy
theo nghiệp lực riêng biệt.
Nhưng cũng chẳng phải là khác. Vì sao? ...vì cả 2, cũng như các
sự vật khác, đều cùng KHỞI lên từ cái Biển Diệu tâm ấy, và cùng đều
DÍNH MẮC luôn luôn với nhau bởi cái màn thiên-la-võng quang
minh hư-vô-vi-tế chu biến khắp giáp của cái Hiện-thức Sơ
năng biến của Tàng thức. Do đó, ông A luông luôn hiện hữu ở
nơi tâm thức hay Tàng thức của ông B, và ngược lại cũng
vậy...Ông B ra đời thành hình tướng người trước, trong khi ông A có
lẽ còn lãng đãng ở một nơi hay cõi nào khác. Nhưng ngay lúc đó, cả 2 đều dính
mắc do cái màn quang minh hư vô vi-tế.
Tới khi cả 2 cùng ra đời, rồi cùng lớn lên, và trong 60 năm
không hề GẶP NHAU, và cũng không hề nghe nói tới nhau.
Không hề GẶP NHAU nghĩa là gì?
Nghĩa là: tuy vẫn hàm chứa trong Tàng-thức cái ảnh-tượng về nhau
DỆT bằng những quang minh hư-vô-vi-tế, nhưng họ chưa có CƠ
DUYÊN để khiến cho những quang minh kiên-cố, hư-minh, dung-thông
của 6 thức trước có thể HIỆN HÀNH mạnh mẽ, tạo dựng thêm những
ảnh-tượng hoặc tâm-sở bổ xung, để bồi đắp tô-điểm thêm cho cái ảnh-tượng vi-tế
kia trở thành rõ rệt lồ lộ.
Tới khi cùng di cư sang Hoa Kỳ, thì mỗi người ở một miền
biển...Nhưng 1 ngày nào đó, 1 bài báo viết về Kinh Lăng Nghiêm bởi
ông A và đăng trên báo, đã lãng đãng bay từ miền Tây sang miền Đông, và lọt vào
tay ông B...Ông B đọc và thấy xúc-động.
Như thế là: qua hình tướng của bài báo,
những quang minh dung-thông của bài báo, những quang
minh dung-thông của ý-thức ông A đã được PHỔ vào đó, rồi bay tới GIAO THOA
với những quang minh dung-thông của tâm thức ông B... Ông B
xúc-động, bèn sinh hảo cảm, tức là làm phát xuất một luồng quang
minh hư-minh, rồi nảy sinh ý-muốn đi sang miền Tây, tìm gặp ông A.
Khi gặp nhau rồi, thì tất cả mọi tầng lớp quang
minh, từ kiên cố đến hư-vô vi-tế, đều hiện hành mạnh
mẽ...ngày càng ăn sâu vào tâm thức đôi bên...Và 2 người kết
thành bạn đồng tu, luôn luôn gặp gỡ đàm luận khuyến tấn.
Tỷ dụ như trong ít năm nữa, một trong 2 người mạng
chung trước. Và đó là CHIA LY...Nhưng chia-ly chỉ có nghĩa là: cái
hình-tướng thô kệch dệt bằng những quang minh kiên
cố bị tan rã, những tâm-sở dệt bằng những quang
minh cùng dung thông cũng mờ nhạt lần lần. Nhưng vẫn còn cái
ảnh-tượng dệt bằng quang minh hư-vô-vi-tế lần lần chìm vào Tàng
thức.
Nhưng nếu người chết trước được vãng sanh Cực lạc,
hoặc thọ sanh làm 1 quỷ thần oai đức, rồi trở lại BÁO MỘNG
cho người kia, thì lúc đó, cái ảnh-tượng dệt bằng quang
minh dung-thông lại xuất hiện lồ lộ trong mộng.
Hội-ngộ và Chia-ly chỉ là như vậy....
6. MỘNG là gì?
Để làm sáng tỏ thêm lẽ Ấn-Hiện của sự vật, thiết tưởng
cần nói thêm mấy câu về Mộng.
Chúng ta ai nấy đều thường có những mộng-mị,
và trôi nổi theo cuộc sống, ta cũng thường lười biếng không muốn suy
ngẫm tới, và rồi lãng quên đi...Nhưng thực ra, MỘNG là một vấn
đề lớn nếu chúng ta muốn hiểu về cơ cấu nhận
thức của con người. Và đó cũng là 1 cửa ngõ (tuy cửa ngõ còn xa vời)
hé-mở để đi vào Diệu tâm.
Do đó, nên các nhà luận-sư kia cũng bàn cãi rất nhiều
về mộng, và Đại trí độ luận cũng nói đến mộng...Bộ Tân ước cùng
Cưu-ước của Thiên-chúa giáo cũng luôn luôn được điểm xuyết bằng những giấc
mộng của Joseph tức là người cha nhân thế của Chúa Ki-Tô. Những
bộ Áo-nghĩa-thư (Upanishads) của Bà la môn giáo cũng hay nhắc
tới trạng thái mộng cùng trạng thái Thức.....Và hiện nay,
cả người Mỹ lẫn người Nga cũng đã đều dựng lập mấy trung-tâm nghiên
cứu về những hiện tượng ngủ và Mộng.
Nhưng ở đây, chỉ cần nói sơ lược về đại ý.
Thông thường, chúng ta đều chạy theo cuộc
sống và trôi theo sức Nghiệp của những vọng-tưởng kiên-cố, nên ta hay coi những
cảnh-giới của mộng HƯ, và đinh ninh rằng những cái trông thấy ở trạng
thái Thức là THẬT.
Nhưng thực ra, nếu suy ngẫm kỹ và nương theo Tuệ-nhãn của
nhà Phật, thì Mộng cũng chẳng phải là hoàn toàn HƯ, và Thức cũng
chẳng phải hoàn toàn THẬT.
Tại sao vậy?
Là vì nếu mộng là hoàn toàn hư, thì tại sao lại có
những cơn mộng báo trước 1 cách khá chính xác những việc
sắp xảy ra. Tỷ dụ như 1 tai nạn xảy ra vài ngày sau, hoặc
cái chết hay bịnh nặng của 1 người thân ở xa?!?...Sở dĩ có như
vậy được là vì những sự việc sắp xảy ra, sắp LÓE NỞ ra ở bình diện
những quang minh Kiên-cố, thường bao giờ cũng được ÁNH ra trước
(projecter) trên những bình diện quang minh vi-tế hơn. Và ở mỗi 1
bình diện quang minh, thì sự chuyển hiện của Không-Thời gian cũng đều có
sự khác biệt...Do đó, nên kẻ hành giả tu hành lọt vào những
bình-diện vi-tế, mới có thể có những khả năng kỳ đặc (thần thông hay
siddhis) khác với người thường.
Là vì cảnh giới Mộng hay cảnh giới Thức cũng
đều chỉ là những Hư-ảnh do nghiệp lực chiêu cảm làm LÓE lên,
cũng đều là huyễn-mộng cả. Chỉ khác nhau ở mức-độ huyễn-hiện hay vọng-hóa mà
thôi.
Là vì cảnh mộng mị thường là được dệt nên bởi những quang
minh của lạc-tạ-ảnh-tử, những quang minh dung-thông hoặc hư-minh
của suy-tưởng và cảm-thọ…Trong khi những cảnh giới Thức thường cũng
được dệt nên bởi các nét chấm phá SÂU ĐẬM của các thứ quang
minh thô-kệch kiên-cố được hiện-khởi lên do Biệt-nghiệp và Cộng-nghiệp. Do
đó, chúng xuất hiện rõ rệt lồ lộ trước cả 6 thức, và ta dễ coi chúng
là THẬT.
Trên đại lược, mộng hay mị có thể xuất hiện trong
giấc ngủ của ta, từ nhiều phía:
-Từ 5 thức trước: tức là từ những cảm thọ mơ
hồ của 5 thức này.
Tỷ dụ như khi ta ngủ trong 1 căn phòng oi bức, thì có
thể chiêm bao thấy mình đương đi qua 1 bãi sa mạc. Hoặc khi Hỏa-đại
trong cơ thể bốc lên bừng bừng, có thể mơ thấy mình đương bay.
Những vụ đó thường được gọi là mị, tức là vẫn vơ, không hay
ho gì mấy.
- Hoặc từ ý-thức: tức là do sự nhớ-tưởng vẩn vơ, nên tạo
dựng nên những bóng dáng lạc-tạ-ảnh-tử.
- Hoặc từ những ẩn-ức lo sợ mong cầu, nổi lên từ nơi u-ẩn của
Hành-ấm, tức là từ Mạt na thức chấp ngã…Những điềm mộng này thường kỳ
dị sâu xa hơn, đôi khi ứng nghiệm chân xác..Tỷ dụ như khi có 1
người thân ở xa và lâm bệnh nặng, thì sự lo ngại thấp
thỏm trong tiềm-thức có thể tạo dựng 1 màn quang minh truyền cảm
đi xa. Và tỷ dụ như người ấy chết, thì có thể là có điềm mộng báo cho
biết…
- Hoặc từ bình diện mịt mùng chu biến hư-vô-vi-tế
của Tàng thức, mà nổi lên những giấc mộng. Những giấc
mộng này thường là những tia-nhìn (apercu hay glimpse) trực-giác thâm
mật sâu sa vào những cảnh-giới mông lung siêu xuất nhất của thế
giới vô sai biệt, tức là những visions. Nên kẻ phàm phu chúng
ta đều chưa thể có những mộng ấy được. Phải là những kẻ tu
hành khá cao, thân tâm hầu như thanh tịnh, ngã-chấp
đã tiêu trừ gần hết, lọt vào Tàng thức, thì trong giấc ngủ, lãng
đãng mới có thể có những vision này.
Trong những giấc mộng này, kẻ hành giả có
thể có những tia-nhìn trực giác lãng đãng mới có thể có những
tia-nhìn trực giác lãng đãng, siêu xuất Không-Thời gian cùng
sự nhận thức thông thường. Tỷ dụ như: nhìn thấy những sự
việc của kiếp trước, hoặc những việc sẽ xảy ra ở 1 tương lai tương
đối xa vời hoặc trực nhận thấy Vật và Tâm đều là Nhất-như
(Oneness), hoặc mình với pháp giới là một, hoặc thấy sự
thành-trụ-hoại-không của một vài cõi, hoặc thấy rõ tính
cách huyễn-mộng (Maya) của pháp giới, thấy các cõi nổi lên như những
áng-mây rồi lại tàn lụi rụng đi như những chiếc lá..Hoặc thấy sự không-ngằn-mé
của các cõi….
Trong những bộ Đại luận của nhà Phật, cũng có nói vài điềm mộng
của bậc Đại Bồ tát, tỷ dụ như: mộng thấy mình nằm gối đầu
vào núi tu di, còn tay phải khuấy biển nam. Hoặc mộng thấy có cỏ cát
tường kiên cố từ nơi rốn mọc lên rồi khắp giáp che cả hư-không..Hoặc
thấy các loài chim nhiều màu từ 4 phương bay lại rồi chui cả vào thân mình…Hoặc
thấy mình đi trên những phân-uế mà không bị ô nhiễm…
- Hoặc là do những thần linh lớn hay quỷ
thần nhỏ tác động vào tâm thức của kẻ nằm
mộng, chiêu cảm bởi sự cầu nguyện hay mong cầu lo
lắng của kẻ đó.
Trên đại lược, mộng-mị là như vậy. Thực ra,
sự xuất hiện của mộng có nhiều ngõ ngách quanh co khúc
khuỷu, nói ra thì quá dài.
Trong Kinh Đại Bát Nhã, ngài Xá Lợi Phất có
đặt một câu hỏi về mộng, là: Kẻ nằm mộng có tạo Nghiệp không: Tỷ
dụ như khi nằm mộng thấy mình GIẾT người, thì có tạo nghiệp
không?
Nương theo giáo lý nhà Phật, có thể trả
lời rằng: mọi hành vi tạo tác cũng như tâm niệm, trên
nguyên tắc, đều tạo nghiệp hết. Nhưng cần nhớ rằng phước
báo hay công đức, hay nghiệp báo, đều không phải là khư khư cố
định, đều là do Tâm biến hiện, nên các thứ đó đều chuyển hiện, biến-hiện Có thể
tăng hay giảm, nặng hay nhẹ đi…Ăn thua là ở trạng thái tâm
thức tiếp theo sau khi tạo nghiệp. Nếu biết ăn năn hối
hận hoặc phá-lồ xám hối thành khẩn thì nghiệp sẽ nhẹ
đi,. Tỷ dụ như vua A Xà Thế, tạo nghiệp giết cha, nhưng rồi
biết ăn năn xám hối khóc than ngày đêm, nên chỉ bị hiện
tướng địa-ngục trong 1 thời gian, rồi lại rũ được nghiệp, như
trong kinh Đại Bát Niết Bàn có nói.
Hoặc nếu cao hơn nữa, quán chiếu nổi Vô
sanh diệu quán được đúng mức thì nghiệp nào cũng tiêu ta.
Nhưng nếu trái lại, sau khi tạo nghiệp rồi, kẻ ngu
lại lấy làm đắc ý vênh vang, hớn hở vui mừng, thì nghiệp lại
biến hiện NẶNG thêm. Và nghiệp nhỏ vẫn đưa đến quả báo nặng, cũng có
thể đọa địa ngục.
Lẽ biến-hiện của Tự-tâm là như vậy…Cho nên, kinh Đại
Bát Niết Bàn dạy: “ Kẻ trí có thể chuyển nghiệp nặng thành
quả báo nhẹ, còn kẻ ngu thường hay chuyển những nghiệp
nhẹ thành quả báo nặng. tương tự như 1 cây kim nhỏ, tuy nhẹ
nhưng bỏ xuống nước vẫn chìm nghỉm. Trong khi 1 chiếc thuyền lớn, tuy rất nặng,
nhưng vẫn nổi và đi qua biển lớn…” Vậy thì cần phải biết chuyển
nghiệp, tức là biết cách biến-hiện những nghiệp cùng công đức của
mình…
Vậy thì nếu trở lại mộng, nằm
mộng thì cũng vẫn tạo nghiệp. Tỷ dụ như nằm mộng thấy
mình giết người, thì vẫn tạo nghiệp…Nhưng đó chỉ là tạo nghiệp trên ý mà thôi,
nghiệp chưa đến thân…Nếu người đó tỉnh dậy rồi quên đi, chẳng nghĩ gì
cả, thì nghiệp vẫn ở ý, và là nhẹ. Nếu người đó tỉnh dậy, nghĩ nhớ
và ăn năn hối hận mạnh mẽ, thì nghiệp-báo lại nhẹ hơn nữa.
Nếu trái lại, khi tỉnh dậy, nhớ lại rồi đắc ý vui
mừng hớn hở, thì nghiệp-báo trở thành nặng, và có thể đi
vào thân-nghiệp.
Tóm lại, sự hiến hiện của Nghiệp-báo rất là mông lúc khúc
khuỷu, và chỉ có Phật mới đủ nhãn lực để nhìn rõ các thứ nghiệp
báo của chúng sanh. Đại Bồ tát ở đệ-thập địa cũng chưa nhìn
rõ được hết.
7-CÁI Ô-TÔ, hay TÀU BAY có DUY THỨC, có DO THỨC
BIẾN không?
Chúng ta hiện sống giữa 1 thời đại cực cơ
khí, trong đó máy móc thường nghiền nát tâm thức con người,
khiến tâm thức nhiều khi bị lạc lõng, hoài nghi không hiểu
rằng con người có còn 1 chút giá trị gì không? Nên khi
đọc giáo lý nhà Phật để tìm cái nguồn sống nguyên sơ của mình, rồi đọc
đến Duy thức học, đến cái Vòng huyễn-hiện của Thức biến….rồi lại nhìn
chiếc ô tô đương chạy vù vù, do đó nhiều người thường băn khoăn tự hỏi: “Đành
rằng những sự vật thiên nhiên thì có thể là do những quang
minh của vọng tượng xoay vần miên viễn rồi cô đọng lại
và kết tập nên những ảnh tượng ấy…Nhưng còn chiếc ô tô hay
máy bay đương chạy hay bay vù vù kia…thì làm sao có thể bảo là Thức
biến được?!!”
Ấy thế mà vẫn là do Thức biến….Nếu ta suy ngẫm kỹ độ vài ngày
hay vài năm về điểm này, đem trí huệ gột bỏ những mặc
cảm kiến chấp để phân tích về cái ô tô, thì lần lần sẽ thấy rằng cái
ô tô ấy cũng chỉ có thể là Thức biến, và không thể khác được…Có điều là so
với sự vật thiên nhiên như trái núi, giòng sông, cái ô tô được tạo dựng
nên bởi sự chồng chất thêm nhiều tầng vọng-thức nữa…Là vì xét cho kỹ,
thì tất cả mọi sự hoạt động hay chế biến LĂNG XĂNG ngang
dọc của con người, hay của 1 loài chúng sanh khác, cũng đều chỉ
là sự chồng chất chằng chịt những tầng vọng-thức để đạt tới một
hiệu-năng (efficience) nào đó mà thôi. Mà hiệu-năng thì chưa phải là Chân
lý, chưa soi sáng được cỗi nguồn của sự vật….
Do đó nên các giáo lý, nhất là giáo lý nhà Phật…,
mặc dù nhiều phen chìm nổi do cái tâm cơ đa đoan khúc mắc
của con người, vẫn cứ tiếp tục tồn tại hoài hoài
để soi sáng về Cỗi nguồn sự vật.
Thực ra, thì cái ô tô, hay máy bay, hay tàu ngầm nguyên tử, hay
đĩa UFO chăng nữa..cũng có gì là lạ đâu?! Dù con người có chế tạo đến
cái gì chăng nữa, thì khoa học cũng chẳng thể đi ra khỏi được Lời Kinh xưa.
Cũng tương tự như xưa kia, Tôn ngộ không đi hoài trong
bàn tay Phật Tổ Như Lai, hay ngài Thiện Tài đi hoài đi hủy
trong lỗ chân lông của ngài Phổ Hiền, mà vẫn chẳng thoát ra khỏi…Trái lại,
những khám phá mới của khoa vật lý học ngày nay lại bắt
buộc những nhà khoa học phải trở lại những chiều hướng đã được giảng
dạy bởi lời kinh xưa. Chỉ là vì đó mới là Chân lý rốt ráo.
Cái ô tô được kết tập nên bằng gì? Bằng những mảnh
sắt.
Mảnh sắt được cấu tạo bằng gì? Bằng sự hội tụ
của vô lượng nhân duyên, tức là những cái tạm gọi là cực-vi hay
vi-trần của sắt.
Cực-vi hay vi-trần ấy là cái gì?..Đến kích-độ ấy, thì chúng đâu
có thể coi là vật được nữa, đâu có thể gọi là vật?!? Cũng không có
thể quyết định là lượng-tử hay là ba-động (corpuscule hay onde). Vì
chúng chỉ là những ÁNH BIẾN HIỆN óng ánh của quang minh, lúc ẩn lcu1 hiện,
lúc tụ lúc tán. Tụ thì hiện hình tướng, tán thì tiêu dung vào chốn
mịt mùng vô tướng mạo.
Còn quang minh là gì? Quang mình là sự hiện
tướng của tâm thức, của Thức biến, của Diệu tâm….Trong tất
cả pháp giới này, chỉ có MỘT cái đó là nguồn Tinh-lực-uyên-nguyên
và duy nhất mà thôi. Ngoài ra, tất cả những nguồn năng
lượng (energie) khác mà khoa học tìm ra như than đá, dầu hỏa,
điện-khí , ánh nắng mặt trời, hay nguyên-tử-lực…cũng chỉ là
những nguyên nhân tạm bợ và huyễn hiện do nghiệp-lực loài
người chiêu cảm mà thôi.
Vậy thì những mảnh sắt ấy đã lọt vào bàn tay của người, với
bộ óc so đo phân biệt. Bộ óc này không thể hiểu nổi cái bản-lai-diện-mục
của mảnh sắt là gì, nên đành tìm cách sử-dụng nó vậy…Con người bèn
khởi lên nhiều vọng-niệm liên tiếp chồng chất, để cắt xén, giáp nối,
đúc kết… những mảnh sắt lại thành 1 hình thù ô-tô. Rồi nhét vào đó 1 ít dầu
lửa Thức biến, làm phụt lên 1 ngọn lửa điện-khí cũng là do quang
minh Thức biến, ngọn lửa bèn đốt cháy tiêu dụng chất dầu hỏa để
biến-hiện thành một sức-ép đẩy đi đẩy lại chiếc piston, truyền vào chiếc bánh
xoay tròn. Và chiếc xe chạy vù vù, chở người và chở ngựa.
Nhưng thực ra, tất cả cái màn huyễn-hiện ấy có gì
là THẬT TÁNH đâu, chỉ là huyễn-hiện của Thức biến, như Kinh
Lăng Nghiêm đã dạy…Chúng ta nhìn chiếc xe chạy vù vù như thế, thì
không thể không THẬT được.
Xong nghĩ kỹ ra, thì ngay sự chuyển động-vù-vù của nó
cũng KHÔNG THẬT KHÔNG HƯ, cũng chỉ là một ảo giác, một vọng
tưởng của chính ta mà thôi…Vì trong tất cả pháp-giới này, bất cứ cái gì,
từ cực tiểu đến cực đại, cũng đều lay động rung chuyển cả. Và nếu cái gì cũng
lay-động , thì làm sao lai có thể có sự chuyển-động THẬT SỰ được?!? Bởi vậy,
nên trong cái màn huyễn-hiện của Thức biến (trame fantasmagorique),
chỉ có sự đổi-thay-chuyển-hiện (change) làm huyễn hiện nên sự chuyển động, chứ
không hề có sự chuyền động thật sự.
Đến đây, thiết tưởng cần nhắc qua tới những dữ-kiện
hoặc khám phá mới của nền tâm-linh học hiện đại. Những dữ
kiện này đều được nói tới trong cuốn “Psychi discoveries behinhd the Iron
curtain” chúng đã khiến các nhà khoa học boăn khoăn không ít, và đều chứng
minh những điều giảng dạy bởi lời kinh xưa.
Xin lược kể sau đây:
a)-Phương thức chụp hình Kirlian: (Kirlian photographie):
Một nhà bác học người Nga, tên Kirlian, đã tìm a một
phương thức chụp hình người và các vật, người hay vật đều được đặt vào trong 1
điện-từ-trường (champ electro-magnetique) có tần-số cao (haute frequence).
Khi chụp hình người, thì thấy thân thể người
đều tỏa ra 1 vầng ánh hào quang (aura), khá rực
rỡ lấp lánh đầy tia sáng, tương tự như 1 cảnh
tượng mặt trời mọc tại miền Bắc cực.
Khi chụp hình 1 chiếc lá còn tươi tốt cũng thấy tỏa
ra những tia sáng lấp lánh, tương tự như
những ngọn đèn của 1 thành phố ban đêm. Khi chụp 1 chiếc lá khô, thì
thấy những tia sáng vẫn tỏa ra, nhưng mờ nhạt hẳn đi.
Chụp những đồng tiền đúc bằng kim khí, hay các vật
khác, cũng thấy tương tự như vậy…
Điều đó chứng tỏ pháp giới này đều được dệt
nên bằng quang minh, như Kinh Phật đã giảng dạy…Có điều là những vầng aura
ấy, thì mắt ta chưa thể nhìn thấy được. Và so với vầng hào
quang của chư Đại Bồ Tát, thì hào quang của người tối đen và
ngắn ngủi, và con người cũng chưa biết cách thanh tịnh hóa
cùng sử dụng vầng hào quang ấy..Như trong kinh Đại
định Thủ Lăng Nghiêm có nói: khi một Đại Bồ
Tát nhập Thủ Lăng Nghiêm tam muội và phóng hào
quang sáng lạn rực rỡ vô ngần, thì các vầng hào quang đẹp
đẽ của các vị vua trời trở thành tối đen như đống mực…
Ngoài ra, tuy chụp thấy như vậy, nhưng các nhà bác
học vẫn chưa có thể hiểu rằng tất cả những màn lười quang
minh chằng chịt ấy đều phát xuất ra từ nơi tâm thức của
các chúng sanh từ thời vô thủy, và do nghiệp lực chiêu
cảm.
b)-Hiện nay, khi nghiên cứu về trạng
thái NGỦ và MỘNG, các nhà bác học thường gắn vào những khu não
bộ của 1 người đang ngủ…Và họ nhận thấy rằng não bộ luôn luôn phát ra
những làn sóng điện (brain waves), tức quang minh.
Nhưng họ vẫn chưa có thể hiểu rằng não-bộ cũng chỉ là 1 bộ phận,
1 CĂN thô phù mà thôi. Và cái cỗi nguồn thật sự làm phát xuất những
luồng quang minh ấy chính là cái Thấy-nghe-hay-biết Hư-minh le lói
của con người, và dính mắt với Diệu tâm.
c)-Một viên cảnh sát trưởng người Mỹ, đi truy lùng
1 tội phạm, tới 1 bãi đậu xe để tìm kiếm. Nhưng chiếc xe của tội
phạm đã rời khỏi nơi đó mất rồi…Ông bèn lấy 1 máy chụp hình sử
dụng ánh sáng infra-rouge để chụp nơi chỗ đậu xe bỏ trống. và trên tấm
hình HIỆN ra bảng số xe của kẻ tội phạm.
điều này chứng tỏ rằng sự vật đều được dệt nên
bằng quang minh. Và khi vật rời đi nơi khác, vẫn còn lưu lại trên môi
trường hư-không 1 ảnh-tượng dệt nên bằng những thứ quang minh mà mắt
người không nhìn thấy.
d)-NHÌN mà không cần mắt: (Eyesless sight):
Tại 1 tiểu bang Nga, có 1 người con gái tên là Rosa trạc
ngoài 20 tuổi, nhưng bị mù từ năm lên một. lớn lên, cô ngồi buồn, thường lấy
tay rờ mó các thứ đồ vật cùng sách báo, và trong lúc miên man rờ mó,
cô CHÚ TÂM LẶNG Ý mong cầu muốn BIẾT những màu sắc cùng chữ
nghĩa. Cô cứ làm hoài như vậy trong 6 năm trời. Rồi lần lần, cô biết được các
màu sắc, và đọc được các thức chữ trong sách báo, như 1 người có mắt sáng.
Các nhà bác học đổ xô lại để trắc nghiệm cô ta.
Nhưng đều phải nhận rằng Rosa đọc sách bằng tay, như một người mắt sáng…Họ bèn
gọi cái hiện tượng kỳ lạ: đọc bằng tay ấy là Dermo-optic, và
đương nghiên cứu một cách training để dạy cho những người mù khác.
Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm, từ xưa rồi, Phật đã dạy
rằng: con người ta nếu biết tu tập, thì không cần đến
phù-trần-căn như mắt hay tai, vẫn có thể nhìn thấy hay nghe thấy. Như
ngài A-nậu-luật-đà, bị hư cả 2 mắt, mà vẫn nhìn thấy rõ và xa
hơn người thường rất nhiều.
Ngài vốn là 1 tỳ-kheo nhưng hay ngủ nhiều. phật quở ngài
là đồ súc sanh ham ngủ. Ngài buồn tủi, khóc hoài nên hư cả 2 mắt.
Phật bèn dạy ngài phép tu Lạc-chiếu-minh tam muội…Ngài tu trong ít lâu,
bèn đắc quả, và không cần đến đôi mắt, vẫn nhìn thấy rõng suốt mười
phương 1 cách tinh tường như nhìn 1 quả cây đặt trong lòng bàn
tay….”
Phép Lạc kiến chiếu minh tam muội là 1 pháp
môn tu tập thiền quán. Kẻ hành giả ngồi bán già
hoặc kiết già, giữ hơi thở nhẹ nhàng đều đặn, rồi lần lần
tập trung tâm ý để quán chiếu nơi điểm ở giữa-chặng-mày,
tức là nơi tướng bạch hào của Phật có 5 chòm lông xoáy về phía hữu.
Tập trung lần lần sẽ nhận thấy như những luồng quang
minh tâm lực dồn về nơi điểm đó. Tu tập tới mức thuần
thục cao độ, thì sẽ thấy mình quên hết hình hài quên ý-thức, lọt
dần vào Tàng thức. Lúc đó, tâm-ý của hành giả sẽ nhập một với
điểm giữa-chặng-mày, trở thành 1 khối bảo giác-viên-dung, tỏa
ra 1 màng quang minh cực kỳ vi tế, chu biến và
soi thấu 10 phương…Vì nơi đó có thể là cơ-sở, là 1 thứ phù-trần-căn
của Tàng Thức, của thiên nhãn và huệ nhãn. Do đó, nên không
cần đến mắt, vẫn nhìn rõ và xa hơn người thường rất nhiều. điều này
tuy không được nói rõ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhưng có thể suy
diễn ra từ những kinh sách khác dạy về thiền quán.
Trường hợp của Rosa không phải là như vậy. Cô ta là 1
người ở kiếp này không hề biết thiền quán. Nhưng chắc rằng đã có những
kiếp tu tập thiền quán, nên đến kiếp này sanh ra, đã có sẵn những khả
năng định-lực. Đến lúc nghiệp báo nở ra bị mù, rồi lớn lên, cả ngày
ngồi MIÊN MAN rờ mó, chú tâm lặng-ý, muốn BIẾT THẤY sự vật.
Sự miên man chú tâm lặng ý vào nơi đầu những ngón tay cũng là
một công phu tập trung tâm-lực…Đáng lẽ phải biết tập trung
vào nơi giữa-chặng-mày như ngài A nâu luật đà, thì kết quả sẽ rõ
ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự tập trung tâm lực của
Rosa đã dồn thêm được một số quang minh tâm lực di động tới
những đầu ngón tay, đạt được 1 thứ định nhỏ, lọt được ít nhiều
vào Tàng thức, và làm xuất phát những luồng tâm nhãn.
Nên tâm nhãn này cũng chỉ cục hạn, vì bắt buộc phải nhìn sự vật qua trung
gian của 1 thứ phù-trần-căn mới là những đầu ngón tay….
Bởi thế, nên trong kinh Lăng Nghiêm cũng dạy
rằng: khi kẻ hành giả tu Như-huyễn tam ma đề tới mức được
Bảo-giác-viên-dung và 6 căn hỗ dụng thì có thể dùng mắt để nghe được, hoặc
dùng tai đề thấy được…
e)-Thuyết mới về THỜI GIAN của NIKOLAI KOZYREV.
Dân tộc Nga, bị kìm kẹp 65 năm nay trong 1 nền
ý-thức-hệ vô thần đơn sơ và nông cạn, đã sản sinh ra một bộ óc
khá dị thường: Kozyrev. Khoảng mười mấy năm gần đây, Kozyrev đã tung
ra 1 số ý-kiến về Thời-gian gây khá nhiều xôn xao trong giới khoa học. bộ óc
và nghiệp lực của ông tuy chưa được độc đáo bằng Einstein, nhưng
cũng đặc biệt.
Khi mới bước vào việc nghiên cứu khoa học,
Kozyrev thường chuyên khảo sát về bầu khí quyển về mặt trời, mặt
trăng, về nhật-thực, nguyệt-thực, về quang minh tức radiations, và về
những thế cân bằng hay sô lệch giữa mấy thứ quang minh (radiations
equilibrium).
Khoảng 1950, ông có tiên đoán mấy điều về hỏa
tinh và mặt trăng, (tỷ dụ như nói rằng trên mặt
trăng cũng có núi lửa) khiến ông trở thành nổi tiếng.
Lần lần, ông bước sang nghiên cứu những tế bào
sinh cơ đơn sơ (protoplasme), cùng những vi-khuẩn. Ông nhận
thấy rằng các vi khuẩn thường hay hội tụ với
nhau thành những cộng đồng sinh hoạt (colonies) có những
hình thù cơ cấu theo kiểu XOÁY CHÔN ỐC.
Ông cũng nhận thấy rằng các tế bào
sinh-cơ thường có 1 cơ-cấu BẤT CÂN ĐỐI (structure asy mé trique). Ông
bèn nghĩ rằng chính cái tính chất bất-cân-đối ấy trong cơ cấu đã làm
phát xuất ra những luồng TINH LỰC, tức là SỨC SỐNG.
Lúc đầu, ông cũng chưa biết gọi thứ tinh lực ấy
bằng tên gì, nên tạm gọi là sức sống (life). Nhưng ông nghĩ rằng tinh
lực ấy khác biệt và siêu xuất hơn các thứ tinh lực thường thấy
tron hóa-học và cơ-học.
Rồi ông lại nghiên cứu những hiện
tượng thần giao cách cảm (té lé pathie). Rồi quanh quẩn trở
lại về khoa thiên văn, nghiên cứu những hiện
tượng tinh-tú-cặp-đôi (é toiles double).
Về tinh tú cặp đôi, ông nhận
thấy rằng: lúc đầu thì tinh tú nọ khác với tinh
tú kia, nhưng trải qua 1 thời gian lần lần cả 2
đều trở thành giống nhau. Nghĩa là mức- độ chiếu sáng giống nhau,
quang-phổ (spectre lumineux) cũng giống nhau.
Ông bèn nghĩ rằng: hai tinh tú ấy lần
lần trở thành giống nhau, thì chắc là có sự hỗ tương tác
động lẫn nhau. Nhưng cả 2 vốn cách nhau xa lắc xa lơ, cách
nahu cả một khoảng hư không mênh mông, thì làm sao mà tác động?! Chắc
là chúng ta phải phát ra 1 thứ tinh lực gì kỳ ảo lắm
mới tác động được. Mà tinh lực này thì chắc không phải là
hấp-dẫn-lực (force de gravitation).
Ông suy ngẫm loanh quanh luẩn quẩn như thế lâu
rồi, và không hiểu não-bộ cùng nghiệp lực của ông vận
hành ra sao, nhưng tâm thức ông đã nảy ra 1 tia
sáng mà ông coi là thần kỳ: “Phải rồi! Đúng rồi! Thứ tinh-lực kỳ ảo ấy chỉ
có thể là THỜI GIAN. Thời gian chính là 1 thứ TINH LỰC kỳ
ảo siêu xuất, nó khiến cho cái vũ trụ này có thể vận
hành và hiện hữu…Chắc là vậy rồi…”
Ông bèn gọi thứ Tinh lực đó là Thời-gian. Và ông
viết:
“Thời-gian là 1 tính chất quan hệ nhất và kỳ-bí
nhất của thiên nhiên. Nó không chuyển động chậm chạp như ánh
sáng đâu. NÓ XUẤT HIỆN TỨC KHẮC, và CHU BIẾN KHẮN NƠI CHỐN.
một đơn-vị thời gian, khi biến thể đi, thì tức khắc xuất
hiện khắp nơi. Thời gian dính mắc nối-liền tất cả chúng ta,
cũng như nối-liền tất cả sự vật trong vũ trụ…Nó là 1 hình thái kỳ ảo của
tinh-lực. Và chúng ta phải nhìn vào đó để tìm cái cỗi-nguồn của mọi
sự sống trong vũ trụ…”
Rồi ông loay hoay chế tạo đủ thứ các dụng cụ cùng đồng hồ,
để cố gắng đo lường MẬT ĐỘ (densi té du Temps) của tinh
lực đó, mật-độ của thời gian. Không hiểu những dụng cụ đo lường
ra sao, nhưng ông tuyên bố:
“Những ý-tưởng hay tâm-niệm của ta có ảnh
hưởng rõ rệt tới mật-độ của Thời gian. Trong lúc tôi làm trắc nghiệm,
nếu tôi nghĩ tới thơ phú hay 1 điều gì xúc động, thì mật-độ thời
gian vọt lên cao hơn là khi tôi nghĩ 1 vấn đề toán học.
Hiện tượng thần-giao cách cảm thường tùy
thuộc vào mật-độ thời gian. Nếu mật-độ này cao, thì rất dễ truyền
giao cách cảm…”
Có người hỏi ông: Ngoài trái đất này ra, có sự sống không?
Ông trả lời: Tôi chưa hề nhìn thấy, nhưng tôi nghĩ
rằng có rất nhiều xác xuất là có.
*
Chúng ta có thể nghĩ sao về những ý
kiến của Kozyrev…?
Thực ra thì giáo lý nhà Phật, nhất
là Kinh Lăng Nghiêm, có thể thương-xác dễ dàng về giá trị chân
lý của những ý kiến ấy.
Thực ra thì trong pháp giới này, sự vật nào
cũng được dệt nên bằng quang minh, quang minh nào cũng
là tinh lực, nên vật nào cũng là tinh lực cả. Một cực-vi,
nếu biến thể đi hoặc tan biến vào hư-không, đều có thể làm phát
hiện năng lượng.
Nhưng Kozyrev muốn đi tìm 1 thứ tinh lực siêu
xuất chu biến NỐI LIỀN các vật trong vũ trụ. Nếu ông
ta thích mệnh danh cái Tinh-lực-uyên-nguyên ấy là Thời
gian thì cũng vẫn được. nhưng ông ta cũng hơi giống như 1 trường-phái ngoại
đạo trong thời Đức Phật, vì phái này cũng tuyên xướng rằng Thời-gian
là thứ đại-chủng uyên nguyên đã tạo dựng nên mọi vật….Và chưa hiểu
rằng thời gian cũng chỉ là 1 tên gọi, một VỌNG TƯỞNG LỚN
dựng nên bởi tâm thức cùng nghiệp lực chúng sanh, để chỉ cho
cái Nhịp bước-bập-bềnh-giao-động của tâm thức. còn cái cỗi-nguồn uyên
nguyên của mọi thứ tinh lực thì là cái Tâm, rồi chuyển thành thức,
rồi phát ra quang minh, rồi kết nên mọi vật…
Tuy nhiên, Kozyrev đã lớn tiếng tuyên xướng được 2 điểm
có lợi ích cho việc tìm kiếm Chân lý của pháp
giới:
- Ông đã xác nhận rằng những ý-tưởng
hay tâm niệm của con người có ảnh hưởng tác
động vào mật-độ của cái thứ tinh-lực mà ông gọi là Thời gian. Tức là
có ảnh hưởng vào cái màn huyễn-hiện của sự vật.
Đó là 1 điều mà các nhà khoa học thường chưa ngờ tới.
- Thứ nhì là ông đã xác nhận rằng có những
thứ tinh lực có thể chuyển động cực kỳ thần tốc, mau lẹ hơn ánh
sáng rất nhiều..Trong khi trước kia, Einstein cho rằng không có sự chuyển động
nào có thể vượt qua được thế-tốc của ánh sáng. Sở
dĩ Einstein đã lầm lạc như vậy, là vì ông thường chỉ nghĩ tới
những vật có vẻ có trọng-lượng mà thôi.
Hiện nay, một số nhà khoa học rất tán thán khâm phục
Kozyrev…Tiếc thay là Kozyrev cùng các nhà khoa học đó đều chưa đọc
tụng Kinh Thủ Lăng Nghiêm, vì nếu đọc tụng rồi, thì sự tìm
kiếm sẽ dễ dàng hơn. Âu cũng là do cơ-duyên chưa chín mùi…
Tuy nhiên, trong giới khoa học gia, cũng vẫn
có 1 số người đã trực nhận thấy 1 phần Chân lý, như
Eddington hay Tames Teans… Eddington từng viết rằng: “ Nghĩ kỹ thì thấy
rằng vũ trụ này có vẻ giống như một TÂM TƯỞNG LỚN hơn là 1
bộ máy lớn…”
Chân lý về nhận thức quan của Kinh vốn
là rốt ráo liễu nghĩa, chỉ bày ra bởi 1 Bậc đã đắc ngũ nhãn, nên
dù khoa học có tiến xa mấy chăng nữa, cũng không thể ra khỏi lời Kinh
xưa. Tương tự như xưa kia, Tề thiên Đại thánh không
thể ra khỏi được bàn tay của Phật tổ Như lai, hoặc như
ngài Thiện tài đi hoài đi hủy cũng không ra khỏi được lỗ-chân-lông
của ngài Phổ hiền…Trái lại, khoa học càng tiến xa bao nhiêu lại càng chứng
minh cho những điều đã được giảng dạy bởi lời Kinh xưa…
Ngoài những dữ-kiện khám phá trên đây về
tâm-linh học, còn rất nhiều những hiện tượng khác nhau về khả năng
của tâm linh. Như trường hợp của Uri Geller, Edgar Cayce (Cayce
đã từng làm xôn xao dư luận Mỹ quốc, vì ông có thể vào giấc
ngủ thôi miên để chấn những bịnh nan y, cùng đọc được ít nhiều
việc về tiền kiếp…) ….., nếu nói hết thì quá dài….
Để kết thúc chương này, thiết tưởng cần luôn
luôn nhớ rằng ở kiếp sống nào cũng vậy, chúng ta hoặc mỗi chúng
sanh thường sống BAO BÂY BỞI QUÁ KHỨ. Tất cả những gì xuất
hiện trước mắt ta, hoặc trước 6 căn, dù là ở thân
căn chánh báo hay là quốc-độ y báo, cũng đều được LÓE lên, DỆT
nên, kết tập nên bởi những quang minh do sự suy động
của Nghiệp lực từ Vô thủy…Và Nghiệp-lực tức là QUÁ KHỨ. Nghiệp
có thể gần hay xa, nặng nề hay nhẹ nhàng, u-ẩn hư-minh hay là kiên-cố. một
vì tinh tú ở xa với đối với ta, tuy mắt ta không nhìn thấy, những
cũng phát khởi từ những chủng-tử nơi Tàng thức, và là hiện
tướng quốc-độ của 1 thứ nghiệp xa với. còn những gì xuất hiện ở
nơi thân-căn chánh báo hay ở trước mắt ta thì là những
nghiệp thân cận và gần.
Vậy thì ta ngày nay, tức là hiện-tướng của cái
Quá-khứ mênh mang mịt mùng, gồm những kiếp số không thể tính đếm.
Nhưng ta cũng hàm chứa HIỆN TẠI.
Hiện tại ấy là như thế nào?
Nó chỉ được thu gọn nơi 1
khoảnh-khắc-cực-kỳ-ngắn-ngủi-hư-ảo, nơi một sát-na, một tâm-niệm. và tâm-niệm
này thì luôn luôn chuyển hiện, vừa PHỤT lên đã TẮT đi rồi.
Nhưng tuy nó ngắn ngủi hư ảo như vậy, nó cũng
lại rất là kỳ-diệu, vì nó là biểu-tượng cho cái khả năng tự do, tự
tại, khả năng cứu độ và giải thoát của mỗi chúng
sanh, biểu tượng cho cái Thần-lực của Diệu tâm. Và nếu ta biết
giữ tâm-niệm ấy không 1 gợn kiến chấp, không 1 bợn tình nhiễm, thì lần
lần, nó sẽ chiếu soi, sẽ phổ vào cái biển nghiệp mịt mùng, khiến
cho biển nghiệp sẽ tiêu dung, và lúc đó thì sơn hà đại
địa cũng không còn một mảy mún vi-trần…
Quá khứ-Hiện tại-Vị lai cũng là 1 Bộ Ba (Trinity)
trong giáo lý nhà Phật, tương tự như những Bộ ba khác như:
Căn-Thức-Trần hay Phật-Pháp-Chúng sanh hay Người đi- Tác động Đi-
Quãng đường đi qua…
Quá khứ luôn luôn giao thoa và chiêu cảm Vị
lai. Và điểm giao thoa của chúng nằm ở Hiện tại, tức là một Tâm-niệm hiện
hành…Nếu tâm-niệm này có đủ sức để trở
thành MỘT-NIỆM-VI-MẬT-HIỆN-TIỀN-AN-TRỤ-TỊCH-TĨNH, thì nó sẽ ĐỨNG LẶNG
và SÁNG NGỜI, tỏa hào quang chiếu soi khắp cả. và lúc đó,
cả Quá khứ lẫn Vị lai đều tiêu dung không tăm tíc trong cái
biển Trí huệ nhìn rõ thấy 3 đời đều Bình đẳng, không một cũng
không khác..
Cũng như đối với Căn-Thức-Trần, cái điểm giao thoa
và chiêu cảm giữa Căn và Trần là Thức…Nếu cái Thức tâm này
của chúng sanh có thể gột sạch được mọi gợn vọng-tưởng cùng
vọng-tình, để trở thành ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc đó, Căn
và Trần đều tiêu dung, không còn 1 mảy mún Trong hay Ngoai, hoặc Chủ hay Khách.
Cũng như đối với Phật-Pháp-Chúng sanh, thì cái điểm giao
thoa và chiêu cảm giữa Phật với Chúng sanh là cái
Tâm-niệm hiện hành theo đúng Chân-Pháp. Nếu cái tâm-niệm này
có đủ sức để trở thành ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc
đó, cả Phật lẫn Chúng sanh đều tiêu dung, và quách nhiên
không còn 1 vết tích là Phàm hay là Thánh.
Cũng như đối với Bộ ba Người Đi-Tác động Đi- và Quãng đường đi
qua, thì điểm giao thoa và chiêu cảm là Tác
động Di-…và nếu tác-động thi-vi này được diễn ra dưới ánh sáng của cái Tâm
Như-như-tịch-tĩnh ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc đó, cả Người đi
lẫn con Đường đều tiêu dung, không còn 1 vết tích gì là Lay-động hay
Không lay động cả, là hữu tác hay vô tác…Hoặc lấy 1 tác
động khác như 1 người đứng rửa bát chẳng hạn. Nếu quán chiếu lâu
như vậy, thì sẽ thấy rằng cái bát là không, người cũng không, và tác
động cũng không. Và tất cả chỉ là 1 màn huyễn-hiện của Diệu Tâm…
LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG 5
CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, ĐỘ NHẤT
THIẾT KHỔ ÁCH
6 NHẬP, 12 XỨ, 18 GIỚI LÀ ĐỂ ĐỐI TRỊ NHỮNG KIẾN
CHẤP GÌ?- 5 ẤM LÀ GÌ? TƯƠNG XỨNG VỚI 8 THỨC CÙNG NGŨ
TRƯỢC NHƯ THẾ NÀO? – PHÁP MÔN: CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI
KHÔNG, ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH.
Trên kia đã nói về cái vòng huyễn-hiện của Thức biến, về
bí-ẩn bộ ba của Căn-trần-thức, về Lẽ tương-sanh-tương-duyên của chúng tức là Lẽ
Đắm nhiễm dính mắc Huyễn-khởi-tương-ưng….đồng thời đã phân
biệt liễu-tri rành rẽ thế nào là Căn, thế nào là Trần, là Thức, thế nào là
vật, là Vi-trần, thế nào là Mộng, là trạng thái Thức…và nói về lẽ
Ẩn-hiện uyển chuyển chập chùng của các ảnh-tượng. Đồng thời, có
nhắc sơ lược về những dữ-kiện khám phá mới của Tâm
linh học…
Thực ra thì nền giáo lý của Chư Phật
Thế TÔng trước sau cũng chỉ cốt dạy chúng ta 1 LỐI NHÌN, để nhìn
mình, nhìn người và nhìn sự vật. đó là lối nhìn Thể-nhập Trực-chỉ vào CHIỀU
SÂU, lối nhìn theo Tự-tâm-biến-hiện, theo nhân-quả nội-tại tự-biến (causalité
immanente etintrinsèque), theo những Tia-chớp-nháng PHỤT RA từ cái Đà nội-tại
của những chủng-tử của Hành-nghiệp, lối nhìn Trung-đạo-song-chiếu, của
Huyễn-khởi-tương-ưng tức là Kiến phần và Tướng phần bao giờ
cũng chuyển-hiện nhịp nhàng và Tương-ưng với nhau…. Kiến-phần và Tướng-phần này
tức là tất cả pháp giới, và cũng tương tự như 2 cánh tay của 1
người, hoặc như 2 cái vòi của con sên. Chúng đều xuất hiện từ cái
thân người hay thân còn sên mà ra, tức là từ cái Một, từ Diệu tâm. Rồi 2
tay múa may theo nhiều thứ vũ điệu lắt lay, tuy có vẻ muôn hình vạng trạng,
nhưng bao giờ cũng nhịp nhàng tương-ưng với nhau.
Vậy thì Chư Phật bao giờ cũng nhìn theo chiều SÂU, và
bao giờ cũng Song-chiếu…Trong khi phàm phu chúng ta, trôi lăn quá
nhiều kiếp, thường chỉ biết có Lối nhìn theo Bề mặt hay CHIỀU NGANG (vue la té
rale hay tangentielle), lối nhìn cách-biệt và không thể-nhập giữa chủ-thể và
khách thể, lối nhìn phân-ly giữa Kiến-phần và Tướng-phần, lối nhìn theo
nhân-quả từ ngoài tới(causalité etintrinsèque) không biết đến cái Đà nội-tại
tự-biến…và do đó nên không có thể biết được tâm-hành song-chiếu và không hiểu
nổi Lẽ huyễn-khởi-tương-ưng….
Lối nhìn này không phải là hoàn toàn sai, vì nó
cũng tóm được 1 khía cạnh của sự vật, tương tự như anh mù sờ voi.
Nhưng vì chỉ tóm được 1 khía cạnh, nên trở thành 1 lăng-kính méo mó.
Khiến lầm tưởng rằng có ngã, có vật thường còn, có vật này sanh ra vật kia, có
vật này CHẠY đến bên kia, có sự CHUYỂN ĐỘNG, như có tiếng chạy đến bên tai hoặc
cái tai chạy đến bên cái tiếng…Do đó, dựng lập nên nhiều tà-kiến lệch lạc, khởi
nhiều tình nhiễm phiền não, mù-mù mịt mịt, trôi lăn chìm nổi…
Trong khi lối nhìn của Chư Phật khiến ta có thể NGỤP LẶN
vào chiều sâu của những đáy tầng thăm thẳm, khiến thấy rõ
ràng sự vật chỉ có thể là do sự kết tập của những tia-chớp-nháng
Tự-tâm biến hiện, chỉ có thể là huyễn mộng do nghiệp lực chiêu cảm.
Và mọi sự vật đều như-như-tịch-tĩnh, không một cũng không khác, chẳng đến cũng
chẳng đi…Do đó, trôi lần vào Biển Diệu giác, trong sáng nhiệm
mầu, có đại tự tại lực, khởi diệu-dụng vô cùng để độ
sanh và ôm trọn pháp giới…
Bộ ba Căn-trần-thức này cũng được nhà Phật phân
chia xếp hạng ra thành 6 Nhập, 12 Xứ, và 18 Giới.
Tại sao lại cần phân chia xếp hạng ra thành
nhiều lối như vậy, khiến cho người học dễ băn khoăn lạc lối?
Sở dĩ cần làm như vậy, là vì mỗi lối xếp hạng cốt
nhằm nhấn mạnh vào 1 khía cạnh của lối nhìn:
a)-6 NHẬP là để nhấn mạnh vào tính tách Đắm
nhiễm-dính-mắc Tương-sanh-tương-duyên Huyễn-khởi-tương-ưng giữa Căn bà Trần.
nhằm gột sạch những kiến chấp phân ly cách biệt giữa căn và
trần…
Tính cách này rất quan hệ, nên trong những pho
Đại Bát nhã còn nhấn mạnh thêm và nói về Nội-ngoại
không…Nội tức là Căn, và Ngoại là Trần. cả 2 rốt ráo cũng đều là
Không cả, và dĩ nhiên là cái gạch nối-liền (tức là Thức) cũng là Không.
b)-12 XỨ là để làm gì?
Là để gột bỏ kiến chấp của phàm
phu về vị trí XỨ SỞ (localisation) của Căn và Trần.
Phàm phu thì thường có tâm thô kệch,
thích níu lấy những hình tướng thô kệch. Nên thường nghĩ rằng cái
thấy tức là cái mắt của ta, cái nghe là cái tai của ta, 2 cái ấy đều
có hình tướng rõ rệt, tức là có vị-trí xứ-sở rõ rệt…Và Trần thì là
cái bàn cái ghế, miếng thịt, cốc rượu…., tức là có vị trí xứ sở rõ
rệt.
Chấp trước như thế thì tâm thức bị trở
ngại, khó thể hiểu nổi lẽ CHI BIẾN KHẮP GIÁP của Căn và Trần.
Cần luôn nhớ rằng cái Thấy vượt sâu hơn mắt, vượt sâu hơn
cả tịnh-sắc-căn, vượt sâu hơn nữa và DÍNH với tâm. Vì nó chính là
những quang minh của Tâm hay của Thức chuyển-hiện thành. Nên nó
chu-biến-khắp-giáp cả pháp giới…Cái nghe cũng vậy, vượt sâu hơn tai, hơn
tịnh-sắc-căn, dính với Tâm và chu biến khắp giáp. Luôn nghĩ nhớ như
vậy, thì Tâm mở rộng ra, và các Căn cũng mở rộng ra.
Các Trần cũng vậy. chúng đều vượt
qua cái hình tướng thô-kệch của chúng, và dính mắc với pháp
giới cùng Tâm. Vì chúng cũng đều là do quang minh của Tâm hay
Thức dệt thành.
Do đó nên 1 Căn hay 1 Trần cũng đều chu
biến khắp giáp, dung-thông-thẩm-thấu với pháp giới. vì thế, mới có
thể huyễn hiện TƯƠNG ƯNG được. nếu là cách biệt, làm sao tương
ưng?!?
Vì thế, trong kinh Lăng Nghiêm , Phật
mới ân cần dặn rằng: cả 12 XỨ SỞ đều là LUỐNG DỐI cả, chẳng phải là
nhân-duyên sanh ra, cũng chẳng phải ngẫu nhiên (tự nhiên) mà có, vì
chúng đều là huyễn-hiện tương ưng…Và cả sự CHUYỂN ĐỘNG cũng vậy. chuyển-động
cũng là 1 ảo giác, 1 vọng-tưởng khởi lên do cái vọng thức phân
biệt về xứ sở. Nên cũng luống dối vậy.
C)-18 GIỚI là để làm gì?
Là để dạy chúng ta biết cách LIỄU
TRI RÀNH RẼ trong cái màn huyễn-hiện dính mắc trùng trùng ấy.
Giáo lý nhà Phật bao giờ cũng là như vậy. Bao giờ
cũng dạy SONG CHIẾU TRUNG ĐẠO. Không bao giờ dạy một bên cả.
Bởi thế, nên sau khi dạy về sự dính mắc đắm nhiễm của cái
màn huyễn-hiện ấy, thì lại dạy rằng: tuy nó dính mắc như vậy, nhưng
kẻ hành giả vẫn biết liễu tri rành rẽ, và trong
khi liễu tri vẫn không quên sự dính mắc..Đó là phép quán
Giới phân biệt của nhà Phật. Để biết rõ thế nào là Căn, thế nào là
Trần, thế nào là Thức, và Thức xuất phát từ Căn nhưng tương tợ với
Trần ra sao?!?
Song chiếu trung đạo thì mới có thể trôi lần vào
biển Diệu giác được.
Tóm lại, thì 1 trong những mục tiêu chính
của Kinh Lăng Nghiêm là cốt dạy chúng ta biết quán
chiếu về cái bí-ẩn Bộ Ba Căn-Trần-Thức..vì cửa ngõ của sanh
tử cũng là do Căn-Trần-Thức, và cửa ngõ của Niết bàn cũng là
Căn-Trần-Thức. Cần phải hiểu cái Lẽ Đắm-nhiễm dính mắc tương sanh
tương duyên của chúng, cái Lẽ Vô-xứ-sở của chúng, lại phải biết liễu
tri rành rẽ, phải hiểu chúng chỉ là những ảnh-tượng huyễn-hiện tương
ưng cảu những quang minh vi tế của Thức sơ-năng-biến….thì
mới có thể thâu tóm chúng trở về Như-lai-tạng Chân-như nhiệm màu
được…Nếu không như thế, làm sao trở về cái MỘT??
Căn-Trần-Thức tức 6 nhập, 12 xứ, 18 giới đã nói rồi. Nay
nói đến 5 ấm và 7 đại…
5 ẤM, 7 ĐẠI LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Để hiểu rõ thêm những lời dạy về Pháp-giới
của Kinh Lăng Nghiêm, thiết tưởng cần nói thêm về 2 cách xếp hạng
(classification) khác của nhà Phật, tức là 5 ẤM và 7 ĐẠI.
Thực ra thì 5 Ấm hay 7 Đại cũng chỉ là Căn-Trần-Thức,
nhưng xếp hạn theo những khía-cạnh khác, để dạy chúng ta quán
chiếu theo nhiều khía cạnh (theo rộng hay hẹp, từ ngoài nhìn vào hay
từ trong nhìn ra, từ hữu hình vào vô-hình hay trái lại, hoặc
từ thô kệch vào vi-tế hay ngược lại…) Suy tư lâu rồi, thì sẽ
thấy tính cách tương-xứng (correspondance) giữa 5 ấm hay 7 đại với
Căn-Trần-Thức.
Tất cả những lối xếp hạng này, đều nhằm ĐỐI
TRỊ các mức độ căn cơ mê muội của chúng sanh.
Đối với những chúng sanh nào còn mê
muội nhiều về tâm thức, chưa biết liễu tri rành rẽ về các
tầng lớp tâm thức, thì giáo lý nhà Phật dạy về 5 ẤM, thu hẹp
mọi sắc tướng lại thành 1 ấm tức là sắc-ấm, và trải rộng tâm
thức ra thành 4 ấm tức là: thọ tưởng hành và thức.
Đối với những chúng sanh nào còn mê
muội nhiều về sắc-tướng, chưa biết liễu tri rành rẽ về các tầng
lớp của sắc-tướng, thì giáo lý nhà Phật dạy về 7 ĐẠI, thu
hẹp tâm thức lại thành 2 đại là kiến đại và thức-đại, và
trải rộng ra sắc-tướng ra thành 5 đại-chủng tức là: địa thủy
hỏa phong không.
Còn đối với những chúng sanh nào có
những tập khí mê muội đồng đều về cả Danh (tức
tâm thức) lẫn Sắc, thì giáo lý nhà Phật dạy về bộ ba
Căn-Trần-Thức, về 6 nhập, về 12 xứ, về 18 giới…về tính cách dính mắc khắp
giáp của chúng và về Lẽ huyễn khởi tương ưng.
Và đối với những chúng sanh nào muốn quán
chiếu biết rõ những cơ-cấu vận hành của tâm thức,
thì giáo lý nhà Phật dạy về 8 thức, và Duy Thức học…
Và tất cả những thứ đó, dù là ấm hay đại hay Căn-Trần-Thức…cũng
đều chỉ là những màn sương mù huyễn-hiện ngăn che Diệu tâm, ngăn
cách khiến cho chúng sanh khó lên đường trở về Diệu
tâm…
Đại để là như vậy.
NÓI VỀ 5 ẤM
Cũng như Căn-Trần-Thức, 5 ấm này dính mắc khắp giáp với
cả pháp giới. vì chúng cũng chính là pháp giới.
5 ấm tức là 5 tầng lớp QUANG MINH, từ thô
kệch đến vi-tế, đã DỆT nên pháp giới này. Và quang
minh ấy đều được phát xuất ra từ vô thủy, bởi 5 thứ VỌNG
TƯỞNG đã được nói đến trong Kinh Lăng Nghiêm: vọng-tưởng kiên
cố, hư minh, dung thông, u ẩn và hư-vi-tế. phân
biệt liễu tri về 5 ấm không phải là một việc dễ dàng, và nhiều người
học Phật vẫn thường còn mơ hồ lầm lộn…
a)-Vậy 5 ẤM gồm những gì?
Trước hết là SẮC ẤM.
Sắc-ấm này thì tương đối có thể tạm coi
là dễ hiểu. nếu ta lấy tỷ dụ là 1 chúng sanh A, thì
đối với chúng sanh A, sắc-ấm chính là thân căn chánh
báo của A cộng với tất cả những ngoại-sắc y báo XUẤT
HIỆN trước 6 căn của A.
Còn những ngoại-sắc nào ở xa vời, chưa xuất
hiện trước 6 căn của A, thì chỉ dính mắc với Tàng thức của A mà
thôi, nên không gồm trong sắc-ấm của A.
Cần nhớ rằng cái Tướng-phần này, tuy gọi là tướng
phần, tuy là thô kệch, nhưng cũng là do quang minh của Thức
biến dệt nên, do đó nó cũng CHIẾU SOI. Nhưng sức chiếu soi của nó chỉ lù
mù hạn hẹp, thua xa với sức chiếu soi của cái Kiến-phần của A.
Nhưng trong cái màn huyễn-hiện của Tướng
phần của A này, lại gồm không những các ngoại sắc, mà còn gồm rất nhiều
những chúng sanh hữu-tình khác. Hữu tình thì có sắc
tướng và có tâm thức chiếu soi…Mỗi hữu tình là 1
trung-tâm phản ánh và chiếu-soi (focus hay foyer de ré ver bé ration),
1 trung tâm ảnh-hiện làm LÓE lên những ảnh-tượng do nghiệp
lực chiêu cảm. và không những hữu-tình chiếu soi, ngay cả đến
phi-tình-thần-thức của các thứ tạm gọi là vô-tri, cũng chiếu soi nhưng
lù-mù hạn hẹp…Chúng sanh A chiếu soi sự vật cùng các chúng
sanh khác, nên sự vật cùng chúng sanh khác đều bị phản
chiếu và hiện hữu trong tâm thức các chúng
sanh khác cũng như trong phi-tình-thức-giác của vật vô tri.
Cho nên, pháp giới là 1 màn huyễn-hiện không
ngằn mé của trùng-trùng điệp-điệp những trung-tâm chiếu soi cùng ảnh-hiện giao
xen và thẩm thấu lẫn nhau.
Trong các kinh, Sắc-ấm thường được ví như BỌT
NƯỚC. giả hợp hội tụ lại thành hình tướng đáp
ứng với các giác quan. Nhưng rồi lại tan, vì không thật có.
Thứ 2 là THỌ ẤM
Thọ -ấm tức là cái màn sương mù, dệt nên bởi
những quang minh HƯ MINH, thuộc về tịnh-sắc-căn của 5 căn trước hay 5
thức trước. quang minh này tương đối vi-tế hơn quang
minh của sắc-ấm.
Lớp quang minh này thuộc về KIẾN
PHẦN của chúng sanh A. nhưng nó ở phía ngoài bìa (pé ripherie),
nên tương đối là lớp kém vi-tế của tâm thức.
Màn sương mù này thường làm khởi lên những CẢM
GIÁC hay CẢM THỌ.
Cảm giác hay cảm thọ này, nếu khởi lên mà
không tình nhiễm hay rất ít tình-nhiễm (Non les té d’affectivi té
như yêu ghét vui buồn…), thì là những cảm giác thuần phác thanh
tịnh. Nên quang minh của nó gồm nhiều Kiến-đại hơn là Thức-đại. Tức
là khinh thanh sáng láng nhẹ nhàng hơn, có vẻ đứng lặng ít lăng
xăng giao động. Tần-số rung chuyển chắc cũng cao hơn, và có lẽ chiều hướng
chuyển động xoáy-tròn-trôn-ốc (tendance au mouvement gitatoire en spirale) cũng
ít hơn.
Vì cảm giác thuần phác ít tình nhiễm, nên nó
cũng tương đối dễ thể-nhập dung thôn với Tánh cảnh của sự vật hơn.
Những cảm giác này sẽ rớt vào kho Tàng
thức để huân tập cho phần Tịnh thức của Tàng thức..Cảm
giác không tình nhiễm dĩ nhiên là không tạo nghiệp, hoặc là tạo
1 thức bất-động mà thôi (karma d’immobili té). Nghiệp bất-động là tập-khí đưa
lần tâm thức vào trạng thái lặng lẽ của thiền
định, để sau này có thể thọ sanh ở cõi Sắc-giới.
Nhưng trái lại, phần lớn cảm
giác hay cảm thọ của chúng sanh đều là vương vấn tình
nhiễm nặng nề, đều ô-nhiễm bất tịnh…Nên chúng gồm nhiều thức-đại hơn
là kiến đại. Thức đại này không phải là Thức sơ-năng-biến, mà là thức đã
chuyển hiện qua mấy tầng vọng hóa rồi….Vì nhiều vọng, nên trọng trược kém sáng
láng, dễ da động lăng xăng. Tần-số cũng thấp hơn, và nhiều khuynh hướng
xoay tròn thắt gút.
Những cảm thọ này cũng đều rớt vào Tàng
thức, huân tập thành những cơn-lốc quanh minh xoáy tròn của
Vọng-thức, những tập khí chủng-tử của ÁI DỤC, tới khi chín mùi
sẽ hiện hành NỔI lên, bồi dưỡng cho Hành-ấm, để làm PHỤT
lên những tia-chớp-nháng của nghiệp lực.
Vì nhiều vọng, nên khó dung thông thể
nhập với Bản tánh của sự vật.
Trong các kinh, thường ví dụ Thọ-ấm như BONG BÓNG
NƯỚC, tức là những bọt-tăm sủi lên từ lòng nước, làm khuấy động nước, rồi lại
tan đi.
Thứ 2 là TƯỞNG ẤM.
Tưởng ấm tức là cái màn sương-mù DÀY ĐẶC, dệt nên bởi
những quang minh DUNG THÔNG của thức thứ 6 tức ý-thức…..Quang
minh này tương đối vi-tế hơn quang minh của Thọ-ấm, vì
nó có thể dung-thông cả trong lẫn ngoài. Nhưng do những tập-khí ô
nhiễm vọng-hóa từ vô-thủy, các quang-minh này lại hay lăng-xăng-giao-động
để so-đo phân-biệt, và do đó, trở thành 1 yếu tố quan hệ
khiến chúng-sanh bị trôi-lăn lưu chuyển.
Tưởng-ấm cũng thuộc về KIẾN PHẦN, và nằm sâu hơn
Thọ-ấm.
Màn sương mù này thường làm khởi lên đủ mọi
thứ TÂM TƯỞNG như là: tri-giác (perception), suy tư (pen sé
e), hồi tưởng (ré miniscence), ức-niệm (memory), tưởng tượng
(imagination), dự-tưởng (anticipation), danh ngôn ( đặt tên cho mỗi
vật), biểu-tượng (rep ré sen tation)….Do đó, nó tượng trưng cho cái
khuynh hướng biến-kế-sở-chấp trong Duy-thức học, tức là suy-lường phân-biệt so
đo. Vì suy-lường phân-biệt nhiều, nên chồng chất chằng chịt nhiều
tầng Vọng, ngày càng xa cách với Bản tánh sự vật.
Những tâm-tưởng này, nếu khởi lên mà không tình-nhiễm hay rất
là ít tình-nhiễm, thì là những tâm tưởng thuần-phác thanh-tịnh. Nên
quang-minh sẽ gồm nhiều Kiến-đại hơn là Thức-đại…Và những tâm-tưởng thanh-tịnh
này sẽ rớt vào Tàng-thức, huân tập cho phần Tịnh-thức trong
Tàng-thức.
Nhưng trên thực tế, thì phần lớn chúng
sanh ít khi có nổi những tâm-tưởng thuần-phác thanh-tịnh. Vì tâm
tưởng vốn chính bản thân nó đã là khởi vọng rồi, lại thường
hướng về cái Nhiều của Ngoại vật, nên ít khi thanh-tịnh…Chỉ trừ
những khu chúng-sanh suy ngẫm về giáo-lý của Chư Phật, suy ngẫm về Lẽ Duy-tâm
sở hiện, hoặc tưởng-niệm Chân-như, về Diệu-tâm, tưởng-niệm Chư Phật hay Đức
A-Di-Đà, Đức Quán-Thế-Âm hay cõi Cực-lạc…, thì những tâm-tưởng ấy không hàm
chứa phàm tình mà hàm chứa THÁNH TÌNH. Thánh tình tức là cái ình
BÌNH-ĐẲNG, có chiều hướng xa lìa cái ngã cùng cái Nhiều để trở
về cái MỘT.
Vậy thì phần lớn tâm tưởng của chúng-sanh
đều nặng phàm-tình nên không thanh-tịnh…Ngay cho đến những tâm
tưởng tu các hạnh lành, nếu còn lòng mong cầu theo cái ngã hoặc cái
Nhiều của ngoại vật, nếu không biết hướng về Bồ-đề-tâm, về
Diệu-tâm, về lẽ Như-huyễn cùng Tự-tâm biến-hiện, thì vẫn là chưa thanh-tịnh,
vẫn còn là ma-nghiệp như Kinh Hoa-Nghiêm đã dạy.
Và những tâm-tưởng không thanh-tịnh này gồm nhiều thức-đại
ít kiến-đại, và đều tạo nghiệp. chúng đều rớt vào Tàng-thức, huân
tập thành những cơn-lốc quang-miinh xoáy tròn của Vọng-thức, những tập-khí
chủng-tử của TƯ…Rồi tới khi chín mùi sẽ hiện hành NỒI lên, bồi
dưỡng cho Hành-ấm, để làm phụt lên những tia-chớp-nháng của nghiệp-lực.
Ở nơi Tưởng-ấm này, thì thức-đại cũng không còn là Thức
sơ-năng-biến, vì đã chuyển hiện qua nhiều tầng vọng-hóa chằng chịt rồi.
Trong các kinh, thường ví Tưởng-ấm như ÁNH
NẮNG CHÓI…Là vì ánh nắng của Vọng NUNG NẤU nhiều tầng, khiến cho
con mắt bị chói chang, và làm huyễn-hiện nhiều thứ HOA
ĐỐM cùng ẢO ẢNH nước ở nơi sa mạc.
Màn sương mù Tưởng-ấm này thường tạo dựng
những hoa đốm cùng ảo ảnh, tức là những ảnh-tượng hay cảnh
giới do nhiều từng vọng hóa dệt nên…Nên Duy thức học gọi các
ảnh-tượng ấy là ĐỘC-ẢNH-CẢNH. Độc-ảnh-cảnh này có 2 loại: một là
ngũ-câu-độc-ảnh, trong đó ý-thức phối hợp với 5 thức trước, nhặt
nhạnh những cảm giác lẻ-tẻ đơn-sơ của 5 thức, để kết
tập thành 1 ảnh-tượng nương theo những tiền trần, rồi IN ảnh-tượng ấy
lên đám hội-tụ tiền-trần và gọi nó là Vật.
Hai là Độc-đầu-ảnh-cảnh, trong đó, ý-thức không dùng
những cảm giác của ngay lúc đó, mà chỉ dùng ức-niệm (hay ức-tưởng tức
memory) để khởi lên những bóng-dáng-tiền-trần (lạc-tạ-ảnh-tử) và tạo dựng những
ảnh-tượng trong trí nhớ. Đó là trường hợp thông thường
của đa số thế-nhân…Nhưng đôi khi cũng có những nguoi27m do túc-duyên
đặc-biệt tu-tập từ tiền-kiếp, nên có thể thấy ở nơi tâm-thức lãng-đãng NỔI lên
những bóng dáng tiền-trần rớt lại từ kiếp
trước (ré miniscences). Và họ đã dùng ngay những bóng dáng ấy để kết
tập nên những ảnh-tượng độc-đầu, mặc dù vẫn có thể có sự pha lộn
giữa những bóng dáng của kiếp này và kiếp trước.
Thứ 4 là HÀNH ẤM.
HÀNH ẤM này tức là cái màn-sương-mù MỊT MÙNG và rất
vi-tế, dệt nên bởi những quang-minh U-ẨN của thức thứ 7 tức Mạt-na thức.
Thức này, theo danh-từ ngày nay, có thể gọi là Tiềm-thức.
nó nằm ở 1 bình diện mịt-mùng u-ẩn, khá SÂU trong tâm-thức, nên sự liễu-tri
phân-biệt về 3 thành phần căn-trần-thức của nó cũng khá khó khăn
tế-nhị.
Đối với ý-thức, thì Mạt-na thức chính là Căn của
ý-thức, và nó làm khởi lên ý-thức…đối với 5 thức trước, thì nó cũng có thể coi
là tịnh-sắc-căn của 5 thức. và sở dĩ nó đã chuyển hiện khởi lên 6
thức ấy, là để quờ-quạng dò-dẫm nhận-thức cái Tướng-phần bên ngoài tức thế-giới
bên ngoài.
Nhưng còn đối với chính nó, ở nơi bình-diện mịt-mùng của
những quang-minh hay vọng-tưởng u-ẩn,, thì Mạt-na thức có căn, có
trần và có thức riêng biệt gì hay không?
Điểm này khó liễu tri, vì bình-diện ấy nằm sâu và gần nơi
BỜ MÉ, nên 3 thứ đó lần lần muốn chụm lại để trôi vào cái Một…Tuy
nhiên, vẫn có thể suy-diễn để liễu-tri phân-biệt.
Vể CĂN, thì có thể nói theo ngài Thái Hư rằng
não-bộ và hệ-thống thần-kinh là phù-trần-căn của Mạt-na thức. còn
tịnh-sắc-căn của nó, tức là cái Kiến-phần sáng láng của Tàng-thức đã được
chuyển hiện xuống thấp hơn 1 bực, và nó thường chấp cái kiến-phần ấy làm cái
ngã-tâm, tức là cái chiếu-soi và hay biết của mình…
Muốn hiểu rõ hơn 1 chút về nơi bờ-mé mịt mùng
này, cần nhớ rằng Tàng-thức bao hàm cả Chân lẫn Vọng. Phần Chân tức là
những quang minh vô-tướng-mạo, chuyển động cực kỳ thần-tốc
và LẬP TỨC ứng-hiện, nên gọi là vô khứ-vô-lai. Nhưng Duy-thức học lại
gọi là VÔ CHẤT TÁNH CẢNH tức là Chân-tâm hay Chân-thức.
Còn phần Vọng là những quang-minh đã nhuốm vọng rồi
nên Hiện tướng và gọi là Hiện thức. chúng chuyển động cũng
tương-đối hết sức thần-tốc, nhưng đã rớt vào thời-gian tính, nên
có-đến-có-đi. Và Duy thức học gọi phần này là HỮU CHẤT TÁNH CẢNH.
Phần Vọng này, tuy đã nhuốm vọng, nhưng còn rất là
hư-vô-vo-tế, vì mới chỉ khởi câu-sanh Pháp-chấp thôi, chưa có câu-sanh
ngã-chấp.
Nhưng 1 khi đã hàm chứa vọng rồi, thì đều xoáy-tròn
trôn-ốc, và xoay vần miên-viễn….Và trên lịch-trình xoay vần miên-viễn này, thì
phải phân-ly và chuyển-hiện thành 2 phần: 1 Kiến-phần khinh thanh sáng láng hơn
và 1 Tướng-phần trọng trược kém sáng láng.
Kiến-phần cũng gồm cả Chân lẫn Vọng, cả Vô-chất tánh cảnh
lẫn Hữu-chất tánh cảnh, nhưng nhiều Vô-chất hơn.
Tướng-phần cũng gồm cả Chân lẫn Vọng, cả cả Vô-chất lẫn
Hữu-chất, nhưng nhiều hữu-chất hơn..
Nay trở về với Mạt-na thức, thì
tịnh-sắc-căn của Mạt-na tức là Kiến-phần của thức thứ 8 nhưng đã chuyển-hiện
xuống thấp hơn 1 bực. Vì xuống thấp hơn, nên gồm cả chấp
Pháp và chấp Ngã, nhưng thiên trọng về chấp Ngã hơn.
Vậy thì phù-trần-căn cùng tịnh-sắc-căn của Thức thứ 7
là như vậy.
Còn TRẦN của nó thì là gì?
Thức thứ 7 vốn là 1 CỘT GÚT kiên-cố chấp ngã, 1 tấm
lăng kính cong, nên trên đà mê mờ, nó không thể duyên nổi, không biết nổi
Diệu-tâm tức Chân-thức….Nó có lẽ cũng không thể nhận rõ nổi cái tự-thề
nguyên-lai của nó là ở nơi Kiến-phần của Thức thứ 8 mà mọc ra.
Tóm lại, có lẽ nó chỉ có thể lờ mờ nhận
biết cái phần Khinh thanh sáng láng nhất trong Kiến-phần của Thức thứ 8,
và lấy cải đó làm ngã-tâm của mình. Đồng thời, nhận biết cái
phần Hữu chất trọng-trược nhất trong Kiến-phần của Thức thứ 8, và nhận cái đó
là Ngã-tướng của mình.
Rồi thì ngã-tâm cùng Ngã-tướng của Thức thứ 7,
cùng hợp lại để chiếu-soi xoay-vần miên-viễn. Và trên đà xoay vần, nó
lại tự phân-ly ra làm 2 phần: Kiến-phần năng chiếu soi, và Tướng-phần bị
chiếu soi.
Về Tướng-phần này, Duy-thức học gọi là ĐỚI CHẤT CẢNH, và
nó chính là TRẦN hay cảnh giới của Thức thứ 7…Gọi là Đới-chất, là vì
nó đã mang hình chất rồi. so với Hữu-chất tánh cảnh, thì nó trọng
trược thô kệch hơn. Nhưng so với những hình chất của Sắc-ấm hoặc với
những ảnh-tượng của Tưởng-ấm, thì nói còn rất là khinh thanh vi-tế. Nên gọi là
u-ẩn.
Vậy còn THỨC của Mạt-na là như thế nào?
Đã có Căn và Trần rồi, thì dĩ-nhiên là có Thức. Nhất
sanh nhị, rồi nhị sanh tam…Và Thức của nó tức là những sở-hành chiếu
soi thẩm thấu giữa Kiến-phần và Đới-chất- cảnh tức Tướng
phần. Đó cũng là 1 công-phu nhận-thức thâm-mật vi-diệu, chuyên
chú trọng phân-biệt giữa ngã và phi-ngã…Tuy nhiên, đã kém sút xa so với
khả năng trực-giác thâm-mật của Thức thứ 8.
Tóm lại, thì Mạt na thức không những làm khởi
lên được thức thứ 6 cùng 5 thức kia, để quờ quạng mò mẫm pháp
giới bên ngoài, nhưng ở ngay bình-diện của nó, nó vẫn có 1 thứ
thức thâm-mật riêng để nhận thức giữa ngã cùng phi-ngã.
Rồi thì, từ nơi bình-diện u-ẩn đó, do sức hành chấp
Ngã và chấp Pháp của những chủng tử nghiệp-lực nổi
lên, HÀNH ẤM tức Mạt-na thức liên miên làm PHỤT lên
những tai-chớp-nháng làm nguồn gốc cho Tưởng-ấm, Thọ-ấm và Sắc-ấm. Và sự
hiện-hành trôi-lăn-lưu-chuyển như thác đổ của Hành-ấm cũng khiến cho 3 ấm kia
phải trôi-lăn lưu chuyển…
Theo Duy-thức học, thì sự phụt lên của Hành-ấm thường
thẩm-thấu và suy động 49 tâm-sở (tâm-sở vốn có 51, nhưng trừ ra 2 là
Thọ và Tưởng thuần-phác thanh-tịnh thì không bị sức chi phối của
Hành-ấm), và đồng thời suy động cả 24 pháp
Bất-tương-ưng-hành…Nhưng thực ra thì Hành-ấm thẩm-thấu và suy động cả
Sắc-ấm, khiến cho sắc-thân tứ-đại chậm bị tan rã. Là vì mạng-căn của
1 chúng sanh thường được chi-phối gìn giữ của Tàng-thức này
được thực-hiện qua trung-gian của Truyền-tống thức thức Mạt-na thức.
Màn sương mù của Hành ấm thường
được bồi dưỡng bởi những mầm Ái dục và Tưởng tư của Thọ-ấm
cùng Tưởng-ấm. các mầm này đếu rớt vào Tàng-thức, kết lại thành những
tập-khí chủng tử, rồi hiện hành nổi lên bồi dưỡng cho
chính nó. Vì càng phụt lên bao nhiêu, thì nó càng tạo nghiệp bấy nhiêu, càng
xoắn lại thành cột-gút rớt vào Tàng-thức, rồi chín mùi hiện hành nổi
lên bồi dưỡng cho chấp Ngã ngày càng kiên-cố.
Vì bị sự chi phối miên mật và chặt chẽ
của chấp Ngã, nên những tâm hành của chúng-sanh ít
khi được thuần-phác thanh-tịnh. Chỉ trừ những khi nào, chúng
sanh ấy biêt quán-chiếu theo Chân-lý Đại thừa, để lãng đãng khởi lên
những tâm-niệm theo chiếu-hướng Vô-ngã, như-huyễn, Bình-đẳng, Đại-bi và
Song-chiếu Trung-đạo….
Thứ 5 là THỨC ẤM.
Thức-ấm tức là cái màn-sương-mù rất là hư-vô vi-tế, dệt
nên bởi những quang minh kỳ-ảo vi tế cuả Tàng thức,
tức là những vọng-tưởng hư-vô vi tế đã được nói đến trong Kinh
Lăng Nghiêm.
Chỉ có những hành giả tu hành khá cao, đã
được gần như vong thân hoặc tiêu dung được chấp Ngã, mới bắt đầu nhận
thấy những quang mminh này cùng những sở-hành của chúng.
Bởi thế, nên bài tụng-ngôn của Duy thức
học thường nói : “Khó có thể biết được đối-tượng nhận thức, hình
thái nhận thức tức là cái khả năng trực-giác thâm mật của
nó, tức là THỨC nhận biết. đối-tượng nhận thức tức là cái
Tướng-phần bị nhận biết, tức là TRẦN cảnh. Và lãnh vực biểu
hiện, tức là cái diễn trình phân-ly của Thức thứ 8 thành Kiến-phần, tức là CĂN
và TRẦN.
Tàng thức này, theo danh từ ngày nay, có thể gọi
là VÔ THỨC. Và chính ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma cũng đã dùng danh từ Vô
thức để chỉ cho Thức này.
Thức này bao hàm cả Chân lẫn Vọng. Vì cứ chuyển được Vọng thì
thành Chân.
Phần Chân là Chân thức, là Vô chất tánh cảnh, bất
khả tư nghì, bất khả ngôn thuyết…là lãnh vực của
Viên-thành-thật-tánh.
Phần Vọng là Hiện-thức, là Hữu chất tánh cảnh, là thức
căn-nguyên, là Căn-bản-thức, là thức Sơ-năng-biến…là lĩnh vực của
Y-tha-khởi-tánh. Và nơi đây, còn có thể nghĩ bàn nói năng đôi chút được.
Nơi đây là bờ-mé của Sanh nhập vào Vô sanh, của
Phổ-huyễn tế nhập vào Chân-thật-tế, của Nhiều nhập vào Một. nên nơi đây là cái
Biển mịt mùng của những chủng-tử cực kỳ nhỏ nhiệm vi tế, chưa
chuyển hiện thành chấp Ngã, và mới chỉ có chấp PHÁP thôi.
Lãnh vực của những chủng tử kiến
chấp và ma chướng giữa Pháp và phi-pháp. Như là: chấp là
có đấng sáng tạo, chấp có Thần ngã hay không thần-ngã, có
Minh-đế hay không minh-đế, chấp có 1 thứ Đại-chủng (như Thời
gian hay Cực-vi…) sanh ra thế giới hay là không chân
thường chu biến, chấp có Tự thể hay không tự-thể (Being oa
Not-being), chấp có chứng đắc hay không chứng đắc,
chấp cảnh giới là thật có hay là giả…Đại để những chấp
pháp vi tế là như vậy, và chúng đã làm khởi lên các thứ ma-chướng
thuộc Thức-ấm đã được nói đến trong Kinh Lăng Nghiêm.
Tàng thức này gìn giữ mạng-căn cùng
khí thế giới, làm phát hiện thân căn cùng khí thế giới. nó
cũng chuyển-hiện nên 7 thức kia…Cho nên, thân căn cùng quốc
độ y báo của mỗi chúng sanh chỉ là 1
màn huyễn-hiện của nghiệp lực quá khứ nở ra
từ Tàng thức của chúng sanh ấy.
Thiết tưởng cần nêu ra câu hỏi: ở nơi bờ mé này,
liệu Tàng thức ấy có tự-chiếu-soi (tự-chứng) để phân ly ra
thành CĂN TRẦN THỨC hay không? Và nếu có, thì làm sao mà biện
biệt liễu tri giữa 3 thứ ấy?
Vấn đề dĩ nhiên là khó…Nhưng cũng có thể nương
theo thánh ngôn lượng của kinh luận, để nói năng ức-đạc một vài
điểm.
Về CĂN thì có thể rằng: cái biểu-tượng thô phù
(tức phù trần căn) của Tàng thức nằm ở điểm trung
tâm nơi giữa 2 chặng mày. Đối với phàm phu chúng ta, nơi đó chỉ
là 1 làn da, chưa có hiện tướng gì hết. Nhưng đối với những bậc tu đã
cao, lần lần có thiên nhãn, huệ nhãn hay pháp nhãn…(tức là các
thứ Tâm-nhãn), thì nơi đó lần lần hiện tướng. nghĩa là mọc ra những chòm
lông. Khi đạt tới bậc Thập địa, hay Đẳng giác, hay Diệu giác,
thì thành ra tướng Bạch hào, có 5 chòm lông dài, rỗng suốt và trong
như lưu ly, xoay tròn về phía hữu.
Theo lời cổ đức, thì tướng đó là biểu-tượng cho
Trung-đạo nhân-tâm, cho Trung-đạo song chiếu, cho Chân-Vọng hòa hiệp, cho
Không-Giả hòa hiệp. Là biểu tượng cha Tâm nhãn, cho Tàng
thức bao gồm cả vọng lẫn chân.
Phật cũng thường phóng hào quang từ
nơi Bạch hào Trung đạo song chiếu ấy để độ sanh.
Nhưng tới khi Tàng thức đã gột sạch mọi
vi-tế vô minh ô nhiễm, để chuyển thành Vô-cấu-thức rồi Bạch tịnh
thức (tức là Chân thức), thì cái biểu-tượng thô phù của Chân
thức không phải là tướng Bạch hào, mà là tướng Nhục-kế VÔ
KIẾN ĐẢNH.
Cũng bởi thế, nên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật
dạy rằng: nếu kẻ hành giả muốn quán Chân-thân Đức
Phật A-Di-Đà, thì trước tiên nên quán tướng bạch hào. Khi
nào tướng bạch hào xuất hiện rõ rệt lồ lộ trong tâm thức hành
giả, thì các tướng khác cùng 80 vẻ đẹp tùy hình sẽ lần lần hiện ra…Là vì 1 khi
tướng bạch hào hiện ra rõ rệt, tức là tâm thức hành
giả đã lọt được vào Tàng thức và nhìn thấy những quang
minh hư-vô-vi-tế, nên các tướng khác cũng lần lần hiện ra.
Nhưng mỗi khi Phật hay Đức Quán Thế Âm nói
thần-chú, tỷ dụ như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì Phật
lại phóng hào quang từ nơi Vô-kiến-đảnh, rồi hiện
ra Hóa-Phật ngồi ở nơi đó, để tuyên xướng thần chú…Là vì Vô
kiến đảnh là biểu tượng cho Chân như, Chân thức hay Diệu
tâm, và thần-chú đều là những chương-cú bí mật lưu xuất ra
từ Diệu tâm.
Phù trần căn của Tàng thức là như vậy, là ở
nơi tướng bạch hào. Còn Tịnh-sắc-căn thì sao?.....Dĩ nhiên rằng
tịnh-sắc-căn của Tàng thức chỉ có thể là Chân thức, là Vô chất
tánh cảnh, là Diệu tâm. Vì ngoài ra, chẳng còn gì khác nữa…
Đó là về CĂN của Tàng Thức. Còn TRẦN và THỨC thì sao?
TRẦN thì tức là cái Tướng-phần vi
tế của Tàng thức, gồm nhiều hữu chất tánh cảnh hơn là vô chất tánh
cảnh, mà trên cái đà xoay vần phân ly Tàng thức đã làm phát hiện nên.
Còn THỨC tức là cái khả năng trực-giác thâm mật, dễ
dàng thể nhập làm một, nối liền giữa Kiến phấn sáng láng
và Tướng phần kém sáng láng của Tàng thức.
Đại để THỨC ẤM là như vậy.
b) – Nhịp điệu sinh hoạt TƯƠNG SANH TƯƠNG DUYÊN
giữa 5 ẤM là như thế nào?
Trong 5 ấm này, dĩ nhiên Tàng thức hay
Thức-ấm là quan trọng nhất, ví như đại địa hay biển lớn, làm mọc
lên 1 thân cây hay 1 cọng bèo…Hành-ấm là gốc cây. Tưởng -ấm là thân cây. Còn
Thọ-ấm hay Sắc-ấm ví như các cành cây cùng hoa lá.
Năm thứ lớp đó sanh hoạt nhịp nhàng, tương-sanh-tương-duyên,
cái nọ bồi dưỡng cho cái kia…Các dữ kiện nhận thức gặt
hái được, hoặc là các mầm nghiệp lành dữ tạo dựng nên bởi 4 ấm trước,
đều rớt vào Thức-ấm, huân tập thành những chủng-tử, chờ đợi cơ-duyên
chín mùi, rồi lại hiện hành nổi lên bồi dưỡng cho Hành-ấm.
Và Hành-ấm lại dùng sức nghiệp đó, để phụt lên những
tia-chớp-nháng bồi dưỡng cho 3 ấm kia…Cứ như thế mà xoay
vần miên viễn, cho đến khi kẻ hành giả quyết
tâm lên đường, muốn lọt vào Tàng thức và trở về Tâm.
c)-CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ
ÁCH.
Câu trên đây là của bài Bát nhã Tâm kinh, nói bởi
Đức Quán Thế Âm, mà các Phật tử đều thuộc nằm lòng…Câu
ấy mô tả con đường trở về của kẻ hành giả, hay là của
con cá Tích lội ngược dòng Vô minh để trở về nguồn. Cá tích
vốn xương nhỏ, nghiệp nhẹ, lại có 2 chiếc cánh ( 2 cánh này là Trí tuệ Bát
nhã vô ngã như huyễn và Tâm Đại bi bình đẵng), nên có
thể lội ngược dòng vô minh, vượt qua 5 màn sương mù
ngăn cách (là 5 ấm hay 5 uẩn), tiêu trừ hết mọi mầm mống phiền
não, mọi vô minh vi tế, vượt qua mọi khổ
ách và chứng nhập Diệu tâm.
Con đường trở về này là con đường CHIẾU
KIẾN, con đường CHIẾU SOI, dùng cái Tâm thức mầu
nhiệm và trong sáng để quán chiếu, để chiếu soi,
thấy rõ ràng 5 uẩn đều là Không cả.
Tâm thức của mỗi chung sanh đều có kha năng kỳ diệu đó,là
CHIẾU SOI,và TỰ CHIẾU SOI…Một tấm gương thì có thể chiếu soi được, nhưng không
thẻ tự-chiếu-soi.Trái lại tâm thức ccos thể tự chiếu soi ngoại sắc,
rồi tự chiếu soi nôi-sắc tức là sắc thân mình, rồi tự chiếu soi những cảm
giác cùng tâm tưởng của mình, tự chiếu soi cái Thức đại của
mình,tự chiếu soi Kiến-đại tức là cái Thấy … để lần lần niệm-niệm-Ly ,tự rũ bõ
những lớp thô-kệch ây tương tự như 1 icon bướm thoát xác ..rồi lại
bặt cả cái tâm niệm chiếu soi ấy đểbước llwwn Một-bờ-mé…Dó là lịch
trình biện chứng của sự quán chiếu Bát nhã.
Nhưng ở chương 2,chung ta đã nhận
định rằng: nguyên nhân của sự Khởi vọng,của sanh-tử trôi lăn,của
sự đi xuống lạc vào mê-đồ-ảo-phố của cái Nhiều …là do cái dngj tâm
muốn CHIẾU SOI, muốn tự chiếu soi. Như anh chàng Diễn nhã ra đứng trước tấm
gương để muốn chiếu soi và tự chiếu soi vậy.
Rồi đến đây, thì Ngài Quán Thế Âm lại
dạy chúng ta rằng: phải chiếu kiến ngũ uẩn, tức là chiếu
soi và tự chiếu soi để trở về cái Một.
Như vậy thì ra thế nào?...Cả 2 đường đều là
Chiếu soi và tự- chiếu- soi cả.Vậy 2 đường chiếu soi đó có gì là khác nhau
không?
Xin đáp rằng: tuy cũng là 1 tấm thức ấy nó chiếu soi,
nhưng lối chiếu soi có khác biệt,tuy chỉ sai lệch nhau có ½ hào ly.
Như lối chiếu soi của chàng Diễn nhã là lối chiếu soi có
dụng-tâm chấp trước,có cầu mong,muốn kiếm một cái gì, muốn thấy 1 cái gì,
muốn bán víu vào 1 cái gì, muốn trụ vào 1 cái gì…và không hiểu hoặc quên rằng
tất cả những gì mình chiếu soi thây chỉ là những ảnh tượng LÓE lên,
hay tạo dựng nên bởi Tàng thức hay Diệu tâm của chính
mình…Do đó, nên chuyển cai minh thành hư-minh, ngày càng mê mờ lạc nẻo, ngày
càng ngĩ rằng các vật là có , là tường còn, là có ngã làm kiên
cố thêm 2 tấm lăng kính chấp Ngã chấp Pháp.Không biết rằng tất
cả những thứ đó đều chỉ là huyễn-tượng tạo dựng nên bởi những vọng
tình cùng vọng tưởng cử chính mình mà thôi cho nên, khi
đứng trước gương, và thấy hiện ra 1 hình
ảnh người,chàng Diễn nhã không hiểu rằng cảnh giới ấy là chính
mình ,do tàng thức của mình làm lóe lên.Mà lại ngĩ rằng đó là một người
khác,hoàn toàn khác biệt với mình.Rồi lại khởi tâm yêu hay get
cái hình bóng đó v.v..Nên ngày càng mê mờ lạc nẻo.
Còn như lối chiếu soi của con ca tích lội ngược dòng thì
lại khác…Vẫn chiếu soi đấy, vẫn liễu tri rành rẽ đấy, nhưng không hề
móng-niệm chấp trước,không khởi 1mảy-mún tâm mong cầu ,không muốn kiếm một
cái gì, không trụ vào một cái gì, không khởi 1 ly vọng tình vọng
tưởng ..., vì hiểu rõ rằng tất cả vật cũng cảnh
giới của Pháp giới này đều chỉ là ảnh-tượng huyễn khởi, lóe
lên Tùy theo mức độ nghiệp lực, và đều được dệt nên bởi Những
tia-chớp-nháng vụt lên từ nơi Chân không Diệu Tâm mà thôi …Chiếu
soi như vậy hoài hoài,hàng sát na,hàng giờ,hàng ngày,hàng tháng,hàng
năm…thì cái hư-minh ngày càng chuyển thành Minh thành Diệu, màn
sương mù nào cũng lần tiêu tan, mê-đồ-ảo-phố naò cũng tiêu dung, và
tấm lăng kính nào cũng mòn mỏi không thể làm léo lên nhũng ảo-ảnh nửa.Cũng như
chàng Diễn nhã,khi đứng trước gương, mà biết ngay rằng gương đó là 1 tấm lăng
kính có thể làm lóe lên 1 hình bóng cuả chính mình,thì đâu đến nỗi phát cuồng
bỏ chạy và trôi-lăn khắp phố phường?!?
Bởi thế nên Duy tâm sở hiện và Lý Như-huyễn mới
Có tầm mức tối quan trọng …Nếu quan chiếu mà không nương theo chân
lý đó thì chưa thể tới chỗ tuyệt vời được.
Vậy thì ngài Quan thế âm dạy chúng
ta CHIẾU KIẾN Như vậy.
Trước hết là quán ngoại sắc ,tức là những cảnh vật bên
ngoài…Thấy rõ rằng sự vật chỉ là do vô lượng nhânduyên hội-tụ ,là
niệm-niệm vô thường sanh diệt,là chỉđược dệt nên bởi vô
lượng những tia-chớp-nháng phụt lên từ biển chân-không do sức hành của
nghệp-lực,là những khu vực tối tăm(zones d’ombre) trong cái màn Huyễn-hiện
của quang minh ,là những cố vọng Tưởng, là những nét vẽ sâu-đậm
của bàn tay của Diệu-Tâm…là vô tự tách,là như-huyễn,là một màn
sương mù,là1 một đám mây vân cẩu,là một ảo bào ảnh,là trong
sắc nàoCũng có hư-không cả cũng như trng pháp nào cũng có Niết
bàn cả.Và sở dĩ Vật hay lưu ngại mình, chỉ là vì từ vô
Lượng kiếp, mình đã luôn luôn khởi tâm phân biệt chấp
Trước,coi nó la co thật và khởi tâm vui buồn hoặc sợ
hãi Vì nó…Rồi thấy rõ ràng Sắc với Không vốn không 2,Tôí Và Sáng
cúng như vậy Mê và Ngộ cũng vậy,chỉ là 1 trò ẩn-hiện-hiện-ẩn mà thôi.
Rồi quán nội sắc tức là thân căn cũng đại để như
vậy.
Quán như thế lâu rồi được thuần thục, thì căn và cảnh
không phối ngẫu nữa, thấy mình gần như không có thân, rut cái Thấy
vào trong, lìa được sắc-không, phá được Sắc-ấm, vượt được KIẾP TRƯỢC.
thấy tâm thức tiêu diêu tự tại, như con chim sổ lồng…
Rồi thì quán chiếu đến Tưởng-ấm, tức
cái màn sương mù nó thường làm lóe lên những cảm
thọ hư-minh huyền hoặc, khiến cho cái chân-kiến của Tâm nhãn bị
lệch lạc…Phá được Thọ-ấm là vượt được KIẾN TRƯỢC.
Rồi thì quán chiếu đến Tưởng-ấm, tới Hành-ấm…Phá
được những màn sương ù này, tức là vượt được PHIỀN NÃO
TRƯỢC và CHÚNG SANH TRƯỢC.
Trong kinh Kim cang cũng dạy tương
tự như vậy. Tức là phải quán chiếu để Lìa Tướng, Vọng
tình, Tưởng và Kiến…Tướng và tình là thuộc về sắc-ấm và thọ-ấm, còn tưởng và
kiến là thuộc tưởng-ấm và hành-ấm…
Rồi vào đến Tàng thức, để quán chiếu chuyển
cái màn sương mù hư vô vi tế cuối củng này thành TOÀN
CHÂN, vượt MẠNG TRƯỢC, chứng nhập Diệu tâm, được quả Diệu
giác Vô thượng, được thân Kim cang bất hoại, được
Thân-không-thân, có thọ mạng vô-lượng của ngài Vô Lượng
Thọ và của Chư Như lai.
Nhưng theo lời kinh, thì càng lên cao bao nhiêu chông
gai càng đầy rẩy, và ma chướng càng vi tế và mãnh liệt
bấy nhiêu. Sức chiêu dụ cám dỗ (tentation) của những ý-ma
dễ khiến cho kẻ hành-nhân lạc nẻo và mê-mờ tánh Bồ đề, quên mất con
đường tiến lên chỗ Tột-bờ-mé…Giai đoạn này cũng là chặng đường
hay vấp ngã hoặc thối thất hoặc dậm chân tại chỗ của hành Nhị
thừa và ngoại đạo đã được nói đến trong Kinh Lăng Nghiêm.
Nên tới chặng đường này, tuyệt đối phải cầu đến
SỨC GIA TRÌ. Hoặc là Thần-lực gia-trì, hoặc là Pháp-lực-gia-trì, hoặc là
Pháp-lực gia trì…Nếu không có sự gia trì, thì khó có thể gột nổi mấy phẩm
vô-minh vi tế cuối cùng. Một bậc Đẳng giác Bồ
tát vẫn cần phải gần Phật mới có thể gột nổi phẩm
vô-minh vi tế cuối cùng được.
Và cũng bởi thế, nên trong kinh Pháp Hoa, mấy
phẩm cuối cùng đã được dành để tri ân kẻ hành
giả về sự tối cần thiết của sự gia trì…Và trong Kinh Lăng
Nghiêm, Phật cũng dặn đi dặn lại rằng người tu tập pháp
môn Như-huyễn tam ma đề, nếu không trì chú Đại Phật
Đảnh thì khó có thể thoát khỏi ma chướng, và 10 phương Như
Lai cũng đều phải nương vào thần chú đó mới đắc
đạo quả Vô thượng.
Đó là con đường chiếu-kiến nói ra bởi
Đức Quán Thế Âm, và cũng là con đường Như-huyễn tam ma
đề của Kinh Lăng Nghiêm…Và 1 khi đã Chiếu-kiến-ngũ-uẩn-giai-không thì sẽ
độ-thoát-nhứt-thiết-khổ-ách. Là vì sao?
Là vì tất cả ngoại duyên và pháp giới này
chỉ là sự lóe lên của Tướng phần, là sự chuyển hiện của Tướng-phần, chuyển
hiện TƯƠNG ƯNG với những chủng tử nghiệp-ực hiện
hành NỞ ra. Là vì không có cái gì là Ngẫu-nhiên cả…và 1 khi vọng
thức đã tiêu dung, nghiệp đã tiêu dung, thì tất cả ngoại
duyên cũng đều phải chuyển-hiện tương ưng. Và không có 1 khổ
ách nào, một kiếp tai nào, 1 bụi trần nào có thể bám
vào người của hành giả…Cũng như trong kinh Duy ma, những hoa trời rải
xuống chỉ bám dính vào áo ngài Xá Lợi Phất cùng các bậc Thanh
văn, mà không hề bám dính vào áo của Thiên nữ cùng Đại Bồ Tát.
Là vì các bậc này đã gột sạch hết mọi vọng thức phân biệt chấp
trước cùng vô-minh vi tế rồi….
LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
CHƯƠNG 6
7 ĐẠI VỐN NHƯ HUYỄN VÔ-TỰ-TÁNH
NÓI VỀ 7 ĐẠI. 7 ĐẠI VỐN NHƯ HUYỄN VÔ TỰ TÁNH, NÊN PHẬT
ĐÃ DÙNG BIỆN CHỨNG TRUNG QUÁN THÂU VỀ NHƯ LAI
TẠNG CHÂN NHƯ NHIỆM MÀU…7 ĐẠI ẨN HIỆN RA SAO?
7 Đại là 7 đại-chủng: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không
đại…và Kiến đại, Thức đại…(đại chủng: elements).
7 đại cũng đều là do THỨC biến, do cái Thức Sơ
năng biến tức Hiện thức, chuyển hiện mà thành ra 7 đại, cũng là vì do
Tâm Động-niệm, do cái niệm-mê-mờ-vô-thủy…Vậy thì trong sự chuyển hiện
thành pháp giới, công lao hay lỗi lầm chẳng phải là ở
Căn hay ở Trần, hay ở Địa-thủy-hỏa-phong-không, mà lỗi lầm là ở cơn
mê-sảng của Tâm nó động đậy, để khởi vọng tưởng cùng vọng
tình tức là vọng thức phân biệt.
Khi thức sơ năng biến khởi tâm tự-chiếu
soi, thì nó chuyển thành Kiến-phần và Tướng-phần…Và 2 phần này luôn luôn phải
ẨN HIỆN nhịp nhàng TƯƠNG ƯNG (synchrone).
Cái Kiến phần, nếu nó chịu đứng lặng, thì toàn
bộ là của nó thường khinh thanh sáng láng vi tế, à nó tức là
Kiến-phần, tức là CĂN hay Căn-đại.
Tướng phần thì chuyển hiện tương ưng nhưng
ngày càng trọng trược kém khinh thanh sáng láng…và nó tức là
Địa-thủy-hỏa-phong-không…tức là TRẦN.
Cái Kiến phần, nếu nó biết chỉ chiếu soi 1 cách thuần
phác vô tâm, thì nó vẫn Kiến-đại.
Nhưng nếu nó quay ra chiếu soi 1 cách hữu-tâm, muốn nắm
bắt phân biệt, rồi khởi tưởng khởi tình, thì 1 phần của nó trở
thành dao động lăng xăng, giao thoa với những quang
minh trọng trược hơn của Tướng phần, và trở thành Thức-đại
tức là THỨC…
Vậy thì 7 ĐẠI chỉ là:
- 7 lớp quang minh từ Tế đến Thô,
chuyển hiện ra từ Hiện thức.
- Đều khởi lên từ nơi Chân không, tương tự như
những màn-sương-mù, dệt nên bở vô lượng những tia-chớp-nháng phụt lên
từ Chân không.
- Do đó, đều vô tự tánh, đều không thật không
hư, như huyễn như hóa, như mộng ảo bào ảnh.
- Dung thông CHU BIẾN khắp giáp, vì chúng vốn
là Thức biến, vốn là Diệu tâm và bản tính viên dung.
- Tùy theo nghiệp lực chiêu cảm của chúng
sanh-trong-cuộc mà phát hiện ra, lúc ẨN lúc HIỆN…Khi nào những chủng
tử nghiệp thuộc về 1 Đại nào đó trở thành và nở xòe ra,
thì tương ưng sẽ có những duyên đầy đủ, và Đại ấy hiện ra…Khi
nào hết nghiệp đó, thì các duyên bặt đi, và Đại ấy ẩn đi…Tỷ dụ như khi Địa
đại thô kệch hiện ra, thì hư không vi tế hơn ẩn đi.
Hoặc khi hư-không vi tế hay các đại vi tế
hơn hiện ra, thì địa đại tan biến và ẩn đi.
Cũng như khi Tối hiện ra, thì Sáng ẩn đi, hay ngược lại…
Bởi thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 363, Phật dạy
rằng:
"Này Phú Lâu Na! nếu ông phát minh cái hư-không thì hư
không hiện ra. Địa thủy hỏa phong, mỗi mỗi phát minh thì mỗi
mỗi hiện ra. Nếu cùng phát minh thì cùng hiện ra…”
Chữ Phát minh đây có nghĩa là: hoặc là chủng tử
nghiệp lực của chúng sanh hiện hành nở xòe ra, thì có thứ
Đại tương ưng nó hiện ra, và như thế là nghiệp-quả-sắc, tức là
thứ sắc tướng chuyển hiện tương ưng với nghiệp…Hoặc là khi
kẻ hành giả quán chiếu 1 đại nào tới mức thuần
thục đúng mưc, thì Đại ấy hiện ra, như trường
hợp ngài Nguyệt quang đồng tử quán nước, và như thế thì gọi là
Định-quả-sắc.
Trong Kinh Lăng Nghiêm (từ trang 271 đến 305),
Phật đã giảng giải cho ngài A Nan về 7 Đại, và Ngài đã dùng
lối Luận lý Trung quán để đả phá các kiến chấp nông cạn
của phàm phu và ngoại đạo về 7 đại ấy, đồng
thời THÂU 7 đại về Như lai tạng Chân như nhiệm màu.
Cũng tương tự như trong đoạn thâu Nhĩ
căn và Thanh trần đã nói ở trên, Ngài đã bác bỏ 2
thế-luận là Tiếng chạy-đến-bên-cái-nghe và Cái-nghe-chạy-đến-bên-Tiếng, để
làm nổi bật lên Lối nhìn theo chiều sâu, theo Trung
đạo song chiếu, theo nhân quả nội-tại tự biến, theo Tự-tâm biến
hiện.
Vì vậy, nên lời dạy trở thành ẩn mật, và người đọc
tụng Kinh Lăng Nghiêm cần phải sửa đổi cái tập
quán nhận thức sâu nặng hay nhìn theo bề ngang của mình, thì
mới lãnh hội được ý kinh cùng Chân lý.
Vậy thì Luận lý Trung quán tức là lối nhìn theo
chiều sâu, theo Nhất-như, theo lẽ tương-sanh-tương-duyên, theo những
tia-chớp-nháng phụt lên từ nơi Chân-không do sức hành-nghiệp…Nhìn theo lối đó,
thì lần lần sẽ thấy rõ ràng rằng: sự vật không phải là thật có, không
phải thường còn, không phải là có ngã, không phải là hòa hợp cũng
chẳng phi hòa hợp, không phải tự-sanh, không phải Tha-sanh, không phải
Cộng-sanh, cũng không phải không có nguyên nhân. Vì đều chỉ là BIẾN HIỆN,
do nghiệp lực chiêu cảm…
Do đó, sẽ vô lý hóa, sẽ tiêu trừ, sẽ vượt được
mọi thế-luận, mọi hý luận cùng kiến chấp.
Vậy thì những thế-luận này là những gì?
Thế luận này kể ra thì rất nhiều, nhưng tựu trung cũng chỉ
có 2 loại:
- Thuyết nhân duyên hòa-hợp hay phi hòa
hợp của phàm phu.
- Và thuyết tự-nhiên hay Ngẫu-nhiên (le Hasard hay Causeless)
của Ngoại đạo.
a)- Hãy nói trước về luận-cứ thứ nhất.
Đây là luận cứ của phàm phu. Phàm phu chúng ta,
khi nhìn thế gian, thì thường cho rằng: các sự vật đều là do 7 đại
HÒA HỢP với nhau mà tạo dựng thành, hoặc là do 7 đại
PHI HÒA HỢP với nhau mà tạo dựng thành.
Tỷ dụ như thân-căn con người thì gồm: 1 ít đất, 1
ít nước, 1 ít lửa tức hơi ấm, 1 ít phong tức hơi thở, vi-trần-số những lổ
hổng (holes) tức hư-không, rồi gồm với cái thấy-nghe-hay-biết tức là Kiến-đại
và Thức-đại, để tạo dựng nên. Như thế tức là các đại hòa-hợp.
Nhưng tới khi mạng chung, thì chỉ còn có cái thây ma
gồm: đất, nước và hư không. Còn 4 địa kia đã biến đi đâu mất. tức là 4 đại
kia đã phi-hòa-hợp.
Lối nhìn này thực ra không phải là hoàn
toàn sai, nhưng nông cạn, chưa sát với chân lý, chưa rốt
ráo liễu nghĩa. Vì vẫn còn là nhị biên.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã mấy lần phá những
ý-niệm nhị biên đó. Vì các đại không thể nói là hòa
hợp, cũng không thể nói là phi-hòa-hợp được.
Tại sao không thể nói là hòa hợp?
Là vì như ở trang 191 của kinh, Phật dạy rằng:
"Này Anan! Hiện nay, ông đang nhìn thấy trời sáng. Nếu cái
thấy (tức Kiến đại và Thức đại) của ông nó
hòa-hợp với cái sáng (tức là 1 thức hỏa-đại), thì cái sáng hiện đó, vậy chỗ nào là chỗ nó XEN LỘN với cái
thấy?....Cái thấy và cái sáng đều có thể nhận rõ, nhưng còn hình trạng xen lộn
thì như thế nào?”
Tức là ý Phật muốn dạy rằng: nếu 2 đại ấy hòa
hợp được, thì nó phải có 1 khoảng cách xen lộn lẫn nhau, và nếu đã không
chỉ rõ được khoảng cách ấy, thì làm sao có thể nói là 2 đại hòa hợp
được?!
Là vì nếu suy ngẫm kỹ, thì chúng ta sẽ thấy
rằng: tỷ dụ như nước với lửa, như đất với hư-không…, nếu chúng là
THẬT CÓ và tồn tại riêng biệt, thì làm sao chúng có thể hòa
hợp với nhau được?...Sở dĩ chúng có thể THẨM THẤU lồng
vào nhau, và có thể GIẢ HỢP tương sanh tương duyên để làm phát hiện
nên mọi ảnh tượng sự vật, chính là vì chúng chỉ là HƯ HUYỄN, chỉ
là quang minh, chỉ là do Thức biến, là Tự-tâm biến hiện, là cùng 1
THỂ nhưng khác nhau ở mức độ vọng hóa mà thôi. Do đó, chúng có
thể thẩm thấu lồng vào nhau, giả hợp, khiến những giác
quan thô kệch của chúng sanh lầm tưởng rằng chúng hòa
hợp mà thôi.
Nhưng các đại cũng không thể nói là Phi-hòa-hợp được? là vì
sao?
Là vì, cũng như Phật dạy nơi trang 191, 192 rằng:
“Nếu cái thấy của ông A-nan nhất định là phi hòa
hợp với cái sáng, hay phi hòa hợp với sự vật…, thì làm sao lại
thấy được cái sáng hay thấy được sự vật?! hoặc là nếu cái thấy và cái
sáng nhất định là phi hòa hợp thực sự, thì giữa 2 cái đó
phải có 1 LÀN RANH GIỚI, và phải chỉ được làn ranh giới ấy…Đã
không chỉ được ranh giới, thì làm sao có thể nói là phi hòa hợp?!”
Là vì như trong tỷ dụ cái thây chết nói trên thì
có 4 đại là hỏa-phong-không-kiến-thức đã phi hòa hợp, đã bỏ
ra đi và biến đi…Nhưng nếu là phi hòa hợp thật sự, thì 4 đại đó,
tuy đã bỏ ra đi, song vẫn còn phải tồn tại và phải có chỗ
để đi đến…Đằng này không, chúng chỉ tan biến đi và chẳng biết là chúng đi đâu!
Là vì nếu suy ngẫm kỹ, thì sẽ thấy rằng: cả 7 đại đều
không có cách gì phi hòa hợp với nhau được, vì chúng đều DÍNH
MẮC lẫn nhau, đều là quang minh của pháp giới cả, đều không
thể ra khỏi pháp giới được…, và chỉ có thể là tùy
theo nghiệp lực của chúng sanh đứng nhìn để HIỆN hay ẨN mà
thôi…. Cũng như tất cả chúng ta đây, chẳng ai có thể vượt khỏi cái
Dính-mắc với pháp giới, trừ những ai biết tu Như-huyễn tam ma
đề để chứng nhập Diệu tâm..Vì thế, nên các đại chỉ có GIẢ LY
thôi.
Tóm lại, thì cả 2 nghĩa: Nhân duyên hòa-hợp hay
phi-hòa-hợp đều không thể thành tựu.
b)-Luận cứ thứ 2: Thuyết TỰ NHIÊN hay NGẪU
NHIÊN của ngoại đạo.
Thuyết Tự-nhiên này của ngoại đạo là như thế
nào? Một vài trường phái ngoại đạo chủ trương rằng: Tạo vật sở
dĩ có, là do 1 Đấng sáng tạo đã tạo dựng nên, còn như Đấng
sáng tạo này thì TỰ NHIÊN mà có, tức là không có nguyên
nhân tạo ra (incréé hay causeless).
Hoặc có trường phái chủ trương rằng: Tuy không có Đấng sáng
tạo, nhưng đã có 7 đại là đại-chủng và yếu-tố căn bản để tạo dựng nên
mọi sự vật…Hoặc có phái cho rằng chỉ có LỬA là đại-chủng căn bản…Và họ cho rằng
những đại-chủng căn bản là tự-nhiên có, không có nguyên
nhân tạo ra.
Hoặc có phái cho rằng Thời-gian mới là đại chủng cơ
bản đã tạo dựng nên mọi sự vật.
Thực ra thì những chủ trương của ngoại đạo này
không phải là không hàm chứa ít nhiều chân-lý, nhưng chân lý còn kém
thấp, nông cạn, và còn gợn niệm kiến chấp. Là vì những cơn tam
muội của họ đạt được còn nông cạn, chưa rốt ráo, khiến họ
còn nảy ra những vọng tưởng vi-tế đảo điên, và chưa nhìn thấy rõ
cỗi nguồn của sự vật.
Những phái chủ trương rằng 7 đại hoặc Thời-gian là đại
chủng cơ bản, thì còn vấp phải kiến chấp quá nhiều. Vì họ cho
rằng những đại chủng ấy là THẬT CÓ, và đại chủng có thể
SANH RA những vật kia…Không biết rằng đại chủng cũng chỉ là
1 VỌNG TƯỞNG huyễn hiện, và cái này có thể sanh ra cái kia cũng chỉ
là 1 vọng thức còn sặc mùi thế tục.
Còn chủ trương có 1 Đấng sáng tạo thì đã cao hơn. Đó
là chủ trương truyền thống của Bà la môn giáo, cho rằng có 1
Đấng Phạm thiên sáng tạo…Quan niệm ấy
là quan niệm Nhất nguyên thần hóa và nhân-ảnh hóa.
Nhưng Nhất nguyên thần hóa mới chỉ là 1 ý-niệm một bên. Còn
thiếu Nhất nguyên phi thần hóa và con đường Song
chiếu Trung quán…Vả lại, Nhất nguyên thần hóa thì vẫn nghiêng
về chấp CÓ, cho rằng vị Phạm thiên là THẬT CÓ, trong
khi Phạm thiên vẫn chỉ là một ảnh tượng vọng hiện, và
cái Thực tại cuối cùng vốn là chẳng-có-chẳng-không (ni Etre ni
Non-Etre). Nhưng hình như thiên-tư tự nhiên của tâm
thức người dân Ấn Độ là ưa thích Nhất nguyên thần
hóa, ưa thích 1 Đấng Phạm thiên thật có, vì như thế, lòng
tin của họ dễ khởi lên mãnh liệt hơn…Ngoài ra, chủ trương này cũng vấp
phải kiến chấp có cái này Sanh ra cái kia vốn sặc mùi thế tục.
Đồng thời, cũng vấp 1 lỗi lầm nữa là: nếu quả thực Phạm
thiên đã tạo dựng nên vũ trụ này, thì tại sao thế
gian này còn phơi bày nhiều nỗi khổ lụy như vậy?!...
Có lẽ cũng vì nhận thấy những khuyết điểm ấy, nên vào
thế kỷ thứ 8 hay 9 gì đó, 1 đại tu sĩ Bà la môn là Cankara
đã thành lập phái Vedanta để bổ xung thêm cho truyền
thống Phệ-đà và Áo nghĩa thư. Và trong phái này, Cankara đã đưa thêm
ra quan niệm Bất-nhị và quan niệm Maya (Như-huyễn), cả 2 có
lẽ đều mô phỏng theo giáo lý nhà Phật.
Bởi thế, nên khi xuất hiện nơi đời để điểm
hóa cho hàng ngoại đạo về những kiến chấp lệch lạc,
Phật đã dạy trong pháp hội Lăng già rằng:
“Này Bà la môn! Tất cả những luận cứ đó thẩy đều là
thế-luận của các ông, chẳng phải của Ta nói…Ta chẳng nói CÓ NHÂN cũng chẳng nói
KHÔNG NHÂN, chẳng nói THƯỜNG CÒN cũng chẳng nói ĐOẠN DIỆT…Ta chỉ nói rằng
do tập khí VỌNG TƯỞNG tích lũy từ vô thủy mà 3
cõi được dựng nên…”
Riêng với 1 lời dạy này, giáo lý nhà Phật đã vượt
qua hết thẩy những chủ trương ngoại đạo.
Rồi trong pháp hội Hoa Nghiêm, Ngài Phổ-hiền lại
dạy:
"Các sự vật, các chúng sanh, các cõi đều được dựng lập
và kết tập nên do Thần-lực-hải của Chư Phật, cùng Nguyện-lực-hải của
Chư dại Bồ Tát, cùng Nghiệp-lực-hải của các chúng sanh. Và cả 3 thứ
Hải ấy đều bất tư nghì….”
Và trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã bác thuyết Tự
nhiên, vì còn vướng nhiều kiến chấp.
Còn như thuyết NGẪU NHIÊN, thì nó cũng là 1 hình thái
của thuyết Tự nhiên…Ngẫu nhiên nghĩa là Tình cờ (Hasard) mà có. Nói
theo danh từ ngày nay, thì nó là Luật tắc của sự Tình-cờ (Loi du hasard), của
sự Chuyển-động tình cờ, Luật tắc thống kê của sự chuyển động của số nhiều
(Loi Statistique des grands nombres), của những sác-xuất (Loi des probabili té
s).
Tỷ dụ như phái này chủ trương rằng: Vạn vật sở
dĩ có được, là do vô lượng những Cực-vi chúng chuyển động loạn
xạ, nhẩy múa loạn xạ từ những kiếp nào không biết, rồi TÌNH CỜ kết
hợp được và tạo dựng nên. Một sinh vật như 1 con khỉ hay
1 con người cũng vậy, chỉ là Ngẫu nhiên mà có, do vô
lượng cực-vi nhẩy múa loạn xạ rồi tình-cờ kết tập nên.
Thuyết này thì rõ rệt dễ bác bỏ, vì mấy lẽ sau:
- Nó vấp phải 1 luật tắc khác của khoa học cận đại gọi
là Loi de l’Entroie….Theo luật tắc này, thì các cực vi vốn
là vật chất vô-cơ (mati è re inorganique), thì trong khi chuyển động
loạn xạ, cái chiều-hướng tự nhiên của chúng là chuyển dần về
những trạng thái có sự phân phối CÂN ĐỐI về năng
lượng hay tinh lực (Ré partition é ner gé tique sym é trique), tức là
khuynh hướng muốn bình chuẩn hóa những mức độ tinh lực (é galisation
dess niveaux d’ én ergie). Tỷ dụ như những cực-vi của đất hay nước ở
trên cao, thì bao giờ cũng chảy xuống thấp, vì chúng có nõa-tính (inertie), và
có chiều hướng muốn bình-chuẩn-hóa những mức-độ tinh lực.
Trong khi những con sinh vật như khỉ hay người lại đều
là những thực-thể hàm chứa những cơ cấu BẤT CÂN ĐỐI về sự phân phối tinh
lực (Structure asymetrique hay dissymetrique)…Như vậy, thì sự chuyển động
loạn xạ của vô lượng cực-vi không thể tạo nổi 1 sinh vật được.
- Thứ 2 là nếu tính theo toán-số-xác-xuất (calclu des
probabilités), thì nhiều nhà khoa học như Lecomte D Nouy cũng kết
luận rằng:
Những phần tử cực vi vô lượng, dù chuyển động
loạn xạ lâu đến đâu cũng vậy, cũng không có 1 chút-sác-xuất nào (probabilités
nulle) để kết tập nên 1 sinh vật phức tạp như
khỉ hay người được…Cũng tương tự như 1 con khỉ, nếu đặt nó
trước 1 cái máy chữ và cho nó đánh máy loạn xạ, thì dù nó đánh bao nhiêu triệu
năm, cũng không bao giờ thành hình 1 cuốn sách có đầu có đuôi
và ý nghĩa được.
Bởi vậy, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng bác
bỏ thuyết này.
Đến đây, để hiểu rõ thêm 7 Đại cùng lẽ Ẩn-Hiện của
chúng, thiết tưởng cần nhắc lại sơ lược các lời dạy của Phật
trong Kinh Lăng Nghiêm.
a)- Về ĐỊA ĐẠI:
Lời dạy trong kinh thường là cô đọng ẩn mật. Nơi trang 275,
Phật dạy về Địa đại…Thiển nghĩ có thể diễn giải lời dạy của Ngài như
sau để cho dễ hiểu:
“Này Anan! Người thế gian, khi nhìn Địa đại, thì cứ
tưởng nó là THẬT CÓ, rồi lại thấy tính chất của nó là hay ngăn-ngại,
nên thường hay đối lập và cách biệt nó với hư-không.
Rồi lại thấy địa-đại, khi nó hợp với nhau nhiều thì tạo thành trái
đất hay thế giới. rồi tới khi nó LY nhau ra, tức là chia chẻ ra, thì nó
lại thành vi-trần, rồi lân-hư-trần. Khi nó hợp nhau, thì họ tưởng là nó HỢP
THẬT, và khi nó ly ra, cũng tưởng là nó LY THẬT, và khi nó ly ra, cũng tưởng là
nó HỢP THẬT..Rồi họ lại nghĩ rằng:
Nếu cái lân-hư-trần ấy mà đem chẻ ra nữa, thì chắc là nó thành
hư-không.
Này A nan ! Không cứ người thế gian lầm
tưởng như vậy, mà ngay đến ông đôi khi vẫn còn lầm tưởng như thường, khiến cho
Địa-đại phát hiện ra hoặc ẩn đi. Còn như các bậc tiểu
thánh hoặc Đại Bồ tát thì có thể dùng tâm
lực để quán chiếu và khiến cho địa-đại ẩn hay hiện. Tỷ
dụ như:
-Phàm phu: phàm phu chúng ta chỉ có thể làm
cho địa đại ẩn-hiện là tùy theo nghiệp lực mà thôi,
chưa thể dùng tâm lực hay
sức quán chiếu được,vì tâm lực quá tản loạn yếu
kém.
Như khi ta trồng cây chẳng hạn, hay khi người đàn bà thọ thai,
thì đó là ta làm phát hiện địa-đại. Vì cây mọc lớn lên, hoặc cái thai lớn lên,
tức là địa đại tăng trưởng và phát hiện ra… Nhưng đừng tưởng
rằng hễ cứ trồng cây hay thọ thai, là địa-đại nhất định phải phát
hiện đâu… Cây mọc được, hay cái thai có thể lớn lên được hay không, cũng tùy
thuộc ở Nghiệp lực của ta. Nếu ta không đủ phước
báo để hưởng bóng mát của cây ấy, và ăn quả của cây ấy, thì tuy có gieo
trồng vun xới, hạt giống vẫn tàn lụi ung thối và cây không mọc nổi.
Bởi thế, kinh mới dạy rằng: nếu phước báo của chúng sanh mỏng
cạn, không đáng được hưởng sự no ấm, thì các địa vị thần sẽ làm
cho các chất mầu mỡ có torng đất biến lần đi, và các ruộng lúa không mọc được,
hoặc có mọc cũng ít trổ hạt lúa… Hoặc nếu người đàn bà ấy mang nghiệp không
xứng đáng có 1 đứa con, thì dù có thọ thai, rồi cái thai cũng bị hư sảy.
Và như thế, các mầm địa-đại lại ẩn đi. Đại lược là như vậy…
-Các Đại Bồ tát:
Nhưng đối với các bậc Thánh, nhất là Đại Bồ tát, thì các
Ngài có thể dùng tâm lực (tức thần lực hay Nguyện
lực) quán chiếu, khiến cho địa-đại ẩn hay hiện 1 cách dễ dàng, đôi khi
ẩn-hiện ngay lập tức…Tỷ dụ như có 1 người rớt xuống biển cả, và nếu túc
duyên người ấy đáng được cứu độ, thì Đức Quán Thế Âm có thể
dùng tâm lực hóa hiện ngay 1 mảnh gõ lớn, lềnh
bềnh trôi tới cạnh người ấy.
Nhưng thông thường, thì trên con đường tu luyện, các
vị hành giả ÍT KHI tu theo lối quán chiếu làm PHÁT
HIỆN địa-đại…Trái lại, các vị đó thường tu quán chiếu ngược lại,
nghĩa là khiến cho địa-đại ẨN đi.
Tỷ dụ như ngài Trì-địa Bồ tát trong Kinh
Lăng Nghiêm trang 545. Ngài đã tu hành như sau: trong rất nhiều
kiếp, ngài thường làm tỳ-kheo hay người thường, nhưng chỉ chuyên về hạnh cuốc
đất, hoặc gánh đất, hoặc làm đường xá cầu cống, hoặc mang xách không
công những đồ vật nặng cho kẻ khác.
Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là: Ngài NHẨN CHỊU tất cả sức NGĂN NGẠI,
sức đè ép, sự khổ lụy của địa-đại. và đó cũng là 1 lối quán chiếu.
Rồi sau đó thì Ngài làm gì? …Sau đó, Ngài nghe Phật
Tỳ-xá-phù dạy: “Hãy bình cái Tâm, thì bình được Địa-đại…” Nghe
lời dạy, Ngài bèn hiểu rằng: “À ra như thế, thì là địa-đại là do Tâm biến
hiện, Tâm và Địa là bình đẳng…”
Ngài bèn quán BÌNH ĐẲNG, quán chiếu rằng vi-trần
nơi thân căn, và vi-trần ngoài thế giới đều bình-đẳng không sai
khác, vì đều là do Tâm biến hiện.
Rồi ngài lại quán Sắc-không không 2, tức là Địa-đại VÔ
NGẠI.
Tóm lại, ngài đã NHẪN CHỊU, rồi quán BÌNH ĐẲNG,
quán VÔ NGẠI. tức là quán NHƯ HUYỄN..rồi tới chỗ thuần thục,
đắc Vô sanh nhẫn…Và đối với ngài, sắc-tướng hay địa-đại trở
thành vô-ngại.
b)-Nói về THỦY ĐẠI:
Thủy- đại cũng tương tự như địa-đại, vì đều là
biến-hiện. Nhưng vi-tế hơn, ít ngăn ngại hơn, động lưu hơn, hoặc chảy hoặc đứng
lặng, và có sức thẩm thấu mạnh hơn.
Trong kinh, trang 281, lời dạy đại ý như sau:
“Này A nan! Như trong thành Thất la phiệt này, có mấy ông tiên
Bà-la-môn thích tu luyện đơn. Muốn luyện đơn, thì phải có 1 thứ
nước đặc biệt, gọi là Vô căn thủy…nên họ thường chờ những đêm
trăng sáng, cầm hạt châu Phương chư giơ ra giữa trời, thì lần lần, có những
giọt nước HIỆN ra nơi hạt châu, rồi rớt xuống cái bat.
Vậy nước ấy ở đâu mà ra? Từ mặt trăng ra, hay từ
hư-không, hay từ hạt châu, hay từ bàn tay?...Đều không đúng cả. Vì mấy thứ đó
chỉ là Duyên thôi, không phải Sanh-Nhân…Khi các duyên hội tụ đầy đủ, và có
Nghiệp tương-ưng, thì NƯỚC phát hiện. Cho nên, nghiệp chiêu cảm mới
thực là sanh-nhân, và khi nó chiêu cảm đúng mức, thì Nước khởi-hiện
lên từ nơi Chân-không tức Diệu tâm.
Vậy này A nan! Ông nên nhớ kỹ như vầy. nước là vô-tự-tánh,
là như-huyễn, là Thức biến, là biến-hiện. TÁNH của THỦY chính là CHÂN
KHÔNG, tánh của KHÔNG chính là CHÂN THỦY, bản nhiên thanh tịnh, chu
biến khắp giáp, tùy theo nghiệp-lực chiêu
cảm của chúng sanh mà ẨN-HIỆN, chẳng phải là do nhân duyên,
hay tự-nhiên hay Ngẫu nhiên mà có…”
Về lẽ ẩn-hiện, thì phàm phu chúng ta cũng có thể
làm cho Thủy-đại ẩn hiện..Như khi ta đun 1 cục băng, thì nước phát hiện. khi ta
cho 1 cốc nước vào trong tủ lạnh, thì nước đóng thành đá, và như thế là nước
tạm ẩn đi…Nhưng đừng quên rằng: Sở dĩ ta thường thành
tựu mấy việc thông thường ấy, là vì nghiệp của ta cùng cộng nghiệp
của loài người, đã đạt tới mức độ tương ưng có thể hưởng dụng
những sự đổi thay ấy.
Còn đối với các bậc Thánh, thì Kinh Lăng Nghiêm, ở trang
549, có nói đến trường hợp ngài Nguyệt quang đồng tử, tu phép
quán Nước để vào tam ma đề…Ngài bắt đầu bằng quán BÌNH
ĐẲNG, quán chiếu rằng: các thứ nước ở trong thân mình như nước
bọt, đờm rãi, tiểu tiện…cùng với các thứ nước ở bên ngoài như nước mưa, nước
sông hay nước bể hương thủy của Phù-tràng-vương Phật sát…cũng
đều bình đẳng, không 1 không khác.
Quán như vậy lâu rồi, thì tâm thức ngài nhập một với
Nước, vào Tam-ma-đề, đắc quả Alahan…Nhưng tuy tâm nhập một với nước,
nhưng Ngài còn vướng phải Thân, chưa được Không-thân, và Thân với Nước còn LƯU
NGẠI nhau.
Ngài tiếp tục quán. Và trong những cơn Định,
nước tiếp tục HIỆN ra lênh láng chung quanh ngài. nước ấy
tức là do ĐỊNH QUẢ SẮC, chỉ 1 mình ngài trông thấy…Tiếp tục nữa, thì nước
ấy trở thành DIỆU ĐỊNH quả sắc, và người chung quanh cũng có thể
nhìn thấy, và nghe thấy tiếng vỗ. rồi có 1 đệ-tử nhìn vào thấy nước, nảy
tâm tinh nghịch lượm 1 viên ngói ném vào khoảng nước và
phát ra thành tiếng…Khi xuất định, ngài thấy tim đau, vì nước và hòn ngói
(địa-đại) còn lưu-ngại thân ngài. Tới khi biết nguyên do là viên ngói
lưu-ngại, ngài bảo người đệ-tử chờ cơn định của ngài để lượm viên ngói ra. Và
khỏi bệnh.
c)-Nói về HỎA- ĐẠI:
Hỏa đại vi-tế hơn, linh động hơn nhiều, vì do
những quang minh vi-tế hơn của Thức biến kết
tập nên..Nhưng cũng vẫn tương tự như vậy, cũng vô tự tánh, như
huyễn, cũng biến hiện..tùy theo duyên và nhất là tùy
theo Nghiệp-lực chiêu cảm mà ẩn-hiện.
phật dạy đại ý như sau:
“Này A nan! Hỏa đại cũng vậy, không có tự-thể, giúp
nơi các duyên mà phát hiện.. Như những người trong thánh này, khi muốn nhóm bếp,
thì lấy 1 ít bùi nhùi, rồi tay cầm kính mặt cong (miroir concave) đưa ra ánh
sáng mặt trời, bèn có Lửa bốc cháy nắm bùi nhùi.
Ông nên biết rằng: Lửa ấy chẳng phải do bàn tay, do bùi nhùi,
kính mặt cong, do hư không hay mặt trời mà ra…Mấy thứ đó
chỉ là Duyên thôi, tuy mặt trời có vẻ là thứ duyên
chính yếu. Vì Sanh-nhân chính là do sức nghiệp chiêu cảm, nên mỗi khi
có các duyên hội tụ đầy đủ, thì Lửa bèn phát-hiện từ nơi Chân-không…Nếu tỷ
dụ như sức nghiệp của loài người không đủ để chiêu
cảm Lửa, để hưởng thụ ánh sáng cùng sức nóng của lửa, thì dù các duyên có
hội tụ, lửa vẫn không phát hiện. vì có những cõi rất tối tăm, không
hề có lửa, do phước báo quá mỏng manh không thể chiêu
cảm sự phát hiện của lửa.
Bởi vậy, cần nhớ kỹ rằng trong Như lai tạng, TÁNH của HỎA
là CHÂN KHÔNG, và TÁNH của KHÔNG chính là CHÂN HỎA. Bản nhiên thanh
tịnh, viên dung chu biến khắp giáp, tùy theo sức
nghiệp chiêu cảm mà ẩn-hiện. không phải do nhân duyên hay
Tự-nhiên…”
Về Lẽ ẩn-hiện, thì phàm phu chúng ta, khi NỔI cơn sân
hoặc động tình dâm dục, bèn khiến lửa phát hiện, vì lửa dục bốc
cháy bừng bừng. Khi nuốt 1 cơn giận hay dẹp sự động tình dâm
dục, thì lửa dục lại ẩn đi.
Đối với các bậc Thánh, thì Kinh Lăng Nghiêm, trang 543, có
nhắc đến trường hợp ngài Ô sô sắc ma.
ở 1 kiếp xa xưa, Ngài vốn là 1 người nhiều dâm
dục, lửa dục luôn luôn bốc cháy khiến đứng ngồi không yên..
ngài bèn tu phép quán LỬA, quán chiếu những HƠI NÓNG
và LẠNH thường hay phát khởi trong thân mình. Lần lần thấy rằng:
những hơi nóng hay lạnh đó đều BÌNH ĐẲNG, không 1 không khác, nóng và lạnh
chẳng rời nhau. Vì sao? Vì đều là do Thức-tâm chuyển biến, biến hiện, đều
là cùng MỘT THỂ cả. Cũng như Tối với Sáng vậy, Tối với Sáng
chẳng hề rời nhau…Ngài lại xoay ra quán chiếu sự chuyển-hiện của các
thứ Lửa, thì thấy rằng chúng thực ra chẳng hề lưu-ngại lẫn nhau, có
thể chuyển-hiện VÔ NGẠI. lần lần thuần thục, thì cái THỂ ấy HIỆN
ra rõ ràng, tức là cái Giác tính sáng suốt tức là cái Thức
vi-tế sáng suốt chiếu soi, tức là cái Kiến-đại thuần túy. Vì
không còn vọng-niệm, nên Giác tính ấy đứng lặng chiếu soi, tức là
cái Giác tính sáng suốt, tức là cái Thức vi-tế sáng
suốt chiếu soi, tức là cái Kiến-đại thuần túy. Vì không còn
vọng-niệm, nên Giác tính ấy đứng lặng chiếu soi, tiêu trừ hết
hoặc-lậu. Và như thế, ngài đã chuyển-hiện, đã thăng hoa (sudlimer) Lửa đa-dâm
thành Lửa Trí-huệ….
Và trong kinh Duy ma, thì Ngài Tịnh
danh (tức Duy ma cật) dạy rằng: “Đại Bồ tát có thể hút tất
cả các thứ lửa ở thế-gian này vào trong bụng, mà không hề bị tổn hại…” Vì sao?
Là vì Thân của Đại Bồ tát là Vô biên thân, thân vô
sở y, thân Diệu sắc, thân không dính-mắc 6 trần, thì làm sao mà tổn
hại?!!
d)-Nói về PHONG ĐẠI:
lại vi-tế hơn nữa, nhưng cũng vẫn tương tự như vậy.
Phật dạy đại ý như sau:
“ Này A nan! Phong-đại cũng vậy, không có tự-thể, khi động khi
tĩnh không chừng, động thì hiện ra, tĩnh thì ẩn đi.
Như ông thường đi vào trong đại chúng, nếu ông
sửa áo, nếu vạt áo phất qua người bên cạnh, thì liền có chút GIÓ phẩy qua mặt
người kia….
Ông chớ nên tưởng rằng: gió ấy là do bàn tay ông, do vạt áo, do
hư-không hay do mặt người kia mà phát hiện ra đâu…Mấy thứ đó chỉ là
Duyên mà hội tụ mà thôi. Sanh-nhân chính của nó là do sức nghiệp của các
ông chiêu cảm mà phát hiện ra. Người thế-gian cứ hay lầm tưởng
về chỗ đó, cứ tưởng rằng mỗi khi mình phất vạt áo hay phe phẩy chiếc quạt, thì
không bị chấn động, và có luồng gió hiện ra. Nghĩ như thế cũng không
phải là hoàn toàn sai, nhưng đó chỉ là 1 lối nhìn thiển cận, chỉ
đúng ở 1 kích-độ nào (é chelle d’ observation) mà thôi, và chưa phải là lối
nhìn rốt ráo theo Tự-tâm biến hiện. Cũng tương tự như lối
nhìn: “ Tiếng đến bên Tai hoặc tai đến bên tiếng” trong trường
hợp ông nghe tiếng trống hay tiếng chuông nơi vườn Kỳ đà này mà
thôi.
Ông nên nhớ kỹ rằng: dù các Duyên có hội-tụ đầy đủ,
nhưng nếu không có sức nghiệp tương-ưng chiêu cảm, thì GIÓ
vẫn KHÔNG PHÁT HIỆN…Bằng chứng là khi tới kiếp hoại, những cơn
Đại-phong-tai nổi lên ầm ầm, lay động khắp nơi chốn, làm sụp đổ tất cả những
từng trời từ Đệ tam thiền trở xuống. Thế mà những tầng trời ở Đệ
tứ thiền vẫn an nhiên bất động, và chư thiên ở đó vẫn
chẳng thấy có gió lay động gì cả. Vì sao? Là vì họ không có nghiệp chiêu
cảm, họ đã vượt qua được những nghiệp tương-ưng với GIÓ rồi. Tâm
thức của họ không còn phải chịu sự lay động của gió nữa… Trong
những tiền thân của Ta, Ta đã nhiều lần thọ sanh nơi những tầng
trời Đệ tứ thiền, và nhiều lần chứng kiến cảnh đó, nên Ta biết
rõ.
Vậy thì này A nan! Ông nên biết rằng trong Như lai
tạng, TÁNH của Phong là CHÂN KHÔNG, và TÁNH của KHÔNG chính
là CHÂN PHONG, bản nhiên thanh tịnh, viên dung chu
biến khắp giáp, tùy theo sức nghiệp chiêu cảm mà
ẩn-hiện, không phải do nhân duyên hay Tự nhiên…”
Về lẽ ẩn-hiện, thì phàm phu chúng ta có thể lấy
miệng thổi,hay cầm chiếc quạt phe phẩy, là có gió hiện ra. Sự việc ấy xảy
ra quá thông thường, khiến ta ãng quên mất tính cách kỳ diệu của
nó. Thực ra, thì bất cứ sự việc gì dù nhỏ nhoi tầm thường đến
đâu, cũng đều kỳ diệu cả. Vì sao? Vì đều là do nghiệp-lực bất tư
nghì chiêu cảm, đều là do Tâm biến hiện…Gió nổi lên là vì nghiệp hiện
hành tương ưng, nếu nghiệp không tương ưng thì gió không hiện
được. tỷ dụ như trong câu chuyện huyền-hoặc là Tây du
ký, có La sát nữ vương lấy chiếc quạt Thiết phiến tiêu 1 cái mà Tề
thiên đại thánh bị bạt đi 8 vạn dậm. Là vì tâm của ôn hành
giả còn vọng động nhiều. Tới khi ngậm được viên thuốc Định-phong-đơn, thì
tâm bốt vọng động, nên tuy bị quạt nữa mà không bị bạt đi…
Đối với các bậc Thánh, thì kinh Lăng Nghiêm có
nhắc tới trường hợp ngài Lưu ly quang Pháp vương tử.
Ngài tu phép quán Phong đại, quán thế-giới và thân
tâm chúng sanh đều do sức LAY ĐỘNG của những
vọng-duyên chuyển biến ra… Lần lần, thấy rằng: những lay động
của thức tâm mình, cùng những thức tâm của
vi-trần-số chúng sanh, cùng vô vàn những lay động của thế
giới ấy đều như nhau, BÌNH ĐẲNG không 1 không khác. Cũng
đồng là 1 loài hư-vọng biến-hiện cả, có thể chuyển hiện VÔ NGẠI, như
huyễn như mộng, đến không từ đâu, đi chẳng tới đâu… Nên ngài đắc Vô
sanh nhẫn, và nhìn thấy được cõi Bất động của Phật A xúc ở phương
đông. Vì đắc Vô sanh nhẫn, thì Kiến đại đứng lặng, chiếu soi rất
xa và vi tế, nên thấy được nhiều cõi Phật.
e) Nói về KHÔNG ĐẠI:
Không-đại lại vi-tế hơn nữa,vô tướng mạo hơn nữa, nhưng lẽ
ẩn-hiện cùng tương tự.
Phật dạy đại ý như sau:
“Này A nan! Tới Không-đại hay hư-không này, tức là bắt
đầu đi vào chỗ vô-tướng-mạo rồi, tới gần cái thấy, cái thức
và Diệu tâm… Tuy nhiên, hư-không với sắc-tướng… Những trường
phái ngoại đạo cũng không thấu triệt, nên thường đưa ra khá
nhiều luận thuyết về hư-không. Hoặc họ cho rằng: hư-không
là NƠI CHỖ để an lập các sự vật sắc-tướng, và trong đó các sự
vật được an lập theo THỨ ĐỆ xa gần. Chủ trương như thế, thì
còn là thô kệch và thấp kém lắm, không hơn lối nhìn của
người thế gian là mấy nỗi. Vì còn chấp trước rằng có nơi
chỗ xứ-sở và có thứ-đệ-pháp-số (nombre), trong khi mọi xứ-sở cùng pháp-số đều
chỉ là luống lối.
Hoặc họ cho rằng: hư-không là pháp bị-làm-ra. Tỷ
dụ như khi ta nhổ bỏ cây cỏ, san bằng nhà cửa thì thành ra
hư-không. Nhưng nói như thế vẫn là thấp kém, vì suy ngẫm kỹ, thì sẽ thấy
rằng trong tất cả thế gian này, không thể có pháp nào do TẠO TÁC
mà thành tựu được.
Hoặc họ cho rằng: hư-không là không chướng-ngại, trong khi
sắc-tướng là chướng ngại. Nói như thế,là vì họ không hiểu rằng chướng
ngại hay không đều là do Vọng thức phân biệt và chiêu
cảm từ thời vô-thủy.
Hoặc có phái chủ trương cao hơn cả, thì cho rằng : Hư-không là
do Quang-minh diệt thành. Nói như thế thì đã gần chân-lí hơn, nhưng họ vẫn còn
chấp rằng những quang minh ấy là THẬT CÓ, và không hiểu rằng
ngay những quang minh ấy cũng chỉ là sự HUYỄN HIỆN của Thức
tâm.
Này A nan! Sự thật thì Hư-không ấy cũng chỉ là VỌNG
HIỆN, chỉ là Huyễn-hiện của Thức-biến, chỉ được dệt nên bởi
những quang minh vi-tế như-huyễn phát xuất từ những chủng-tử MÊ
MUỘI VI TẾ trong tâm thức chúng sanh. Trong khi
sắc-tướng được dệt nên bởi những quang minh thấp kém của
những MÊ MUỘI THÔ KỆT lóng lại…Do đó, nên Sắc-Không không
2, vì cùng 1 loài hư-vọng, vì đều là biến hiện cả…Và khi nào sắc
tướng mờ nhạt đi, tì hư-không hiện ra. Còn khi nào sắc-tướng hội-tụ
lại thành những nét vẽ sâu đậm, thì hư-không ẩn đi.
Tỷ dụ như hằng ngày, ông vẫn thường thấy trong thành
này, có những kẻ Chiên-đà-la làm nghề đào đất để khơi giếng nước. Nếu đào ra 1
thước, thì liền có 1 thước hư-không. Nếu đào ra 1 trượng đất, thì liền cos1
trượng hư-không.
Này A nan! Ông hớ nên lầm tưởng rằng hư-không ấy là do đất sanh,
hoặc do đào mà có, hặc không nhân gì mà tự sanh đâu…Sắc-tướng đất, hay tay
người đào chỉ là những duyên hội tụ mà thôi. Còn nói là không nhân gì mà tự
sanh thì cũng không đúng nốt. Vì Sanh-nhân của nó chính là nghiệp-lực chiêu
cảm. Nếu không có nghiệp tương-ứng, thì cho dù có đào bới nhiều kiếp,
thì vẫn không tìm thấy hư-không…Tỷ dụ như nhưngx kẻ đọa vào địa
ngục Vô gián, thì bền thấy thân mình lúc nào cũng đầy chật địa ngục, và dù
có đào bới nhiều kiếp, vẫn không kiếm nổi 1 chút hư-không để than mình có thể
cựa quậy.
Vậy thì ông nên nhớ kỉ rằng: TÁNH của hư
không cũng chính là CHÂN KHÔNG, và Chân-không thì chính là GIÁC
TÁNH tức là CHÂN GIÁC, vậy thì Tánh của hư-không là
Chân-giác. Ngược lại, thì TÁNH của giác cũng là CHÂN KHÔNG, và cũng tức là
Hư-không…Bởi vậy, nên hư-không bản nhiên thanh tịnh, viên
dung chuẩn đến khắp giáp, tùy theo nghiệp-lực chiêu
cảm mà ẩn niệm, không phải do nhân duyên hay Tự-nhiên!...
Về lẽ ẩn hiện, thì khi phàm phu chúng ta đào đất
hoặc đốn cây, hư-không liền hiện ra. Trái lại, nhà hay trồng cây, thì
1 phần hư-không ẩn đi.
Đối với bậc Thánh, kinh Lăng Nghiêm nhắc tới
ngài Hư không tạnh Đại Bồ tát.
Ngài là 1 bậc ghê gớm, vì từ kiếp xa xưa, ở nơi Đức
phật Định quang, ngài đã cùng tu với Đức Thích ca và cả đều đắc
Vô-biên-thân…Thân vô biên tức là thân bao cả hư-không, gần như
Thân-không-thân…” Lúc ấy, ngài cầm 4 hạt châu báu lớn, soi tỏ
các cõi Phật 10 phương nhiều như vi-trần, đều hóa
thành Hư-không…”. Có nghĩa là: ngài nhập những cơn tam-muội lớn, tỷ dụ như
Không tam muội, Vô-tướng tam muội, hoặc Vô-anh tam muội hay
Vô-nhị ta muội…, và trong những cơn định ấy, Tàng thức của ngài đứng
lặng, trở thành một tấm gương lớn Đai-viên-cảnh-trí, chiếu soi khắp
cỏi Phật.
Thấy rõ rằng: vi-trần-số cõi Phật đều như huyễn như
hóa, như bóng như tượng…, cùng với Hư-không đều BÌNH-ĐẲNG, không khác, vì đồng
1 loài hư-vọng, vì điều là do Tự-tâm biến hiện. Bởi thế, nên các cõi
Phật có thể hóa thành hư-không, có thể VÔ NGẠI nhập
vào Vô-biên-thân hư-không của ngài, cũng nư thân ngài có thể khéo nhập
vi-trần-số quốc độ, rộng làm việc Phật…Được đại-tùy-thuận, vì Sắc-Không
không 2, đắc Vô sanh nhẫ…
f)- Nói về KIẾN ĐẠI:
Về 2 món Kiến-đại và Thức-đại này, ở những chương trên đã nói
tới nhiều.
Chỉ cần nhắc lại rằng: Kiến-đại còn vi-tế hơn hư-không, ở sâu
hơn và gần Diệu tâm hơn nữa. Vì nó thuộc về Kiến-phần của Thức
Sơ-năng-biến, trong khi hư-không cùng bốn đại kia là thuộc về Tướng
phần… Nhưng lẽ ẩn-hiện vẫn tương tự. Lời Phật dạy đại ý như
sau:
“Này A nan! Kiến-đại này thuộc về Kiến-phần của Thức
Sơ-năng-biến khi Thức này chuyển hiện. Nó là cái thành phần quang
minh thanh sáng láng của Kiến phần, và thường đứng lặng. Nó
có giác quan, tức là có chiếu soi liễu-tri, nhưng nó không lăng
xăng phân biệt, và nó chỉ nhân các thứ sắc-không hay tối-sáng mà phát hiện
ra…
Tuy rất khinh thanh vi-tế và gần Diệu tâm, nhưng nó vẫn là
vô-tự-tánh, không có tự-thể, vẫn như mông như-huyễn, vẫn là biến-hiện của
tự-tâm.
Khi sự chuyển hiện của Tướng-phần làm khởi nên các thứ sắc-không
và tối-sáng, thì ở nơi Diệu âm, cái tính Diệu-viên trạm-nhiên yên lặng bị
dính mắc vào các thứ đó, và làm phát hiện cái Thấy Kiến-đại.
Nhưng này A nan! Ông phải cẩn trọng, chớ lầm tưởng rằng
Kiến-đại là do các thứ sắc- không hay tối-sáng sanh ra đâu…
Ông không thể nói rằng Kiến-đại ấy , so với sắc-không và
sáng-tối, là hoàn toàn khác nhau, là không cùng 1 thể. Vì sao? Là vì
chúng đều là do Tự-tâm biến hiện, và thêm nữa, nếu chúng THẬT là khác nhau, thì
cái Thấy không thể nào thẩm thấu sắc-không cùng tối-sáng.
Nhưng ông cũng không nói rằng Kiến đại ấy là một với
sắc-không và tối-sáng.Vì sao? Là vì tuy chúng đều là do Tự-tâm biến hiện, nhưng
mức-đọ vọng hóa đã khác nhau rất nhiều, vì mức-độ khinh thanh hay trọng trượt
của quang minh do đó đã khác biệt nhau. Thêm nữa, nếu kiến
đại là một với sáng hay hư-không, tì làm sao nó có thể thẩm
thấu và thấy được tới cùng các sắc-tướng?!?! Ngược lại cũng vậy,
nếu nó là một với tối và sắc tướng, thì làm sao nó có thể thấy được sáng
và hư không?!
Vậy thì này A nan! Ông nên biết rằng các thứ không cùng
tối-sáng chỉ là những duyên hội-tụ, cho Kiến-đại có thể phát hiện
ra mà thôi. Còn Sanh-nhân thật của nó là do nghiệp-lực chiêu cảm, làm
phát hiện lên Kiến-đại…Bằng chứng là lấy tỷ dụ1 co côn-trùng nhỏ nhít
như con giun hay sống trong lòng đất chẳng hạn, thì con giun này chỉ có
1 thứ thức giác thô sơ thôi( tức Thức-đại thô sơ), và chưa đủ nghiệp
lực để chiêu cảm Kiến-đại…, nên dù có đủ sắc-không cùng
tối-sáng hội-tụ, con giun ấy vẫn chưa thể làm phát hiện Kiến-đại được. Và còn
lâu lắm, nó mới có thể tìm thấy cửa ngõ để trở về Diệu-âm.
Bởi thế, này A nan! Ông nên nhớ kĩ rằng: trong Như lai
tạng nhiệm mầu, cái Thấy ở nơi tâm thức chúng sanh chính là
cái TÁNH MINH sẵn có của Bản giác hay Diệu tâm,
và cái Tánh minh sẵn có này của Bản giác thường hay biểu lộ ra
nơi CÁI THẤY của chúng sanh…(TÁNH KIẾN là Giác
minh, GIÁC TÁNH là minh-kiến )…bản nhiên thanh
tịnh, viên dung chu biến khắp giáp, chỉ tùy
theo nghiệp lực chiêu cảm mà ẩn-hiện, không phải là do nhân
duyên hay Tự-nhiên..”
Về Lẽ ẩn-hiện của Kiến-đại, thì nếu phàm phu chúng
ta cố ráng giữ cái tâm mình bình thản( tức BÌNH ĐẲNG hay
như-như bất động) trước mọi hoàn cảnh đổi thay, không khởi
tâm yêu ghét, thì Kiến-đại lần lần hiện ra, và Thức-đại lần lần ẩn
đi… Còn tâm ta cứ tiếp tục mong cầu yêu ghét, thì Thức-đại ngày
càng chồng chất, và Kiến-đại ẩn đi. Và cửa ngõ vào vườn Thiên
thai của Diệu taambij những cánh hoa đào rơi rắc chồng chất bít
mất lối về….
Còn đối với các bậc Thánh, Thì có ngài Đại thế
Chí Pháp vương tử đã dùng câu niệm Phật để thúc liễm 5 căn,
rồi dùng ý NHỚ TƯỞNG Phật để lắng đọng Kiến-đại, lọt
vào vô thức, làm phát hiện ra cái Kiến-đại tịnh
diệu của Tàng thức, và nhìn thấy 10 phương chư Phật.
i)- Nói về THỨC ĐẠI:
Cũng tương tự như Kiến-đại, Lẽ ẩn-hiện cũng như vậy,
nhưng Thức-đại thường trọng trượt hơn, và vọng-động nhiều hơn.
Lời Phật dạy đại ý như sau:
“Này A nan! Thức-đại ấy cũng được kết tập nên do
những quang minh của các Kiến-phần thấy-nghe-hay-biết, nên
cũng tương tự như Kiến-đại. Nhưng trong khi Kiến-đại là
cái thành phần khinh thanh sáng láng hơn, tuân theo những
tập-khí nhận thức muốn LY VẬT trong tâm
thức chúng sanh nên thường ĐỨNG LẶNG để chiếu soi…,
thì Thức-đại là cái thành phần trọng trược kém sáng láng, tuân
theo những tập-khí muốn GIẢ HỢP với Vật, nen ưa
thích LĂNG XĂNG RONG RUỔI chạy theo Vật, và do đó
nhiều giao động cùng vọng động hơn.
Trong khi Kiến-đại chỉ chiếu soi và liễu tri nhưng
chẳng muốn hề tưởng tình, thì thức-đại rất ưa khởi tưởng khởi
hình…Cho nên, trong khi Kiến-đại chỉ dính mắc đôi chút vớ săc-không hay
sáng-tối, thì Thức-đại dính mắc rất nhiều với cả 6 trần, vì dính mắc với 6 trần
nên dính mắc cả 6 căn nữa.
Nhưng thực ra này A nan! Thức-đại ấy nó chẳng có nguồn
gốc thật gì đâu, nó chẳng có tự-thể, nó vô-tự-tánh, chỉ là biến-hiện, là
huyễn-hiện. Nó chỉ là những tâp-khí thâm sâu,ƯA lăng-xẳng rong ruổi
để dụng tâm phân biệt khởi tưởng khởi tình, rồi nhân nơi 6 căn 6
trần mà GIẢ DỐI phát hiện ra…Cũng như ông hiện nay, đang đúng nhìn
các Thánh chúng trong pháp-hội này. Nếu ông chỉ dùng con
mắt lướt qua, chẳng dụng tâm phân biệt, thì ông thấy rằng tất cả
những người trong hội này đều chỉ là những chiếc bóng trong gương,
chẳng-thật-chẳng-hư, và tâm ông vẫn nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng nếu ông
nặng tâm muốn phân biệt, muốn khởi tưởng khởi hình, thì ông sẽ thấy rằng
đây là đây là ông Văn thù, đây là ông Tu bồ đề, kia là ông Xá lơi
Phất, kia là Đức Thế tôn có sắc thân vàng chói và
đương thuyết pháp. Như thế thì tâm thức ông sẽ nặng chĩu, vì
TƯỞNG rằng những chiếc bóng ấy là thật rồi khởi tâm YÊU
GHÉT.
Vậy thì ông chớ nên lầm tưởng rằng: cái Thức nhận
biết như thế là do Kiến-phần mà sanh ra, hoặc do các sắc-tướng hay
hư-không mà có, hoặc không nhân gì mà bỗng nhiên sanh ra đâu!...Kiến-phần hay
sắc-tướng hay hư-không cũng chẳng qua chỉ là những duyên hội-tụ, khi hội-tụ đầy
đủ thì làm huyên-hiện nên cái Thức tâm nhận biết ấy mà thôi. Còn
cái Sanh-nhân chính thì vẫn là do nghiêp-lực chiêu cảm. Nếu ông không có
cái nghiệp-lực tương-ưng và chiêu cảm từ vô thủy, thì dù các
duyên có hội tụ đầy đủ, ông vẫn chẳng thể nhận biết những bóng
dáng của 6 trần được…Tủy dụ trong pháp hội này, nếu có một con
giun đất bò qua, hay 1 co chim bay qua,hay 1 con ngựa đi qua, tuy các trần vẫn
đầy đủ, và côn vật ấy cũng có các căn để thấy-nghe-hay-biết…nhưng nó tuyệt
nhiên chẳng thể phân biệt rằng đó là ông Văn thù Pháp
vương tử, và đó là 1 Đấng Thế tôn xuất hiện nơi đời hy
hữu như 1 bông hoa Linh thoại…
Và ông nên nhớ rằng: trong Như lai tạng nhiệm mầu,
Thức-đại ấy vốn là những tập-khí ưa LĂNG XĂNG RONG RUỔI để
khởi tưởng khởi hình, đột khởi lên từ Tánh Tịnh-minh Bản giác,
và Tánh Tịnh-minh Bản-giác này thật là CHÂN TÁNH của
Thức-đại…và Đại này cũng bản nhiên thanh tịnh, viên dung chu
biến khắp giáp, tùy theo Nghiệp-lực chiêu cảm mà
ẩn-hiện không phải do nhân duyên hay Tự-nhiên..”
Về Lẽ ẩn-hiện, thì phàm phu chúng ta suốt ngày
thường làm phát hiện Thức-tâm phân biệt, tức Thức-đại…Nhưng nếu
ta phát tâm tu hành, trì giới, thiền quán, đọc
tụng kinh điển và trì thần chú… thì cái thức-tâm lăng-xăng rong
ruổi chạy theo cảnh ấy lần lần bớt đi, và Thức-đại lần lần ẩn đi. Rồi
Kiến-đại lần lần hiện ra, làm phát khởi cái Thấy tịnh diệu.
Còn đối với các bậc Thánh, thì có ngài Di lặc Đại Bồ
tát… từ những kiếp xa xưa, ngài vốn là người ưa chuộng hư-danh, nghĩa
là rất nhiều vọng tâm. Gặp được Phật Nhựt-nguyệt đăng minh chỉ
cho pháp môn quán chiếu về cái Vòng huyễn-hiện cuer Thức
biến. Ngài quán chiếu lâu rồi, thì đứng ngay ở giữa mê-hồn-trận của
trường Thức-biến đầy vọng hóa ấy, ngài cũng nhận rõ thấy rằng các sự vật, các
cõi cũng chỉ là sự huyễn hiện của Thức biến. Thấy rõ được Chân-tánh của
Thức-đại, xa rời Biến-kế-chấp cùng Y-tha-khởi, chứng nhận tánh
Viên-thành-thật, thành tựu được Vô-thượng-diệu-viên thức
tâm tam muội…Cái hay của ngài là đứng ngay ở điểm cực-độ của Vọng hóa
mà quán chiếu và đắc quả…
Tóm lại là 7 đại tức là 7 lớp quang minh, từ Thô đến
Tế, thường đột khởi huyễn-hiện lên từ nơi Chân-không, thường
thẩm-thấu lồng vào nhau, vẫn ẩn hiện nhịp nhàng tương-ứng tùy
theo nghiệp-lực chiêu cảm của chúng sanh trong cuộc.
Để hiểu biết thêm về Lẽ ẩn-hiện này, thiết tưởng cần
lấy tỷ dụ về vài loại chúng sanh:
Nếu lấy trường hợp 1 co giun thường sống trong lòng
đất và ít khi thấy ánh sáng mặt trời, thì đối với nó và
do nghiệp lực hiên hành chiêu cảm, vũ
trụ y-báo xuất hiện toàn là địa-đại( đất và đá), thỉnh
thoảng pha lẫn một chút thủy-đại hay hỏa đại hay
hư-không…Còn về thân-căn chánh-báo, thì chỉ có địa-thủy-hỏa-phong-không và 1
chút thức-đại thô sơ, và hầu như không có kiến-đại vì đại này chưa nở
ra được. Cho nên, con giun chưa thể nào nghe hiểu được giáo lý Phật,
cũng như chưa thể phát tâm tu hành để làm phát hiện cái
Thấy tịnh diệu, vì ở nơi tâm thức của nó, kiến-đại bị chôn vùi
quá sâu.
Đối với loài cá sống sâu trong nước, thì vũ trụ xuất
hiện toàn là thủy-đại, pha lẫn 1 chút địa-đại và
hư-không. Thân căn của chúng thì gồm 5 đại trước, cộng
thêm 1 ít thức-đại thô sơ, còn kiến-đại thì chắc rằng rất ít và mù mờ…Tuy
nhiên, nếu chúng có túc duyên gặp gỡ được 1 bậc Đại Bồ
tát như ngài trưởng giả Lưu thủy( 1 tiền thân của Phật
trong kinh Kim quang minh), và bậc này diễn nói cho nghe về giáo
lý thâm thâm Thập nhị nhân duyên, thì Tàng tức của chúng cũng
có thể bừng nở Kiến-đại tịnh diệu và đi thọ sanh ở cõi
trời được.
Đối với chư Thiên cõi Sắc, thì thân căn của
họ toàn là những sắc vi-tế, không có đại-địa và hầu như cũng không có
thủy-địa. Vũ trụ y-báo cũng xuất hiện gồm toàn những sắc
vi-tế…Nếu họ lang bang đi xuống nhân thế, thì họ có thể nhìn thấy
đia-đại và tủy-đại, song những đại này không lưu ngại thân
căn của họ. Nhưng nếu họ ham thích cái vui nơi nhân thế, và
ở lâu nơi đây, thì thân căn lần lần trở nên thô
kệch hơn…Khi đến kiếp hoại, có những thủy-tai hỏa-tai nổi lên, thì các
tầng trời từ đệ-tam thiền trở xuống đều bị tiêu hoại. Song những tầng trời của
đệ-tứ thiền không bị tiêu hoại, vì thân căn cùng tâm
thức của họ đều vi tế hơn.
Đối với chư Thiên ở cõi Vô-sắc , thì thân
căn của họ lâng lâng, chỉ gồm có không-đại, Thức-đại,
Kiến-đại. Vũ trụ y-báo cũng xuất hiện chỉ có vậy,
vì nghiệp lực của họ đã vượt qua các sắc-tướng thô kệch…Nơi
đây quả thật là lâng lâng ít khổ lụy, và các tu sĩ Ba la
môn thường ngày hay dừng chân lại ở các định này, hay thọ sanh ở cói
này. Còn cá vị hành giả tu theo Chánh pháp của nhà Phật
và hiểu biết diệu tâm thì thường hay tránh không muốn
vào những định này, vì sợ bị cám dỗ muốn dừng chân và không tiến
tu lên được nữa để độ sanh.
Loài người chúng ta thí có đủ các thứ nghiệp hiện
hành để chiêu cảm đủ 7 đại…Nên đọa cũng dễ, và muốn tu lên cũng
tương đố dễ.
Khi một hành vi giả vào được Diệt-thọ-tưởng định, thì
vẫn còn cái thân-căn gồm thủy-địa-hỏa-phong-không. Nhưng trong tâm thức,
thì Thức-đại không hiện hành, chhir có Kiến-đại hiện hành.
Đối với 1 bậc Đại Bồ tát, thì tùy nguyện thọ sanh. Muốn có
7 đại cũng được, hay 1 vài đại cũng được. Và đại nào cũng vô ngại, vì đều
là Diệu-hữu…
Lẽ ẩn-hiệ đó nghiệp lực chiêu cảm là như vậy….
Rất có thể rằng trên những trang trên đây, có những
điểm suy diễn lệch lạc hơi sai với ý kinh, nhưng vẫn mạo muội viết ra
để góp ý và gợi ý với ban đọc, để thêm phần kiến giải, mong rằng có nhiều
bạn khởi tâm đọc tụng, suy ngẫm về bộ kinh hy
hữu cuẩ Thủ Lăng Nghiêm vương…Vì thiển nghĩ rằng có
hiểu Kinh Lăng Nghiêm, thì sự tu tập hành trì của
người Phật tử mới dễ vững vàng được…
THAY LỜI KẾT
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương bao gồm cả pháp giới cùng
các bí-ẩn của pháp giới hay tâm thức. Nên Chư Phật có diễn nói
hoài hủy từ kiếp này sang kiếp khác, cũng chẳng hết được đạo-lý của Kinh.
Phàm phu chúng ta chỉ mong hiểu lỗ mỗ được ít điều,
để tu tập hành trì, khiến cho tín tâm được vững
chắc hơn, và hạnh nguyện thâm diệu hơn...
Viết đến đây, cũng có thể gọi là kết thúc phần DUY
TÂM SỞ HIỆN hay ẢNH HIỆN của Kinh Lăng
Nghiêm và của giáo lý Đại thừa.
Theo lẽ ra, tập tiểu-luận này phải viết thêm 3 chương dài nữa
thì mới đầy đủ:
- Một chương để lần giở lại những trang kinh, và lý giải thêm về
những đoạn khúc mắc khó hiểu.
- Một chương để nói về Ma-chương trên con đường tu
Như-huyễn Tam ma đề, cùng sự gia trì cần
thiết của thần chú Đại Phật Đảnh. Vì tu càng cao bao nhiêu, lại
cần sự gia trì bấy nhiêu để khỏi lạc vào sự móng-niệm của những
ý-ma...Trong kinh, Phật ân cần dặn đi dặn lại Ngài A
nan cùng các bậc Thanh văn cần phải trì chú hật Đảnh.
Các ngài là những bậc đã đắc Ngã-không và xứng đáng làm Tổ rồi, mà còn cần
phải trì chú đó, huống hồ là những kẻ phàm phu sanh nhằm
thời mạt-pháp như chúng ta?!
Nên thiết tưởng, dù chúng ta tu pháp môn gì chăng
nữa, cũng cần phải nương vào thần chú đó, và coi như
giới-thân huệ-mạng của mình...Nếu tu Tịnh độ, cũng cần trì
chú ấy và hồi hướng Cực lạc, vì xưa kia, Phật từng dạy
ngài Liên Hoa Minh vương Bồ tát phải trì chú ấy
vào đất cát và rải lên các thây ma để thần thức những kẻ chết có
thể vãng sanh Cực lạc..Nếu tu theo Thiền Đốn ngộ, trừ
phi là bậc tối thượng căn vì lòng từ bi mà thị
hiện nơi nhân thế (như kinh Lăng Già và Hoa
Nghiêm có dạy rõ), cũng chớ nên nghĩ rằng sức quán chiếu Tự-lực
của mình có thể đủ gột sạch những tập-khí vọng-tưởng tiềm phục từ
thời vô thủy trong những nơi hang sâu núi thẳm của biển Tàng
thức, và cũng cần phải trì chú. Vì xưa kia, ngài Hám Sơn thiền
xư cũng xác nhận rằng các vị Tổ Thiền Đốn ngộ phần lớn đều
có trì chú cả, có điều là các Ngài không nói ra mà thôi...
- Một chương để nói về CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ của
con CÁ TÍCH muốn lội ngược dòng vô minh, xuyên
qua 5 màn sương mù ngăn cách là 5 ấm, để trở về chứng
nhập Diệu tâm.
Con đường Trở về tức là NGUỒN THIỀN NHƯ
HUYỄN. Nguồn Thiền là một vấn đề bao la phức tạp, có rất
nhiều đường tẻ và dễ gây nhiều ngộ-nhận hư ngụy, nên cần
phải nói về pháp tu Ma ma tha (tức là tu CHỈ, cũng tức
là Quán KHÔNG), về phép tu Tam ma bát đề (tức tu QUÁN, cũng
tức là Quán GIẢ), về phép tu Tam ma đề (tức CHỈ QUÁN song
tu, cũng tức là Song chiếu TRUNG đạo).
Nói về con đường Tu của 25 vị Thánh trong Kinh
Lăng Nghiêm, về 25 phép tu trong kinh Viên Giác, cũng như về lời dạy của
Ngài Mã Minh về chỉ-quán song tu trong bộ Đại thừa Khởi
tín.
Nói về bộ Ma ha Chỉ quán của ngài Thiên
thai trí Khải cùng Lục diệu pháp môn...Cũng như nói
về trạng thái Satori (tức Đốn ngộ hay là THOÁNG NHẬN
THẤY TÁNH của mình) của ngành Thiền Đốn ngộ. Thực ra,
thì trạng thái satori này chẳng phải là ngẫu nhiên và dễ
dàng gì: vì trước khi đó, kẻ hành giả cần tu công phu quán
chiếu lâu năm để thu dọn và chuẩn bị tâm thức của mình, rồi tới
1 ngày túc duyên tốt đẹp, gặp 1 vọ Tổ dùng phương thức thiện
xảo điểm-hóa cho, phá vỡ cái giòng-biến-dịch-lưu-chuyển thông thường
theo nghiệp lực nở ra của tâm thức, đưa hành giả đột
nhập vào trng5 thái satori, thoáng-ngộ, thoáng-nhận thấy TÁNH của mình. Và
rồi sau đó, còn phải tử-công-phu miên mật, để sống với Tánh, hoặc tu Lục
độ vạn hạnh...như thí cái thân như huyễn hoài hoài trong nhiều
kiếp...thì mới có thể Chứng nhập, tức là nhìn thấy Tánh 1 cách rõ
ràng và thường trực được.
Đồng thời, cũng cần nói rõ về những khuyết điểm lệch lạc của
Thiền ngoại đạo, cùng những thiếu xót cúa Thiền Nhị thừa khiến
cho tâm thức không thể bay bổng tuyệt
vời được...Và thực ra, thì tất cả những con đường đó cũng
đều bị bao trùm bởi giáo lý Như huyễn và Nguồn Thiền Như
Huyễn...
Nhưng kẻ viết xin được tạm ngưng bút nơi đây, và chờ một cơ
duyên khác....Vì nếu viết ra dài quá, thì người đọc cũng dễ ngại
ngùng chán nản..Vả lại, thiển nghĩ rằng nếu hiểu
rõ được phần ẢNH HIỆN của giáo lý Chư Phật, thì có lẽ
người Phật tử nào cũng có thể tự tìm lấy 1 con đường Trở
về, và lên đường làm con CÁ TÍCH...
NAM MÔ VÔ NGẠI QUANG NHƯ LAI.
NAM MÔ LIÊN HOA MINH VƯƠNG BỒ TÁT,
LONG THỌ BỒ TÁT
Trí-Độ-Tử
Tịnh-Liên
Long Beach, mùa hạ 1983.
Comments
Post a Comment